khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Vài Kỷ Niệm Với Phạm Duy - Tác giả Phạm Chu Sa

 

Phạm Duy là đại thụ của âm nhạc Việt Nam, với sức sáng tạo mãnh liệt, bền bỉ hiếm có. Sự nghiệp âm nhạc Phạm Duy đồ sộ, thể loại đa dạng.Trăm năm có một. Phạm Duy tài hoa và đào hoa, giới văn nghệ chắc ai cũng nghe hay biết…Dù Phạm Duy là thiên tài nhưng ông cũng là con người, nên đâu phải ông làm gì cũng đúng!
Trong hồi ức “ Chuyện làng văn” tôi không có ý định định viết về Phạm Duy, mặc dù tôi cũng có vài kỷ niệm đáng nhớ với ông. Nhưng nhân chuyện Khánh Trường bị ném đá vì viết chuyện trà dư tửu hậu có vài câu khó lọt tai về Phạm Duy, tôi bèn viết kể lại vài chuyện lan man có liên quan đến Phạm Duy, quý độc giả “đọc chơi zui”- chữ của Khánh Trường...
Khu cư xá Chu Mạnh Trinh trước kia nằm gần ngả tư Phú Nhuận, chỉ cách khu vực ồn ào náo nhiệt này mấy trăm mét, nhưng khi bước vào đó là cả một không gian tĩnh lặng, êm ả. Phú Nhuận bấy giờ là một xã thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, tuy chỉ cách khu Tân Định, Đa-kao, quận 1 của Đô thành Sài Gòn hơn cây số, nhưng được coi như vùng ngoại ô.
Đó là một cư xá nhỏ nhưng tập trung nhiều văn nghệ sĩ tiếng tăm lừng lẫy!...Thời bấy giờ, không biết do sự tình cờ nào mà nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đương thời lại “hội tụ” về sinh sống nơi này. Đến nỗi nhà văn Duyên Anh, một tác giả nổi tiếng bấy giờ - cũng có thời gian ở đó, gọi khu cư xá này là “cái rốn của vũ trụ”. Thật vậy, ở cái khu cư xá chỉ có một con đường nhỏ không tên chạy xuyên qua ở giữa (nay là đường Đoàn Thị Điểm) và hai bên là mấy nhánh đường ngang như xương cá, tức các lô A,B,C,D,E,F...vậy mà có hơn chục văn nghệ sĩ lừng danh đương thời quần cư ở đó. Văn sĩ có: Nguyễn Mạnh Côn ở lô B; Duyên Anh ở lô D ( năm 1970, D.A chuyển qua căn biệt thự 225 bis Công Lý, quận 3); Bà Tùng Long ở lô F; Văn Quang ở lô G. Nhà báo có: Hồ Anh, chủ nhiệm báo Văn Nghệ Tiền Phong và Trịnh Viết Thành, Tổng thư ký báo Tiếng Vang cùng ở lô F; Bà Bút Trà, chủ nhiệm báo Sài Gòn mới cũng ở gần đó nhưng tôi không nhớ lô nào. Nhạc sĩ có: Phạm Duy ở lô E; Hoàng Thi Thơ ở lô G; Hoàng Nguyên ở lô F. Còn nhà vợ chồng kịch sĩ Năm Châu - Kim Cúc ở lô C... Chưa kể ở cuối đường là nhà của giáo sư văn học - dịch giả nổi tiếng Đỗ Khánh Hoan. Toàn là những cây đa cây đề trong văn học nghệ thuật, báo giới bấy giờ, nên thường xuyên có nhiều phóng viên, văn nghệ sĩ tới lui thăm viếng. Đặc biệt nhà vợ chồng kịch sĩ Năm Châu - Kim Cúc thường có đông khách là các học trò nổi tiếng của ông bà như Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga...Nhà của văn sĩ Nguyễn Mạnh Côn cũng đông khách, hầu hết là những nhà văn, nhà báo lớp trung niên. Riêng nhà nhạc sĩ Phạm Duy tôi thấy thường có đông các ca nhạc sĩ trẻ, bạn của các con ông: Duy Quang, Duy Minh, Duy Cường...
Tôi có người bạn thân ở cuối đường, gần nhà giáo sư – dịch giả Đỗ Khánh Hoan, tôi thường lui tới khu này, nên hay đi qua lại nhà mấy đại thụ văn nghệ sĩ ở đây. Cũng từ khu xư xá này, tôi biết được nhiều chuyện thú vị về những văn nghệ sĩ “cây đa cây đề” mà mình hằng ngưỡng mộ, như văn sĩ Nguyễn Mạnh Côn, nhạc sĩ Phạm Duy, kịch sĩ Năm Châu... Nguyễn Mạnh Côn là người phát hiện tài năng và cho đăng những bài thơ và truyện ngắn đầu tiên của Duyên Anh trên tạp chí Chỉ Đạo do ông làm chủ bút, từ đó tên tuổi Duyên Anh nổi lên. Năm 1971, thỉnh thoảng tôi đến nhà Nguyễn Mạnh Côn nghe ông giảng giải về cổ sử - ông có mở một lớp dạy tại nhà trong một thời gian ngắn - và một số vấn đề lịch sử, đề tài ông rất tâm đắc và viết trong tác phẩm Đem tâm tình viết lịch sử với bút danh Nguyễn Kiên Trung được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1958... Khoảng cuối năm 1972 đầu năm 1973, tôi đang làm báo nhưng còn làm thêm bên xuất bản, có vài lần tôi đến nhà nhạc sĩ Phạm Duy để trao đổi về việc in nhạc của ông. Lần đầu tôi đến cùng Du Tử Lê bàn chuyện in tập nhạc Phạm Duy cho nhà xuất bản Kẻ Sĩ. Tôi nhớ trong đó có bài Tình Sầu Du Tử Lê - thơ Du Tử Lê, Phạm Duy Phổ nhạc.( Hơn mười năm trước, Du Tử Lê nhờ tôi đứng ra lo in một tuyển tập thơ cho anh, tôi lấy tựa bài hát này làm tựa chung tuyển tập. Nhưng khi chuẩn bị in thì bị thu hồi giấy phép vì một lý do rất buồn cười. Tôi có viết trong bài “Vài kỷ niệm với Du Tử Lê, Thi Sĩ” nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất của anh). Biết tôi làm việc với Duyên Anh ở tuần báo Tuổi Ngọc, Phạm Duy viết ca khúc Tuổi Ngọc với lời đề tặng Duyên Anh,sau đó in trên Tuổi Ngọc. Rồi ông viết tiếp loạt bài hát về lứa tuổi học trò như Tuổi hồng, Tuổi mộng mơ, Tuổi thần tiên... gom lại in thành tuyển tập nhạc Hoan Ca ( Đinh Tiến Luyện vẽ bìa) và cho thu âm với tiếng hát Thái Hiền, con gái nhạc sĩ bấy giờ khoảng 15, 16 tuổi. Phạm Duy bảo, nhờ gặp mấy cậu trẻ trung mà moa trẻ lại như ...mới mười sáu tuổi!
Trước khi in tập nhạc Hoan Ca, tôi có đi cùng Đinh Tiến Luyện tới nhà Phạm Duy đưa ông xem duyệt cái bìa tập nhạc. Ông tỏ ra thích thú tranh bìa. Luyện vẽ rất dễ thương, rất hợp với các bài hát tuổi học trò. Tôi nhớ hình cô gái có đôi mắt to (“trường phái mắt to” của ĐTL), miệng ngậm cành hoa cúc trắng, có con chuồn chuồn bay.
Phạm Duy là nhạc sĩ sáng tác nhưng ông hát rất hay. Hay không thua các ca sĩ hàng đầu. Có khi còn ấn tượng hơn. Trên sân khấu, ông như một phù thủy. Ông có thể làm khán - thính giả cười khóc theo ý ông. Tôi nhớ, lần đó khoảng tháng 10 hay tháng 11 năm 1974, Phạm Duy đi cùng một ca sĩ du ca người Mỹ - hình như tên James Dust - lên Ban Mê Thuột hát theo lời mời của tỉnh Daklak hay của đài truyền hình, đài phát thanh tỉnh, tôi không rõ. Lúc bấy giờ tôi và họa sĩ Rừng - tức nhà văn Kinh Dương Vương - cùng thuê ở chung một căn nhà nhỏ cuối dốc đường Đề Thám, đối diện Bộ Tư lệnh sư đoàn 23. Rừng vốn là trung úy thuộc sư đoàn 1, đào ngũ, bị bắt đi lao công đào binh mấy năm, vừa mãn hạn lưu dày, được phục hồi...binh nhì, thuộc trung đoàn 53. Còn tôi trốn lính, thuộc dạng bất phục tùng, bị bắt quân dịch “mang lon”binh nhì ở trung đoàn 45. Nghe tin Phạm Duy lên Ban Mê Thuột hát, tôi rủ Rừng đi nghe nhạc cho đỡ sầu đời , nhưng Rừng cương quyết nói không, vì anh vốn không ưa Phạm Duy.Tôi bèn đi một mình. Gặp, nghe Phạm Duy hát cho đỡ nhớ ...Sài Gòn.
Hỏi thăm biết ông đang ở khách sạn lớn nhất thị xã Ban Mê Thuột, nhìn xéo qua rạp hát Thăng Long - cũng lớn nhất ở đây, ở bên kia vòng xoay. Buổi chiều tôi đến khách sạn, hỏi phòng Phạm Duy. Ông mở cửa, rất ngạc nhiên khi thấy tôi mặc nguyên bộ đồ lính trơn “đơ - zem cùi bắp”, giày vải dính đầy đất đỏ vì tan ca trực tôi đến đây ngay. Ông hỏi liên tiếp, cậu đi lính bao giờ vậy, sư đoàn 23 à..., nhưng không chờ tôi trả lời, ông đã bảo, thôi cậu đi ăn với moa, vừa đi vừa nói chuyện, xe họ đang chờ. Tôi từ chối vì rất ngại “ăn theo” - đúng nghĩa đen luôn!. Nhất là nhìn bộ dạng tôi không giống ai!Phạm Duy bảo vậy thì cậu về thay đồ, chốc nữa qua rạp hát gặp tôi nhé. Y hẹn, tôi ăn mặc chỉnh tề đến rạp hát, ông cũng vừa đi ăn về tới. Buổi trình diễn tổ chức rất long trọng vì lần đầu tiên có một nghệ sĩ lớn lên trình diễn ở xứ sở “Buồn Muôn Thuở”. Có sự hiện diện của ông đại tá tỉnh trưởng. Phạm Duy và ca sĩ Mỹ được xếp ngồi ở hàng ghế đầu, bên cạnh ông tỉnh trưởng. Phạm Duy bảo tôi ngồi ghế của ông, vì ông phải đứng trên sân khấu suốt buổi trình diễn. Ông còn giới thiệu với đại tá tỉnh trưởng, Phạm Chu Sa, nhà thơ - em họ của Phạm Duy, làm mình cảm thấy bối rối. Trong lúc ban nhạc khởi động và Phạm Duy chuẩn bị lên sân khấu thì có một anh chàng chừng ngoài ba mươi, ăn mặc rất chỉnh tề đến gặp ông và tự giới thiệu là giám đốc đài phát thanh. Anh ta nói nhỏ với Phạm Duy,cháu cho trực tiếp truyền thanh chương trình của bác, xin bác đừng hát nhạc phản chiến, chết cháu. Phạm Duy cười bảo, cậu yên tâm đi. Đêm đó Phạm Duy hát đến gần mười bài, dĩ nhiên tất cả là nhạc của ông. Từ “Tình ca”, “Tâm ca” đến “Bình ca”...Chen giữa là mấy bài du ca tiếng Anh của James Dust. Anh chàng ca sĩ trẻ người Mỹ gầy cao, tóc nâu dài, đứng bên cạnh ông nhạc sĩ Việt tóc trắng, thấp đậm người nhìn rất tương phản. Đến cuối chương trình, Phạm Duy hát bài “Sống sót trở về” trong loạt “Bình Ca”.Giọng ông rất khỏe, tha thiết nhưng ray rức, làm nhiều người rưng rưng. Phạm Duy quả là “phù thủy” cả trong sáng tác lẫn trình diễn!Thấy mọi người xúc động, ông bảo thôi để tôi hát bài ca con nít quý vị nghe cho đỡ buồn nhé. Ông mượn cây guitar của ban nhạc, ôm đàn hát bài “Bé bắt dế” trong loạt bài Bé Ca ông mới sáng tác, chưa phổ biến. Tôi còn nhớ mấy câu: “A... này bé, con dế xưa ở bờ đê, vì chiến tranh về dế phải tản cư. A... con dế nó tội tình chi, bé bắt đem về hát xẩm mà nghe, đừng bắt đem về đánh lộn làm chi. A... con dế nó xem ti vi, nó khen loài người lên tận mặt trăng...nhưng chê loài người còn thiếu tình thương!” ( Không biết sau này loạt ca khúc Bé Ca có được xuất bản, phát hành ở đâu không, chứ ở trong nước thì không thấy).
Đêm đó Phạm Duy bảo tôi ngủ lại khách sạn với ông “cho có bạn”, vì phòng rộng có 2 giường. Thấy ông mở lòng, tôi nói dạo này thấy anh ít viết nhạc mà hầu như chỉ viết lời các bài hát nước ngoài cho giới trẻ nhỉ, chắc dễ dàng kiếm... Bỗng dưng Phạm Duy nổi đóa, Phạm Duy cũng cần tiền để sống chứ! Cậu biết không, mấy bài “Chuyện tình Lan và Điệp” bán cả triệu bản, mấy ông nhạc sĩ đó mua biệt thự xe hơi; còn trường ca“Con đường cái quan” của Phạm Duy bán 3 năm chưa hết một ngàn cuốn! Thấy ông căng thẳng quá, tôi chuyển sang đề tài tình yêu. Như gãi đúng chỗ ngứa, ông thao thao bất tuyệt về chuyện yêu đương. Nhiều chuyện tế nhị lắm tôi không thể kể lại đây. Tôi hỏi ông, “mối tình nào của anh đẹp nhất và bài tình ca nào anh ưng ý nhất”. Phạm Duy tâm sự, bài “Nha Trang ngày về” gắn với một mối tình cực kỳ thơ mộng nên ông yêu thích nhất. Tôi khá bất ngờ khi nghe Phạm Duy bảo, moa mà nghiêm túc moa có thể làm Bộ trưởng, còn giúp được các bạn trẻ như cậu đây. Lưu Hữu Phước làm Bộ trưởng được thì moa... Tôi ngắt lời ông, anh chỉ cần làm nhạc hay là tốt rồi, cần chi Bộ trưởng…
Sáng hôm sau, tôi mời Phạm Duy đi ăn sáng và đưa ông dạo phố “Buồn Muôn Thuở”, trước khi ông lên xe ra phi trường Phụng Dực bay về Sài Gòn.Những ngày cuối cuộc chiến tranh, tôi ở đầu đường Nguyễn Huỳnh Đức,Phú Nhuận, chỉ cách nhà Phạm Duy chưa được cây số nhưng không thể đến thăm ông vì tình hình bấy giờ quá căng thẳng không còn nghĩ nhớ đến ai! Rồi 30. 4.75, người ra đi tan tác, người ở lại xơ xác. Mãi hơn 30 năm sau tôi mới gặp lại Phạm Duy khi ông trở về sống ở Việt Nam năm 2005 hay 2006 gì đó. Tôi đến thăm nhưng ông ngờ ngợ,ngại ngùng, có vẻ không còn nhớ “thằng em họ” Phạm Chu Sa sau ngần ấy năm. Và có lẽ tôi đến không đúng lúc, gặp nhiều gương mặt “quen mà lạ” đến thăm hỏi ông. Tôi thấy họ vồn vã như thân thiết tự thuở nào với Phạm Duy, nên tôi kiếu từ ra về, lòng dửng dưng, không buồn không vui...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét