Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ.
Nơi không còn gì nữa hết là khởi đầu thơ. Một xóa bỏ tậncùng.
Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ.
(Mai Thảo)
***
Nhiều ngày bị ruồng bố. Nhiều mảng quá khứ đành đoạn lóc ra, bỏ lại. Ông già ra đi. “Bảy ngày đêm theo song nước trôi…” Cuối cùng rồi bến bờ xa lạ kia cũng trong tầm mắt. Đã đến. Đã ở. Đã mười bốn năm. Mười bốn năm, thoáng chốc. Mười bốn năm, da mồi, răng rụng, tóc tuy không bạc nhưng đã lưa thưa. Mười bốn năm, liệu có không một ngày về? Không. Ra đi là đoạn tuyệt, là lưu vong. “Đã lưu vong, cho lưu vong mãi”.
Tổ quốc bất khả phân đã phân
Từ dòng sông từ bản hiệp định kia
Đất nước mấy nghìn đời không thể mất
Chỉ một ngày đã mất
…
Bản ngã đã nhị trùng?
Tôi ném lại cái tôi xưa đã diệt
Tôi mang theo cái tôi mới lên đường
Như hạt hủy thể cho mầm sinh từ hạt
Hai ngọn sóng ngược chiều về mỗi ngã
Ngọn quá khứ mịt mùng không thấy nữa
Ngọn tương lai đang trắng xóa theo tàu
Mười bốn năm… Bây giờ ông già ngồi đây, trong ngôi quán vắng cùng với tên bạn nhậu vong niên. Ông già cầm cổ chai Martell – loại hai chữ - dốc vào chiếc ly thủy tinh chỉ còn chút cặn màu nâu loãng, đôi mắt nhỏ, đục, nằm dưới hai chân mày nhạt và vầng trán nhiều vết nhăn. Bên ngoài, đêm xuống từ rất lâu. Mưa lất phất như bụi. Ông già nâng ly rượu uống một ngụm nhỏ. Vẫn không có tiếng nói nào phát ra từ cái miệng hom hem. Mặt bàn ngổn ngang chén dĩa, cái lẫu đã cạn nước, những bẹ cải nhũn úa lều bều. Chị chủ quán đứng cạnh mép bàn, nụ cười rộng, đôi bàn tay đan trước bụng. “Bác dùng gì thêm?”. Ông già ngước mắt nhìn. Câu hỏi rơi vào khoảng trống. Chị chủ quán chờ một lúc, không biết nên đứng lại hay nên đi. “Chị ấy hỏi, anh dùng gì thêm”, tên bạn nhậu lặp lại câu hỏi. Ông già khoát tay. Chị chủ quán quay lưng, chiếc váy dài phủ gần chạm gót chân đung đưa. Chiếc váy có những đường sọc ngang rất nhiều màu, rất tươi, tương phản hẳn với nét mặt tối sầm u ám của ông già.
Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái chi đây?
Uống ư? Một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy
Chỉ còn hai thực khách ngồi ở cuối phòng. Tiếng nhạc trôi đều một tình ca sướt mướt. Ông già lầm thầm điều gì trong miệng, rồi lại nâng ly. Thêm nhiều phút im lặng trôi qua. Cuối cùng, ông già vơ tay lấy bao thuốc Malboro đỏ và cái hộp quẹt, đứng dậy, “Về”.
Xe bò ra khỏi parking, nhập xuống lòng đường. Mưa vẫn lất phất. Ông già ngồi cạnh tên bạn nhậu, đầu rụt sâu vào vai vẻ như đang ngủ. Xe rẽ vào khu chung cư dành cho người già, “Đến rồi, anh”. Vẫn im lặng. Vẫn đầu lún sâu giữa hai vai. Vẫn như đang ngủ. Tiếng máy xe nổ đều một nhịp nhẹ. Ba phút, năm phút. “Đến rồi, anh”. Câu nói được lập lại. Ông già chậm rãi ngẩng đầu, xoay nghiêng, nhìn. “Ừ. Về nhé”. Quơ tay xuống gầm xe, lấy cái túi xách nhỏ. Cổ chai rượu còn lưng lửng một phần tư thò ra qua khe hở giữa hai đường dây kéo chưa đóng hết. Ông già mở cửa xe, bước xuống mặt nhựa. Đứng lóng ngóng, xiêu vẹo. “Vào đi anh, mưa ướt hết”. “Hừm, ướt cái… đếch gì”, và cười. Nụ cười kéo lệch mép môi. Như khóc. Những ngọn đèn vàng đục trên cao hắt cái bóng của ông già lên mặt tường.
Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in một bóng gầy.
Ông già bước chậm qua khung cửa mở dẫn vào hành lang, leo lên những bậc thang. Tên bạn nhậu chờ một lúc, lắng nghe tiếng chìa khóa lách cách, yên tâm ông già đã vào phòng. Hắn quay đầu xe phóng ra đường. Mưa vẫn chưa dứt. Tên bạn nhậu tự hỏi cái “bóng gầy” mà “vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu” kia đang làm gì trong căn phòng vỏn vẹn mỗi chiều ba thước. Ngủ? Hẳn nhiên không. Những cốc rượu từ đầu đêm đến giờ chưa đủ làm ông già say. Có lẽ lại uống. Một mình, với màn ảnh TV xanh đỏ, với những hạt mưa lất phất bay nghiêng ngoài khung kính loang loáng ánh đèn.
Đăm đăm cặp mắt mở mơ hồ
Ngó trắng vô hình cái ngó khô
Đâu đó mưa đêm từng tiếng thả
Từ đỉnh thời gian xuống đáy mồ
Đáy mồ, cửa huyệt hình chữ nhật mở ra trong đất, cái cõi về như ông bà ta đã nói, cái vòng cung ngăn cách giữa hai thế giới chết và sống, đã nhiều lần ông già đưa bằng hữu của ông đến, những Thanh Nam, Phạm Đình Chương, Bình Nguyên Lộc, Vũ Khắc Khoan… Đáy mồ, khung cửa dường như đã quá đỗi quen thuộc cùng ông. Đáy mồ, không phải sao chốn lưu vong lạnh lẽo này? Không phải sao bốn vách tường câm chật hẹp? Không phải sao đôi mắt đục mở trừng “Ngó trắng vô hình cái ngó khô” vào bản thể mình, vào dòng đời nhợt nhạt những tranh đua quay cuồng chóng mặt? Đáy mồ, không phải sao chất nước nâu vàng sóng sánh trong lòng cốc vào những khuya khoắt trầm mình trong cô đơn cùng cực.
Đáy mồ… Chẳng còn ai cùng ta chén thù chén tạc! Thôi đành một mình, với ta, đối ẩm! Lượng rượu trong lòng cốc hết vơi lại đầy… Say, tỉnh, thực, mộng… Tất cả hình như không còn biên giới. Tất cả đều mịt mờ sương khói. Cả thân xác ta, cả căn phòng lạnh lẽo này cũng không có thật. Tất cà hình như đang chết…
Một triệu ngày trên một lộ trình
Thét rồi hết thảy hóa lung linh
Xe lao chở tượng người vô giác
vào ngã lâm chung lối tử hình
Phiến lưng dài vẽ thành một hình vòng cung, ông già ngồi im một lúc. Trong khối óc lung linh bao ảnh hình nhập nhòa hư thực, bất chợt dội vang mồn một tiếng nước mưa rơi lộp bộp trên những tàu lá chuối (loài cây nhiệt đới được người hàng xóm Á châu mang từ đâu về trồng đầy khoảng đất trống giữa hai dãy chung cư), ông già tự hỏi, tiếng động thân quen kia thuộc vào cõi nào? Cõi hiện tại trên quê người hay cõi mịt mù những năm trai trẻ giữa núi rừng Việt Bắc? Tuổi trẻ, với “xắc-cốt” trên vai, với hào khí trong đầu, với lý tưởng trong tim, tiếp sức cho đôi chân rắn rỏi dẫm nát địa hình một góc giang sơn. Tuổi trẻ, “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gởi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…” (Quang Dũng). Đôi mắt nhắm, đầu ngả ra sau, giọng ngâm khuất, chìm, lãng đãng… “Đọc thơ phải giời đất thế chứ… Hườm…” Tuồi trẻ, về Thành, xuống tàu xuôi Nam. Những dòng chữ thứ nhất, cùng bằng hữu, làm thành một đoạn tuyệt quá khích với bao bóng lớn một thời: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo… Tuổi trẻ, những Đêm Màu Hồng thần trí mịt mù quyện cùng giọng hát Thái Thanh ngất ngất, những tờ bạc ném hào sảng xuống mặt bàn đêm, những cốc rượu loáng ánh đèn màu… Tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối… Tuổi trẻ, như quê nhà, tưởng gần mà đã quá đỗi xa xăm… Ông già chống tay đứng dậy vói tắt TV, lần đến chiếc giường cá nhân, ngả người xuống… Tiếng mưa đều hạt, như ru. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ trên mặt bàn đêm. Những cuốn sách câm lặng trên kệ. Dưới đáy cốc thủy tinh, màu nâu của rượu nhợt nhạt…
Tên bạn nhậu dừng xe sau làn vạch trắng một ngã tư. Khuya. Dễ chừng đã rất khuya. Người đàn ông ngồi bên trong lồng kính của trạm xăng bên kia đường đầu cúi thấp, bất động. Tấm bảng trên cột sắt cao quay chậm. Mưa nghiêng, và gió. Tờ quảng cáo bên hè đường bị nâng dậy, cuốn bay là là sát mặt đất, chui xuống gầm xe. Đèn xanh. Tên bạn nhậu nhấn chân ga, chiếc truck chồm lên, lao qua ngã tư. Hình ảnh ông già vẫn đậm đặc trong tâm trí hắn…
Ông già chợt thức. Cảm thấy miệng khát đắng. Cơn ngủ không kéo dài lâu. Hình như vài ba tiếng đồng hồ vừa trôi qua. Đêm vẫn còn rất sâu. Thỉnh thoảng, dội vào im vắng là tiếng xe hơi lao phóng vội vã ngoài lộ. Ông già xoay người ngồi dậy, nhìn quanh. Chiếc cốc trong tầm tay như mời gọi. Một cách vô thức, ông già vói cầm. Cũng một cách vô thức, chai rượu đứng cạnh rời vị trí, nghiêng xuống… Lại uống, uống cho hết đêm…
Nhưng dễ gì đêm hết! Thêm vài ba ly nữa, mệt nhoài. Ông già lại ngã vật xuống giường, lại thiếp đi…
Hừng đông chỉ chịu tỏa rạng khi ông già thức dậy lần thứ hai. Rã rời lần vào phòng tắm, rã rời làm công tác vệ sinh. Chải lại mái tóc, nhìn thoáng diện mạo mình trong gương. Đôi mắt đục, những nếp nhăn hình như sâu thêm trên vầng trán.
Những ảnh hình thân cũng thoáng qua
Người gần ta nhất cũng như xa
Tấm gương trước mắt nhìn trân trối
Tinh vẫn còn đây tướng đã nhòa
Trở ra, đến cạnh chiếc bàn thấp, loay hoay với cái bếp điện, chiếc ấm nhôm cũ kỹ. Nước sôi, rót vào bình. Màn ảnh TV lại có cơ hội hoạt động. Vừa đợi trà thấm vừa xem tin tức đầu ngày. Trà bốc hương. Rót ra chiếc chén nhỏ, nhấp một ngụm. Ruột gan bỗng cồn cào, ông già chợt nhớ suốt ngày hôm qua, chỉ rượu, vài miếng thịt, lá rau nhấm nháp qua cho có. “Sao lại cứ ép nhau ăn nhỉ? Cái bao tử cũng có quyền tự do của nó chứ! Hườm… Nó không muốn thì tọng vào làm gì cơ chứ… Hườm…” Đói. Ông già nhoài người nhìn xuống khu parking. Những chiếc xe cũ kỹ nằm yên giữa những vạch sơn trắng. Khu chung cư còn yên ngủ. Thành phố còn yên ngủ. Chỉ duy nhất, có lẽ một mình ông già, thức. Thức, cùng với một ngày mới đang lên, một ngày như mọi ngày…
Trà đựng trong bình trí nhớ câm
Rót nghiêng từng ngụm nỗi đau thầm
Hòa chung một ngụm đau trời đất
Là mỗi ngày ta mỗi điểm tâm
Bình trà lưng. Cơn mỏi rã cũng vơi nhẹ phần nào. Tiếng động của thành phố bắt đầu cái nhịp tiết rộn rã quen thuộc. Ông già thay bộ quần áo mới, mở cửa xuống đường. Có thể ông già sẽ đến một hàng quán gần nơi cư ngụ, cũng có thể sẽ nhấc điện thoại gọi một người quen nào đó rủ đi cùng. Xong buổi sáng, ghé chợ mua vài món để lo bữa trưa, bữa chiều. Từ chợ ra, lững thững đi bộ về khu chung cư, lững thững bước lên cầu thang, mở cửa, vất các món vừa mua trên mặt bàn rửa mặt (cùng là nơi để chén dĩa soong nồi dao thớt…), trở ra ngồi xuống bàn làm việc, kéo chồng thư, rọc dao, đọc. Một vài lá thư khen chê tờ báo, năm bẩy tấm ngân phiếu mua dài hạn, tái hạn. Gạt hết qua một bên, cầm cây bút, cúi xuống trên mặt giấy trải rộng. Những dòng “Sổ tay” chảy theo nét mực, những con chữ lấp lánh rất thơ, “rất nhỏ”, rất lành nối tiếp nhau xếp thành hàng ngang đều, thẳng…
Việc đã làm xong việc rất nhỏ
Cũng là công việc đã làm xong
Nửa đời đã việc đời như thế
Cũng kể như lòng rất sắt son
Việc đã làm xong việc chẳng lớn
Cũng là một việc nữa làm xong
Lạ thay, chính lúc mồ hôi đổ
Là lúc bình tâm với sống còn
Việc đã làm xong chờ việc tới
Để làm cho hết đến cho xong
Năm ba phút nghỉ ngồi thong thả
Là lúc lòng riêng nhớ nước non
Uống trà, ngồi quán, đi chợ, viết lách… Tất cả chỉ là thói quen, chỉ là bổn phận. Thật ra ông già rất ít khi nấu nướng, và có nấu cũng chả dùng bao nhiêu. Rượu, rượu, rượu, và rượu… Đó là thứ lương thực duy nhất ông già cần, ngoại giả, đều phụ cả. Phụ cả, văn học, nghệ thuật. Phụ cả, phê bình, nhận định. Phụ cả, truyện ngắn, truyện dài. Phụ cả, nhà văn cũ, mới. Phụ cả phong trào này, nhóm hội kia. Phụ cả “cộng sản”, “quốc gia”, cực hữu, khuynh tả… “Kệ nó đi. Làm quái gì rối lên thế.” Kệ nó đi… Kệ nó đi, không chừa bất cứ cái gì. Kệ nó đi…
Có lúc nghĩ điều này điều nọ
Cảm thấy hồn như một biển đầy
Có khi đếch nghĩ điều chi hết
Hệt kẻ ngu đần cũng rất hay
Nhưng có một cái không “kệ”. Và chính cái này đã chi phối cả cuộc đời ông già, đã hướng dẫn hướng nhìn ông già, đã khiến ông già, dưới mắt một số người, trong cũng như ngoài nước, là kẻ “phản động”, bè phái, thiên vị, cực đoan, trịch trượng…
Đó là tình bằng hữu.
Tình bằng hữu. Thủy chung, mãi mãi. Tình bằng hữu, trong “Sáng Tạo” mấy mươi năm trước, trong cuộc rong chơi cùng chữ nghĩa tiếp theo sau đó, đến 1975, và tiếp tục trải dài mãi tận bây giờ ngoài muôn trùng dặm xa đất nước. Tình bằng hữu, trên hết. Những Doãn Quốc Sỹ, Mặc Đỗ, Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Thanh Nam, Vũ Khắc Khoan, Phạm Đình Chương, Cung Trầm Tưởng, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thảo Trường, và rồi Nhật Tiến, Du Tử Lê, Trùng Dương, Túy Hồng, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Thế Vinh… Và rồi nữa, Kiệt Tấn, Lê Thị Huệ, Trần Diệu Hằng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần Long Hồ, Nguyễn Xuân Quang, Hồ Đình Nghiêm, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Trường An, Bùi Vĩnh Phúc, Vũ Huy Quang, Vũ Quỳnh Hương, Phạm Việt Cường, Ngu Yên, Vũ Quỳnh N.H, Lê Thị Thấm Vân, Trần Vũ… Bằng hữu hết. Bằng hữu cùng thời, bằng hữu nhỏ hơn, bằng hữu vong niên. Bằng hữu. Không phân biệt tuổi tác, không chiếu trên chiếu dưới, không thâm niên, không chập chững bước đầu. “Văn chương không có mới cũ, không có trẻ già. Hay thì mới vẫn hay. Dở, già đầu vẫn dở. Chỉ thế thôi. Bản văn thứ nhất của Ngụy Ngữ, của Thảo Trường… tao lôi từ sọt rác ra, đã hiển lộng, đã giời đất, thì sao…” Tình bằng hữu, cái điểm son không thể phủ nhận ở ông già, nhưng cũng là nhược điểm không có cách nào “sửa sai”, cũng ở ông già.
Chính tình bằng hữu đã khiến ông già vì muốn bảo vệ những thành quả “chúng nó” đã tạo ra đừng bị chủ nghĩa dập vùi. Vì xót xa, âu lo cho an nguy của “chúng nó” trong lao tù, mà nhất định không đọc, không xem bất cứ cái gì của những người cùng chung nghiệp dĩ nhưng lại xuất thân từ nửa phần đất nước bên kia. “Anh đọc họ chưa?. “Tao không đọc”. “Anh phải đọc chứ. Không đọc, làm thế nào biết họ viết sai, viết đúng, viết hay, viết dở?”. “Tao không đọc. Đọc làm đếch gì?”. “Thế thì làm sao nói chuyện được với anh đây?”.
Quả, không thể nào nói chuyện được với ông già. Chỉ còn một cách duy nhất: cười trừ.
Không thể nói, và không thể giận. Chỉ có thể cười trừ. Bởi biết rất rõ sự “ngoan cố” của ông già bắt nguồn từ đâu. Khi “chúng nó còn ngồi trong tù thì văn chương của bọn kia vứt hết vào sọt rác!” Chỉ có vậy. Khỏi cần lý luận lôi thôi, khỏi cần phân tích phải trái, khỏi cần hỏi “tại sao”, bởi chính “tao”, “tao” cũng “không biết”. Không biết! Đó là vũ khí cuối cùng mỗi lần ông già bị “bọn trẻ” đuổi tới chỗ cùng. Không biết! Chấm hết. Và “uống đi. Chúng mày hết cả tiền rồi à? Yếu nhỉ! Cầm lấy tờ này đi mua chai khác…”
Không thể nói, và không thể giận. Bởi hãy hình dung đời sống của ông già. Hãy hình dung cái bóng xiêu đổ ấy mỗi ngày, mỗi đêm, trên đường phố Bolsa, trong căn phòng vỏn vẹn chín thước vuông, một mình. Một mình, lúc thức khuya dậy sớm, lúc nhặt từng cọng rau, vo từng vốc gạo, thái từng lát thịt. Một mình, khi trở gió trái trời, khi nhức đầu sổ mũi. Một mình, khi nửa đêm choàng thức vì lạnh, tấm chăn rơi xuống thảm, lần mò vói tay kéo lên. Một mình, khi nhúng tay vào bồn rửa mặt, giặt từng cái áo cái quần. Một mình, khi những bè bạn cùng thời nối chân nhau đi vào tịch lặng. Một mình, khi những Tô Thùy Yên, những Doãn Quốc Sỹ (lúc còn trong tù)… ngồi nhẩn nha gỡ từng tờ lịch trong bốn vách đá. Và một mình, tả xung hữu đột với một vũ khí duy nhất “không biết” trong bàn nhậu cùng lũ hậu sinh may mắn không mang trên vai một phần tư thế kỷ đầy ắp vinh quang và tủi nhục… Có lẽ không còn nỗi cô đơn nào buốc nhức như vậy.
Và vì vậy, không ai nỡ nặng lời, càng không ai nỡ tranh cãi.
Tranh cãi để làm gì? Hơn thua với một người đã dành trọn đời mình cho những điều cao đẹp, là văn chương nghệ thuật, là lòng thủy chung… liệu có “công bình” không? Và liệu có đúng không? Khi ai cũng hiểu tận thâm sâu tâm hồn ông già, chắc chắn ông biết thừa những suy nghĩ của mình không còn phù hợp nữa với thời đại. Một cách nào nào đó, ông già đã cảm nhận được cái thế đứng lẻ loi của mình trong dòng thời gian biến hóa khôn lường…
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi! Khi những bước chân của ngày hôm nay sắp là những bước chân cuối cùng. Khi “vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu” rồi sẽ mất hẳn dấu, vĩnh viễn. Khi,
Điểm cuối đường sương, điểm hiện dần
Hiện cùng điểm mất ở vong thân
Đáy xe, tử điểm vô hình tướng
Chết rũ theo người ở dưới chân
Chết hết, chết rũ. Không còn lại gì trên cõi nhân gian đầy vọng động này?
Tranh cãi để làm gì! Xét cho cùng, đúng sai phải trái rồi cũng sẽ vùi sâu trong đất. Xét cho cùng, có lẽ rồi sẽ không còn gì thật. Có lẽ không còn gì nữa hết. Không còn gì. Tuyệt đối không còn gì.
Ta thấy nơi ta trục đất ngừng
Và cùng một lúc trục trời ngưng
Sao không, hạt bụi trong lòng trục
Cũng đủ vòng quay phải đứng dừng.
Tên bạn nhậu vong niên của ông già đưa xe vào sân. Tắt máy. Mở cửa. Khóa cửa. Hắn bước lên mấy bậc thềm, quay lui nhìn xuống sân cỏ. Mưa chưa dứt. Dưới ánh đèn vàng từ cửa garage hắt ra, những ngọn cỏ đẫm nước lóng lánh. Ngày mai, sân cỏ sẽ nẩy thêm vô số lá xanh. Hình ảnh ông già vẫn chưa ra khỏi tâm trí. Những lá cỏ xanh, những lá cỏ vàng… khai sinh và tàn úa… Trục quay vẫn tiếp tục quay. Quay. Quay. Quay… Có lẽ sẽ mãi không còn gì thật… Hắn thầm thì, một mình: ông già không biết có ngủ ngon?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét