khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Nước Mắt Thiên Đường - Tác giả Chu Lynh

 

Chiếc xe chở 17 tù binh từ trại giam Bù Đốp và trại giam Ba Sao tiến vào Sài Gòn. Sài Gòn sau gần một năm xa cách, vừa hiện ra trước mắt.
Còn gì đau đớn hơn khi gặp lại người tình trong vòng tay kẻ khác.
Những người làm chủ đường phố ngày xưa chăm chú nhìn những nét đổi thay trên thân thể Sài Gòn. Cửa hàng ăn uống, tiệm sách “Nhân Dân”, tiệm hình “Giải Phóng”, tồ hợp đan, cơ quan và công ty nhà nước xen lẫn với nhà ở của dân chúng. Xe đạp tràn ngập khắp đường phố. Sài Gòn muôn thưở đam mê sống với đường phố, nhưng hôm nay người Sài Gón có vẽ đang lạnh lùng với đường phố. Áo dài biến mất. Khắp nơi toàn màu đỏ.
Trên những chiếc xe du lịch sang trọng, không có những cặp tình nhân hay vợ chồng con cái, chỉ có bộ đội lạc lõng trên ghế nệm. Nhiều con đường đã thay tên đổi họ như thành phố của nó cũng đã mất tên Sài Gòn. Dù đang là một thành phố nghèo nàn và khép kín, nhưng tôi tin người Sài Gòn khó mà giết chết cái tính kiêu sa ngầm từ bao đời nay.
Chiếc xe ngừng lại trước một doanh trại. Thành Ông Năm! Xe lăn chầm chậm như đang tiến vào nghĩa địa. Kiến trúc những đơn vị công binh vẫn còn nguyên vẹn. Những khẩu hiệu cũ chưa bị bôi xóa. Một vài nơi bị đập phá.
Trước cổng Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 3 Công Binh bề thế là những đám rau muống lên cao, đối diện là trại gia binh dùng làm chuồng heo. Áo quần bộ đội treo trước sân cờ, trên những đống củi cao su ngỗn ngang.
Xe qua một cổng sắt lớn, một thế giới lạ lùng bỗng hiện ra. Văn phòng, cơ xưởng, nhà kho, trại gia binh đầy ắp người với người đang di chuyển đủ chiều hướng. Nhưng sao họ quen thuộc quá.
Tù!
Khắp nơi là tù, với áo quần lót hay những bộ treillis, đang ăn cơm trưa, ngồi dưới gốc cây, trên khúc gỗ, bên những bàn ghế thấp, hay đong đưa trên võng. Hai người đang dùng xẻng cạo cơm cháy trong chiếc chảo gang lớn. Tiếng nồi niêu chén đũa khua vang. Già hay trẻ, mạnh khỏe hay chống gậy họp lại thành một trại tập trung khổng lồ.
Một số người kéo nhau ra sân nhìn chiếc GMC vừa ngừng lại. Có tiếng la lên, đồng thời với bàn tay giơ ra từng ngón:
- Kampuchia về hả? Bò mấy?
- Bò là gì? Không hiểu.
- Bò là cấp bậc đó mấy ông nhà quê.
- Không phải nhà quê mà là Tarzan từ rừng Bù Đốp về đây. Đủ loại bò.
Trên xe đa số mặc đồ đen, đội nón lá, nước da tái mét, phờ phạc, phải được hiểu là từ rừng thiêng nước độc trở về.
Một người mặc thường phục, mái tóc muối tiêu dẫn chúng tôi đi băng qua một vườn rau muống giữa sân trại, nơi đây ngổn ngang nào thùng phuy cắt nửa, máng xối, thùng tưới rau.
Ông gọi một người đến cho dọn dẹp hai căn phòng và nhận thực phẩm cho mười bảy khẩu phần ăn.
Dù có lệnh cấm liên lạc giữa hai lớp tù cũ mới, nhưng khi ông đi khỏi, lập tức chúng tôi bị bao vây.
- Hồi nảy nghe gì mà “cải tạo viên” ngọt như đường?
- Ở đây, họ gọi mình là cải tạo viên, cán bộ là quản giáo. Họ nói đây là một thứ đại học tổng hợp. Ở Bù Đốp kêu là gì?
- Tù tàn hàng rã binh. Đôi khi đói quá đọc không hết chữ. Có khi kêu là tù hàng binh, nghe chính xác hơn. Cải tạo viên nghe êm tai. Gọi gì cũng là tù. Đã học chính trị chưa?
- Rồi! Mười bài chết lên chết xuống. Cuối cùng trả lại cho quản giáo hết. Ông có liên lạc với gia đình chưa?
- Vợ con thì bặt tin. Họ không cho viết thư.
- Ở đây, mỗi tháng được viết một lá. Noel và Tết, cho gửi quà, mỗi lần 3 ký.
- Ngoài khẩu phần ăn còn có gì không?
- Mỗi tháng được cấp 2.4 đồng gọi là sinh hoạt phí dưới hình thức thuốc lá, savon, kem đánh răng. Thỉnh thoảng cho đăng ký mua hàng ở thị trường, nhưng mắc lắm, hơn nữa tụi trung gian ăn lời cao qúa. Nhiều đứa cạn tiền từ lâu.
Nhiều bà vợ gửi tiền theo quà, ngụy trang trong các lọ thuốc, trong lai áo quần. Cũng có trường hợp bắt mánh với tụi vệ binh đưa thư đến nhà, đút lót tụi này không phải ít.
- Còn áo quần mùng mền?
- Từ hôm vào đến nay, được cấp một bộ đồ trận, mùng mền tự túc, giép tự làm lấy. Ông xem ban đêm tụi nó lấy dao rọc vỏ xe mới toanh. Xe ủi, xe xúc lớn nhỏ tụi nó làm ráo hết. Mỗi vỏ xe trị giá cả triệu bạc.
- Hôm nào chỉ tôi gò với. Thấy khoái ghê!
- Dễ lắm! Nhìn tụi nó làm một lần là biết. Một người trổ tài là cả trại bắt chước. Ăn thua khéo tay thôi.
- Đâu đâu cũng thấy rau. Chắc xuất khẩu sang Liên Xô?
- Rau trồng chỗ nào có khoảng trống. Tấc đất tấc vàng mà. Mỗi tháng mỗi cá nhân nộp cho trại 6 ký, dư ra thì luộc ăn trừ cơm. Ông coi, nếu không có rau, tụi này ra đi từ khuya rồi. Cơm thì không độn nhưng chẳng thấm vào bao tử.
- Bệnh hoạn có thuốc men gì không?
- Tụi nó khai bệnh dài dài. Bệnh nào cũng cấp KP cả.
- Thuốc Liên Xô? Bungary?
- KP là khắc phục đấy. Bệnh ghẻ, sốt, kiết lỵ là ba loại trầm trọng nhất. Khai bệnh cho lắm rồi cũng uống thuốc KP. Trước Noel, trại này liệt gần 90%. Tụi nó lết, bò, chống gậy, nằm, ngồi đủ kiểu. Liệt giường hàng loạt, trông y như sở thú. Cán bộ cũng ít xuống trại. Có mấy tên đi luôn. Sau đợt nhận quà, tụi này mới phục hồi được phần nào nhan sắc tù.
- Bạn đã ra nghĩa trang lần nào chưa ?
- Rồi. Đếm được bảy bia mộ. Họ được quấn chiếu hay bọc tấm nylon chôn về phía T4. Chết vì bệnh, bị bắn và tự tử. Một đại úy vượt ngục bị bắn ở hàng rào, một trung úy vướng lựu đạn tan xác. Chỉ có hai người thoát được.
Một đại úy khác thắt cổ tự tử trong trạm xá, để lại một bức thư lên án nhà cầm quyền trại. Nội dung bức thơ được các bệnh nhân cùng phòng tiết lộ. Nội vụ không được cán bộ phổ biến để phê bình hay rút kinh nghiệm như thường lệ vì tính chất chính trị của bức thư hoàn toàn bất lợi cho việc đưa ra ánh sáng.
Ở đây, có một câu chuyện làm điên đầu quản giáo. Nhân vật không bình thưòng như mọi người tù khác. Từ ngày nhập trại, sĩ quan trẻ tuổi nầy suốt ngày tịnh khẩu, đi thơ thẩn khắp cùng trại. Anh không tham gia các sinh hoạt tập thể, không thi hành công tác nào, không thiết đến vệ sinh cá nhân, và từ chối tiếp xúc quản giáo.
Anh sống giữa trại tù mà như ở núi Thất Sơn, một mình một thế giới, suy nghĩ gì chẳng ai đoán được.
Có đêm, anh vùng dậy đập cây đàn vào đầu người bạn đang nằm ngủ, rồi chạy ra ngoài la lớn: “ Dẹp! Dẹp hết!”.
Khi khai lý lịch, dù bị áp lực, anh ghi vỏn vẹn một câu: “Tôi không có tội”
Vào một buổi trưa nắng, anh vác túi áo quần lên vai, thản nhiên bước ra cổng, coi như chòi gác không có vệ binh. Lần đầu tiên, gặp chuyện lạ, người lính gác sửng sốt nhìn theo, một lúc lâu mới sực tỉnh hét to:
- Anh kia đi đâu? Đứng lại!
Bóng người cứ bước đi, người lính chạy theo:
- Đứng lại!
Tiếng hét lần thứ hai vô hiệu, người lính vượt lên chỉa súng vào ngực anh:
- Anh đi đâu?
- Đi về ! Ở đây không được.
- Anh quay về trại ngay. Tôi bắn bây giờ!
- Bắn đi! Mầy dám bắn không? Sáu tháng nay tao chờ mầy bắn cho một phát.
Anh cứ bước đi. Vệ binh không phải biết đối phó thế nào? Một lúc sau, có hai cán bộ khác chạy đến. Họ trói anh lại và đem nhốt vào thùng Conex.
Đối với người cách mạng không thể đơn giản kết luận anh bị bệnh thần kinh, mà nghi ngờ anh đang đóng một vở kịch để che dấu một bí mật nào đó. Một tuần lễ sau, anh bị chuyển khỏi trại, đi đâu không ai biết.
Một ngày mùa hạ.
Toàn cảnh vật đứng im chờ giọt mưa trời. Trại Thành Ông Năm như một bức tranh khô cứng. Nếu nhiệt độ tăng thêm chút nữa, trại giam chắc sẽ bốc lửa. Hầu hết nhà lợp tôn, chỉ lác đác vài bóng cây. Mặt trời gần như tiến sát trái đất. Không có gió, mùi phân Bắc nồng nặc nằm yên trong không gian.
Tôi ra giếng tắm. Nước giếng đã rút xuống sâu. Từ một căn nhà bên phải cầu tiêu, tôi nghe tiếng hét thất thanh, rồi tiếng đập cửa liên hồi. Nhiều người chạy đến, bạo dạn đến gần căn nhà. Không phải, tiếng thét từ thùng Conex trước nhà. Một người đang bị kỷ luật.
Tôi rùng mình, gàu nước xối lên người không giảm bớt cái nóng mùa hè, nói chi kẻ xấu số trong thùng Conex khóa kín đặt giữa sân dưới cái nóng hừng hực, chắc sẽ hoá điên, sẽ co quắp như con sâu oằn oại trong bếp lửa.
Hai vệ binh vẫn thản nhiên lau súng, ngước mắt lên xua đuổi đám đông về phòng. Tù binh bị xúc động mạnh, nhưng những người anh em không nghe không thấy không biết đến tiếng cầu cứu.
Bí mật được vén lên. Nạn nhân chính là sĩ quan hai tháng trước ngang nhiên rời cổng trại trước mũi súng lính gác. Tuần trước, anh bị kết án bởi một phiên tòa bỏ túi.
Thùng Conex là hình phạt đầu tiên. Tình anh em mà kẻ chiến thắng tô màu đậm khi đặt chân vào Sài Gòn, được phụ họa bởi tiếng ca hớn hở của Trịnh Công Sơn qua bài “Nối vòng tay lớn” chỉ vài giờ sau lệnh đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, đích thực là hình ảnh này đây.
Tôi liên tưởng ngay đến nhà độc tài Hitler.
“Khi được báo cáo có một vài lò hơi ngạt bị hỏng, để hoàn tất mức ấn định số người Do Thái phải chết vào ngày Hitler đến thăm trại, trùm mật vụ Gestapo, Heinrich Muller đã biến các toa xe lưu động thành những lò hơi ngạt bỏ túi.
"Trên đường di chuyển từ trại tập trung đến lò hơi ngạt chính, khí độc được bơm vào. Khi đoàn xe dừng lại, cửa mở, những người Do Thái bên trong xe chỉ còn lại những cái xác trong tư thế cầu cứu. Cái chết thật khủng khiếp, nhưng nó chỉ hành hạ con người trong vài khoảnh khắc”.
- Mở ra! Mau lên! Mở ra! Trời ơi là trời! Chết mất trời …ơi!
Cứ thế tiếng la và tiếng đập cửa liên hồi nhỏ dần rồi đột nhiên lớn hơn, cuối cùng yếu hẳn rồi im bặt. Thùng Conex chơ vơ.
Tôi đứng lặng người bất động, gàu nước rời khỏi tay lúc nào không hay, một giọt nước nóng lăn trên má. Tôi không tin mình đã khóc. Một cảm giác như thuốc đắng từ cổ họng chạy quanh châu thân, rồi thấy nhói ở ngực. Số phận của anh, cũng là số phận của tôi, của bất cứ người tù nào.
Tôi trở về phòng, uất ức rồi thẩn thờ, đi như hỏng khỏi mặt đất, thấy mình chỉ là kẻ vô dụng trước tội ác. Tiếng thét là âm vang của uất khí, đang xé nát con tim những người tù.
Thế giới đã quên hay không biết đến mảnh đất Việt Nam sau ngày 30.4.1975.
***
- Điểm danh! Điểm danh!
Kèm theo những bước chân hấp tấp nện trên hành lang là tiếng còi quyền uy gây hốt hoảng cho những người đang say sưa giấc ngủ về sáng. Tù binh được lệnh chỉ mang theo áo quần, bỏ lại mọi vật dụng. Doanh trại trở nên hoang vắng lạnh lùng.
Sân cờ Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 3 Công Binh rất rộng, nhưng vẫn chật ních người. Họ xếp hàng đều đặn, như sắp xuất quân ra trận, chỉ thiếu trống kèn và cờ xí.
Một đoàn quản giáo tiến ra. Ăn khớp với cuộc khám xét, một đoàn Molotova mui trần từ từ tiến vào trại, quay đầu ngừng trước sân cờ. Tài xế oể oải đóng mạnh cửa, có lẽ vừa trải qua một lộ trình dài.
Thủ tục điểm danh và bàn giao tù kéo dài đến trưa. Vài người bất tỉnh vì say nắng và đói, được khiêng vào bóng mát cấp cứu trước những cặp mắt lạnh lùng của người anh em. Khoảng một phần năm tù được ở lại, không hiểu họ thuộc thành phần nào.
Khi đoàn xe chuyển bánh, bóng ngã về chiều, trời chuyển gió, lá vàng rơi lả tả lên xe như thông điệp chia buồn từ trời thả xuống. Đoàn xe tiến ra xa lộ hướng về Biên Hòa khoe sức ngốn đường dài. Bầu trời dịu lại thênh thang mát rượi. Tôi say cơn gió mới, uống đầy lồng ngực cái sinh khí trong lành.
Vẫy tay chào Thành Ông Năm, Hóc Môn, Sài Gòn. Ngày xưa và hôm nay, con đường xa lộ này, những duyên nợ ngày cũ, kiếp lao lung ngày mới như thể không ăn nhập gì với nhau, chỉ như giấc mộng ngắn ngủi đêm qua.
Thôi nhé! Thành Ông Năm, dù thế nào cũng đã thuộc về quá khứ, một cái truông đã vượt qua, quên nó đi, rồi có ngày sẽ nhớ lại.
Tôi ghi vào sổ ngày rời trại tập trung Thành Ông Năm. 30-05-1976.
Đặt một cái tên cho tiếng thét từ thùng Conex, cho giọt nước mắt nóng rát trên má: “Nước Mắt Thiên Đường”, thiên đường chỉ có trên quê hương tôi sau ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét