khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

“Thối lát nắm!”, các đồng chí ạ! - Tác giả Tạ Duy Anh

 

… Môn học chính trị ban đầu dự định một tháng, nhưng tự động kéo dài hai tháng, sáu tháng, rồi có nguy cơ không biết đến bao giờ thì dừng. Mãi sau này chúng tôi mới biết, hóa ra lớp mà chúng tôi theo học, thuộc loại chuyên môn mới toanh, chưa có giáo trình. Tức là chưa ở đâu có các môn học mà chúng tôi sẽ học. Vì thế, môn chính trị được dùng để lấp tạm vào. Nhưng hồi đó, khi thấy những giờ học chính trị kéo dài lê thê thì đứa nào cũng phấn khởi ra mặt, vì nó cho thấy khả năng chúng tôi được đưa sang Liên Xô là “rất có cơ sở”. Nếu không đi Tây thì học chính trị nhiều thế để làm gì.

Mà đâu chỉ có mình thầy Trương lên lớp môn này. Hàng chục người khác cũng tham gia giảng dạy, với cùng một nội dung mà kể cả 4000 năm sau vẫn còn nguyên giá trị -như các thầy nói. Nhiều giáo viên vốn là những công nhân phổ thông, mới học đến biết viết, nhưng vì có thành tích trong việc nhặt tạp chất khỏi đất đá dùng để đắp đập nên sau đó được bồi dưỡng để thành cán bộ. Họ cứ bê nguyên xi lời giảng của một ông bà công nhân được nâng cấp thành cán bộ tiền bối nào đó bắt chúng tôi ghi chép. Thậm chí bất cứ ai từ công ty chả có việc gì bèn tạt xuống thăm, cũng chớp cơ hội tranh thủ phô trương vốn kiến thức chính trị to lớn, uyên bác của mình.

Hình như ở đất nước này bất cứ ai cũng có thể là giáo viên môn chính trị, nhất là những người vô công rồi nghề! Ngay thầy giáo chuyên về hóa của những lớp mà học sinh chưa có bằng tốt nghiệp cấp ba, cũng tạt ngang nói về “ba dòng thác cách mạng”, về “cá lớn nuốt cá bé” – là bản chất của bọn tư bản thối tha; là sự ưu việt hiển nhiên của Chủ nghĩa xã hội v.v… Rồi nhiều hôm, vì không tìm đâu ra giáo viên, nhà trường mời cả ông bảo vệ tên là Thứ lên lớp. Cụ Thứ quê Hải Dương, sống hiền lành nhưng cực kỳ máy móc. Ngày ngày cụ trông coi mấy cái xe ben bị hỏng vứt chỏng trơ ngay lối vào trường, chờ đất đồi lấp dần. Ngoài ra cụ có nghĩa vụ chăm sóc đám cây hoa trồng ngoài hiên của phòng giáo vụ. Vì chả có việc gì nên cụ nuôi thêm con lợn, vài con gà để có cớ lặn lội đào bới dưới suối suốt ngày. Mỗi khi có việc gì người ta mới cần cụ ăn mặc tươm tất để giữ trật tự.

Thế mà nào ngờ có ngày cụ được làm thầy giáo, giảng đúng cái thứ mà cụ khoái khẩu. Mỗi khi nói cụ thường ề à, xuýt xoa rất sốt ruột, cứ chữ thành chữ L theo đúng thổ ngữ Hải Dương. Nhưng cụ cũng phán như thần về đấu tranh giai cấp. Mặc dù ăn uống vô cùng kham khổ, thường chỉ nấu nửa bò (vỏ hộp sữa đặc, loại 400g) gạo với một ít cá khô rồi ngồi úp mặt vào tường ăn vì sợ có người nhìn thấy, nhưng cụ vẫn khuyên chúng tôi chớ có ăn phải bả vật chất, phồn vinh giả tạo của chủ nghĩa tư bản. “Bọn tư bản chúng ‘ló’ thối tha, tàn bạo ‘nắm’, chớ có thấy ‘chúng ló lói’ hay ‘lói’ tốt mà ‘nại’ dại dột tin chúng ‘ló’”. “Thối lát nắm!”

Về sau này chúng tôi mới biết, hình như cụ bị kỷ luật vì liên quan đến chuyện gái gú gì đó, khai trừ treo về đảng nên lãnh đạo công ty tống cụ xuống cái nơi khỉ ho cò gáy với nhiệm vụ cai quản chúng tôi, coi như một hình thức kỷ luật có ưu ái, chờ đủ thời gian kết nạp lại rồi giải quyết chính sách.

Cùng với cụ Thứ có thêm ông Bách, làm công tác công đoàn và chú Hệ, phụ trách thanh niên thỉnh thoảng cũng đá gà đá vịt tí chuyên chính. Ông Bách nhà ở Chương Mỹ, Hà Tây, cùng quê với tôi, trưởng thành từ một anh thợ máy gì đó, chuyên áo bốn túi cáu bẩn vì hàng tháng không giặt.

Ông Bách ăn nói ề à, cứ thứ bảy là lọc cọc đạp chiếc xe ghẻ lở toàn thân qua sáu chục kilomet về mang theo sắn khô để vợ ở nhà độn cơm hay nuôi lợn. Gặp chúng tôi ông chỉ cười hề hề, mặt bủng beo vì bệnh gan. Còn chú Hệ thì nghe nói cũng lăng nhăng trai gái mà bị đưa khỏi công trường để “cách ly”. Chú phụ trách luôn cái đài nghe đĩa to như cái thùng của Liên Xô, thỉnh thoảng tiếp vào hệ thống loa của trường chương trình thanh niên. Ngoài ra đó cũng là phương tiện để nhà trường thông báo đến tất cả học sinh những quy định mới hay sự kiện nào đó. Chú Hệ cũng hay lồng vào những bài xã luận do chú viết, nói về lý tưởng của thanh niên, với dày đặc khẩu hiệu. Cái loa chỉ tắt hẳn khi một lần chú Hệ về quê, nhờ tôi “tiếp sóng” giúp chú và tôi đã cắm nhầm dây loa vào ổ cắm điện khiến gây tiếng nổ lớn. Sau đó chiếc đài bị cháy và tôi phải sửa đền đúng sáu tháng mới xong. Sau khi nhận bàn giao từ tôi, thầy hiệu trưởng chuyển chiếc đài lên phòng giáo vụ để thỉnh thoảng nghe đĩa và từ đó chúng tôi không thấy nó đâu nữa.

Hầu như tuần nào chúng tôi cũng có sinh hoạt, hò hát, làm tự kiểm điểm do chú Hệ chủ trì. Học thì không, kiến thức chuyên môn chưa có tí ti nhưng khuyết điểm thì đứa nào cũng đầy mình. Có đứa hôn gái, không kìm được, tinh trùng xuất ra, bị bắt gặp quả tang moi quần còn ướt, cũng phải làm kiểm điểm. Có đứa hát nhạc vàng i ỉ câu: “Lâu lắm xa rồi mình chẳng gặp nhau” cũng làm kiểm điểm. Có đứa nửa đêm đói quá nhóm lửa luộc sắn, cũng kiểm điểm. Kỳ cục hơn cả là có đứa chiều thứ bảy bạn trai mang xe đạp đến đón về, cũng phải kiểm điểm. Con bé làm kiểm điểm xong, khóc tức tưởi bảo: “Chúng tôi đèo nhau chứ có đéo nhau đâu hu hu”. Nghĩa là mọi thứ y như thật. Chỉ riêng việc học của chúng tôi là cứ phải chờ thầy. Giai điệu chờ thầy vang lên trong nỗi vui mừng của những đứa ngại học suốt cả năm đầu tiên, tiếp sang năm thứ hai. Không biết ba lớp kia thế nào, riêng lớp Thí nghiệm “gồm toàn con ông cháu cha” thì ngày này qua ngày khác chỉ cứ rồng rắn kéo nhau lên lớp lại ngồi chờ thầy.

Có hôm muốn thay đổi không khí, thầy hiệu trưởng tên là Chương (chứ không phải ông Trương chính trị) lấp chỗ trống bằng một bài giảng y như những gì chúng tôi đã nghe nhưng có thêm sự đùa cợt khiến không khí rôm rả đôi phần. Chẳng hạn khi nói về lý tưởng thì thầy nháy mắt như trêu gái bảo: “Đừng có thiếu lờ tờ nhé”. Hoặc, giá trị thặng dư, ký hiệu bằng chữ m, thì thầy gọi là em. Có em là có tất. Có hai em (200% lợi nhuận) là bán cha mẹ, có ba em là sẵn sàng thắt cổ, có bảy em là nhảy vào lửa… Em, ai chả thích hích hích… Thầy cười tít mắt. Hôm nào không đến được thì thầy sai người đưa lên cho chúng tôi mấy câu hỏi về làm chủ tập thể để cả lớp thảo luận, cốt sao chúng tôi không nhàn cư vi bất thiện nghịch bậy là được. Còn thầy thì tranh thủ ngồi giạng chân ra, nạo sắn phơi đem bán. Có hôm “chim” thầy thò cả ra ngoài nhưng vẫn nói ra rả về tật xấu của chủ nghĩa tư bản nếu có mặt chúng tôi ở đó.

Sau khi chúng tôi ra trường, thầy Chương được điều về tổng công ty. Thầy có chân trong đoàn cán bộ nòng cốt của Công trường sang Liên Xô, vừa học tập, vừa tham quan nhưng việc chính là mua hàng mang về. Nào là dây may-so, bàn là điện, quạt tai voi, chậu giặt bằng nhôm… Thấy mọi người kể lại rằng, cả đoàn cán bộ ưu tú rồng rắn nhau đi càn quét các cửa hàng mậu dịch ở Mátxcơva. Ông nào cũng tay xách, nách mang, lưng đeo, đầu đội cả chồng chậu giặt, như những kẻ làm nghề bốc vác thuê. Chả hiểu thầy Chương của chúng tôi tiện tay “cầm nhầm” cái gì đó và bị phát hiện, thế là thầy phải về giữa chừng. Từ đấy nghe bảo thầy ít nói về đạo đức cách mạng và chúng tôi cũng không biết thầy bị những dòng thác cuốn về đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét