khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

‘Phương Án II’ và Tang thương Cát Lái - Tác giả Gs Nguyễn Văn Tuấn


Thời nay, ít ai biết rằng cảng Cát Lái vào thập niên 1970s từng là nơi chứng kiến hơn 200 người chết vì đã tìm đường vượt biên theo tổ chức của Nhà nước. Tôi không chắc là ngài Thủ tướng có biết chuyện tang thương này.

Dạo đó (1978), Nhà nước lên một kế hoạch đưa người Hoa vượt biên theo cách thức có tên là “Phương Án II”. Theo đó, Nhà nước thu vàng và tiền của dân để đóng tàu cho họ vượt biên, với lời hứa là công an sẽ không ngăn cản hay bắn chết khi họ còn trong vùng biển Việt Nam. Sự ra đời của Phương Án II (PA2) này được ghi lại trên giấy trắng mực đen của Ban 69:

Cay cú trước thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng giải phóng Miền Nam, thống nhất tổ quốc của nhân dân ta, bọn bành trướng Bắc Kinh sử dụng bọn Pôn-pốt đánh phá ta từ phía Tây nam, đồng thời âm mưu dùng đội quân thứ năm để gây bạo loạn lật đổ từ bên trong phối hợp với hành động chiến tranh từ bên ngoài, gây ra vụ ‘nạn kiều’ tạo nguyên cớ cho cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc. Phối hợp với các thế lực đế quốc, phản động quốc tế, chúng mở chiến dịch tuyên truyền nói xấu ta; vừa kích động người Hoa chạy về Trung Quốc với cái chúng gọi là ‘nạn kiều’. Để phá tan một nguy cơ có thể gây ra tình hình phức tạp về chính trị, Trung ương chủ trương giải quyết đối với người Hoa với ba phương án: cho họ ra nước ngoài theo con đường Liên Hợp Quốc HCR (gọi tắt là PA1); cho họ ra nước ngoài làm ăn (gọi tắt là PA2); cho họ đi các địa phương sản xuất theo khả năng của họ (gọi tắt là PA3). Nhưng họ chọn con đường đi làm ăn ở nước ngoài, Trung ương giao cho Bộ Nội vụ trực tiếp tổ chức thực hiện PA2 này”.

Chỉ non 1 năm (từ 8/1978 đến 6/1979) có 15 tỉnh thành tổ chức vượt biên theo PA2. Số người ra đi là khoảng 134000 người, và Nhà nước thu được 16181 kg vàng cùng 164505 USD, 538 xe hơi, 4154 căn nhà hay gian nhà. (Tuy nhiên, địa phương báo cáo chỉ có 60,000 người đi, và Nhà nước đã thu về 5612 kg vàng cùng 57000 USD, 235 xe hơi, 1749 nhà và gian nhà). Báo cáo láo đã có từ thời đó.

Một trong những sự kiện bi thảm nhứt trong những chuyến tàu vượt biên bán chánh thức này là vụ Cát Lái. Giữa tháng 7/1979, dưới sự canh gác của công an, một nhóm người chờ lên tàu vượt biên. Chiếc tàu vượt biên mới đóng có 3 tầng, dài 30 m và rộng chỉ 10 m. Những người mua vé tầng dưới thì do diện tích quá nhỏ, nên cảm thấy ngột ngạt, và họ phải trèo lên tầng trên. Số người ở tầng trên quá nhiều làm cho con thuyền bị mất cân bằng, chao đảo, dẫn đến hỗn loạn trên thuyền, và sau cùng là chìm. Đa số những người đi trên tàu là người Hoa làm nghề buôn bán, nên họ không biết bơi lội. Thật ra, dù biết bơi lội thì họ vẫn khó sống sót, nhứt là khi ở trong 2 tầng dưới của tàu.

Phải đến 3 ngày sau, nhà chức trách mới kéo con tàu lên. Nhà chức trách đếm được 227 người chết, chỉ có chừng 40 người sống sót. Một viên sĩ quan cứu hộ kể về những trường hợp mẹ con cùng chết:

“Chúng tôi vét sạch hòm ở các quận. Khâm liệm xong vẫn còn dư mấy cái vì có bốn trường hợp phải chôn đôi bởi các bà mẹ trước khi chết ôm chặt lấy con mà chúng tôi thì không nỡ tháo khớp tay họ ra để chia lìa tình mẫu tử”.

Nhưng Cát Lái không hẳn là sự kiện duy nhứt, vì trong thực tế có vài sự kiện Cát Lái khác ở các tỉnh Bến Tre (1 tàu chìm, 54 người chết); Long An (1 tàu chìm, 38 người chết); Nghĩa Bình (1 tàu chìm, 78 người chết); và bi thảm nhứt là Tiền Giang (3 tàu chìm, 504 người chết). Tính chung, Phương Án II đã trực tiếp hay gián tiếp gây cho 902 cái chết.

Chuyện buồn quá khứ, chỉ nhắc lại để biết và hiểu một chút về câu nói sự thành công của người Việt [còn sống sót] ở Mĩ là “thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước”. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét