Bạn định nghĩa thế nào là một người trí thức? Lúc tôi còn rất nhỏ, tôi thường nghe bà ngoại tôi nói về những trí thức thời xưa với một sự ngưỡng mộ và tự hào. Theo lời mô tả của bà ngoại, trí thức là những người học rất giỏi, kiến thức rộng, nói tiếng Pháp hoặc tiếng Anh như gió. Họ luôn ăn mặc chỉnh tề, áo sơ mi thắt cà vạt bỏ vào quần, chân mang giày tây và luôn nói năng lễ độ và lịch thiệp. Hầu như không bao giờ nghe họ nói tục chửi thề (nếu có lỡ văng tục thì họ sẽ nói tiếng Pháp) hoặc có những lời đùa cợt nhã , thiếu đứng đắn. Những năm 1980 khi đất nước còn ở thời bao cấp, những trí thức trở thành nạn nhân của thời cuộc. Một phần lớn trong số họ tìm cách vượt biên ra nước ngoài, số còn lại phải làm những công việc tay chân như đạp xích lô, sửa xe đạp, bán bong bóng kiếm sống qua ngày và bán dần mớ sách quý trong nhà để đổi gạo. Một số rất ít may mắn hơn vẫn còn duy trì được nếp sống phong lưu mực thước. Họ thường ăn mặc chỉnh tề, đạp xe đạp hoặc chạy xe mobylette chậm rãi quanh phố phường Sài Gòn hoặc cùng một vài người bạn xưa ngồi ở một quán cafe nào đó vừa hút thuốc vừa ôn chuyện cũ với sự tiếc nuối vô bờ. Những trí thức Sài Gòn đó bây giờ nếu còn sống chắc cụ nào cũng trên 80 tuổi cả.
Từ thập niên 1990 trở đi, khi đất nước mở cửa để hội nhập với thế giới. Hai từ “trí thức” bỗng nhiên trở nên có giá trở lại. Người người đổ xô đi học đại học, chính quy có, tại chức có và tìm một trung tâm Anh Văn nào đó để học lấy được cái chứng chỉ tiếng Anh cấp tốc. Từ đó về sau những người có bằng đại học hoặc làm một công việc văn phòng mặc nhiên được xem như là một trí thức. Nếu định nghĩa một cách đơn giản như thế thì dường như trí thức trong xã hội chúng ta rất đông vì số người tốt nghiệp đại học và làm việc văn phòng ngày nay không phải là hiếm. Nhưng nếu nhìn nhận nghiêm túc và khắt khe một chút, họ chưa phải là “trí thức” mà là “trí ngủ”, “trí mơ màng” hay “trí thức nhưng chưa tỉnh ngủ” vì ngoài điểm chung là bằng cấp hoặc địa vị xã hội, “trí thức thật sự” và “trí ngủ” cơ bản khác nhau rất nhiều.
Địa vị hoặc bằng cấp của một người cũng giống như cái vỏ bọc bên ngoài và rất dễ khiến cho người khác ngộ nhận về trình độ nhận thức lẫn tri thức của người đó. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất làm nên một trí thức thật sự chính là “nội hàm” của người đó. "Nội hàm" trong tiếng Hán Việt có nghĩa là những gì chứa đựng bên trong của một người bao gồm kiến thức, kinh nghiệm sống, đời sống tinh thần và đức tin của một người. Hay nói một cách khác, "nội hàm" là những giá trị và vẻ đẹp nội tâm của một con người. Không có nội hàm, con người chỉ là một cái vỏ rỗng ruột. Cho dù có tô vẽ đánh bóng bên ngoài như thế nào đi nữa, người không có nội hàm không thể trở thành một trí thức đúng nghĩa được. Một người có nội hàm và một người không có nội hàm sẽ khác nhau như thế nào? Sau đây là 10 đặc điểm để phân biệt một “trí thức” thực thụ có nội hàm với một “trí ngủ” phù phiếm và rỗng tuếch.
1. Trí thức học vì kiến thức, “trí ngủ” học vì bằng cấp:
Khác với trí thức là những người khao khát kiến thức và không bao giờ ngừng học hỏi cho tới cuối đời, các “trí ngủ” học vì điểm số và bằng cấp. Khi cần bằng cấp để nộp vào xin việc, họ sẽ cố gắng học sống học chết để cày được mảnh bằng và khi đã có bằng xong thì việc học cũng được xem như là chấm dứt. Một trí thức thực sự sẽ luôn cảm thấy hứng thú với kho tàng kiến thức của nhân loại và tận dụng thời gian của mình để tìm hiểu khám phá những điều mới lạ. Ngược lại, một người học vì điểm số và bằng cách sẽ thờ ơ lãnh đạm với kiến thức và luôn cảm thấy mệt mỏi áp lực khi bắt buộc phải học hỏi thêm.
2. Trí thức làm việc vì muốn cống hiến, “trí ngủ” làm việc vì tiền lương và địa vị:
Mục tiêu làm việc của một trí thức thực sự là muốn áp dụng những kiến thức của mình học được vào thực tế để làm được những điều hữu ích cho cuộc sống. Họ hiểu rằng tiền lương và địa vị họ nhận được phải tương xứng với năng lực lao động của bản thân và đóng góp của mình cho cộng đồng. Trái lại những trí thức giả hiệu xem địa vị và tiền bạc là mục tiêu phấn đấu chính còn có đóng góp được gì không quan trọng. Nếu thực lực của họ không đủ để đạt được bằng cấp hoặc địa vị, họ sẽ không ngần ngại đi cửa sau hoặc giờ thủ đoạn chiêu trò để đạt được những gì mình muốn. Không như những trí thức thực sự, khi có địa vị và tiền bạc, họ sẽ lợi dụng những điều đó để trục lợi cho bản thân và leo cao hơn.
3. Trí thức coi trọng đời sống tinh thần, “trí ngủ” có đời sống tinh thần nghèo nàn:
Một trí thức thật sự có đời sống tinh thần rất phong phú. Họ thích đọc sách, chơi thể thao, biết thưởng thức âm nhạc và điện ảnh, có gu ẩm thực và thời trang tinh tế… Ngoài lĩnh vực chuyên môn, họ có những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, và nghệ thuật nhất định. Trí thức thực sự thường thông thạo từ một đến hai ngoại ngữ bên cạnh tiếng mẹ đẻ. Đời sống tinh thần phong phú giúp họ có chất lượng cuộc sống cao, tích cực và không quá lệ thuộc vào vật chất và hiếm khi sa đà vào những cám dỗ vật chất như ăn nhậu, cờ bạc, hút xách, trai gái... Vì có đời sống tinh thần phong phú, họ biết coi trọng những giá trị phi vật chất như tác quyền, bản quyền, và những sản phẩm của lao động trí óc của người khác.
“Trí ngủ” thì khác, họ sống và làm việc vì vật chất và bỏ mặt cho đời sống tinh thần mai một. Ngoài giờ làm việc, họ giải trí bằng cách chơi game hay ra quán nhậu với chiến hữu (nam) hoặc vào quán cà phê tụ tập chụp selfie và đi làm đẹp (nữ). Các chương trình hài rẻ tiền và nhạc nhảm là món ăn tinh thần của họ và chưa bao giờ họ bỏ thời gian ra đọc một tác phẩm văn học thực sự hoặc xem một bộ phim có chiều sâu. Họ thích khoe mẽ nhà cửa, xe cộ, điện thoại hoặc các thứ trang sức đắt tiền như một cách chứng tỏ đẳng cấp của mình cũng như dễ sa đọa vào những cuộc ăn chơi trác táng. Vì đối với họ những sản phẩm phi vật chất không có giá trị nên họ có thể rất thoải mái khi sao chép hoặc ăn cắp những sản phẩm trí tuệ như luận văn, ý tưởng sáng tạo... của người khác mà không hề cảm thấy cắn rứt lương tâm.
4. Trí thức có vốn sống phong phú, “trí ngủ” thiếu những kỹ năng sống cơ bản:
Một trí thức thật sự dành nhiều thời gian để hoàn thiện những kỹ năng sống cần thiết: cách tự chăm sóc cho bản thân mình, thường thức về sức khỏe và y tế, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, kỹ năng giao tiếp. Họ biết cách chọn bạn mà chơi, không kết giao bừa bãi và cũng có bản lĩnh “hòa nhập không hòa tan” nên ít bị bạn bè lôi kéo rủ rê. Nhờ biết cách ứng xử nên họ được người khác tin tưởng và tôn trọng.
“Trí ngủ” chỉ biết học những gì trong trường học và sách giáo khoa, ngoài ra họ không quan tâm trau dồi kỹ năng sống. Khi còn đi học, họ không quan tâm đến những chuyện như tự chăm sóc bản thân, giữ gìn sức khỏe và vệ sinh cơ thể. Họ hút thuốc, nhậu nhẹt vô độ, không quan tâm đến những nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm, không giữ điều độ trong sinh hoạt mặc dù hiểu rõ những nguy cơ tiềm ẩn của những điều nói trên. Trong việc xã giao, họ không quan tâm trau dồi những kỹ năng giao tiếp xã hội. Họ dễ dãi trong các mối quan hệ bạn bè và tình cảm nên dễ nhiễm thói hư tật xấu như rượu chè, cờ bạc, bồ bịch lăng nhăng… Khả năng xã giao kém cỏi khiến họ dễ bị người khác coi thường hoặc lợi dụng.
5. Trí thức coi trọng hạnh phúc gia đình, “trí ngủ” không hiểu được tầm quan trọng của gia đình:
Trí thức thực sự có trách nhiệm hiếu thảo với cha mẹ nhưng không nhu nhược hoặc bị lệ thuộc vâng lời cha mẹ một cách mù quáng. Đối với cuộc sống riêng tư, họ hiểu được tầm quan trọng của hôn nhân, gia đình nên sẽ cân nhắc cẩn thận và nghiêm túc khi chọn vợ/chồng cũng như chuẩn bị tốt cho cuộc sống hôn nhân. Họ yêu thương, tôn trọng và chia sẻ với người bạn đời của mình chứ không đối xử tệ bạc. Đối với con cái, họ chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và dạy dỗ con cái đảm bảo cho chúng phát triển một cách toàn diện. Những trí thức thực sự có khuynh hướng trò chuyện cởi mở dân chủ với con cái và làm gương bằng hành động chứ không độc đoán áp bức hoặc dùng bạo lực trong việc dạy con.
“Trí ngủ” thường nhầm lẫn giữa hiếu thảo và nhu nhược tuân phục cha mẹ vô điều kiện ngay cả khi cha mẹ sai. Trong chuyện tình cảm, họ yêu theo bản năng và cưới vì áp lực của tuổi tác, gia đình hoặc chỉ đơn giản vì họ nghĩ rằng yêu thì phải cưới mà không hề có chút chuẩn bị gì về cuộc sống chung. Sau một thời gian ngắn sống chung, họ nhận ra mình và người bạn đời có quá nhiều khác biệt và thậm chí chẳng hiểu gì về nhau nên thường xuyên xảy ra cãi vã bất hòa hoặc mạnh ai nấy sống. Trầm trọng hơn thì mang nhau ra tòa ly dị để lại những đứa trẻ vô tội là nạn nhân. Khi có con cái, họ nuôi dạy con theo đúng cách mà cha mẹ đã nuôi dạy họ mà không có chọn lọc hay dở. Những trí thức nửa mùa thường có hai lối dạy con tiêu biểu: hoặc là cực kỳ gia trưởng độc tài hoặc là cực kỳ nuông chiều vô kỷ luật. Đừng mong họ dành thời gian nói chuyện tâm sự hoặc lắng nghe con cái vì họ không ý thức được tầm quan trọng của điều đó. Đến khi con đủ tuổi đi học, họ giao khoán việc dạy con cho nhà trường và mong muốn con mình luôn đạt được thành tích học sinh giỏi. Kiếm thật nhiều tiền để cung phụng nhu cầu vật chất của con cái và bắt buộc con vâng lời dường như là trách nhiệm duy nhất của việc làm cha làm mẹ của họ.
6. Trí thức thực sự tôn trọng pháp luật và có ý thức cộng đồng cao, “trí ngủ” chỉ biết tới mình mà không nghĩ tới người khác:
Trí thức thật sự tôn trọng và xây dựng cộng đồng mình đang sống để nó ngày càng văn minh và vững mạnh. Họ tôn trọng và thực hiện nghiêm túc luật pháp hoặc những nguyên tắc chung của cộng đồng về phép lịch sự, vệ sinh chung hoặc an ninh trật tự của cộng đồng. Sẽ không có chuyện một trí thức đúng nghĩa xả rác ra đường hoặc ăn uống nhậu nhẹt huyên náo cả khu dân cư vào giờ nghỉ ngơi của người khác. Cũng không có chuyện một người trí thức đúng nghĩa chạy xe trong tình trạng say xỉn hoặc vượt đèn đỏ giành chỉ để nhanh hơn vài giây.
“Trí ngủ” bất chấp sự tồn tại của người khác bên ngoài khuôn viên nhà mình. Đám ma, đám cưới, đám giỗ, đám thôi nôi đầy tháng ư? Họ sẽ thuê một dàn âm thanh thật to về hát karaoke để chia vui với cả xóm sau khi bày binh bố trận chặn hết cả con hẻm và buộc người ta phải đi lối khác. Tối thích thì cứ chửi nhau ông ổng cho cả xóm nghe, sáng ra vác mặt nhìn hàng xóm rất tỉnh như không có gì xảy ra. Rác bẩn, chuột chết ư? Đường hẻm là của chung chứ có phải nhà mình đâu, cứ ném rác thoải mái, miễn sao nhà mình sạch là tốt rồi. Còn khi ra đường thì đường này là của riêng tôi, tôi muốn chạy thế nào là quyền của tôi. Lấn làn, tạt đầu, quẹo không cần xi nhan, vượt phải, thắng gấp, thôi thì đủ kiểu.
7. Trí thức có ý thức bảo vệ môi trường, trí ngủ sẵn sàng hủy hoại thiên nhiên:
Người có học thức thực sự không làm những hành động hủy hoại môi trường thiên nhiên hay hệ sinh thái vì họ ý thức rất rõ tầm quan trọng của hệ sinh thái đối với đời sống của con người. Họ biết sử dụng những nguồn nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, không xả rác bừa bãi, không mua bán và sử dụng các sản phẩm làm từ động vật hoang dã. Trí thức thật sự không bao giờ đối xử tàn nhẫn với động vật. Không những thế, họ còn giáo dục con cái biết cách yêu thương loài vật và bảo vệ môi trường từ lúc còn nhỏ.
“Trí ngủ” thì xem thiên nhiên là công cụ phục vụ cho mình. Họ sẵn sàng giẫm nát một đồi hoa để tạo dáng chụp hình, họ vô tư bẻ cây hái hoa nếu họ thấy nó đẹp. Ra bãi biển dã ngoại thì để lại tất cả rác thải cho biển làm vệ sinh hộ mình mà không cần biết những thứ đó ảnh hưởng như thế nào tới môi trường sống của sinh vật biển. Để chứng tỏ đẳng cấp của mình, họ tìm ăn những loài động vật hoang dã càng quý hiếm càng tốt. Họ tin vào thuyết ăn gì bổ nấy nên không từ bất cứ thứ gì từ cao hổ, sừng tê, mật gấu hay rắn hổ mang ngâm rượu. Vì thế chuyện dạy con biết cách yêu thương loài vật hoặc có ý thức về hệ sinh thái gần như là không tưởng.
8. Trí thức quan tâm đến tình hình chính trị xã hội, “trí ngủ” lảng tránh và vô cảm:
Một trí thức đúng nghĩa luôn hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội. Họ luôn quan tâm và trăn trở với những điều xảy ra trong xã hội và sẵn sàng lên tiếng trước những bất công sai trái với mong muốn xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp, công bằng và văn minh hơn. Hơn ai hết họ hiểu rằng, thái độ lảng tránh hoặc thờ ơ của họ không giúp cho họ thoát được những biến cố xã hội mà chỉ có đấu tranh chống lại chúng mới là cách giải quyết vấn đề đúng đắn.
Thái độ của tầng lớp “trí ngủ” đối với tình hình chính trị xã hội thường là “không biết” và “không quan tâm”. Có người còn cho rằng quan tâm lên tiếng trước những vấn đề chính trị xã hội là “phản động”. Trước những mâu thuẫn xã hội, họ biết nhưng chọn cách sống co đầu rút cổ để tránh ảnh hưởng tới quyền lợi bản thân. Cũng có những người cũng lên tiếng than vãn về những bất công trong xã hội chỉ than cho có tụ nhưng bản thân họ vẫn đặt lợi ích bản thân lên trên hết và sẵn sàng thỏa hiệp với những điều sai trái nếu điều đó có lợi cho họ và gia đình họ. Đừng nghe họ ta thán mà lầm tưởng rằng họ lên tiếng vì bất công, họ chỉ lên tiếng vì họ không có gan và không có quyền hành để làm chuyện xấu. Họ tự bào chữa cho sự vô trách nhiệm của mình bằng những câu ngụy biện kinh điển: “Tôi có làm được gì đâu, rồi thì đâu cũng vào đấy, chả thay đổi được gì.” hay “Thời buổi này, ai mà chả thế! Tôi không làm thì người khác cũng làm.” Để xoa dịu nỗi bất an trong lòng, họ đánh lừa bản thân bằng các hoạt động mê tín dị đoan cúng bái, cầu an, đi chùa… với hy vọng bản thân và gia đình được bình an tai qua nạn khỏi.
9. Trí thức có đức tin lành mạnh, “trí ngủ” mê tín dị đoan:
Không phải trí thức nào cũng theo một tôn giáo nào đó, nhưng đối với vấn đề đức tin, họ tựu trung sẽ có hai điểm chung: có sự hiểu biết nhất định và tôn trọng đức tin của những tôn giáo khác nhau và không tin vào những điều mê tín dị đoan. Một trí thức thực sự có thể nghiên cứu về giáo lý đạo Phật hoặc đọc Kinh Thánh của Kitô giáo nhưng không bao giờ tham gia hoặc cổ súy cho những hành động mê tín dị đoan. Đối với người trí thức, tôn giáo là niềm tin về đạo đức giúp con người hướng thiện và không sa ngã chứ không phải là phương tiện để cầu xin lợi lộc cho bản thân mình.
Những trí thức nửa mùa thì mặc dù có tôn giáo nhưng hầu như hiểu biết rất ít về giáo lý của tôn giáo mà mình tin theo mà thay vào đó tin vào những điều dị đoan vô căn cứ. Họ có thể đi chùa hoặc đến nhà thờ rất đều đặn, không bao giờ bỏ lỡ một buổi lễ lớn nào nhưng phần lớn đều thiên về phần hình thức lễ nghi. Đối với họ tôn giáo là một phương tiện để xin xỏ thần linh những lợi ích cho bản thân nên họ sẵn sàng đi cúng bái khắp nơi để cầu xin tài lộc, danh vọng. Trí thức nửa mùa thường có thái độ coi thường, báng bổ và kỳ thị những tôn giáo khác tôn giáo mà họ đang theo phần lớn là do thành kiến sẵn có chứ không phải do sự hiểu biết đúng đắn.
10. Trí thức tự tin nhưng khiêm tốn, “trí ngủ” tự ti nhưng ba hoa:
Trí thức thật sự luôn khiêm tốn, ít khi bốc phét khoác lác về bản thân mình. Tự bản thân họ sẽ toát ra một sự tự tin và vững vàng trong phong thái, cử chỉ và lời ăn tiếng nói mà không cần phải cố gắng khoa trương. Họ luôn lắng nghe và học hỏi từ người khác bất kể tuổi tác hay địa vị xã hội. Họ ít khi tham gia vào những cuộc tranh cãi vô bổ ngay cả khi họ có kiến thức về điều đó. Khi cần góp ý kiến, họ sẽ đưa ra những ý kiến mang tính chất khách quan, hợp tình hợp lý, có thể kiểm chứng dễ dàng bằng một thái độ hòa nhã trung lập. Trí thức thật sự có thái độ cầu thị nhận sai và tích cực sửa sai khi bị chỉ ra thiếu sót hoặc khuyết điểm.
“Trí ngủ” rất thích ba hoa về những gì mình không biết hoặc biết rất ít với thái độ phán xét kẻ cả. Tất cả những gì khoe được họ sẽ khoe cho hết: bằng cấp, địa vị, các mối quan hệ, các mánh khóe làm ăn…vì đối với họ đó là biểu hiện của trí tuệ và sự thành đạt. Khi nói về một điều gì, họ ít suy nghĩ thấu đáo mà chủ yếu nói theo cảm tính, không có logic. “Trí ngủ” thì nếu bắt trúng đài sẽ thao thao bất tuyệt bất kể những phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp. Khi bị chỉ trích hoặc vạch ra những thiếu sót, họ sẽ chuyển sang công kích cá nhân người chỉ trích bằng những lời lẽ khó nghe và không liên quan gì đến vấn đề tranh cãi. Nhiều cuộc tranh cãi đi vào ngõ cụt hoặc thậm chí dẫn đến xô xát cũng do thái độ tranh cãi thiếu văn hóa của những tay “trí ngủ” loại này. Tất cả chỉ để che giấu sự bất an tự ti vì thiếu hiểu biết của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét