Nhiều năm trước tuần nào tôi cũng ghé thăm ông Giáo Thu đôi ba lần. Có lần đi công tác xa cả tuần ghé thăm ông mà thấy nhiều thay đổi. Từ xa tôi thấy có thằng nhỏ trạc 18 tuổi, gầy yếu cùng ông Giáo dời mấy bức tượng nhỏ trong sân. Xưa nay ông Giáo chỉ làm một mình, tuyệt đối không có ai bên cạnh. Thấy tôi đi tới nó nói: "Mấy hôm nay Nội con nhắc chú Khoa, lâu không thấy tới". Trời đất! Chuyện lạ quá! Cháu nội giúp ông đã lạ mà còn biết cả tên tôi.
Nó nói nó tên Lực, mới vào làm ở quán café Tượng Đá được hơn 1 tháng, lương hai triệu rưỡi, làm cho bà chủ là con gái của ông Giáo. Thấy ông Giáo Thu giống ông Nội nó nên nó thương. Khi quán vắng khách, nó thay áo rách để giúp ông. Công việc giúp ông cực gấp đôi công việc ăn lương mà còn hay bị ông rầy la hoài. Nghe rầy hoài riết thấy quen và thấy vui. Nó nhái giọng của ông Giáo rồi kể: " Mày sắp xếp lộn xộn quá, không biết bố cục, tỷ lệ gì ráo trọi". Ông Giáo lẫn lộn thằng bé này với học trò của ông. Nó không biết ông là điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu nhưng ngờ ngợ rằng ông già điếc này hồi đó chắc làm gì “bảnh” lắm?
Thằng Lực lên Sài Gòn học đại học. Nó chọn làm ở đây dù lương thấp nhưng được cái có chỗ ở lại nên không tốn tiền mướn nhà trọ. Nó quê ở An Giang, nhà nó ở Chắc Cà Đao. Địa danh này lần đầu tiên tôi nghe hồi cuối thập niên 60 trong vở kịch Kim Cương, để rồi 30 năm sau tôi mới có dịp đến đó. Gần nhà nó có bến phà Năng Gù qua Phú Tân. Nó có gương mặt sáng trưng, miệng lúc nào cũng nở một nụ cười hồn nhiên. Nó hát vọng cổ rất mùi nhưng với bài tủ của nó là bài Lý Con Sáo Sang Sông thì ai nghe cũng khó cầm được nước mắt. Nó vừa làm việc vừa hát nghêu ngao. Ông Giáo nhiều lúc tưởng nó nói gì, ông không hiểu nên nổi giận và la nó. Mỗi lần bị rầy nó lại cười và trêu chọc ông Giáo bằng mấy câu vọng cổ ở đoạn xuống Xề: “… Nội ơi, con trở về đây để chuộc lại lỗi lầm của mười lăm năm về trước, vậy xin Nội hãy thương con mà đừng chửi rủa con cho cực tấm thân… già”. Ông Giáo không hiểu nó nói gì nhưng cảm được ở nó tấm lòng của một người dưng tốt bụng.
Nó là người dưng nhưng biết hết ông cần gì, thiếu gì dù ông không bao giờ nói ra. Nó nói với tôi: "Chú mua cho Nội con cây đèn pin và đồng hồ treo tường để Nội con mỗi tối không phải đi ra ngoài quán coi giờ rồi vấp té, té hoài". Hôm khác nó lại nói với tôi: "Chú mua cho Nội con kính đọc sách vì kính của Nội bị xước, mờ câm, không thấy đường. Chú nhớ thay bóng đèn lớn luôn, bóng nhỏ này tối quá". Mỗi lần tôi tới, nó móc trong túi tờ giấy ghi chép mấy thứ cần mua thêm cho “ông Nội” của nó. Nó nói: "để khi nào con ra trường, có lương, con phụ tiền với chú". Thằng bé này là hình ảnh tốt bụng đặc trưng của những người miền Tây thế hệ đi khai hoang. Tấm lòng của nó được tôi chia sẻ trên Group trước kia của tôi nhưng lại không ngờ rằng điều này đã làm hại cho nó.
Mấy buổi chiều liền tôi không thấy nó mà chỉ thấy thằng Hải, làm thuê, bạn của nó. Hải nói thằng Lực bị đuổi việc, rồi không nói gì thêm. Tôi gọi điện thoại cho Lực nhiều lần nhưng nó không trả lời. Qua thằng Hải và xâu chuỗi các sự kiện tôi hiểu rằng nó giận bà chủ đuổi nó và muốn tránh né hết mọi người. Nó ra đi đã để lại cho ông Giáo một khoảng trống mà ông không thể tìm được ai trong căn nhà này để lấp…
Tôi đã nhọc công đi tìm nó trong vô vọng. Nhưng để rồi chỉ có một lần nhìn thấy nó... trong giấc mơ. Trong mơ màng mộng thực, tôi nhảy khỏi phà Vàm Cống khi chưa cập bến rồi hộc tốc chạy hơn 20 cây số, khi đến nơi chiếc phà Năng Gù cũng vừa nhổ dây neo. Thấy nó trên phà tôi gọi to: “bớ Lực…ực ực” vang cả một vùng. Giữa một vùng sông nước mênh mông tôi chỉ nghe tiếng máy phà, tiếng vọng của tôi hòa cùng giọng hát ngọt lịm của nó:
“Ai xui con sáo sang sông.
Để cho con sáo sổ lồng bay xa…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét