Chữ nhục khi thấy sự việc tiêu cực, buồn, không đáng có là chữ nhục tích cực,cần thiết trong phát triển quốc gia, dân tộc.
Một đất nước muốn tốt đẹp, con người, dân tộc ấy phải biết nhục trước những chuyện tiêu cực, chuyện không đáng có. Và chữ Nhục ấy là tích cực, cần thiết. Nếu không có chữ Nhục ấy, đất nước sẽ ì ạch, phát triển như một đứa trẻ béo phì, chỉ biết ăn mà không cần, không biết suy nghĩ.
Một nền giáo dục tốt, trước tiên là nền giáo dục biết dạy con người phân biệt rõ hai chữ Nhục và Vinh. Chữ Nhục để phát triển và chữ Vinh để học hỏi. Đánh lận hệ hình giữa Nhục và Vinh là một sự sai lầm.
Và một nền giáo dục tốt đẹp, ở đó đạo đức, kỹ năng con người được hoàn thiện thông qua hoạt động có tôn trọng tri thức, tôn trọng đạo đức và phẩm hạnh, cởi mở về tư tưởng, thầy cô lấy tri thức và đạo đức làm kim chỉ nam, học trò lấy ước mơ tri thức, ước mơ sáng tạo và lấy đạo đức, sự tôn trọng thầy cô làm mục tiêu hướng tới.
Tôi không tin rằng nền giáo dục có thể tồn tại lành mạnh nếu thiếu các yếu tố cơ bản và thô sơ trên đây. Nói như vậy để thử đặt lại vấn đề về cô giáo Thơ.
Ở khía cạnh chính trị, nếu cô giáo Thơ phát biểu “nỗi nhục” công khai trước cộng đồng mạng bằng một livestream trong lúc đất nước dầu sôi lửa bỏng vì dịch, nhà nước và nhân dân đang cố gắng chống dịch để đảm bảo an toàn tính mạng toàn dân và phục hồi, phát triển kinh tế… thì quả là cô Thơ quá sai, cô làm vậy là cố ý đổ thêm dầu vào lửa, làm cho mọi sự trở nên rối rắm hơn. Cô xứng đáng bị kỷ luật và đuổi việc.
Nhưng, nếu như đây là cuộc thảo luận nhóm, đặc biệt là thảo luận khoa học về văn hóa ứng xử, chuẩn mực quản lý và phương cách ứng xử, quản lý… Thảo luận để hiểu thêm vấn đề và không đưa ra bất kỳ phương án nào nhằm chống lại chính quyền, nhà nước, không ủ mưu phản động đất nước, dân tộc… Thì đây lại là câu chuyện của Quyền Tự Do Ngôn Luận và điều đó phải được tôn trọng.
Trong trường hợp thảo luận (dưới bất cứ hình thức nào) giữa hai người, thì câu chuyện đó phải được bí mật giữa hai người nếu như đó không phải là lời rủ rê, âm mưu chống đối hay lật đổ chính quyền từ một trong hai người đó (trường hợp có rủ rê thì người bị rủ rê phải mang mọi bằng chứng đến cơ quan an ninh để tố cáo chứ không được công bố công khai làm ảnh hưởng đến an ninh tâm lý cộng đồng) thì câu chuyện phải được đảm bảo quyền riêng tư của nó.
Trong trường hợp buổi thảo luận giữa cô Thơ và các học trò, đặc biệt là cuộc thảo luận riêng giữa cô Thơ với cậu sinh viên, sau đó cậu sinh viên mang video clip đã ghi tung lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của cô Thơ là một sự xúc phạm đối với cô giáo của cậu ta về mặt đạo đức và là sự vi phạm quyền cá nhân về mặt pháp luật.
Lẽ ra, Ban giám hiệu trường Đại học Duy Tân phải nhắc nhở, thậm chí có biện pháp kỷ luật thích hợp đối với cậu sinh viên này và khéo léo nhắc nhở cô Thơ không nên sơ xuất bởi vấn đề quan điểm luôn có sự nhạy cảm của nó. Câu chuyện chừng đó là đủ, vừa hợp pháp, hợp nhân tình lại vừa đúng pháp luật và tinh thần giáo dục.
Và, phía cơ quan điều tra đã bỏ qua một bước rất quan trọng là điều tra nguồn gốc phát tán video. Bởi đem một cuộc trò chuyện ra phát tán lên mạng xã hội là vi phạm quyền cá nhân của người trò chuyện, thảo luận nếu người đó chưa đồng ý. Muốn phát tán phải có sự đồng thuận của đối phương (người trò chuyện trong video).
Hơn nữa, phải điều tra làm rõ động cơ phát tán video nhằm bảo toàn an ninh tâm lý của nhân dân (vì chắc chắn một điều, ở bất kỳ quốc gia tiến bộ, hiện đại nào cũng có những lời ta thán từ phía người dân về nhà nước, chính phủ của họ. Việt Nam cũng không ngoại lệ, nếu như người ta biến những lời phát biểu trong các cuộc trò chuyện cá nhân trở thành đề tài chính trị, ghi bằng chứng rồi phát tán, đấu tố thì mọi chuyện sẽ trở nên rối như canh hẹ, đất nước sinh loạn…) và bảo toàn quyền cá nhân của người dân.
Ở đây, chưa thấy động cơ nào từ phía cơ quan an ninh với người phát tán videoclip. Chỉ mới thấy hàng loạt sự chụp mũ chính trị hết sức lạ lùng và ngớ ngẩn từ phía cơ quan chức năng, trong đó có cả cơ quan chủ quản của cô giáo Thơ.
Tôi vẫn luôn tin Việt Nam tốt đẹp, nhưng một đất nước tốt đẹp không có nghĩa là đất nước không có những tiêu cực, tệ lậu hay sai lầm từ phía cơ quan quản lý. Mà tôi tin rằng ở đất nước tốt đẹp, mọi sai lầm sẽ được điều chỉnh, sửa sai trên tinh thần cầu tiến, mọi xấu xa sẽ được giảm thiểu, tiêu trừ trên tinh thần tôn trọng con người và mọi tiêu cực sẽ được xóa bỏ trên tinh thần yêu nhân dân, trách nhiệm và lương tri của các nhà lãnh đạo.
Và một đất nước tốt đẹp không thể cứ mọi thứ đều là vinh quang, sáng lòa, chói ngời, con người chỉ luôn thấy vinh quang mà không thấy nhục trước những sai lầm, trước những điều không đáng có!
Tôi xin trích đoạn câu hỏi của cậu sinh viên với cô Thơ:
– Cô không thích là người Việt Nam đúng không?
– Em cũng đã từng đi học xa, đã có nhiều bạn bè trên thế giới nhưng cô là trường hợp đầu tiên em cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.
– Tất cả những gì cô thấy chỉ là bề nổi, cô có biết không?
– Nếu cô không muốn sống ở đây thì cô nên dừng việc dạy ở ĐH Duy Tân.
– Ý cô nói là người Việt Nam ngu dốt hay sao?
Những câu hỏi trên nói lên điều gì?
Nó cho thấy cách hỏi và thái độ xấc xược, không tôn trọng thầy cô và đó không phải là tinh thần thảo luận.
Bởi tinh thần thảo luận phải dựa trên khoa học và căn cứ trên những luận cứ, luận chứng, luận đề, quan điểm, đánh giá… người ta có thể tranh luận nảy lửa trên tinh thần tôn trọng danh dự đối phương và khoa học, tuyệt đối không mạo phạm, xúc phạm và đương nhiên là tuyệt đối không cố ý bẻ vấn đề lệch lạc nhằm chụp mũ chính trị, tuyệt đối không được công khai buổi thảo luận khi chưa có sự đồng ý của các bên. Mượn cái mũ chính trị để chụp lên các buổi thảo luận khoa học là trò chơi bịp bợm, bẩn thỉu, không thể chấp nhận được với người trí thức.
Ở đây, cách đặt câu hỏi của cậu sinh viên này đã phạm vào tất cả những lỗi thảo luận, và đáng sợ hơn là cậu đã mượn buổi thảo luận để làm bằng chứng đấu tố cô giáo của mình, trưng ra video clip để đẩy cô giáo đến chỗ “xúc phạm người Việt, xúc phạm đất nước”.
Quyết định của Ban giám hiệu sẽ gây hiệu ứng xấu trong giáo dục. Bởi lẽ, hình ảnh, thân phận của người thầy bị đẩy đến chỗ lạc lõng, đơn độc và thấp cổ bé miệng trong sinh quyển xã hội họ đang sống. Bằng chứng là chỉ cần phát biểu rằng cảm thấy nhục (quyền căn bản của con người, nó cho thấy lương tâm biết tự vấn trước hiện tình đất nước, xã hội và dân tộc) khi người Việt Nam phải chạy trốn dịch trong khó khăn, đau khổ… sau đó bị một đứa học trò bêu ra mạng xã hội thì bị đuổi việc ngay, đuổi trong lúc dịch giã, khốn khó và đuổi không cần làm sáng tỏ về các quyền con người.
Và chữ “nhục” của cô Thơ đã hàm ý một đường hướng lương tri và khoa học cao hơn hiện thực. Bởi lẽ, người ta thấy nhục khi đất nước có nạn trộm cắp, nghĩa là người ta ước mơ đất nước sạch sẽ, không có trộm cắp và người ta không chấp nhận trộm cắp và đã hình thành một ý thức/hệ thống/đường hướng khoa học cá nhân nhằm xóa bỏ vấn nạn này. Cũng như người lãnh đạo cảm thấy nhục khi đất nước có nạn tham nhũng, chứng tỏ vị lãnh đạo ấy đã có đường hướng khoa học và lương tri trong lãnh đạo của ông/bà ta. Chữ nhục khi thấy sự việc tiêu cực, buồn, không đáng có là chữ nhục tích cực, cần thiết trong phát triển quốc gia, dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét