khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Cuộc đột kích Sơn Tây năm 1970 - Tác giả Hoài Nguyễn

 

Thời chiến tranh Việt Nam có một sự kiện mà báo chí miền Nam lúc đó có đưa như một bản tin thời sự nhưng không mấy rõ chi tiết – Đó là vụ đột kích Sơn Tây để giải cứu tù binh phi công Mỹ năm 1970.

Đây là trận đột kích táo bạo, liều lĩnh, được lên kế hoạch đến từng chi tiết của quân đội Mỹ, nhưng không đạt được mục tiêu đề ra.

Kể từ khi trực tiếp tham chiến tại Việt Nam tháng 8/1964, số lượng phi công Mỹ bị bắt làm tù binh ngày càng nhiều. Ngày 21/11/1970 Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh thực hiện chiến dịch giải cứu tù binh mang mật danh “Kingpin” (Bờ biển Ngà), sử dụng đơn vị đặc nhiệm thuộc không quân 1127, bất ngờ đột kích nhằm giải cứu tù binh tại trại tù binh Sơn Tây .

Tính từ viên phi công Everett Alvarer lái chiếc A-4 Skyhawk, bị bắn rơi đầu tiên ngày 5/8/1964 trên bầu trời Hải Phòng đến ngày 31/10 /1968, ngày tổng thống Johnson tuyên bố ngừng cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam, số lượng tù binh phi công Mỹ lên đến 356 người.

Những phi công tù binh ban đầu được giam ở Hỏa Lò nhưng về sau ngày càng đông nên được chuyển bớt đi một số nơi. Một trong số đó là trại giam Mai Châu - Hòa Bình và trại giam Sơn Tây cách Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây Bắc. Qua các thông tin tình báo, Cơ quan tình báo quân đội Mỹ DIA đã nắm được các thông tin này.

Năm 1967, Ủy ban Tù binh liên cơ quan (IPWIC) được thành lập ở Mỹ, do Cục tình báo Bộ Quốc phòng (DIA) chỉ đạo. IPWIC đã tiến hành điều tra, thu thập tin tình báo về tù binh Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Căn cứ vào tin tình báo, phía Mỹ tin rằng ở trại giam tại Sơn Tây có 55 tù binh Mỹ.

Tháng 6 năm 1970, Đại tướng Lục Quân Aerle Wheeler chuẩn y kế hoạch tổng quát để giải cứu tù binh Mỹ do Chuẩn tướng Blackburn đề xướng, đồng thời chỉ định một toán gồm 15 chuyên viên tình báo được đặt dưới quyền điều động của vị tướng này để bắt tay vào việc soạn thảo chi tiết kế hoạch. Kế hoạch này được phân chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Thu thập tin tức tình báo;

Giai đoạn 2: Tuyển mộ và huấn luyện;

Giai đoạn 3: Hành động.

+Thu thập tình báo : Trại giam tù binh Mỹ Sơn Tây không lớn, xây dựng theo phối trí hình vuông, mỗi chiều dài 45 mét, xung quanh có tường cao 2 mét với dây kẽm gai. Trại nằm bên bờ sông Tích, xung quanh trại là ruộng lúa nước, tù binh Mỹ được ở trong bốn dãy nhà lán trại cấp 4, với ba vọng gác bao quanh tường rào của trại.

Trại Sơn Tây và Ấp Lỡ, một trại tù binh khác, đã được toán Tình báo Đặc nhiệm Tù binh Hoa Kỳ xác định vị trí vào tháng 5/1970. Đây là toán đặc nhiệm được thành lập vào năm 1967 với nhiệm vụ là theo dõi hồ sơ các tù binh Mỹ, xác định vị trí của các trại tù, để thông báo cho Không quân Hoa Kỳ tránh thả bom vào các khu vực đó. Riêng trại tù Sơn Tây, theo sự xác định của toán đặc nhiệm, trại này giam giữ khoảng 55 tù binh Hoa Kỳ.

Sau khi đã xác định vị trí, Không quân Hoa Kỳ đã tiến hành các chuyến bay thám sát. Không ảnh từ các chuyến bay tiết lộ những trở ngại quan trọng chung quanh trại tù. Đó là một bộ chỉ huy của Sư Đoàn 12 Bắc Việt Nam gồm 12 ngàn binh sĩ đồn trú gần đó và một trường huấn luyện Pháo binh Bắc Việt. Cách trại Sơn Tây 500 mét là một trường trung học. Cách trại tù 32 km là một căn cứ Không quân Bắc Việt Nam. Như thế có nghĩa là cuộc đột kích phải được thực hiện chớp nhoáng vì viện binh của đối phương có thể hiện diện mau lẹ tại trận địa.

+ Tuyển mộ và huấn luyện : Ở giai đoạn này, Hoa Kỳ tuyển mộ các binh sĩ tình nguyện và tổ chức cuộc huấn luyện cho đội đặc nhiệm này. Trong khi đó bộ phận tình báo tiếp tục thực hiện những phi vụ chụp không ảnh vùng Sơn Tây bằng phi cơ bay cao loại Lockheed SR-71 và phi cơ không người lái Buffalo Hunter. Các ảnh chụp được trong mùa hè cho thấy các hoạt động tại Sơn Tây giảm thiểu và đến mùa thu 1970 thì vắng vẻ. Trong khi đó, trại tù binh cách đó khoảng 26 km về phía Tây thì nhộn nhịp hơn

Sự chuẩn bị của Quân đội Mỹ phải nói rằng rất chu đáo. Đầu tiên là các phi công lái trực thăng tập luyện bay ở độ cao sát ngọn cây và theo đường bay ngoằn ngoèo để khi tác chiến sẽ luồn thật thấp trong thung lũng nhằm vô hiệu radar đối phương. Từ đầu tháng 8/1970, hàng đêm tại căn cứ Eglin, các phi công Mỹ được lựa chọn tham gia chiến dịch miệt mài bay tập mò mẫm trong bóng đêm theo đường bay vạch sẵn từ Udon sang Sơn Tây.

Song song với các phi công, những lính biệt kích được tuyển chọn cũng bước vào một chương trình tập luyện rất công phu, gian khổ. Nhằm chắc chắn hơn nữa cho sự thành công của kế hoạch, các sĩ quan chỉ huy chiến dịch này còn cho dựng một mô hình trên thực địa một trại giam giống hệt trại Sơn Tây với tỷ lệ 1/1 ngay trên đất Mỹ để cho biệt kích luyện tập thực tế. Hàng ngày biệt kích Mỹ đeo ba lô cùng vũ khí, trang bị chạy hàng chục cây số, luyện tập cả khoa mục sinh tồn dã ngoại để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là phải rút chạy bằng đường bộ.

Từ ngày 28/9/1970 trở đi, toán biệt kích và không quân luyện tập chung với nhau tại mô hình trại giam theo kịch bản đã được vạch sẵn. Cứ mỗi ngày họ thực hiện 3 cuộc đổ bộ bằng trực thăng và đêm đến lại tập 3 lần nữa. Các biệt kích Mỹ được tập thành thục đến mức có thể bịt mắt mà vẫn di chuyển đúng địa hình thực địa và xạ kích trúng đích theo lệnh chỉ huy. Tất cả các địa hình xung quanh trại giam Sơn Tây cũng được nhóm đặc nhiệm thuộc nằm lòng.

Ngày 6/10/1970, cuộc tổng diễn tập lần cuối cùng có bắn đạn thật được tổ chức. Các máy bay trực thăng đã bay một quãng đường dài tượng trưng cho quãng đường từ Thái Lan sang Sơn Tây trước khi đổ biệt kích xuống mô hình trại giam. Do luyện tập quá nhiều, các biệt kích đã thuộc đến từng ngóc ngách cho nên buổi diễn tập thành công không chê vào đâu được. Các viên chỉ huy rất hài lòng.

Để thực hiện cuộc tập kích này, biệt kích Mỹ đã trải qua 170 lần diễn tập với sự tham gia của hơn 100 lính đặc nhiệm, 30 máy bay, gần 20 phi công trực thăng giỏi nhất của Mỹ. Cùng với sự hiệp đồng, chặt chẽ của các tàu sân bay tại Vịnh Bắc bộ, dự tính khả năng thành công của chiến dịch là gần 100%.

+ Hành động : Vụ tập kích diễn ra đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21/11/1970 này được gọi là Cuộc Hành quân Đặc nhiệm Kingpin POW, do Đại tá bộ binh Athur Simons trực tiếp chỉ huy với lực lượng đặc nhiệm tham gia gồm 56 quân nhân Mỹ được chọn từ Lực lượng đặc biệt số 6 và số 7 tại Trung tâm Chiến tranh đặc biệt Lục quân Hoa Kỳ ở căn cứ Fort Brag - Tiểu bang Bắc Carolina và ở Fort Beening -Tiểu bang Georgia.

Đơn vị không quân tiền phương dùng để chở biệt kích tới mục tiêu và yểm trợ trong chiến đấu gồm 5 trực thăng HH-53C Super Jolly, 1 trực thăng HH-3E Jolly Green, 2 máy bay MC-130 Combat Talon và 5 khu trục cơ А-1E Skyraider. Tất cả các thành viên các tổ lái của đơn vị đều là dân chuyên nghiệp, có kinh nghiệm tác chiến. Sau khi biết mục đích của chiến dịch, họ đều tỏ ý muốn tham gia. Kết quả là tham gia chiến dịch toàn là lính tình nguyện.

Lệnh thi hành được Bộ Tham Mưu Liên Quân chuẩn y và ban hành ngày 18/11/1970. Về lực lượng biệt kích tham gia, sau thời gian huấn luyện, vào đêm 18/11/1970 tất cả đội đặc nhiệm này được đưa lên vận tải cơ C-141. Từ giờ phút đó, các biệt kích không được mặc quân phục hay mang huy hiệu của đơn vị nào. Vũ khí trang bị gồm súng máy M-60, súng M-16, súng phóng hỏa tiễn M-72, phóng lựu M-79 và chất nổ ... Trước giờ xuất phát, các biệt kích mới được thông báo là cuộc đột kích bí mật này có mục tiêu cứu tù binh phi công Mỹ bị giam tại nhà tù Sơn Tây Bắc Việt. Do đó đội đặc nhiệm sẽ tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng và táo bạo. Sau nhiều giờ trên máy bay, họ được thả xuống phi trường Thakhi, Thái Lan.

Về phía Hải quân lực lượng hỗ trợ gồm mười chiếc F-4 Phantom bảo vệ vùng trời nếu phi cơ MiG của Bắc Việt Nam xuất hiện cùng với năm chiếc F-105 Wild Weasel để tấn công nếu các dàn tên lửa phòng không SAM hoạt động, cùng với mười chiếc KC-135 tiếp xăng trên không cho máy bay. Những chiến đấu cơ của hải quân Hoa Kỳ đã thành công trong việc làm hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam hoàn toàn để ý đến họ về phía Đông và sơ hở ở phía Tây là nơi lính biệt kích Mỹ đổ vào từ phía bắc Lào.

Theo kế hoạch, Lực lượng Đặc nhiệm lên các trực thăng HH-53 tại căn cứ Không quân Udom ở Thái Lan được hộ tống bởi 5 phi cơ khu trục A-1E Skyraider, bay qua đất Lào vào Sơn Tây. Trong khi đó các phi cơ chiến đấu Không quân, Hải quân Mỹ sẽ mở cuộc không tập đánh lạc hướng trên không phận Bắc Việt. Đúng 2 giờ 18 phút sáng ngày 21/11, Trung tá Không quân Hebert Zehnder đáp trực thăng chở toán xung kích của Đại úy Richard J. Dick Meadows xuống ngay sân nhà tù Sơn Tây.

Mặc dù đã tập dượt kỹ càng, chiếc trực thăng chở toán quân này cũng bị vướng một dây phơi quần áo, cánh quạt đụng phải một thân cây làm máy bay rớt xuống đất trong sự va chạm dữ dội. Chỉ có một trung sĩ bị bình chữa lửa đập vào chân làm bể mắt cá, còn Trung úy George Petrie thì bị té văng ra khỏi trực thăng, ngoài ra không có ai bị thương.

Dưới quyền điều động của trưởng toán Meadows, tất cả lính biệt kích nhảy ra khỏi trực thăng và tác xạ triệt hạ các lính canh Bắc Việt Nam. Đại úy Meadows khom người phóng mình vào trại, vừa nói qua loa phóng thanh cầm tay: “Chúng tôi là người Mỹ, xin các anh cúi xuống. Chúng tôi là người Mỹ. Đây là một cuộc giải cứu. Chúng tôi đến đây để cứu các anh ra khỏi chỗ này. Yêu cầu tất cả cúi xuống, nằm xuống sàn nhà. Chúng tôi sẽ vào phòng giam của các anh trong vài phút nữa”.

Tiếng nói của ông ta vang vọng khắp nơi trong trại tù. Thế nhưng không một ai trả lời!

Trong khi đó, Trung tá Không quân John A. Allison hạ trực thăng của ông chở toán biệt kích và chỉ huy của Trung tá Elliott P. Sudnor xuống bên ngoài tường nhà đúng kế hoạch. Thượng sĩ Herman Spencer dùng chất nổ phá thủng bức tường. Họ tiếp tay với toán xung kích đang chiến đấu tiến vào nhà tù, lục soát các tòa nhà. Trung sĩ Tyrone J. Adderly, thuộc toán chỉ huy dưới đất đã dùng súng phóng lựu M-79 để tiêu diệt một vị trí súng máy nguy hiểm nhất của nhà tù.

Cùng vào thời gian này, Trung tá Không quân Warren A. Britton, chở toán binh sĩ do Đại tá Arthur Simons chỉ huy hạ cánh xuống tọa độ được ấn định. Thế nhưng cả toán lại bị thả nhầm xuống một trường trung học cách trại tù chừng 500 mét. Trường học này đã được quân Bắc Việt Nam sử dụng làm trại lính.

Nhận thấy cảnh quan thực địa rất lạ so với hình ảnh tập luyện, toán của Đại tá Simons biết là sai địa điểm, nhưng trực thăng đã bay lên cao nên cả toán biệt kích phải nổ súng vào toán quân của Bắc Việt Nam mà họ chạm trán. Ngay sau đó, phi công trực thăng biết là thả lầm nên đã hạ xuống đón và đổ toán này xuống trại tù Sơn Tây.

Bên trong nhà tù Sơn Tây, các binh sĩ thuộc quyền chỉ huy của Đại úy Meadows và Trung tá Sudnor đã nổ súng khi chạm trán với quân Bắc Việt Nam trong khi lục soát nhà tù và tìm các đường hầm. Nhưng họ không tìm thấy một tù binh Hoa Kỳ nào. Các toán biệt kích đã rút lui sau 20 phút tấn công chớp nhoáng trên mặt đất. Và hành động cuối cùng của Đại úy Meadows là tiêu hủy chiếc trực thăng HH-53 bị hư hại lúc đầu khi đáp xuống trước khi rút lui.

Sau khi cuộc hành quân kết thúc, bộ phận tình báo Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ mới biết rõ là toán tù binh phi công Mỹ đã được di chuyển đi nơi khác khỏi Sơn Tây từ hồi tháng Bảy, vì miền này bị hay bị ngập lụt. Một nghi vấn được nhiều nhà quân sự và quân sử Hoa Kỳ nêu lên là tại sao Đô đốc Moorer (người thay thế Đại tướng Wheeler trong chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân) là ngày 19/11/1970 chính ông đã được báo là tù binh đã di chuyển trại mà vẫn ra lệnh xuất phát cuộc đột kích!

Những gì họ tìm thấy sau khi đột kích là một nhà tù vắng tanh!

Nhưng trong quá trình thực hiện, từ sai lầm này đã dẫn đến sai lầm kia, kết quả cuối cùng lại nằm ngoài dự tính của người Mỹ.

Tất cả lính biệt kích Mỹ tham dự lần đó đều bày tỏ sự thất vọng khi phát hiện trại tù không có tù binh nào. Nhưng ở thời điểm đó, họ không biết rằng, tuy không cứu được tù binh nào nhưng công tác này là một sự thành công về các phương diện khác. Cuộc giải cứu này được đánh giá như là một mẫu mực của một công tác liên quan đến nhiều ban ngành trong quân đội, được tiến hành một cách chuẩn xác có sự thành công nhất định về mặt chiến thuật đột kích táo bạo vào vùng đất của đối phương.

Không có tử vong về phía Mỹ trong trận đột kích này. Tuy nhiên, có một số thương vong về phía quân đội Bắc Việt Nam khi máy bay trực thăng do Đại tá Simons điều khiển đáp nhầm chỗ, lại nhằm ngay chỗ quân lính Bắc Việt Nam đang trú đóng nên binh lính Bắc Việt Nam bị tấn công bất ngờ mà không kịp bắn trả.

Chiến dịch này đã được phía Mỹ nghiên cứu rất kỹ. Từ việc tính đường kính cây trong sân trại giam, đến việc hy sinh chiếc trực thăng để dùng cánh quạt trực thăng dọn bãi cho những chiếc khác hạ cánh. Từ việc tính toán nhiên liệu của chiếc trực thăng làm sao khi đến nơi phải hết nhiên liệu để không gây cháy, đến việc chia người của chiếc bị nạn này lên những chiếc khác, nhiệm vụ điểm danh trước khi cất cánh... đều nằm trong chương trình và kế hoạch này cũng không chấp nhận việc bắt tù binh để tiết kiệm tối đa thời gian .

Các tài liệu và sách báo sau này của Hà Nội có xu hướng cho rằng đây là một thất bại của Hoa Kỳ.
Một cuốn sách ra năm 2000 của Đặng Vương Hưng còn nói "kế hoạch về Vụ đột kích cứu phi công Mỹ bị giam giữ ở Sơn Tây nói trên đã nằm trong số những hồ sơ lưu trữ tuyệt mật của quân đội Mỹ".
Cuốn sách "The Raid" của Benjamin F.Schemmer (đã được dịch và phát hành tại Việt Nam) sử dụng nhiều chi tiết từ những lời kể này.

Các hồ sơ phía Mỹ cũng ghi nhận một cái nhìn hơi khác Hà Nội về thành bại của vụ Sơn Tây.

Dù bị chất vấn xoay quanh lý do tin tình báo không được cập nhật, nhìn chung giới quân sự Hoa Kỳ tin rằng cuộc đột kích vào trại tù Sơn Tây là một "thắng lợi chiến thuật", vì việc thực hiện gần như hoàn hảo.

Các nguồn của phía Mỹ cũng cho rằng họ đã tiêu diệt từ 100 đến 200 quân Bắc Việt Nam khi đột kích trại tù Sơn Tây. (Trích sách của Benjamin F.Schemmer )

Những tài liệu giải mã gần đây cũng như một số công bố của Hà Nội cho rằng nhờ tình cờ mà phía Bắc Việt Nam dự đoán rằng sẽ có một cuộc giải cứu tù binh phi công của người Mỹ nên họ đã cho di chuyển trước. Do đó khi biệt kích Mỹ mặc dù đã đột kích trúng địa điểm nhà tù đã từng giam giữ phi công tù binh trước đó nhưng rồi số tù binh này đã được chuyển đi rồi nên trại tù trở nên trống không!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét