Người Việt chịu ảnh hưởng Nho giáo nên hay nhắc đến Ngũ đức: nhân 仁 nghĩa 義 lễ 禮 trí 智 tín 信. Mấy hôm nay có nhiều bàn cãi trên mạng và báo chí về chữ lễ trong câu tiên học lễ hậu học văn 先學禮後學文.
Có người cho rằng lễ là khuôn phép, phục tòng kiểu phong kiến, cần phải bỏ đi cho xã hội được tiến bộ. Nếu hiểu như thế thì hơi tội nghiệp cho chữ lễ.
Thời nhà Chu, người Trung Hoa cổ đại dùng lễ nhạc 禮樂 để nói về nghi thức cúng tế. Cả lễ lẫn nhạc đều có quy luật chặt chẽ để việc cúng tế được diễn ra nhịp nhàng hoà điệu. Dần dần lễ nhạc được hiểu theo nghĩa bóng là nghi thức, là quy tắc ứng xử cho nhịp nhàng.
Đến thời của thầy Khổng Khâu thì ông cho rằng sở dĩ thiên hạ loạn lạc vì không có mấy ai hiểu lễ nhạc, cho nên cần phải phục hồi Chu lễ (lễ chế của nhà Chu). Thầy Khổng luôn nhấn mạnh đến nhân nghĩa là nền tảng của đạo đức, của việc tu thân. Nhưng nhân nghĩa phải được biểu lộ qua hành vi bên ngoài mà thầy gọi là lễ.
Trong sách Luận ngữ, chương Học nhi có chép:
子曰:弟子入則孝,出則弟,謹而信,汎愛眾而親 仁。行有餘力,則以學文。Tử viết: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.”
Khổng tử nói: “[Là phận] con em, trong [nhà] thì hiếu thảo [với cha mẹ], ra ngoài thì thuận thảo [với người lớn hơn], cẩn thận mà giữ niềm tin, rộng yêu mọi người mà gần gũi người nhân đức. Làm xong [những điều đó] mà còn thừa sức, thì hãy học chữ nghĩa.
Vậy theo thầy Khổng thì chuyện trau dồi đức hạnh, học làm người mới là chính. Rồi sau đó mới học chữ nghĩa để có kiến thức, lập nghiệp mưu sinh.
Lễ được hiểu là cách ứng xử hợp thời, đúng đắn với vai trò trong xã hội. Vua tôi thì có lễ của quân thần, quân minh thần trung 君明臣忠(vua sáng suốt, bầy tôi trung thành). Cha con thì có lễ của phụ tử, phụ từ tử hiếu 父慈子孝 (cha nhân từ, con hiếu thảo).
Lễ là đầu mối để gìn giữ Tam cương Ngũ thường. Mọi quan hệ xã hội đều có hai chiều, chứ không phải kiểu “quân xử thần tử thần bất tử bất trung” (vua muốn bề tôi chết, mà bề tôi không đi chết thì chẳng trung thành). Đó là một cái nhìn lệch lạc và bóp méo quan điểm của thầy Khổng, thầy Mạnh.
Lễ là yếu tố quan trọng trong việc đào tạo nhân cách. Làm người cần biết học cách ứng xử với người trên kẻ dưới, vì theo quan niệm của Nho gia, mỗi người cần hành xử theo đúng bậc sống của mình. Vua cư xử phải ra vua, bề tôi ra bề tôi, cha mẹ ra cha mẹ, con cái ra con cái theo chính danh 正名 của mình kẻo thượng bất chính hạ tắc loạn (bề trên không cư xử đúng đắn thì bề dưới tất sẽ làm loạn).
Ở Âu Mỹ, người ta không nói đến lễ, đến Tam cương Ngũ thường, nhưng ngay từ nhỏ trẻ em được giáo dục nhân cách để biết tôn trọng người khác, biết hành xử hợp với đạo lý: có lòng thương người (humanness), giữ bổn phận (dutifulness), lễ phép (propriety), biết suy nghĩ (thoughfulness), tin cậy được (trustworthiness). Đó chẳng phải là Ngũ đức hay sao?
Vậy nếu có ai đòi bỏ “tiên học lễ” vì cho rằng lễ lạc hậu thì không hiểu nội hàm của chữ này mà chỉ lập lại như vẹt.
—-
Ảnh: Thông loại khóa trình số 1, năm 1888, của thầy Trương Vĩnh Ký có đoạn: “Phép học là trước học lễ sau học văn; được cả hai ấy mới ra con nhà gia giáo, biết phép tắc, lễ nghi, cang thường, luân lý, biết chữ nghĩa văn chương, kinh sử truyện tích cổ kim ấy là đấng đợt con người tử tế”.
(Ảnh lấy lại trên báo Thanh Niên 28-11-2011)
++++
Bổ sung: 30-11-2021
Theo nghiên cứu của Nguyễn Đình Hưng thì trong sách ấu học "Khải đồng thuyết ước" (啟童說約) của cụ Phạm Vọng, viết năm 1853, thời vua Tự Đức có tóm tắt tư tưởng “tiên lễ hậu văn” như sau:
“Đạo hữu phí ẩn. Nhập hiếu xuất đễ. Ái chúng thân nhân. Hành hữu dư lực. Tắc dĩ học văn. Cách vật trí tri. Chính tâm thành ý. Thân kí dĩ tu. Suy chi tề trị” 道有費隱。入孝出悌。愛眾親仁。行有餘力。則以學文。格物致知。正心成意。身既已修。推而齊治 (Đạo có phí có ẩn. Vào hiếu ra đễ. Yêu khắp chúng mà thân người nhân. Làm mà còn dư sức. Rồi mới học văn. Cách vật trí tri. Chính tâm thành ý. Thân đã tu rồi. Thì suy đến tề trị.)
“Tiên lễ hậu văn. Xuất đễ nhập hiếu. Cửu tộc ngũ phục. Ngũ thường ngũ luân. Tam phụ bát mẫu. Đương biện sơ thân” 先禮後文。出悌入孝。九族五服。五常五倫。三父八母。當辨初親 (Trước là lễ sau đến văn. Ra thì đễ vào thì hiếu. Chín họ, năm loại tang phục. Ngũ thường ngũ luân. Ba cha tám mẹ. Nên xét rõ sơ thân).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét