khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Tôi Đi Tìm Việt Nam - Tác giả Dr. Huynh Wynn Tran

 

Năm đầu tiên định cư tại Mỹ, tôi nhớ Việt Nam vô cùng. Chỗ tôi ở là Holland, một thành phố nhỏ miền Tây Michigan gần Ngũ Hồ rộng lớn. Cuối tuần, tôi nhớ không khí cafe Việt Nam có mùi cafe đen, nhạc trẻ Việt, tiếng bạn bè huyên thuyên chém gió. Mùa đông, đường cao tốc tuyết rơi dày đặc, tôi lái xe hơn một giờ đồng hồ mới đến một quán cafe Việt Nam tại thành phố Grand Rapids chỉ để nghe nhạc Lam Trường, nghe tiếng Việt, và được cho thêm mùi thuốc lá. Nỗi nhớ của tôi Việt Nam có vơi đi, nhưng vẫn không thoả lấp.
Khi dọn lên học kiến trúc tại Ann Arbor, tôi mừng mỗi khi gặp sinh viên có họ Nguyễn, Trần, hay Lê. Tôi hăng hái tham gia hội sinh viên Việt, tham gia phụ nấu phở (Pho's Night) mà nhiệm vụ chính của tôi là bưng tô. Càng đi sâu trên con đường học vấn, tôi mong gặp thêm Việt Nam tại New York, Boston, hay London. Khi tôi đi phỏng vấn trường y hay phỏng vấn bác sĩ nội trú khắp nước Mỹ, tôi thường ghé qua các tiệm ăn Việt để nghe tiếng Việt, ăn đồ Việt, và xem cộng đồng Việt thế nào. Có lần tôi đến một tiệm ăn tên Saigon vùng Indianapolis lúc 9g tối. Tiệm chuẩn bị đóng cửa. Tôi nói với ông chủ là tôi từ New York đến đây để phỏng vấn bác sĩ nội trú, ông chủ vui vẻ kêu tôi vào và cho ăn cơm chung với nhân viên. Lần ấy, tôi thấy người Việt mình sao dễ thương quá chừng.
Rồi sau bao nhiêu năm mong đợi, tôi cũng về thăm lại Việt Nam. Tôi tưởng rằng nỗi nhớ Việt Nam của mình sẽ hết khi về lại Sài Gòn uống ly cafe trong công Viên Tao Đàn hay ngồi ăn chuối nướng lề đường ở Bạc Liêu. Nhưng tôi vẫn thấy có gì đó thiếu thiếu. Bạn bè của tôi ngày xưa ngồi cafe ở Tao Đàn giờ đã khác. Quầy chuối nướng lề đường ọt ẹp Bạc Liêu ngày xưa giờ cũng thay bằng xe đẩy khang trang hơn. Trái chuối nướng vẫn tròn tròn, vẫn vàng ngậy, bốc khói, thơm lừng nhưng vị vẫn không ngon như hồi trước khi tôi và thằng bạn thân bẻ đôi ăn chung.
Càng về sau, tôi nhận ra cái tôi tìm là hồn Việt Nam chứ không phải nước Việt Nam, tiếng Việt, hay món ăn Việt.
Năm ngoái, tôi về Việt Nam nói chuyện tại hội thảo ung thư. Tôi có cảm giác mình đến một nước châu Á nói tiếng Việt. Tôi có những khoảnh khắc vui vẻ và cảm động cùng bạn bè khi cả đám bỏ việc cả ngày ngồi chém gió, làm tôi nhớ lại mình đã từng sống nơi đây. Nhưng tôi cũng cảm nhận nước Việt Nam đã khác. Cuộc sống nơi đây bận rộn, tiếng còi xe inh ỏi lên tục trên đường, người ta ít tử tế hơn, và xã hội cũng khó tin hơn. Một cô gái đẩy xe trái cây đột nhiên té ngã xuống đường. Cô co giật tay chân, miệng sùi bọp mép. Tôi định chạy ra giúp thì thằng bạn nắm tay tôi kéo lại nói "mày đừng giúp, cô này hay làm vậy để bán hàng". Một vài phút sau, cô ngồi bật dậy, nhanh chóng bán trái cây cho mọi người chạy đến giúp cô. Bán xong, cô đẩy xe đi tiếp như chưa hề bị động kinh bao giờ.
Hai tuần ở Việt Nam, tôi nhớ nhà và muốn về lại Mỹ. Tôi nhớ khu phố yên bình chạy bộ buổi sáng quanh nhà, nhớ tiệm ăn Dim Sum có bà lão tóc bạc hay đẩy xe bánh cuốn tôm khi gặp tôi, nhớ tiệm đậu hủ gần chỗ làm luôn được tặng kèm chai sữa đậu nành mỗi khi mua đồ ăn sáng.
Tôi nhận nơi tôi ở chính là Việt Nam.
Việt Nam chính là nhà tôi, là má tôi hàng ngày nhổ cỏ trồng hoa tỉa lá trong vườn, là khi tôi khám bệnh nói tiếng Việt mỗi ngày, là những buổi lên chùa giải thích bệnh ăn chay miễn phí.
Việt Nam của tôi chính là cuộc sống của tôi mỗi ngày, là chất hồn Việt trong món ăn, giọng nói, và văn hoá trong dòng máu của tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét