Lời cuối của bài hát như là một lời tiên tri tiên đoán trước định mệnh thê thảm buồn của tác giả, trung tá Vũ Văn Sâm, Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Quân Lực VNCH.
Như tất cả mọi sĩ quan thuộc Quân Lực VNCH, tháng 6 năm 1975, Trung Tá Vũ Văn Sâm cũng phải trình diện tập trung vào tù cải tạo của tân chế độ Cộng Sản.
Một vị sĩ quan tuấn tú nhiều tài năng nghệ thuật, nhìn dung gian như thế khó mà nói sẽ bị chết yểu nay mai. Nhưng rồi nhìn nấm mộ bằng ít đất đắp vội và một tấm bia viết nghệch ngoạc tên ông, thân xác phải chôn cất trên vùng rừng núi Yên Bái, ai thấy cũng sót thương cho thân phận một vị sĩ quan tài hoa như thế.
Ở trong tù, nhạc sĩ Vũ Văn Sâm đã sáng tác bài Anh Ở Đây, một bài hát nói lên đầy đủ tâm trạng của mọi người tù cải tạo, khiến nhiều người đã hát và thuộc nằm lòng.
Nhiều người đã về, trong đó có nhạc sĩ trung tá Vũ Đức Nghiêm, còn ông, "Anh Ở Đây, Sao Vẫn Còn Ở Đây?" mãi mãi không về.
Khi nói về chính sách tù cải tạo của Cộng Sản, có một số người vẫn cứ tranh cãi rằng chế độ Cộng Sản, tuy xấu xa, nhưng vẫn không đến nỗi ác độc tàn tệ, chứng cớ là những sĩ quan tù nhân cải tạo chỉ phải ở ở tù ít năm, lâu nhất là những vị tướng lãnh cũng đến 17 năm là cùng, rồi vẫn được thả về mà thôi.
Thật sự, chính sách tập trung sĩ quan VNCH vào tù cải tạo là một chính sách rất ác độc, là chủ trương của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí Thư Lê Duẩn. Ông Lê Duẩn muốn rằng, hàng trăm ngàn sĩ quan VNCH phải bị đày ải trong những trại tù nằm trong tận rừng sâu, thường được gọi là những nơi khỉ ho cò gáy đầy sương lam chướng khí, họ phải ở đó, tự khai quật đất đai, tự xây nhà để ở, tự cày cấy trồng trọt mà ăn nhưng phải lao động bằng chính bàn tay của họ, không hề có dụng cụ trợ giúp, và không đủ ăn để mà có sức lao động. Và, sau này khi họ vẫn còn sống sót, chính quyền Cộng Sản sẽ mang vợ con họ lên đó mà sống cuộc đời còn lại, trong những vùng rừng sâu nước độc đó, được gọi một cách hoa mỹ là những vùng kinh tế mới.
Sở dĩ chế độ Cộng Sản tàn độc đó đã thả tù nhân ra về vì rất nhiều lý do nằm ngoài dự tính của họ. Thứ nhất, thành phần Cộng Sản Miền Nam tập kết, có rất đông thân nhân là sĩ quan VNCH, là thành phần không tàn ác như lãnh tụ Lê Duẩn nên ảnh hưởng của họ có phần nào làm lỏng lẻo chính sách. Thứ hai, số người Việt ra đi năm 1975 gửi tiền về cho thân nhân khiến các lãnh tụ Cộng Sản nhìn thấy nguồn thu bất tận đó nên thay đổi cách nhìn, nhìn thấy "khúc ruột ngàn dặm" đang đổ tiền về cứu sống một chế độ đang ngáp ngáp vì đói. Thứ ba, cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ của thân nhân những tù nhân đang sống ở Hoa Kỳ như hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị của Bà Khúc Minh Thơ khiến chính quyền Hoa Kỳ không thể làm ngơ, dần dần can thiệp, dẫn đến chương trình HO đón nhận hầu như tất cả mọi cựu tù nhân cải tạo và thân nhân, lên đến 70,000 tù nhân cộng với khoảng gần 300,000 thân nhân đến Hoa Kỳ định cư từ những năm 1990 cho mãi đến năm 2010 vẫn còn đến. Thứ tư, Khờ Me đỏ đánh các tỉnh Miền Nam từ năm 1976, Trung Cộng xâm lấn Việt Nam ở phía Bắc năm 1979, khiến chính quyền trung ương Hà Nội sợ cảnh thù trong giặc ngoài, phải nhẹ tay và dần dần thả tù cải tạo.
Cá nhân tôi tuy không bị tập trung cải tạo nhưng là người bị kẹt ở lại Việt Nam đến năm 1983, nên có cơ hội hiểu rõ chuyện tù cải tạo. Tôi có 5 người anh, 2 anh trai và 3 anh rể, bị tù tập trung, và sang bên Mỹ, tôi đã nói chuyện tâm tình và phỏng vấn hơn 30 cựu tù cải tạo, trong đó có tướng Trần Văn Chơn, Đại Tá Vũ Quang Chiêm, Trung Tá Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, Trung Tá Thi Sĩ Hà Thượng Nhân, Trung Tá Lực Lượng Đặc Biệt Đỗ Hữu Nhơn, Thiếu Tá Biệt Động Quân Trịnh Trân, Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Lâm Tài Thạnh, cũng như người tù công chức lâu năm nhất Phạm Gia Đại.
Và tôi cũng được tâm sự với những tù tập trung "danh tiếng" như người tù kiệt xuất Biệt Kích Nguyễn Hữu Luyện, Biệt Kích Nhảy Bắc Mai Văn Học và Biệt Kích Nguyễn Văn Ngô là những vị ở tù Cộng Sản trên 20 năm.
Nghe hết mọi góc cạnh mới hiểu rõ hơn chế độ và con người Cộng Sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét