khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Thương Tiếc Một Con Đường... - Tác giả Nguyễn Đông Thức

 

Chiều qua tôi đã ráng chạy một vòng qua con đường kỷ niệm suốt thời trung học của mình, dù biết sẽ rất đau lòng. Đau lòng, nhưng vẫn phải nhìn, kiểu như phải đi đám tang một người bạn thân vậy. Con đường mà suốt 7 năm trời, trừ Chủ nhựt và ngày lễ, ngày nào tôi cũng phải đi qua để đến trường. Một con đường nhỏ nhưng mát rượi với hai hàng cây dầu và me cao, xanh mát. Tới mùa, những trái dầu thi nhau rụng sau từng cơn gió, quay tít trên không trước khi nhẹ nhàng đáp xuống đường. Có khi là vào những chiếc giỏ xe phía trước chiếc PC, Yamaha Dame của các cô bạn trường hàng xóm... làm các gương mặt con gái xinh đẹp càng sáng lên một niềm vui nhẹ nhàng.

Vâng, tôi là học sinh trường nam trung học công lập Võ Trường Toản, bên cạnh trường nữ trung học công lập Trưng Vương. Và con đường hai ngôi trường này nằm trên chính là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Một trong những con đường đẹp và xưa nhứt của Sài Gòn.

Thời Pháp thuộc, con đường chạy dọc rạch Thị Nghè này được mang số 2, đủ biết xưa cỡ nào (số 1 chắc đường Lê Duẩn bây giờ?). Từ ngày 2-6-1871, đường được đặt tên là đường Tây Ninh. Năm 1897, đổi là đường Rousseau. Ngày 21-4-1936, cắt đoạn đầu thành đường riêng và đặt tên đường Docteur Angier. Từ ngày 23-1-1943, hai đoạn nhập một và gọi chung là đường Angier. Ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau 1975, tên này may mắn được giữ luôn cho tới nay chớ không bị đổi thành Mai Thị Lựu, Huỳnh Văn Bánh, Nguyễn Văn Đậu, Bành Văn Trân... không ai biết là ai.

Con đường này, với đoạn nối từ Thống Nhứt (Lê Duẩn) đến Lê Thánh Tôn (Nguyễn Hữu Cảnh) có thể nói là con đường yên tĩnh, xanh mát bực nhứt của Sài Gòn. Đoạn đường này cũng đã góp nên lời nhạc cho ca khúc “Con đường tình ta đi” của nhạc sĩ Phạm Duy: “Lá đổ để đưa đường hỡi người tình Trưng Vương…”.

Hầu như anh nam sinh đệ nhị đệ nhứt (lớp 11,12) nào của VTT cũng phải mê một cô nữ sinh Trưng Vương nào đó, dù khả năng cua được cô làm bạn gái của mình khó như hái sao trời. Bởi các cô cùng cỡ lớp thì dễ gì để mắt tới đám con trai mới lớn mặt còn đầy mụn. Đoạn đường ấy giờ tan học còn tấp nập những Vespa, Lambretta, Honda S90 của các anh sinh viên y khoa, bách khoa, phi công, sĩ quan hải quân... lượn lờ đưa đón người yêu. Những cây si VTT chỉ biết đứng ở những gốc me gốc dầu giương mắt ngó và mơ. Có gan lắm thì đạp xe theo làm cái đuôi đưa nàng về nhà, cầu mong xe nàng sút sên hay bể bánh để có dịp làm người hùng. Có lần tôi đã kể, trong một lần đạp xe theo như vậy, tới ngã tư đèn đỏ, cô Bắc kỳ nho nhỏ đã quay đầu lại nói với tôi đủ cho 8 người chung quanh nghe: “Em còn nhỏ lắm, đua đòi chạy theo chị làm gì?”. Kệ, những gốc cây cao vẫn là nơi dựa lưng ngắm gái Trưng Vương của các chàng nam sinh mặt mụn. Lâu lâu cũng có chàng trúng số, quen được một em. Và NBK đã là “Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh...”.

Và hôm nay những gốc cây ấy đã bị đốn hạ! Cũng có lý do là trong cơn mưa chiều ngày 9-10 đã có một cây dầu bật gốc ngã vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm khoảng 3m tường sập và gây hư hỏng chuồng rái cá. Thế là lập tức người ta lên ngay kế hoạch chặt hàng loạt cây và bắt đầu từ ngày 26-11 vừa qua. Trong suốt hơn tháng rưỡi đó chẳng có thêm cây nào đổ.

Dẫu biết Saigon đã chết hơn 46 năm rồi, nhưng cứ mỗi lần thành phố này mất đi những gì đẹp đẽ quý báu lâu đời, những người Saigon cũ cứ thấy nhói đau trong lòng!

Thương xá Tax, passage Eden người ta còn đập bỏ, lư hương Đức Thánh Trần người ta còn đem dẹp, hàng cây trên đường Cường Để người ta còn chặt sạch, thì có nghĩa lý gì mấy cây dầu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét