‘’Đường sắt Cát Linh là biểu trưng cho tình hữu nghị Trung Việt’’.
Câu tuyên bố của đại sứ Tàu, trước sự vui mừng hớn hở của quan chức bản xứ, chạy kiêu hãnh trên trang nhất các báo, có thể coi là câu nói chí lý nhất trong năm.
Chí lý bởi vì nói lên sự thực.
Đường sắt Cát Linh quả thực là giao thương kiểu mẫu giữa 2 nước núi liền núi, sông liền sông.
Một bên hốt bạc, cho người sang làm việc bôi bác, nhân tiện ở lại luôn, xây dựng kiểu Tàu, nửa giả nửa thực, cắt xẻ tan hoang núi rừng. Đường sắt bạc tỷ ( Mỹ kim ) như đồ mã, dựng để đốt cho người chết. Giữa chừng đòi thêm vài chục triệu. Không trả, ông dell làm nữa.
Một bên dâng tiền cho chú bác, trong khi trên nguyên tắc, chuyện xây cất đại quy mô phải có đấu thầu công khai, phải có cơ quan độc lập quan sát, theo dõi.
Thân như gái ngồi phải cọc, theo lao cũng chết, bỏ cuộc thì đã chết rồi.
Làm gì bây giờ? Nộp một lần, nó sẽ đòi tiếp, theo nguyên tắc của những thằng làm ‘’chantage’’ (tống tiền) chuyên nghiệp.
Kiện? Biển đảo không dám kiện, nói gì vài khúc đường sắt, dù bạc tỷ dollars là một ngân khoản đáng kể, với một nước nghèo, sắp sửa, nhưng chưa vượt qua Nhật Bản, Singapore. Và sưu cao, thuế nặng vào bực nhất thế giới, so với lương bổng, lợi tức.
Giả thử có ăn phải gan hùm, thằng nào đi kiện, hay lên tiếng phản đối, một cách lạy ông con ở bụi này, khi đã nuốt tiền lại quả? Những nguồn tin đứng đắn nhất cho hay tiền lại quả của các công ty Tàu, tại những nước bệ rạc, luật rừng ngư trị, không bao giờ dưới 30%.
Nguyên tắc ‘’win-win’’ (gagnant-gagnant) được tôn trọng tuyệt đối.
Cả 2 bên đều hưởng lợi, dù phía bản xứ, người hưởng lợi là một đám đầy tớ, nhưng Đảng là dân. Đảng giầu, dân mạnh
Tóm lại, một thằng ngồi lên đầu, thỉnh thoảng đái xuống; một thằng đội, cười toe toét vì được chia lại quả. Ai tò mò, nhòm ngó vào, sẽ nằm tù mục xương về tội chống phá nhà nước.
Nếu phải lựa một ‘’biểu trưng’’ cho tình hữu nghị Việt Trung, quả thực không có gì hơn đường sắt Cát Linh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét