khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Cao Thoại Châu – Nhà thơ, nhà giáo trong cõi đời mênh mông

 

Khoảng năm 1992, Xuân Hương bạn tôi, yêu thích thơ Cao Thoại Châu, đề nghị “ủng hộ” in cho anh tập thơ đầu tiên. Cả bọn xuống Long An gặp anh, mọi việc tiến hành thuận lợi, Vương Thừa Bình ở NXB Long An cấp phép, họa sĩ Rừng vẽ bìa, phụ bản. Tập thơ “Bản thảo một đời” ra mắt ngay trong năm 1992. Thế mà có người “ác miệng” đùa dai là “Bán tháo một đời”.
Chưa hết số phận tập thơ thật long đong khi nhà thơ Trần Dzạ Lữ cho biết: “Đến gần năm 2000 anh về Sài Gòn tôi mới có cơ hội gặp gỡ. Một người luôn mang cặp kính đen và trong giao tiếp thì chẳng niềm nở là mấy. Sau đó cũng gặp vài lần. Tuy không thân tình tôi vẫn mến anh – nhất là khi tôi phát hiện tập thơ “Bản thảo một đời” của anh trong gánh ve dọc đường (Tôi hỏi chị ve chai và mua lại đem về tủ sách của tôi). Từ đó, tôi càng thêm đồng cảm sự cô đơn đến lạnh lùng của thi nhân…
Lâu nay không thấy anh lên Sài Gòn, tôi nghĩ cái tuổi hoàng hôn rất khó xê dịch”. (Trích Cao Thoại Châu: Nhà thơ, nhà giáo với thi phẩm Bản thảo một đời)
Nhà thơ Cao Thoại Châu qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường
Cao Thoại Châu tên thật là Cao Đình Vưu, sinh năm 1939 tại Giao Thuỷ, Nam Định, di cư vào Nam năm 1954. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1962. Nhiệm sở đầu tiên của ông là Trường Trung học Thủ khoa Nghĩa ở tỉnh Châu Đốc.
Bút hiệu của ông được ghép từ chữ Thoại là chữ lót trong tên của người bạn gái gốc Hoa và chữ Châu trong tên tỉnh Châu Đốc mà thành. Ông còn có các bút danh khác là Tiểu Nhã, Hư Trúc.
Sau năm 1968 ông bị động viên vào quân ngũ. Năm 1970 ông được biệt phái về Bộ Quốc gia Giáo dục và thuyên chuyển về Trường Nữ Trung học Pleime của tỉnh Pleiku. Cao Thoại Châu dạy học tại đây cho đến ngày 30.4.75.
Sau 1975, ông vào trại cải tạo 3 năm và cũng như nhiều nhà giáo khác, Cao Thoại Châu phải nghỉ dạy trong một thời gian khá lâu. Trong thời gian này ông làm thợ hồ, sau đấy mới được gọi đi dạy lại tại trường Trung học Phổ thông Long An.
Trước năm 1975 Thơ Cao Thoại Châu xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí văn học: Văn, Văn Học, Khởi Hành, Thời Tập… Sau 1975 ông nghỉ viết trong 15 năm. Từ 1990 thơ ông mới xuất hiện trở lại trên các báo Thanh Niên, Kiến Thức Ngày Nay, Long An Cuối Tuần…
Tác phẩm đã xuất bản: “Bản thảo một đời” (thơ, 1992); “Rạng đông một ngày vô định” (thơ, 2006); “Ngựa hồng” (thơ, 2009); “Vớt lá trên sông” (tạp bút, 2010); “Vách đá cheo leo” (tạp bút, 2012) .
Trên FB Cao Kim Dung – em gái của Cao Thoại Châu, lược dẫn những dòng tâm sự của chính anh viết:
*Trời dẫn tôi đi làm thầy giáo và ông trời thường đưa tôi qua những lối gai góc. Năm dạy đầu tiên của tôi, không hiểu sao một sáng cả thị xã ồn lên vụ một nữ sinh đệ tam uống thuốc ngủ.
*Và càng không hiểu vì sao lại có tin đồn tôi gây ra vụ đó. Mục Ao Thả Vịt trên báo Sống của ông Chu Tử quẳng tôi lên đó, và đòi…thả dù tôi ra Bắc vì khi ấy đang có chuyện chính quyền Sài Gòn thả dù ra Bắc một số chính khách đối lập!
*Người ta kêu tôi về trình diện Bộ và giữ tại đó. Ông thanh tra đáng tuổi cha tôi nhìn tôi rất khó chịu, bảo “Ông phải lấy nó”, tôi cũng nhìn ông nháng lửa bảo “Ông xuống mà lấy nó, cho ông!”. Ông già tức như muốn giết kẻ ngồi đối diện!
*Sau mấy tháng thanh tra này nọ, người ta tuyên bố tôi không phải thủ phạm và nhân danh “lý do công vụ” họ chuyển tôi lên dạy ở Kontum!
*Vài năm sau đó người ta còn đẩy thêm cho tôi 03 năm đi lính, giữa thời chiến lúc ấy thì đó coi như bản án tử hình cho kẻ hư!
*Cô đơn cũng là một cái hư!!
Mê văn chương nên tôi rất trân trọng và thương cảm cụ Tản Đà, người tài hoa và người bị kẹt ở cái bản lề hai thời đại trong văn chương đầu thế kỷ XX để cuối cùng…ra vỉa hè viết mướn! “Nhà thơ ra vỉa hè viết mướn/ Tự bao giờ đau xé ruột gan tôi”.
*Là thầy giáo nên tôi vắt qua hai nền giáo dục cho đến khi nghỉ hưu. Có điều làm day dứt mãi là, sau 1975 tôi đến lớp với tâm trạng người làm công tận tụy nhưng thật tỉnh các bài giảng không còn lửa nữa!
*Đó là một cái hư không thể minh giải!
Anh trả lời ông Lương Thư Trung ở Houston ngày 10 tháng 08 năm 2013:
“…Mãi đến ngoài hai mươi tuổi – chính xác là lâu hơn thế – tôi mới có bài thơ tình đầu tiên cho mình. Đúng ra, trước đó cũng có được đôi bài nhưng là thơ tình “cóc gặm” của một cậu học trò thích lang thang hơn bám trường bám lớp. Thơ tình miền Nam trước 1975 là một mảng của tấm lụa là gấm vóc chứ không phải “hiện sinh chủ nghĩa” hiểu một cách bệnh họan là “yêu cho gấp và yêu bất kể chết ” như một số “nhà nghiên cứu” quy chụp đâu. Say đắm một cách đắm say, mới mẻ và kinh thánh, và khổ nỗi cũng có nhiều nỗi buồn thời đại quá, tôi vẫn nghĩ thế khi nhớ lại một thời thơ tình miền Nam.
……
Sài Gòn những năm sau 1954 đang có một làn gió văn chương hiện sinh thổi vào, qua ngả giảng đường đại học hoặc do các tiệm sách lớn, và nơi tiếp nhận chính là văn chương tại chỗ. Người ta bắt đầu làm quen với cảm xúc mới mẻ này “Đời sống ôi buồn như cỏ khô/ Này anh, em cũng tợ sương mù/ Khi về tay nhỏ che trời rét/ Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ” (Nhã Ca), thì đấy, không đấu tranh, không cuồng vội, chỉ là thơ và người thôi! Thơ tình miền Nam chào giã biệt một thời đại thi ca – thường gọi là Thơ Mớ i – mà không cần đến lễ lạt hoặc một sự hủy diệt nào, để ra riêng cho mình một cơ ngơi hiện đại.
…..
Chiến tranh là hòa bình bị dán đè lên một mảnh giấy, ai cũng biết thế và ai cũng nuôi trong lòng một hy vọng ngày mảnh giấy rơi xuống. Nhà thơ vốn là người bén nhạy hơn “ Và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng/ Không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm/ Ba giờ sáng xuống Ngã tư quốc tế/ Ăn một tô mì thơm ngát bình yên” ( Phạm Cao Hoàng). Thật tuyệt vời cho tô mì ăn vào phút đầu tiên của hòa bình! Nó như một niềm hân hoan bé mọn không ít lần bị hụt hẫng. Phải đã từng có mặt ngoài phố, đứng ở một gốc cây, sau một tảng đá, trong giờ giới nghiêm mới hình dung ra được ảo ảnh một phút giây hòa bình là thế nào.
…..
Thơ tình thời chiến ở miền Nam trước 1975 – hiểu gọn là thơ “Sài Gòn”- không có không khí hào hùng nhưng đó là một nét đẹp bởi nó chân thật, làm nên một giai đọan thi ca đáng lưu giữ và trân trọng, nó có tính lịch sử rõ ràng. Tuy nét đó là một nỗi buồn có phần bị động, khó lòng nói hết..”
Cuộc đời thăng trầm của Cao Thoại Châu trải qua ba vùng đất với những dấu ấn đậm đà trong văn chương là Châu Đốc, Kontum – Pleiku và Long An.
Trong cuộc trao đổi với ông Lương Thư Trung về những ngày dạy học ở Châu Đốc anh bảo: “… Những ngày ở Châu Đốc quả là một thời giống như cổ tích…”
Bài thơ “Để nhớ lúc Trâm xa” viết vào ngày 11 tháng 5 năm 1969 ở Pleiku tới bây giờ vẫn còn âm vọng sâu xa của núi rừng cao nguyên:
“Hình như tôi vừa tiễn một người
có điều gì mất đi trong tôi
Lúc qua đèo tôi nhủ mình như thế
Lệ có bào mòn núi cũng không nguôi
Mấy giờ trưa nay người lên phi cơ
Người mặc áo hoa lần đầu gặp gỡ
Hay áo hồng như chiều hôm qua
Buổi chiều mây đùn trắng xóa
Cho tôi già trong một cõi vô tư..”
Những năm gần đây, trên trang web cá nhân “Rạng Đông Một Ngày Vô Định” tác giả có chú thích: ” Nhân đây xin được giải đáp thắc mắc của một số bạn thích bài thơ này. Lúc đó sống ở Pleiku tôi có cộng tác với đài phát thanh, bài tôi được đọc sớm hơn bởi một ngôn ngữ có giọng nói trong trầm. Nghe, hiểu người đọc được ý người viết, và nghe miết rồi thích người đọc. Quen nhau gần nửa năm, một hôm cô ấy báo tin về Sài Gòn nghỉ phép, thế là tôi có mặt ở phi trường, và được trao một cuốn sách. Thật sự sung sướng vì biết sẽ có thư. Đúng như vậy, khi còn lại một mình giữa phi trường, mở ra thì đó là báo tin đám cưới cô ấy! Một mảnh giấy nhỏ, trong đó có câu: “Anh chỉ thích em nên anh không bày tỏ tình cảm, mà có người tới em phải đi lấy chồng. Anh quên tình thì ráng chịu!”. Té ra là phải bày tỏ tình cảm khi yêu mà tôi quên làm như thế! Ngốc độc thật!”
Nhà thơ Cao Thoại Châu cả đời dạy học, làm thơ, cuối cùng ẩn cư một miền quê ở Long An, xem mọi thứ như bóng câu vút qua cửa sổ.
Năm 1969, Cao Thoại Châu được trở về với phấn trắng bảng đen. Bài thơ “Khi trở lại Kontum” mang những tâm tư nặng trĩu của một thời buổi chiến tranh được đăng trên tạp chí Văn đã bị kiểm duyệt nhiều câu:
“… Lời giảng cũ bây giờ làm hối hận
cùng lời thơ rơi xuống xanh xao
cửa tương lai không có lối vào
Ta cứ đứng bên ngoài bứt rứt
Thầy đã về như một hồn ma hiện
Nhìn các em hết sức bao dung
Sự gặp gỡ chính ra là ngã rẽ
Ta vô tình đi lạc giữa thân quen
Thầy đã về và tự nhiên phải nghĩ
Tuổi ba mươi vừa sống hết đời mình
Có tất cả bao nhiêu dấu hỏi
Đều trở thành những dấu chấm than.”
Sau năm 1975, anh được trở lại đi dạy học. So sánh hai nền giáo dục của hai thời kỳ trước và sau năm 1975, Cao Thoại Châu đã thẳng thắn phát biểu ý nghĩ của mình không né tránh: “Nói thật nhé, khác nhiều lắm. Thời ấy xã hội tôn trọng người thầy hơn nhiều, “nuôi” người thầy ở một mức trung lưu để cho anh ta… sạch. Cái khổ của người thầy bây giờ theo thiển ý và xin nói đúng điều mình nghĩ nhiều sợi dây cột vào thân người thày quá, giáo án, hội họp, sách giáo khoa viết luôm thuộm mà sai tùm lum, thành tích (giả).”
Anh tâm sự: “Tôi đã mất đi nhiều thứ, nhiều lắm trong đó có cả những thứ lớn lao, nhưng một trong cái mất cứ còn dai dẳng thao thức trong lòng là Pleiku, là ba năm sống tại Pleiku! Kể lể dài dòng bởi vì những năm sống tại Pkeiku là những năm lòng bình an nhất so với những nơi sống trước. Tại sao, xin đừng có hỏi…”
Thơ Cao Thoại Châu chủ yếu về tình yêu, nhiều tâm sự, kể lể thay cho lời đối thoại. Bài “Mời em uống rượu” được xem là thành công nhất, nhiều bạn đọc nhắc đến, nói lên nỗi cô đơn không cùng của một kiếp nhân sinh lận đận.
“Có những đêm trường gợi tiếc thương
Có ta lấy tóc đếm ưu phiền
Có ta nâng trái sầu chín rã
Có lệ ta hoà chung hơi men
…..
Có nắng chiều đang rơi ngoài bãi
Bãi vắng chiều xa không bóng người
Chứng kiến giờ ta lên cơn hấp hối
Ta đội nón đi mời em uống rượu
……
Có ta trong một toa tàu trắng
Tỉnh rượu nằm nô giỡn một mình
Có em còn đứng sau khung kính
Có nỗi buồn gửi một toa riêng.”
Sài Gòn, 26-12-68
(Mời em uống rượu)
Xuyên suốt là nỗi ưu tư, trăn trở của nhà giáo trước thời chiến qua các bài thơ như “Chỗ ngồi của nhà giáo thời chiến”, “Bài giảng khai trường”, “Khi trở lại Kontum, “Thư gửi một em bé Hoa Kỳ”,…:
“Rồi một đêm khoác áo ra đường
Với nỗi sầu với phẫn nộ như điên
Đạn vẫn nổ ầm phá tung đêm lạnh
Máu vẫn chảy hoài trên mỗi bản tin
Bảng với phấn và Thầy tự nhiên vô dụng
Và bơ vơ giữa bóng tối xây thành
Các em sau này lớn lên mỗi đứa
Đứng nơi nào trong cuộc chiến tranh?”
Cả đời dạy học, làm thơ, cuối cùng ẩn cư một miền quê ở Long An, xem mọi thứ như bóng câu vút qua cửa sổ. Anh nhẹ nhàng thổ lộ:
“Trong một lần tiễn cô bạn như một chia tay, tại một phi trường tỉnh lẻ thời còn chiến tranh, không hiểu sao bài thơ sau đấy lại có câu “Đời buồn tênh sao người không đi ngựa / Cho tôi nghe lóc cóc trên đường”. Và không mơ, rõ ràng tỉnh táo khi đọc “Hán Sở tranh hùng”, nỗi xúc động mạnh cũng không hiểu sao lại là giây phút cuối của Hạng Võ trên sông Ô Giang. Sở Bá vương bị phanh thây, một thời lẫy lừng kết thúc bằng những phút bi tráng. Thế là “Trời chiều ngút tỏa Ô Giang / Chiếc yên vắng chủ ngựa sang một mình / Trên con thuyền bé lênh đênh / Bốn chân xếp lại buồn tênh ngưa hồng”. Là sức mạnh để chạy, phi, tung vó…mà phút giây ấy bốn chân xếp lại nằm trên con thuyền nhỏ băng qua trường giang, chẳng đáng ngậm ngùi cho khúc quanh một số phận hay sao? Những con ngựa trong thơ tôi thường buồn và nhiều người nói thơ tôi cũng thế.” ( Ngựa Hồng – thơ, 2009).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét