Hồi ở Đại học Dalat, người Thầy để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất có lẽ là Linh Mục Alexis Cras, giáo sư phụ trách môn Siêu Hình Học. Tôi còn nhớ dường như gần suốt ba năm trời ông chỉ giảng đi giảng lại có mỗi một câu của Martin Heidegger. Ông có phong thái của một vị Thánh hơn là một giáo sư. Tôi không hiểu được gì nhiều qua những lời Cha giảng. Nhưng tôi học được nhiều điều nơi Cha qua cách sống. Tôi khám phá ra mỗi người chỉ có một đời sống để sống và gắng sống sao cho ra con người. Một con người tử tế. Làm con người tử tế giống như người đi trên giây xiếc. Nếu không đứng thẳng rất dễ ngã. Nói về Heidegger hay nói về Sartre, về Merleau-Ponty hay về Karl Jaspers, bao giờ Cha cũng đi kèm theo một tác giả Việt Nam. Cha thích nói về tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên, về nhà văn Khái Hưng, nói về một ngôi nhà thờ Hà Nội, về một con đường của một thành phố mà chưa bao giờ tôi đặt chân đến. Trong lớp tôi có 28 sinh viên thì có đến gần 20 người là đi đạo Chúa. Tôi nằm trong số người ít ỏi còn lại. Tôi là một người athéiste. Cha thường bảo tôi là hãy giữ những gì con đang có, học thuyết chỉ là cái để nghe, để làm giàu sự suy tưởng của mình. Học thuyết không làm thành đời sống, chính đời sống mới làm thành học thuyết. Cha bảo hãy đọc Goethe đi. Đó là một con người vĩ đại. Nhưng tôi chỉ đọc Camus và tôi không cách sao mê nổi Goethe, Tôi thích Gide. Nhưng khi Gide bảo “Ôi gia đình, ta ghét ngươi!” thì tôi thấy mình không thể sống được nếu không có gia đình. Tôi khám phá ra tâm hồn tôi là hễ cứ yêu một thứ gì thì có nghĩa là phải làm ngược lại những gì thứ ấy mong mỏi. Đối với tôi Cha Cras là hình ảnh của một mẫu người dẫn đường. Cha đã dẫn tôi đi ở vào lứa tuổi mà tôi biết rằng chỉ có sức mạnh của bàn tay và quyền lực mới xứng với khát vọng tuổi trẻ tôi. Tôi đã từng đánh nhau với những thằng sinh viên mất dạy nhất ở sân trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Tôi đã có lần cứa cổ một thằng ưa dùng tay chân dao búa trên sân Cù Dà Lạt năm tôi mười tám tuổi. Nhưng tôi cũng đã có lần chảy nước mắt vì một bàn tay dịu dàng xoa vết chém trên lưng tôi trong một buổi tối trong khu chợ cá Trần Quốc Toản. Tôi đã sợ hãi vì đôi mắt buồn rầu của mẹ tôi khi tôi bảo là tôi sẽ bỏ học ra đi – mà không biết đi đâu. Đôi khi tôi thấy mình giống như một thằng trôi sông lạc chợ. Tôi biết mình dễ trở nên một tên du đảng hơn là một cậu học trò may mắn đứng đầu lớp. Học cho lắm vào, cha tôi thường nói, đầu óc mày cũng chỉ có một dúm cỏ chữ nghĩa là cùng. Cỏ chữ nghĩa, cha tôi thường bảo vậy, chẳng hù dọa được ai đâu. Cho tới bây giờ sự hiểu biết mà tôi có thật ra cũng chỉ là một dúm cỏ. Cái hiểu biết thực sự của mình sao mà nó tầm thường, nhỏ nhoi.
Tiểu sử Lm Alexis Michel Cras Đỗ Minh Vọng (1909-1962)
Trong gia tộc, nhiều người là văn sĩ, ưa thích viết về ngành Hải Quân và Hàng Hải. Cậu Cras tỏ ra thông minh sớm từ thuở thiếu niên, và Cậu đã tốt nghiệp Trung Học với Câp Bằng Tú Tài Toàn Phần Ban Triết Học khi được 15 tuổi. Cậu xin gia nhập Dòng Đa Minh tỉnh Lyon năm l6 tuổi (1925) và thụ phong linh mục khi mới 23 tuổi (22/7/1932).
2). Do sự sắp đặt của các vị thừa sai Pháp và Dòng Đa Minh tỉnh Phi Luật Tân, các Linh mục Dòng Đa Minh tỉnh Lyon tình nguyện sang Việt Nam, chủ yếu làm việc ở vùng Tây Bắc Bắc Phần, cụ thể là phần đất Cao Bằng Lạng Sơn trong phủ doãn tông tòa Lạng Sơn.
Nhưng Giám Mục Hà Nội xin một số các linh mục tỉnh Lyon về quản trị một cơ sở giáo dục tại Hà Nội. Linh Mục Cras đến Hà Nội, được giao coi sóc lưu trú viên Lacordaire ở khu Quần Ngựa Hà Nội từ 1933 đến 1936. Hầu hết lưu trú sinh là học sinh của trường Albert Sarraut
Trong hai năm 1936-38 Linh Mục bị động viên, gia nhập quân đội trong Thế Chiến II, phục vụ với tư cách tuyên úy quân đội và một nhóm sinh viên tại Clermont Ferrand.
Hết nhiệm vụ trong quân ngũ, Linh Mục tiếp tục sứ vụ tại Việt Nam lần thứ hai, từ 1938 đến 1962. Sau một thời gian năm 1938, Linh mục làm Thư Ký Tòa Khâm Sứ tại Huế. Tháng 11/1938, về Hà Nội, làm giáo sư trường Louis Pasteur từ 1938 đến 1944, Chính trong thời gian này ngài có sáng kiến lập ra khu Các Tút với cơ sở của Nhà Thờ, Tu Viện và Câu Lạc Bộ Phục Hưng.
Với gia thế và chức vụ đã đảm nhiệm cùng hoạt động đã thực hiện, lại có tâm hồn và tư tưởng yêu mền văn hóa phương Đông, quả nhiên đương nhiên Linh Mục Cras có giàu uy tín để làm việc lúc đó.
3). Cùng với sự thất trận của Liên quân Pháp Việt tại Mặt Trận Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954, Hiệp Định Paris được ký kết ngày 20/7/1954, Linh Mục có mặt thực sự ở Sàigòn từ tháng 6/1954, tạm trú trong khu nghĩa trang Nhà Thờ Cầu Kho. Từ thời gian đó đến tháng 10/1955, thì Câu Lạc Bộ Phục Hưng được chuyển hẳn vào Sàigòn và bắt đầu tiếp nhận lớp sinh viên đầu tiên.
Linh Mục tiếp tục làm Bề Trên Phụ Tỉnh Lyon trong suốt thời gian 1954-1961, và làm giáo sư tại Trường Đại Học Văn Khoa và Sư Phạm Sàigòn từ 1956 đến 1962. Ngài tiếp tục giảng dậy tại Đại Học Đà Lạt trong thời gian 1958-1962.
Kiệt sức vì cố gắng, tháng 5/1962, Linh Mục trở về Pháp nghỉ ngơi, nhưng bị bệnh đau tim và mất ngày 7/7/1962 tại Lyon, hưởng đương 53 tuổi.( Vũ Hiệp: Tiểu Sử Cha Alexis Cras Đỗ Minh Vọng (1909-1962), t. 65)
4). Cảm nhận của sinh viên và những người tiếp xúc với vị linh mục giáo sư triết học này, người ta thấy những chuẩn bị cơ sở ban đầu cho Câu Lạc Bộ Sinh Viên Phục Hưng thật nhanh chóng, đáp ứng ngay những nhu cầu cư trú để học tập và tự rèn luyện tư cách lương thiện nhân bản của nhiều sinh viên từ miền Trung hay từ miền Bắc trong năm đầu di cư.
Bản thân Ngài cư ngụ trong nơi cực khổ tạm thời lúc ban đầu, đồng thời tham gia vào việc giảng dậy triết học ở nhiều nơi tạo nên một niềm cảm mến sâu sắc nơi những người có dịp học Ngài hay tiếp xúc với Ngài. Cha là gương mẫu của một linh mục xả thân hết mình vi người khác. Một cựu sinh viên còn nhớ:
“Mùa Thu năm 1960 tại Đại Học Đàlạt, Giáo sư Linh mục Alexis Cras sau những giờ giảng về Karl Jaspers, Martin Heiddegger, Jean-Paul Sartre... có lần khuyên tôi đọc André Gide, Albert Camus,...”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét