Dường như mỗi sắc dân tại Hoa Kỳ đều có những kỹ năng thích hợp với họ, như người Do Thái nổi tiếng với nghề kim hoàn, người Mễ làm cỏ làm vườn, người Phi Luật Tân làm nghề y tá điều dưỡng hay làm bưu điện phát thơ, người Ấn Độ lái xe taxi, và người Việt Nam mình thì làm nail.
Dân Số người Việt mình tại Hoa Kỳ là 2 triệu thì cũng có đến gần 150,000 người làm việc trong ngành hair & nail. Riêng tại California có đến 90,000 người Việt có giấy phép làm đẹp cho thiên hạ. Nhật báo người Việt có danh mục online với khoảng trên dưới 30,000 tiệm hair & nail do người Việt làm chủ.
Một phần vì công việc làm báo và một phần vì sự ngưỡng mộ, tôi đã đi quay phim làm phóng sự phỏng vấn 20 tiệm nails, từ Santa Rosa xuống tận quận Cam. Tôi hay la cà đến các tiệm Nail mỗi khi đi du lịch đến các tiểu bang, đâu đâu cũng có tiệm nail do người Việt mở ra. Tôi cũng có dịp nói chuyện với một chủ nhân từng mở tiệm Nail ở tiểu bang Alaska lạnh giá. Đặc biệt, ở đảo Guam xa xôi giữa Thái Bình Dương cũng có 10 tiệm nails của người Việt.
Chắc hẳn quý bạn Facebook cũng biết ít nhiều. Có tiệm vài ba ghế, có tiệm đến 35 ghế làm nail. Có tiệm một chủ một thợ, có tiệm đến 35 thợ mặc đồng phục với huy hiệu hẳn hoi. Và có người làm chủ đến 200 tiệm nails đóng đô trong các thương xá Hoa Kỳ.
Mỗi một người làm nail như vậy, phần lớn là phụ nữ, thường là những người mang lợi tức chính về cho gia đình của họ. Nghĩa là, từ sức lao động cần cù kiên nhẫn của những phụ nữ chuyên nghề đi làm đẹp cho thiên hạ đã nuôi sống hơn 300,000 nhân khẩu khác, tạo dựng nên một cộng đồng Việt Nam phồn thịnh, có giới trẻ được ăn học thành tài, đào tạo ra biết bao nhiêu y, nha, dược sĩ, luật sư, hay kỹ sư, v.v..
Và ở những trung tâm thương mại Việt Nam, là những cửa hàng nở ra theo sự phát triển của ngành kỹ nghệ nail, nhiều nhất là những nhà hàng hay tiệm food-to-go đông đảo thực khách. Chắc sẽ có một số quý vị không đồng ý với nhận xét trên đây, nhưng xin quý vị cứ tùy nghi phản bác, tôi thật không phiền hà chi đâu.
Một hình ảnh tiêu biểu là ở những bãi đậu xe, rất ít xe cũ cọc cạch, phần lớn là Toyota hay Honda nhưng là xe còn mới, và thật không ít các loại xe đắt tiền như Mercedes hay Lexus của các phu nhân "diện chủ tiệm nail" trang sức lộng lẫy với ví xách hay đồ trang sức toàn hàng hiệu đắt tiền. Không tin, xin quý vị trở lại các trung tâm thương mại Việt Nam ta và dành chút thời giờ quan sát để coi, rồi đi một vòng các thương xá Mễ để so sánh, thật sự "cộng đồng ta" ăn nên làm ra ghê lắm.
Không phải từ ngành nail hay sao? Trên dưới 150,000 người làm ngành nail đã làm ra một tổng sản lượng thu nhập 15-20 tỷ Mỹ Kim một năm, rồi đổ ra chi tiêu cho gia đình, khối tiền luân lưu khổng lồ đó đổ vào mọi ngành thương mại khác của cộng đồng, nếu không phải nhờ thế mà cộng đồng phồn thịnh, thì nhờ ai?
Nếu có cơ hội kể ra thì còn biết bao nhiêu ảnh hưởng khác đến từ ngành nghề này cho nên tôi mới gọi là huyền thoại, là những chuyện không thể kể ra hết được.
Tôi ước được làm một cuốn phim phóng sự về ngành nail, không cần mọi khán giả, chỉ riêng các chị và gia đình làm việc trong ngành xem thôi, cũng có nửa triệu "views" rồi.
Thật sự, ai nghĩ gì tôi không biết, riêng tôi, tôi thật sự ngưỡng mộ những người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, nói tiếng Anh "broken", phải làm công việc hít thở biết bao chất độc hại vào phổi, nhưng vẫn có đủ nội lực thâm hậu, làm mỗi ngày không dưới 10 giờ, 6 ngày một tuần, làm liên tục hai ba chục năm liền. Mỗi ngày các chị phải nắm tay nắm chân, những tay chân "to đùng" của những vị khách 200+lb, gấp đôi tay các chị, làm cho họ từ xấu thành đẹp, đem cho họ nụ cười rạng rỡ, dùng những câu chuyện VEnglish mang nặng văn hóa Việt Nam giải khuây cho khách Mỹ, ấy thế mà vẫn đủ sức biến họ thành những khách hàng trung thành, nếu không nói là làm họ "ghiền" luôn, đã đến một lần là đến mãi luôn.
Những chuyện đó chính là huyền thoại ngành Nail của người Việt Nam chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét