Đọc thơ Cao Thoại Châu tôi khám phá ra một điều thú vị nho nhỏ, đó là sự chuyển dịch. Sự chuyển dịch có khi rất khẽ khàng, chỉ nhúc nhích trong tâm tưởng; có khi lại dạt dào, mạnh bạo như thác đổ của những chuyến lên đường. Nói rõ hơn, sự chuyển dịch ấy nằm trong một ý tưởng lớn: ý tưởng "vượt biên".
Không, tôi không hề nói đến sự vượt biên trong ý nghĩa vượt khỏi biên giới quốc gia, về tính cách địa lý. “Vượt biên” trong thơ Cao Thoại Châu, là ý tưởng lúc nào cũng muốn dịch chuyển khỏi cái điểm cố định; muốn rời khỏi cái "hang ổ" thường ngày, muốn vượt ra khỏi cái tĩnh lặng chán ngắt.
Cõi thơ ông lúc nào cũng ấp ủ một sự "ra đi".
Ra đi, nhiều khi chỉ để vượt qua những tháng ngày buồn tẻ:
"Tôi đi chưa hết tháng năm buồn
Mưa và nắng ở hai đầu tít tắp"
(Em là người phiên dịch của đời tôi)
Hoặc:
“Cũng đành bứt sợi dây câu
Ra đi để lại một châu thổ buồn”
Hoặc là:
"Ta đã đi qua chiều nắng xế
Phên liếp gì đâu cũng chẳng còn
Bực mình vì thấy đời hiu quạnh
Lao mình xuống tắm một dòng sông"
(Bên hàng giậu)
Đi, một thoáng đã 20 năm:
" Mỹ Tho vừa tròn hai mươi năm
Đi hết đường quay trở lại
Theo tiếng còi đêm vào sâu trong cõi khuya
Trái tim nào đây còn ánh lửa"
(Đêm Tiền Giang)
Đi, như một định mệnh, 40 năm mới trở về chốn cũ:
"Từng ấy năm chớp bể mưa nguồn
Cuốn theo tiếng ngựa thồ mất hút
Tôi trở về đây đầu đã bạc
Sự yên bình đừng hỏi có hay không"
(Đêm ngủ bụi ở nhà thờ Đức Bà)
Ra đi, một ý tưởng cứ quấn quýt bên mình, dù chỉ là về với núi, với rừng:
"Thu xếp xong ta về với núi
Một nơi nào xa thật là xa (...)
(Dứt cơn mơ ta về với núi)
Và, còn rất nhiều những hình ảnh của giục giã những lên đường, của đằng đẳng những chuyến đi, của tạt vào nơi này, của ghé tạm ở chỗ kia, của ở trọ một chốn khác. Tạt vào, ở trọ, hay ghé chân .v.v, chỉ là những khoảnh khắc tạm thời. Tạm thời ghé chân, nghỉ ngơi... rồi đi tiếp.
Ngắn gọn, một trong rất nhiều điều thú vị mà tôi tìm thấy trong cõi thơ Cao Thoại Châu: ý tưởng vượt biên
Mời bạn đọc vài bài thơ của Cao Thoại Châu xem tôi nói có đúng không.
LỠ CÓ XA ĐỒNG BẰNG
Cũng đành bứt sợi dây câu
Ra đi để lại một châu thổ buồn
Chân bước không nhấc hồn lên được
Ly rượu đầy không thể nhắp trên môi
Lửa và nếp đã làm nên rượu
Em làm nên tôi ngơ ngác giữa trang đời
Ai nào muốn chôn chân một chỗ
Cổ thụ già rồi mục mất mà thôi
Thì xin chọn làm cây cột điện
Ai quan tâm đứng đấy giữa ban ngày
Một lần xa chắc đâu là xa tạm
Chập choạng ánh đèn buông lưới ra khơi
Trong một mẻ có khi nhiều tôm cá
Biết đâu chừng lưới được cả hồn tôi
Tôi sẽ về như cá nằm trên thớt
Mùa này ruộng lúa cũng đang hong
Dưới chân rạ hằn sâu đôi vết nứt
Nhớ mài cho sắc lưỡi dao em
Xa sẽ nhớ dãy thềm rơi những nắng
Cỏ bình nguyên xanh mượt chân đê
Thương và xa, số phần tôi như thế
Đừng ai tin lời hẹn sẽ quay về.
QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V.
Đường sinh tử một vòng chưa khép
Tạt vào đây quán trọ đời em
Rót cho tôi chai nào cay đắng nhất
Hồn tôi là một chiếc ly không
Mái quán em tường xiêu giấy lợp
Hào phóng đời cho mượn ánh đèn
Tôi sẽ thắp giùm em thêm chút nữa
Dẫu chỉ là đom đóm trong đêm
Bàn ghế nhựa làm sao rơi loảng xoảng
Rừng ở đâu cho phá đá cưa cây
Em chỉ cho mượn tạm chiếc ly này
Không cho đập lấy gì phóng đãng
Chủ quán ơi, hôm nay ngày tháng mấy
Nhân loại trừ tôi còn lại được bao người
Mái quán em thành trời cao vời vợi
Để cái nền làm vỡ chiếc ly rơi
Trăm cơn sầu đang đổi cơn say
Tôi đốt quán, em đừng buồn tôi nhé
Mở giùm tôi chai nào cay đắng nữa
Ly vỡ rồi cứ đổ xuống thân tôi
DỨT CƠN MÊ TA VỀ VỚI NÚI
Thu xếp xong ta về với núi
Một nơi nào xa thật là xa
Ở đấy buổi chiều đi rất vội
Ngủ trong hang khỏi biết đến căn nhà
Ta trở lại với đời hoang dã
Uống nước trong khe ăn lá cây rừng
Giữa thiên nhiên cần chi tới lửa
Lửa đốt lòng sầu khổ đã bao năm
Khi nóng nực dìm mình trong suối
Lạnh ta nhờ đất ấm ru thân
Tiên hay Phật cũng chỉ cần như vậy
Quên luôn đi khái niệm cơ hàn
Lòai người hay làm mọi chuyện rối tung
Về kết bạn với nai với hoẵng
Đời hoang dã là đời đơn giản
Quanh năm ăn uống, ngủ, hòa bình
Biển coi thế mà dìm người xuống đáy
Tước của nhau sự sống tự ông trời
Người, coi thế mà không hơn như vậy
Giết nhau xong còn vỗ tay cười
Trở về rừng nói tiếng yêu đương
Cho nó trong như tiếng ngàn tiếng suối
Hết băn khoăn và hoài công ngóng đợi
Khác cuộc tình ở dưới nhân gian
Rất nôn nóng đợi ngày về với núi
Nghe vi vu tiếng gió khe rừng
Mọi thứ quanh ta thảy đều thánh thiện
Và thánh thần bỗng hết thiêng liêng
Rừng thâm u và núi non ơi
Hết cơn mơ ta về, hãy đợi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét