Tui gặp Khả Năng trong tù, Trại Thành Ông Năm, Hốc Môn năm 1978. Người viết nói đúng, Khả Năng không còn là Khả Năng trước 1975 nữa. Ổng hiền như cục đất, nói năng nhỏ nhẹ. Bữa đó, chui rào từ trại kế bên qua chuyện trò với chúng tôi, ổng ngậm ngùi "Bữa trước Kim Cương vô thăm tui, thấy tui cổ khóc, làm tui cũng không cầm được nước mắt."
NGHỆ SĨ PHI THOÀN: “BINH MÉO – CAI TRÒN”
Chương trình “quân nhân học tập” đã được khai sinh vài năm trước khi tôi về làm việc ở Ðài Phát Thanh Quân Ðội. Có lẽ nó có từ những năm 1967-68. Chương trình này do hai nghệ sĩ Phi Thoàn, Khả Năng phụ trách và là một chương trình “ăn khách” nhất của Ðài Quân Ðội cùng những chương trình đặc biệt khác như Dạ Lan, Nghệ Sĩ với Chiến Sĩ…
Hầu hết anh em trong quân đội và gia đình họ rất thích nghe hai ông Binh Méo, Cai Tròn “tán dóc”. Dĩ nhiên là “tán dóc” trong một chủ đề đã được chọn lọc để phổ biến một đường lối, chủ trương nào đó của quân đội, tránh hình thức học tập khô khan. Nhờ vậy nó chuyên chở được hầu hết bài học mà người lính cần hiểu và hiểu sâu sắc hơn.
AI LÀ BINH MÉO, AI LÀ CAI TRÒN?
Hai nhân vật chính của chương trình này là Phi Thoàn đóng vai “Binh Méo” và một người đóng vai “Cai Tròn”. Nhìn bề ngoài lúc đó Phi Thoàn gầy gò nên cái biệt hiệu Binh Méo dành cho anh bên cạnh diễn viên Khả Năng tướng người to cao nên được tặng biệt danh là “Cai Tròn” rất đúng điệu. Cũng có người ví hai anh như Laurel & Hardy. Hai nhân vật ấy rất quen thuộc với các sân khấu kịch quân đội và người lính suốt nhiều năm. Thậm chí khi các anh đi diễn những “sô” ở các rạp hát, rạp chiếu bóng ngoài phạm vi quân ngũ cũng có nhiều nơi yêu cầu các anh diễn theo phong cách “Binh Méo, Cai Tròn” đủ chứng tỏ ảnh hưởng của hai vai diễn này rất mạnh.
Bên cạnh phòng làm việc của tôi có một phòng vi âm nhỏ chuyên dùng để thu thanh trước các chương trình đặc biệt chỉ cần một số ít người.
Hàng tuần vào một ngày cố định, tôi không còn nhớ rõ là ngày thứ mấy trong tuần, chương trình “quân nhân học tập” được thu thanh tại đây. Vài tuần đầu tôi để ý thấy chỉ có Phi Thoàn và một số nhân viên vào ghi âm chương trình này, không thấy Khả Năng. Vậy mà chương trình vẫn có “Cai Tròn Binh Méo” và giọng nói của Khả Năng.
Tôi chưa kịp hỏi thì một buổi Phi Thoàn thu thanh xong, anh gõ cửa vào phòng tôi. Bao giờ cũng vậy, gặp anh là thấy nụ cười trước tiên. Anh đưa tay chào kiểu nhà binh nhưng vẫn xưng hô với tôi như tình anh em:
– Nghe nói anh về Đài mà mấy lần định vào nhưng anh lại có khách.
Cần nói rõ là Phi Thoàn làm ở tiểu đoàn 30 Chiến Tranh Chính Trị chứ không phải nhân viên của Đài Quân Đội. Anh chỉ là người cộng tác và vẫn được hưởng cát-sê như những nghệ sĩ dân chính khác cộng tác với Đài. Chúng tôi quen nhau qua cái tình văn nghệ trong quân đội từ lâu. Nhưng hồi đó tôi còn làm việc ở phòng Báo Chí, nay mới có dịp làm chung một “nghề”. Tôi hỏi:
– Còn Khả Năng đâu sao không vào chơi luôn?
Phi Thoàn cười:
– Ông ấy giận tôi nên không chơi với tôi nữa. Hồi này tụi tôi đi làm ăn riêng hết, không chơi chung như xưa.
PHONG CÁCH PHI THOÀN
Lúc đó tôi mới biết rằng sau này Phi Thoàn “một mình một chợ” đảm nhận vai trò nồng cốt trong chương trình Binh Méo, Cai Tròn mà người đóng vai Cai Tròn lại là một xướng ngôn viên khác có giọng nói y hệt Khả Năng. Có lẽ điều này rất ít thính giả biết cho đến tận bây giờ. Cũng như chương trình Dạ Lan, sau khi Dạ Lan của thời kỳ đầu nghỉ không làm nữa thì lập tức một xướng ngôn viên có hạng của Ðài được thay thế với tiếng nói y chang Dạ Lan làm nhiều người cứ tưởng vẫn chỉ là một giọng nói. Mãi sau này mới có một số người biết.
Tôi lấy làm tiếc vì sự “chia đôi đường” của cặp bài trùng đang trong thời kỳ rất ăn khách này. Tôi ngỏ ý với Phi Thoàn lúc nào có dịp tôi sẽ mời Khả Năng đến Đài rồi cùng ngồi nói chuyện. Nhưng Phi Thoàn lắc đầu:
– Vô ích thôi, anh ạ. Vài “sếp” đã tính đến chuyện này, nhưng tôi thấy không vui vẻ với nhau nữa thì cứ để nó như thế cho yên chuyện đời.
Thiệt thòi cho sân khấu là từ đó khán giả không còn có dịp thấy “Laurel và Hardy Việt Nam” xuất hiện chọc cười thiên hạ nữa, dù trên làn sóng phát thanh họ vẫn cứ như hình và bóng. Đâu có ai biết Binh Méo sẽ không bao giờ diễn chung với Cai Tròn nữa.
Và chuyện đời cứ như thế trôi cho đến những ngày trước cuối tháng 4 năm 1975, Phi Thoàn vẫn hàng tuần đến thu thanh bên phòng của tôi. Thỉnh thoảng gặp nhau nói dăm ba câu chuyện vặt rồi ai làm việc nấy.
Ngoài công việc của quân đội, thỉnh thoảng Phi Thoàn đảm nhận “xô” diễn của các đoàn ca kịch bên ngoài. Lối diễn hài của anh rất độc đáo, không phùng mang trợn mắt mà là lối diễn rất thông minh, hóm hỉnh do chính anh tự khám phá ra cho mình và đôi khi cho bạn diễn cùng với mình có cơ hội được chọc cười khán giả.
Lối diễn của anh gần như của Trần Văn Trạch, nếu anh Trạch có vẻ Tây phương hơn thì Phi Thoàn lại quay về với những cử chỉ, lời thoại của người thôn quê, ngây thơ chất phác thú vị. Tràng cười của anh không dung tục quá đáng đến sỗ sàng mà mang hơi thở của chú Tư Cầu Lê Xuyên với ruộng đồng mộc mạc. Vì thế sau này anh diễn các vai bác nông dân rất thành công và còn được khán giả đặt cho cái tên “chú Sáu Mỹ Thuận”. Anh khôi hài châm biếm rất hồn nhiên, không cường điệu quá lố, không cố ép khán giả phải cười mà là tiếng cười bật lên từ chính trong lòng khán giả qua phong cách tự nhiên của anh, qua sự việc hợp tình hợp lý chứ không gán ghép để buộc khán giả phải cười dù nó có vô lý. Anh không thích sự vô lý trong cách bố cục một kịch bản, dù là kịch bản đó của mình hay của người khác. Tôi đã thấy Phi Thoàn yêu cầu người viết kịch bản là trưởng ban thông tin thời sự của Đài, thay đổi mạch hành văn của một câu chuyện thời sự cho hợp lý hơn, lúc đó anh mới chịu diễn. Có thể nói anh là người rất kỹ tính với kịch bản. (Ảnh: Phi Thoàn và Tô Kiều Lan trong vở cải lương “Nếu Em Là Hoàng Đế”).
Về thành tích của nghệ sĩ Phi Thoàn, phải nhắc đến sự đa dạng trong diễn xuất. Nhờ sự đam mê sân khấu từ hồi còn nhỏ mà, từ một anh chuyên đóng hài trên đài phát thanh, anh nhanh chóng chiếm lĩnh vai trò chủ chốt các đại nhạc hội Sài Gòn thời đó. Tên tuổi Phi Thoàn một thời được xem là sự bảo đảm bán vé đắt cho buổi diễn. Cùng với các danh hài thượng thặng như Thanh Hoài, Tùng Lâm, Thanh Việt, La Thoại Tân, Xuân Phát…, anh mang lại tiếng cười sôi nổi cho người xem.
Sau một thời gian tham gia các ban kịch ở Sài Gòn, anh còn đóng nhiều thể loại phim hài. Cứ mỗi lần có một đoàn làm phim tính chuyện “làm phim hài chiếu Tết” là người ta nghĩ ngay đến Phi Thoàn. Các ông chủ hãng phim thi nhau đến mời anh ký hợp đồng và hầu như bất kỳ phim hài loại nào có anh đóng là y như bà con đến chật rạp, chủ hãng phim hốt bạc.
Không còn gì đúng hơn và khôn ngoan hơn là làm phim hài vào dịp tết, người Việt Nam có thói quen kiêng khem và đôi khi đi xem hát, xem kịch vào dịp đầu năm là để “bói tuồng” nên thường chọn những phim kịch vui để được vui vẻ suốt năm.
THUỞ ẤU THƠ CỦA BINH MÉO
Tên thật của anh là Nguyễn Phi Thoàn, sinh năm 1932 tại Trà Vinh. Bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 1948 và trở thành nghệ sĩ hài nổi tiếng khi mới bắt đầu khôn lớn.
Nhắc lại tuổi thơ, anh thường kể một sự kiện, đó là anh sinh ngày 19-6-1932, ngày người Pháp cho chạy thử chiếc tàu thủy rất lớn trên sông Trà Vinh. Chiếc tàu đó tên Phi Thoàn nên ba mẹ anh quyết định đặt tên cho đứa con trai duy nhất trong nhà là Nguyễn Phi Thoàn. Nhưng số anh lại là con khó nuôi, cứ đau bệnh liên miên, nên ba mẹ anh đã nhờ một người thầy Khmer nhận làm con nuôi. Bởi vậy anh còn có tên Sen. Cái tên gắn chặt tâm hồn mình với quê hương. Anh thường kể với bạn bè:
– Có lẽ nhờ chết hụt lúc còn nhỏ nên lớn lên tôi là một thanh niên sống thảnh thơi, thích nhìn những sự việc tréo ngoe để gây tiếng cười. Năm tôi 16 tuổi, ở xóm đã nổi danh là thằng “Sen tếu”. Một lần bạn bè xúi “mày có máu khôi hài nên lên Sài Gòn xin vào đài phát thanh kể chuyện tiếu lâm”. Tôi khăn gói một phen thử vận. Hồi đó ở Đài Phát Thanh Sài Gòn có chương trình tuyển chọn ca sĩ trẻ, giữa giờ giải lao thường có một anh hề ra chọc cười khán giả. Tôi xin thử kể, không dè ông chủ lắc đầu. Lúc định quay về thì trời đổ một cơn mưa thiệt lớn. Nhờ vậy tôi mới được thử. Câu chuyện tôi kể là hình ảnh một anh nông dân say bí tỉ gây lộn với con chó. Một mình tôi giả hai giọng: người và chó. Không ngờ ông “sếp lớn” nhận tôi vào làm ngay và đó là bước ngoặt gắn chặt đời tôi với sân khấu.
NỖI NHỚ SÀN DIỄN CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ VỀ GIÀ
Nghệ sĩ Phi Phụng, con gái của nghệ sĩ Phi Thoàn, đã tâm sự:
“Với tôi, ba không chỉ là một người cha kính yêu mà còn là một người thầy tận tuỵ. Ngay khi còn rất rất nhỏ tôi đã bắt chước ba hát diễn đúng kiểu “cha truyền, con nối”. Tôi được ba chăm chút, uốn nắn từng chút, rồi ba dắt tôi vào hát từ năm 1978, đi hát “xô” cũng dắt tôi theo. Hồi mới vào nghề chưa có kinh nghiệm, chỉ đóng cảnh “ngất xỉu” mà tôi bị ba bắt đóng tới, đóng lui hoài… Không chỉ với riêng tôi mà với các bạn diễn ba cũng rất nghiêm khắc trong tập luyện. Nhà tôi có 7 chị em nhưng hễ một đứa có lỗi là ba “phạt… tập thể”. Ông bắt tất cả nằm sắp lớp xuống nền nhà rồi phán: “Nằm yên đó, đợi tao đi diễn về là tụi bây biết tay!” Tụi tôi thay phiên nhau 6 đứa nằm còn 1 đứa ra canh cửa. Một chặp sau đứa canh cửa báo động: “Ba về! Ba về!”. Thật ra ông già chỉ đi loanh quanh đâu đó, về thấy đàn con vẫn nằm sắp lớp nghiêm chỉnh, ổng cười hì hì: “Thôi, tha!”. Khi chị em tôi có bạn trai, dù đi chơi tập thể ở tận Bửu Long ba cũng đòi lên tận nơi “canh chừng”, sợ… con hư! Còn nữa: “Ðứa nào mà đi nhảy đầm thì tao chặt giò!”. Trong nhà là thế, nhưng bước ra ngoài là ba trở thành “chú Sáu Mỹ Thuận” rất ư vui tính với bạn bè đồng nghiệp, với khán giả và với cả bà con chòm xóm. Ba nằm bệnh viện hai tháng rồi 9 tháng nằm ở nhà, khoảng thời gian ấy ba nhớ sàn diễn, nhớ bạn diễn vô cùng. Có những đêm ba thức rất khuya, chờ tôi về để chỉ hỏi một câu: “Con đi hát về, có gì vui kể cho ba nghe với!”
Nỗi nhớ sàn diễn của người nghệ sĩ về già sao mà tha thiết quá. Hình dung ra cảnh Phi Thoàn nằm đó nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ khán giả, nhớ vai diễn và bạn diễn chắc bạn đọc cũng thấy lòng nao nao.
CHÚT KỶ NIỆM CUỐI CÙNG
Sau một thời gian dài, suốt từ năm 1975 đến khoảng năm 1991-92, khi tôi ở trại “cải tạo” ra, trở về Sài Gòn, tôi chỉ gặp lại Phi Thoàn đúng một lần.
Khi đó tôi còn lang bang xách “bút nghiên” đi học computer ở trường Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn.
Chẳng biết hôm đó chiếc xe ca đón nghệ sĩ nào ở đường Hùng Vương, Phi Thoàn ngồi đợi ở một quán trước cổng trường gần đó.
Tôi tan lớp học bước ra, Phi Thoàn nhìn tôi ngờ ngợ rồi anh đứng ra giữa đường cản lối, hai tay chống nạnh nhìn tôi trừng trừng.
Vừa nhìn thấy anh là tôi nhận ra ngay. Anh vồ lấy tôi:
– Bắt được ông rồi đây nhé. Cứ nghe ông về mà chẳng biết ở đâu.
Tôi đùa:
– Coi chừng anh quen một tên “ngụy” hơi nguy hiểm đấy nhé.
Anh cười:
– Tôi quen với nguy hiểm rồi. Mà ông đi đâu đây? Bộ lúc này phải đi dạy học kiếm sống à?
– Ði học chứ dạy cái nỗi gì, ai cho dạy mà dạy.
Phi Thoàn không tin:
– Ông tính thay tôi đóng phim giễu hay sao đây?
– Nói thật đấy. Học computer mà. Ở trong trại, đọc thấy cái máy vi tính ghê quá, về học xem nó ghê đến đâu.
– Ông có chí thật.
Tôi cười trừ:
– Ðừng có khen tôi, chẳng qua đói quá và cũng hơi nhục nên mới đi học đấy, tôi là học trò già nhất ở cái trường này.
Phi Thoàn an ủi:
– Việc quái gì mà nhục! Ông cứ hiên ngang mà sống chứ, đời anh em mình còn dài mà.
– Không phải như ông nghĩ đâu, tôi ở chung với mấy người bạn, họ đánh mạt chược suốt ngày, họ có tiền, còn tôi thì rách như tổ đỉa. Có ba chân, thiếu người, họ cứ bảo tôi ra ngồi đánh cho đủ chân. Tiền đâu mà chơi nên tôi cứ phải giả vờ ốm nằm trùm mền. Mình là dân chơi từ xưa, quen máu đi rồi nên nằm trùm mền mãi, nghe họ lóc cóc chơi ở nhà ngoài, chịu hết nổi và cứ thấy nhục thế nào ấy.
Phi Thoàn cười ha hả:
– Vì thế ông cắp sách đi học cho khuất mắt chứ gì. Chuyện đó của ông viết thành kịch được đấy.
– Còn khối chuyện viết thành kịch được, nhưng bây giờ tôi chưa có thì giờ.
Phi Thoàn kéo tôi vào quán đãi ly cà phê đá.
Anh tỉ tê tâm sự cuộc đời anh gắn liền với sân khấu và bây giờ vì cuộc sống nên vẫn cứ đi diễn.
Tôi hỏi thăm đến một số anh em khác và Khả Năng. Phi Thoàn nói hồi này cũng không biết Khả Năng ở đâu. Nghe tin anh ấy đi vượt biên.
Tôi kể cho Phi Thoàn nghe hồi mới vào trại “cải tạo” tôi ở trại Suối Máu, một hôm nghe có người bạn nói Khả Năng đợi tôi ở hàng rào phía hông trại.
Tôi chạy ra. Khả Năng đứng bên hàng rào kẽm gai trại bên kia, chúng tôi nhìn nhau ngao ngán. Xem ra Khả Năng có vẻ mất tinh thần lắm. Anh ấy không còn là một cây cười ngoài đời nữa, trại giam đã giam cả tiếng cười của anh ấy rồi. Trao đổi vài câu chuyện trời đã vào tối, chúng tôi chia tay. Sau đó tôi chuyển trại ra miền Bắc, từ đó tôi không còn có dịp gặp lại Khả Năng.
Mãi những năm sau này, tôi nghe nói Khả Năng đã vượt biên sang được đất Thái Lan nhưng rồi tử vong vì một lý do nào tôi không rõ.
Nay thì đến lượt tôi phải từ giã Phi Thoàn.
Anh mất lúc 16 giờ 40 ngày 4 tháng 5 năm 2004 tại nhà riêng, hưởng thọ 73 tuổi.
Thế là hai anh Binh Méo, Cai Tròn đều đã ra đi cùng với anh trưởng ban thông tin hồi đó là Mai Trung Tĩnh.
Những tài hoa xưa đã rơi rụng dần.
Chiều nay, 7 tháng 5, khi tôi viết bài này, đám tang Phi Thoàn vừa cử hành.
Một nỗi buồn mênh mông trùm lên không khí Sài Gòn bắt đầu vào một mùa mưa mới mà chưa mưa được!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét