Nghệ sĩ chân chính thường lúng túng, đôi khi khó chịu, khi nghe người giới thiệu chương trình duyên dáng yêu cầu "xin quý khán giả cho một tràng pháo tay"... trước khi mình bước ra sân khấu. Khán giả phải có quyền thẩm định và diễn tả sự hài lòng. Nghệ sĩ không hề xin xỏ vì khi ấy đang tập trung vào tiết mục trình diễn của mình. Sau đó, có vỗ tay hay không, nhiều hay ít thì là chuyện khác.
Ðã từ lâu Quỳnh Giao muốn viết về cách vỗ tay của người thưởng ngoạn, không vì mình là người trình diễn nên muốn khán giả vỗ tay hoan hô, mà vì có nhiều cách vỗ tay lắm. Mỗi một loại nhạc có cách vỗ tay riêng, có phong cách riêng.
Ngày còn học trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ ở Sài Gòn, mỗi năm được dự vài buổi trình hòa nhạc (concert) hiếm có. Họa hoằn mới có nghệ sĩ nổi tiếng người ngoại quốc ghé Việt Nam trình diễn trong khuôn khổ viện trợ văn hóa. Hãy tạp ghi về những kỷ niệm ấy trước, tiếng vỗ tay sau...
Năm mới vào trường nhạc, người viết lên mười được nghe cô Ngô Như Mai từ Pháp mới về đàn bài piano bản concerto số 21 của Mozart trong dịp kỷ niệm 200 năm Mozart với ban nhạc của trường do ông Giám Ðốc Nguyễn Phụng điều khiển. Hiếm hoi lắm. Lớn hơn một chút, người viết say mê nghe Renée Fung (người Trung Hoa) đàn violon một bản concerto của Beethoven với ban nhạc của trường do nhạc trưởng người Ðức Otto Sohlner điều khiển. Cô đàn hay mà còn đẹp nữa mới ác, làm các nam sinh viên của ta cứ ngẩn ngơ.
Cô Fung đến theo nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc là ở lại Việt Nam một năm để giảng cho lớp nhạc thính phòng (musique de chambre), dạy cho dàn nhạc nhỏ và cho nhạc sinh đàn song tấu, tam tấu, tứ tấu. Khi cô từ giã vì hết nhiệm kỳ, cả khối nhạc thủ Tây phương bỗng bị bệnh tương tư.
Nhạc trưởng Otto Sohlner thì ở lại lâu hơn vì tập cho dàn nhạc lớn của trường. Ông soạn hòa âm cho trường ca "Con Ðường Cái Quan" của Phạm Duy, được trình diễn lần đầu tại rạp Thống Nhất (Norodom) rồi lưu diễn Ðà Lạt một tuần. Chuyến đi bằng xe lửa từ Sài Gòn lên Ðà Lạt là một kỷ niệm đẹp và khó quên của Mai Hương và Quỳnh Giao. Lúc ấy, người mới 19, kẻ mới 14 tuổi. Nhạc trưởng Sohlner mê Việt nam, nên khi hết nhiệm kỳ ông ở lại, ra Huế dạy trường nhạc vừa mới mở tại đấy. Sau Tết Mậu Thân, không biết ông trôi dạt nơi nao, hay đã trở về cố quốc?
Năm 1965 có chương trình của dàn nhạc Ðỗ Thế Phiệt với phần trình tấu concerto cho Violin của Bach với bà Francis Buxton, một giáo sư bên Mỹ qua Việt Nam giảng dạy. Có giọng soprano của bà Robin người Pháp, vợ của ông Giám đốc Trung Tâm Văn Hóa Pháp với bài "Exultate Jubilate" của Mozart. Và hân hạnh làm sao, Quỳnh Giao và cô bạn học nhạc cùng thầy là Ðăng Thư được đàn mỗi đứa một hành âm (mouvement) bài Concerto en Ré của Bach! Hai đứa đều đã tốt nghiệp trường nhạc, lần đầu đàn concerto, là độc tấu với dàn nhạc giao hưởng, thật khác hẳn với đàn một mình.
Phép vỗ tay của khán giả trong chương trình nhạc cổ điển có nhiều qui cách mà chính các nhạc sinh cũng phải học.
Ðầu tiên là khán giả đợi hết bài mới vỗ tay, chứ không vỗ ngang chừng. Thí dụ như một concerto có ba hành âm, bình thường thì theo thứ tự: hành âm một có nhịp điệu nhanh (allegro), hành âm hai chậm (adagio) và hành âm cuối cùng rất nhanh (vivace). Ðôi khi có bài có đến bốn hành âm, như symphony số 41 của Mozart. Và cũng có bài mà hành âm một lại phá cách, không nhanh mà chậm (adagio), thí dụ như bản Symphony số 9 của Beethoven.
Khán giả phải đợi ban nhạc đàn hành âm cuối xong mới được vỗ tay, dù sau mỗi hành âm, dàn nhạc đều dừng lại chuẩn bị trình tấu hành âm kế tiếp. Những lúc ngừng lại như thế, ở dưới thì mình được ho cho đỡ ngứa cổ sau bao nhiêu phút dài ngồi im để thưởng thức. Nhưng chỉ ho thôi, chứ không vỗ tay!
Có một giai thoại kể rằng khi xưa danh ca Mirella Freni người Ý rất nổi tiếng, cùng thời với Maria Callas. Bà mẹ của Freni và bà mẹ của Luciano Pavarotti xưa kia là nhân công trong một hãng vấn thuốc lá và Mireilli Freni còn hát cho đến tuổi 70 mới giải nghệ, vào năm 2005.
Hai nữ danh ca này rất kỵ nhau. Một buổi trình diễn của Maria Callas ở New York có Mirella Freni ngồi dự ở dưới. Khi mọi người nín thở nghe Maria Callas hát một đoạn Aria trong vở kịch thì Mirella Freni vô tình hay hữu ý làm rơi chiếc vòng đeo tay, kêu cái "keng", khiến cả rạp "ồ" lên. Maria Callas bị lạc lõng khi đang ngân nga!.. Nghệ thuật cách không điểm huyệt bằng âm thanh là vậy!
Nhưng thế mới biết không khí yên lặng trong rạp hát cần thiết đến chừng nào! Trang nghiêm như trong một nghi thức tôn giáo. Thượng đế là âm nhạc, danh ca chỉ là "thánh nữ" dâng lời tôn kính, theo đúng quy cách!
Khán giả nhạc cổ điển Tây phương thường vỗ tay làm nhiều lượt. Khi hài lòng về người trình diễn, họ vỗ tay nồng nhiệt và rất lâu, đôi khi xen lẫn tiếng hô "bravo". Người trình diễn tức là người độc tấu (soloist) và nhạc trưởng (conductor) cùng cúi chào khán giả và cùng nhau bước vào hậu trường. Có khi người soloist là phụ nữ thì nhạc trưởng lịch sự đưa cánh tay dẫn người đẹp vào hậu trường. Nếu tiếng vỗ tay bên ngoài vẫn vang rền thì họ lại cùng bước ra sân khấu cúi chào lần nữa, và lại đi vào hậu trường. Tiếng vỗ tay mà chưa dứt, họ lại bước ra sân khâu lần thứ ba để chào cảm tạ khán giả...
Như vậy, thế nào là thành công?
Câu trả lời của người nghệ sĩ là "hễ chỉ vỗ tay và chào hai lần là xoàng!" Vỗ tay ba lần mới là đạt. Ðó là hết phần một, trước "intermission" thôi, nếu là bài cuối thì tiếng vỗ tay đôi khi bốn lần mới dứt. Có lần Pavarotti và cả Domingo được vỗ tay đến 45 phút tại Vienne! Ðạt kỷ lục.
Ngày xưa, viết lại đây mà thấy nhớ Giáo Sư Ðỗ Thế Phiệt vô cùng. Ông dặn Ðăng Thư và Quỳnh Giao nhớ cúi đầu chào rồi bước vào hậu trường thật nhanh. Ðúng ra là chỉ đứng mấp mé sau cánh gà tí xíu rồi trở ra sân khấu ngay, kẻo khán giả ngưng vỗ tay và ra không kịp nữa! Dễ thương quá, và hai đứa được ra chào ba lần, cả thầy và trò đều sung sướng mãn nguyện.
Qua loại nhạc khác, như pop music hay country music, khán giả vỗ tay tùy ý. Có lúc mới nghe câu mở đầu đã vỗ tay ngay để bày tỏ sự thích thú. Khi trình diễn xong, nghệ sĩ cúi đầu chào, và đôi khi nói lời cám ơn. Khi nghe tiếng vỗ tay dứt thì nên đi vào ngay, đứng đợi thêm cũng không hay vì chỉ lẹt đẹt thêm vài tiếng lẻ loi mà thôi.
Một người làm ông "bầu" cho các show ca nhạc của ta tại Mỹ, đã có lần "chỉ mánh" cho nghệ sĩ trình diễn cách làm cho khán giả vỗ tay dài. Anh nói: "quí vị phải gợi tiếng vỗ tay bằng... cách chào! Phải giả bộ chào cúi rạp mình cho lâu. Không ai nỡ ngưng vỗ tay khi mình cúi chào cám ơn họ. Và nếu quý vị muốn... dài nữa thì quay lại đưa tay cám ơn nhạc sĩ, thiên hạ lại phải vỗ tay cho nhạc sĩ nữa. Vậy là người ta có cảm tưởng là mình được vỗ tay dài hơn hết!"
Người viết thì quê mùa và ngại ngần, không dùng nghệ thuật đó. Trái lại, đôi khi cứ đi vào dù tiếng vỗ tay chưa đứt, chỉ vì thói quen lúc học nhạc là khán giả vẫn vỗ tay dù nghệ sĩ trình tấu đã đi vào... Nhưng xem ra cách "cò mồi" này còn khá hơn là người trình diễn xin "một tràng pháo tay." Ai phải xin điều đó mà không thấy... ngượng? Thiết nghĩ dù thích hay không khán giả nên vỗ tay cho lịch sự. Thấy hay thì vỗ to hơn và dài hơn thôi.
Trong những buổi trình diễn nhạc Rock, người đứng trên sân khấu là "thần tượng" của khán giả. Ở đây, vỗ tay là thường quá, phải đứng lên, nhảy dựng như người điên, đòi xé quần áo thần tượng, và đôi khi khích động quá đến ngất xỉu tại chỗ mới rõ là ái mộ. Các ông hoàng của loại nhạc này như Elvis Presley, hay Michael Jackson đều hưởng kiểu thưởng ngoạn đó, đêm về chính họ phải dùng thuốc để ngủ và sáng dậy phải dùng thuốc để tỉnh. Ðâm ra thành công nào cũng có cái giá của nó... Tự làm khổ mình cho người mua vui là cái nghiệp của nghệ sĩ chăng? Hay là vì tự mê?...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét