khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

"Mẹ nó" - Tác giả Gs Nguyễn Văn Tuấn


Mấy năm sau 1975 tôi hay nghe những cách nói mới được 'du nhập' từ miền ngoài. Một trong những chữ đó là 'Mẹ nó' hay 'Con mẹ nó' mà theo tôi hiểu là một cách chửi thề. Sau này, tôi mới biết rằng cách chửi thề đó là do người miền ngoài học từ bên Tàu. Chữ Hoa có ý nghĩa tương đương là "tā ma de", vốn là một câu chửi thề phổ biến nhứt trong tiếng Hoa. Như vậy, "Mẹ nó" chỉ là một mệnh đề chửi thề bắt chước từ Tàu.

Cái câu mà cư dân mạng đang bàn tán xôn xao là "Mẹ nó, sợ gì". Mệnh đề này chỉ là cách chửi chung chung thôi, nhưng đằng sau nó có thể là một 'Freudian slip'. Freudian slip có nghĩa là một phát biểu thiếu kiểm soát được thốt ra trong một thời điểm ngẫu nhiên, nhưng Freud tin rằng một phát biểu như thế có liên quan đến tiềm thức.
Cái mệnh đề có thể liên quan đến tiềm thức ở đây là "Sợ gì". Bề ngoài thì mệnh đề đó khẳng định là không sợ cái kẻ mà người phát biểu chửi là 'Mẹ nó'. Nhưng trong tiềm thức thì có lẽ là sợ, hay nếu không sợ thì cũng đáng gờm. Bởi nếu quả thật không sợ hay không đáng gờm thì nó đâu có thể xuất hiện trong câu nói. Có thể là do phức cảm tự ti và gắn gượng làm kê bề trên.
Cái 'Freudian slip' đó còn thể hiện một sự đối nghịch. Bề ngoài thì có thể cười cười nói nói như bạn bè với nhau, nhưng trong tiềm thức thì xem người đối diện như kẻ thù. Không kẻ thù thì cũng không phải là bạn bè thật sự, không phải gia đình ta. Nói cách khác, cử chỉ cười nói có thể hiểu như là đóng kịch mà thôi. Đóng kịch thì không thể là "be yourself", và như vậy là đối tác không đáng tin cậy.
Cách xưng hô nói lên chiều sâu văn hóa của một người. Ngày xưa, các vương triều (Tây cũng như Đông) có hệ thống xưng hô dành cho hoàng tộc, quan lại, và thường dân. Chẳng hạn như ở Úc, khi gặp Thủ tướng thì phải xưng "Your Honorable" hay đại sứ thì "Your Excellency", còn trong khoa bảng thì dĩ nhiên là có "Doctor", "Professor", "Chancellor", v.v. Đó là những danh xưng cổ và xuất phát từ lễ nghi do tôn giáo hay các vương triều đặt ra. Lễ nghi đóng vai trò rất quan trọng vì nó nói lên chiều sâu văn hoá của một dân tộc hay một cá nhân. Lễ nghi còn là chất keo gắn kết các cá nhân lại với nhau. Ví dụ trong trong buổi lễ thụ phong hôm kia, tôi quả thật thấy mình gắn kết với cộng đồng và với nước Úc. Thiếu hay vi phạm lễ các qui ước nghi là thiếu văn hoá vậy.
Ở Việt Nam chúng ta cũng là nước có truyền thống văn hoá lâu đời được phản ảnh qua các lễ nghi và cách xưng hô. Ngày xưa, Hoàng Cao Khải gọi Phan Đình Phùng là “túc hạ”, và Phan Đình Phùng gọi Hoàng Cao Khải là “Hoàng quí đài các hạ”. Các bậc hiền nhân như Phan Khôi, Trần Trọng Kim khi tranh luận gọi nhau là “Phan tiên sinh” hay “Trần quân”, thể hiện sư tương kính và văn hoá cao.
Nhưng đến thời Mao-ít du nhập vào Việt Nam thì cách xưng hô bị 'gia đình hoá' hay ‘kẻ thù hoá’. Trong đảng và cơ quan công quyền, người ta gọi nhau là 'anh', 'em', 'chị', 'cô', 'dì', 'chú', 'bác', v.v. Nhưng đối với người ngoài hay kẻ thù thì thường là 'chúng', 'nó', 'con', 'thằng' ('Thằng Diệm', 'Thằng Thiệu', 'Thằng Giôn-xơn'). Những cách kẻ thù hoá như vậy chỉ làm nghèo văn hoá mà thôi.
Tôi đoán rằng các quan chức ngoại giao Mĩ khi nghe câu "Mẹ nó, sợ gì" thì họ chỉ cười mỉm thông cảm như là một 'Freudian slip' mà thôi hay biểu hiện của sự kém văn hoá, thiếu chuyên nghiệp tính. Có thể họ sẽ nghĩ: "With friends like you, who needs enemies" (Với bạn bè như anh thì chúng tôi đâu cần thêm kẻ thù).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét