khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Vết Chai Mềm – Tác giả Nguyễn Đình Phượng Uyển

 

Lần về Việt Nam gần đây nhất, tôi lặn lội đi kiếm bà để xin mấy cuốn sách bà vừa tái bản. May, đang lúc bà lên Sài Gòn chơi nên tôi ghé dễ dàng. Bà soạn sẵn cho tôi chín cuốn, có chữ ký hẳn hoi, bảnh chưa?
Xưa, bà ở làng Báo Chí, đường số 2, còn nhà tôi đường 4 , cách nhau vài trăm mét. Hình như bà và gia đình tôi chỉ thân nhau từ sau 30/4, lúc bố tôi và bà phải họp hành, trình diện gì đó ở Hội Văn Nghệ Sĩ.
Khi bố ở tù, mẹ tôi gắn bó với bà hơn vì cả hai đều cùng cảnh ngộ, một mình nuôi đàn con nhỏ lít chít. Hai bà chạy ngược chạy xuôi kiếm cơm, ai chỉ gì làm nấy, hùn hạp, đầu tư sản xuất, cứ được dăm ba bữa thì dẹp tiệm, càng làm càng lỗ, lắm lúc thúc thủ, hai bà chỉ biết chia sẻ với nhau mấy hũ chao bé bằng nắm tay hay bát nước mắm kho quẹt, gọi là thức ăn cho lũ trẻ.
Đơn độc gồng gánh nuôi con, trong đó có một đứa bị bại não, nhưng nhà bà dường như luôn có khách ở lại chơi dăm bữa nửa tháng, có khi cả năm, không biết bằng cách nào mà bà thầu được hết. Phụ nữ hay những cặp vợ chồng đến ở chung đã đành, lắm lúc mấy ông – chả biết có độc thân không- cũng xin tá túc, bà OK tuốt luốt. Bà kể với mẹ tôi:
“ Giữa đêm thằng đó mò qua phòng em, bảo đau bụng đau bão, cho xin miếng dầu, em ôm chặt lấy nó rồi la toáng làng nước, nó tông cửa chạy mất đất.”
Cũng vì khách khứa ra vào nườm nượp nên ông tổ trưởng cú vọ khoái rình rập bà để đi tâu bẩm, lập công. Ban ngày ổng ngồi trên mấy cục đá to, trước cửa nhà bà, chõ mắt vào chả cần giấu diếm hay ngượng ngùng, ban đêm ổng trèo lên tường, nhô đầu thám thính, bà tức mình chửi té tát “ Tao mặc quần mặc áo chứ tao có ở trần ở truồng đâu mà tụi bay rình rập quài”
Tôi nhớ mái hiên ngoài sân bà treo cây ba toong, móc lá cờ đỏ sao vàng, to cỡ tờ A3, đầu gậy gắn thêm một miếng xơ mướp khô quắt queo, đen thùi lùi. Bà cứ để thế từ năm nay qua tháng nọ, bạc thếch, bẩn thỉu. Ngày lễ ngày lộc, công an, tổ trưởng phải đập cửa từng hộ gia đình bắt treo cờ, bà yêu nước 24/24 nên công an không cần nhọc sức.
Nói tới công an, phải nhắc đến chuyện tư gia của bà thường bị chúng lục soát giữa đêm hôm khuya khoắt, có đêm lùng sục tới hai lần với súng ống, biên bản. Họ muốn dằn mặt, muốn đe dọa người cầm bút, bà điên tiết “ Mấy chú cứ dọn chỗ ngoài đồn cho mẹ con tôi, nhất là đứa con tật nguyền này ra đó ở, khỏi mất công lay chúng tôi dậy một đêm mấy lần kiểm tra hộ khẩu, hộ khiếc.”
Việt Cộng càng hạnh họe, bà càng được nhiều người yêu mến nên thời cả nước lầm than, đói khát nhưng mỗi khi bà lên phố, thể nào cũng có người mời mọc bà ăn món này món kia. Một chàng được gọi là “Đại đế ve chai”, nghe nói giàu lắm, mở một chầu nhậu linh đình, thết đãi nữ văn sĩ.
Nhìn bà uống rượu, hút thuốc lá sành sõi, lại là người chuyên viết về mấy cô gái điếm, ổng tưởng ngon, chớt nhả, ngả ngớn, bà cảnh cáo đập guốc lên bàn cái rầm, ổng chưa sợ, lại tiếp tục nói nhăng nói cuội, bà tương thêm chiếc guốc còn lại rồi hất hết mâm bát rượu chè xuống đất, đanh mặt:
“ Được rồi. Anh muốn tui hun anh phải không? Tui ra điều kiện, anh làm được tui sẽ ôm hun anh tại chỗ.”
Cả bàn tiệc nhao nhao, phấn chấn, cổ vũ. Đại đế đâu thể để mất mặt, gật đầu, gật đít.
“ Ông cởi hết quần áo, chạy một vòng ngoài đường, về đây tui hun.”
Cả mấy cô tiếp viên quanh đó cũng hùa vào vỗ tay đốp đốp “ Chơi đi. Em hun anh nữa.” “ Em luôn”
Bà tả “Cái thằng, mắt híp như cọng chỉ.” vậy mà dám giỡn mặt với bà bác, đúng là gan cùng mình. Sau, được dịp thấy “cận cảnh” Đại đế, tôi phải công nhận bà tả đôi mắt của ổng hay ác liệt, mắt lươn chưa chuẩn. Bà đã ví von thì đối tượng chỉ có nước từ chết tới bị thương, ví dụ một thơ sĩ nào đó bắt bà chịu trận nghe chàng ngâm nga cả buổi, bà lắc đầu kể với bố “ Nó hãm thơ vô tai tui, ông.”
Má bà ở tận Lộc Ninh, khá giả nhờ vào vườn Tiêu bạt ngàn. Ngày ấy Tiêu là thứ để xuất khẩu, mỗi ký bán cả chỉ vàng, đủ sống trong một tháng. Ngoài Tiêu, vườn còn trồng Chôm Chôm, Nhãn…toàn những thứ trái cây đắt tiền. Ngăn sông cách chợ, đường sá xa xôi, bên ngoại không thể chu cấp cho mẹ con bà rách rưới trên Saigon nên bà đành bán căn nhà trong làng Báo, đem con về Lộc Ninh sinh sống, thỉnh thoảng quay về làng thăm hàng xóm vài ngày, lên Saigon bát phố.
Nghe bà nói về lợi tức trồng Tiêu - tính bằng vàng cơ mà - lúc đợi Tiêu ra hạt, nhà vườn sẽ trồng đậu xanh, đậu phộng, “ Lấy ngắn nuôi dài”…. bố mẹ tôi thấy có mòi kiếm sống, mượn tiền mượn bạc xuống Lộc Ninh làm nông dân trồng trọt, cày sâu cuốc bẫm. Cả năm trời canh tác, ôm mộng vui thú điền viên, bố mẹ tôi tha về được vài ký đậu phộng cho con cái ăn thử rồi kiệt sức, chào thua, vứt hết đất đai khai hoang, vứt hết hoa màu cho đỡ tốn tiền đi lại, về nhà trông chừng lũ con bơ vơ, xơ xác. Vì vườn Tiêu của bà đã có sẵn luống, nọc, đất, phân, nhân công, máy móc… còn bố mẹ tôi bắt đầu từ Zero, vốn liếng không có, đem sức vóc liễu yếu đào tơ ra cày cuốc thay cho máy, thay cho người để đổi lấy vàng, được à?
Sau đó Tiêu hết thời, bà và các con làm đủ thứ nghề sinh sống: nuôi Dê, nuôi gà đá, cá kiểng…
Bà kể cậu con trai cưng mấy con gà như trứng mỏng, sáng ngày ra lo rửa chân rửa tay, móc mồm móc mũi gà sạch sẽ nên “ Tao ước làm con gà để mai mốt mày cũng lo cho tao như vậy…”
Hôm tôi nhận của bà mấy cuốn sách, vài bữa sau nghe tin bà mổ ung thư. Tôi bàng hoàng.
May mắn, bà qua cơn nguy kịch nhưng xuống sắc, gầy nhom, đầu bạc trắng, tưởng không xong, ai dè bà khỏe dần, hình bà chụp trên Facebook trông hồng hào tươi tắn. Những năm gần đây bà lãng tai nặng, đeo máy cũng không nghe gì. Con trai bà than mỗi lần nói chuyện với bà, mệt lắm, phải gào to. Bà cũng như bố tôi lúc này: yếu ớt, mong manh, lặng lẽ, ít ăn, ít ngủ…nhưng tôi tin bà vẫn giữ phong cách lạc quan, mạnh mẽ, hài hước, không than trách, không tuyệt vọng, có lẽ vì bà đã kinh qua quá nhiều đau khổ, chả thể khổ hơn, đau hơn.
Nhắc đến đứa con gái bại não nay đã gần năm mươi tuổi, ăn uống, ngủ nghỉ, đi vệ sinh…tại chỗ, mặt bà tỉnh bơ “ Bác nhờ nó nhiều lắm đó. Bạn đọc biết nó bịnh, gửi tiền giúp đỡ, bác sửa được căn nhà”
Nhắc đến chồng, rũ áo ra đi từ bận con còn thơ dại, đến khi “Sắp chết nên lương tâm ổng mọc răng, quay về kiếm vợ con, thuật lại việc mổ tim, vạch áo cho bác xem vết thẹo, bác chọc, ông cũng có trái tim để mổ sao?”, mắt bà không chút gợn buồn, miệng cười thành tiếng.
Bà nói bà chẳng khóc bao giờ, chai sạn đến mức lúc mẹ bà mất, hàng xóm đi rình xem bà có nhỏ lệ không mà chả thấy dù lòng bà đau ngấu nghiến.
Dường như những vết chai sạn đó lại mềm hơn bất cứ thứ gì….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét