I-Câu hỏi chính: “Chưa đỗ Tú Tài làm sao Nhất Linh vào Đại học Pháp để đỗ Cử nhân Khoa học?”
Bài viết này hình thành sau khi có cuộc thảo luận hào hứng, gay cấn trong ba ngày kể từ thứ Hai, 19 tháng 4-2021 lúc 8:11 tối, trên facebook của anh Đặng Tiến, có sự tham dự của một số facebookers ở khác châu lục, và không phải tất cả đều quen biết nhau hay biết nghề nghiệp, nơi cư trú của nhau như: Trang Thư Cổ, Ivan Nhieukhekov, Bui Doan Khanh, Ngô Thế Long, Phạm Long, Cao Quang Nghiệp, Lê Nguyễn, Hà Dương Tường, Phạm Thị Lộc, Hoàng Kim Oanh, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Chế Trâm, Nguyễn Thị Diệu Hiền, Dũng Hoàng, Nguyễn Huệ Chi. Nhưng đặc biệt sự thành công cơ bản nhờ sự đóng góp tài liệu và ý kiến của anh Đặng Tiến, nhà phê bình văn học Việt Nam, nguyên giảng viên đại học Pháp, và cựu viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa; anh Cao Quang Nghiệp, đương kim giảng viên Đại học Hamburg, Đức quốc, và anh Phạm Long không rõ nhân thân.
Trong lúc giải mã đường học vấn của Nhất Linh, cuộc thảo luận đồng thời cũng giải mã được một số vấn đề lý thú khác. Đã có nhiều sách báo viết về tiểu sử Nhất Linh nhưng dường như tất cả đều không nêu rõ nguồn, hoặc nguồn không được kiểm chứng độ chính xác. Trong lúc thảo luận về đường học vấn của Nhất Linh, anh Cao Quang Nghiệp đã công bố hình chụp bốn trang của cuốn “Sống và Viết với…Nhất Linh và mười một nhà văn khác” của Nguien Ngu Í trong tủ sách có đóng triện xanh của Trường Đại học Hamburg, Đức Quốc. Cuốn sách này do NGEI XANH xuất bản lần đầu tiên ngày 25-9-1966, in tại nhà in Phạm-Ngũ-Lão, Saigon. Trong cuốn đó, tác giả cho biết tiểu sử của Nhất Linh do chính ông thuật và tác giả ghi chép nguyên văn. Như vậy cho tới nay, ngoài những sách do gia đình Nguyễn Tường công bố, cuốn này là nguồn duy nhất hoàn toàn chính xác về một số điều liên quan tới tiểu sử Nhất Linh.
Học sinh, sinh viên và các tác giả, độc giả miền Nam đều đã được học và đọc khá kỹ về Tự Lực Văn Đoàn cho nên việc Nhất Linh đi Tây hai năm đỗ cử nhân khoa học rồi về dậy trường Trung học tư thục nổi tiếng Thăng Long ở Hà Nội trước khi ra báo Phong Hóa thì ai cũng biết. Nhưng không ai đọc được ở đâu cho thấy Nhất Linh đã đỗ Tú tài. Và nếu không có Tú tài thì làm sao Nhất Linh đi học Đại học Pháp để lấy cử nhân khoa học? Sự yêu quí Nhất Linh khiến người ta bỏ lơ khoảng cách học vấn đó…Nhưng tôi, là một người gọi ông Nhất Linh bằng chú ruột, tôi thắc mắc điều đó từ khi bước chân lên đại học, có thì giờ suy ngẫm về cuộc đời của ông chú của mình. Tôi đem câu hỏi đó bàn luận với Bác sĩ Nguyễn Tường Giang, con trai út của ông Thạch Lam và nhà giáo Nguyễn Tường Thiết, con trai út của ông Nhất Linh, người được ông Nhất Linh trao trọng trách giữ toàn bộ di sản văn hóa của ông; nhưng cả ba chúng tôi đều không tìm ra được giải đáp. Từ đó trong lòng tôi vẫn băn khoăn.
Đột nhiên ngày 19 tháng 4-2021 lúc 8:11 tối (giờ tiểu bang California, USA), nhân đọc bài của một số bác sĩ lớn tuổi thảo luận về hồi ký của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên ở mục tiểu sử thành lập trường Đại học Y khoa Hà Nội, tôi bèn mang câu hỏi “Chưa đỗ Tú Tài làm sao Nhất Linh vào Đại học Pháp để đỗ Cử nhân Khoa học?” lên facebook của nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến.
Anh Đặng Tiến hồi âm “tôi cũng thắc mắc như anh, nhờ Thụy Phương hay ai khác xem lại quy chế thi cử thời ấy, xem sao.”
Trong cuộc thảo luận hào hứng kế tiếp có nhiều ý kiến, mỗi ý kiến đóng góp mong cố tìm ra giải đáp thì lại giúp thêm một câu hỏi khác để cuối cùng đi tới một số giải thích hữu ích có căn cứ như sau:
Một cách chính xác, Nhất Linh đỗ Thành Chung năm 1924, theo bản tin của báo Tin Bắc-KỲ HANOI ngày 27 Mai 1924 (đính kèm)
Tất cả đều xác định bằng Thành Chung còn có các tên gọi khác là bằng Cao Tiểu; và bằng này chính là bằng Trung học Đệ nhất cấp thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, cấp cho các học sinh vừa học hết lớp Đệ Tứ (lớp 9) sau một kỳ thi tốt nghiệp.
Theo nhà giáo Nguyễn Huệ Chi, từ lớp đầu tiên đến lớp cuối cùng của bậc tiểu học thời Pháp thuộc mất 6 năm gồm: – Lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin)– Lớp Dự Bị (Cours Préparatoire)– Lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire)– Lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année)– Lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année)– Lớp Nhất (Cours Supérieur).
Như vậy khởi đầu tuổi đi học hợp lệ là 6 tuổi, thì trẻ nhất để vào Đệ nhất niên (lớp 6 hiện nay) trường Bảo Hộ (sau đổi thành trường Bưởi) học sinh ít nhất phải 12 tuổi. Học 4 năm nữa mới thi Thành Chung thì học sinh phải ít nhất 16 tuổi. Ở đây ông Nhất Linh cho biết ông sinh 1906, trong khi đỗ Thành Chung năm 1924, tức ông đỗ Thành Chung năm 18 tuổi, muộn 2 năm. Trong hai năm đó ông Nhất Linh làm gì? ở đâu? Chưa thấy sách nào nói tới.
Trang 20 sách của Nguien Ngu Í, ông Nhất Linh thuật, “Học xong năm thứ hai ở trường Bưởi, thì không màng đến phân nửa học bổng để tự học…Năm sau đậu bằng Cao Tiểu (học chỉ ba năm), nhưng vì chưa đến tuổi vào trường Cao Đẳng, nên làm thơ kí sở Tài Chánh (Hà nội), viết Nho Phong và gặp cùng kết duyên văn tự với Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ).” Đỗ Thành Chung năm 1924 sau chỉ ba năm, có nghĩa là ông Nhất Linh thi đỗ vào Đệ Nhất Niên và được nửa học bổng ở trường Bưởi vào năm 1921. Điều này phù hợp với ghi chú ở trang 25 cuốn “Chân Dung Nhất Linh” của nhà giáo Nhật Thịnh, “…năm 13 tuổi, thì một cái tang vội đến với gia đình. Cụ Phán (thân phụ của NL) qua đời, làm cảnh sống trong gia đình ông bị khó khăn trong hai năm. Ông phải ngưng việc học và ở lại Cẩm Giàng một thời gian. Sau ba năm bỏ học…” Theo hồi ký của bà Nguyễn Thị Thế (em ruột ông Nhất Linh), thân phụ ông Nhất Linh mất ngày 19/10/1918. Như vậy sau ba năm nghỉ học, ông phải thi vào đệ Nhất niên trường Bưởi vào 1921 (Trong sách của Nhật Thịnh, ghi lầm là NL thi vào trường Bưởi năm 1920).
Sinh ngày 25/7/1906, khi đỗ Thành Chung ngày 27/5/1924, ông Nhất Linh thiếu gần 2 tháng thì đủ 18 nên không đủ tuổi vào học Cao Đẳng, vì vậy ông phải đi làm ở Sở Tài Chánh. Nhưng tới tháng 9/1924, khai giảng trường Cao đẳng Y Khoa Đông Dương ông đã quá 18 nên đủ tuổi vào học trường này. Điều này được chính Nhất Linh thuật cho Nguien Ngu Í. Trang 21 Nguien Ngu Í, ông Nhất Linh thuật, “Lấy vợ, và theo ban Cao Đẳng. Lúc đầu, học Thuốc được một năm (khoa Lí-Hóa-Vạn vật học: P.C.B.), thấy không hợp, nhẩy sang ngành Mĩ Thuật. Tuy đậu đầu kì thi vào ban này, và có khiếu hội họa, nhưng sau một năm lại bỏ, quyết thực hiện mộng “viễn du”.”
Facebooker Phạm Long cung cấp phóng ảnh tài liệu ông Nhất Linh đỗ thủ khoa trong 10 thí sinh trúng tuyển khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (in trên báo ra ngày 13/11/1925):
Phạm Long viết “kỳ thi tuyển sinh đầu tiên của Trường MTĐD (khoảng 300 thí sinh). Khoá đầu tiên đã tuyển được 10 người; đỗ thủ khoa là Nguyễn Tường Tam (tức Nhất Linh sau này); 2 thầy trò Thang Trần Phềnh và Tô Ngọc Vân đều trượt, kỳ thi năm sau thì đỗ !”
Cũng theo Phạm Long, cuộc thi vào Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương diễn ra ngày 5/10/1925 và trường này khai giảng khóa đầu vào tháng 11/1925. Dựa trên các dữ kiện chính xác vừa nêu thì
ông Nhất Linh đi làm sở Tài Chánh sau khi đỗ Thành Chung tháng 5/1924; hết hè tới đầu niên khóa mới tháng 9/1924 thì ông vào học Cao Đẳng Y khoa. Tới tháng 11/1925 ông bỏ Y khoa vào học Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương thực hiện mộng “viễn du” (chữ của ông).
Trang 21 sách của Nguien Ngu Í thuật lời Nhất Linh “đi vào Nam và Miên, gặp Trần Huy Liệu, Vũ đình Di, định giúp những bạn này trong việc “múa bút” ở xứ Đồng -nai. Nhưng vì đám ma cụ Phan-Tây-Hồ, hai ông bạn này đều bị bắt cả, nên lên Cao-miên.”
Như vậy, tuy không biết chính xác ông Nhất Linh bỏ trường Mỹ Thuật ngày nào nhưng chắc chắn phải mấy ngày trước ngày 4 tháng 4 năm 1926 để đủ thời gian đi vào Nam dự đám tang cụ Phan Tây Hồ (4-4-1926).
Trang 21 viết tiếp, “Ở đây, anh vẽ tranh cho các vị quan Miên, lấy tiền về đặng sang Pháp…năm 1927.” Hồi Ký của bà Thế trang 104 ghi, ông Nhất Linh xin phép sở Toàn Quyền Hà Nội cho đi du học tự túc. Tiền du học xin Hội du học do các quan đại thần lập ra để cho con cháu các quan đại thần hay các vị có công với nước. Mẹ ông gửi giấy về tận quê nội ở Hội an, Quảng Nam để sao văn bằng các cụ tổ hồi xưa là bậc khai quốc công thần, đi xứ sang Tầu. Hội ở Huế chỉ giúp cho nửa tiền ăn thôi (80 đồng).” Cụ tổ 5 đời của anh em ông Nhất Linh là Tiến sĩ Nguyễn Tường Vân, một trong các khai quốc công thần của vua Gia Long và được Vua ban cho tên đệm là Tường để thay chữ Văn có trước.
Nhưng câu hỏi “Chưa đỗ Tú Tài làm sao Nhất Linh vào Đại học Pháp…?” vẫn chưa được giải đáp. Bất thình lình anh Đặng Tiến, với hiểu biết của một cựu giảng viên đại học Pháp, đã nhận định, ông Nhất Linh sở dĩ được vào đại học khoa học Pháp là vì ông đã đỗ bằng dự bị Y khoa PCB tại Đại học Y khoa Hà Nội. (Xin cải chính, Hồi ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua cuốn I của BS Nguyễn Tường Bách trang 18 ghi: lúc đó chưa có Đại học Y khoa mà chỉ có trường Y sĩ Đông Dương.) Chúng ta cần biết PCB chỉ là chứng chỉ Dự bị Y khoa chứ không phải là một trong ba chứng chỉ của cử nhân khoa học. Như vậy anh Đặng Tiến chỉ muốn nói chứng chỉ PCB đã giúp ông Nhất Linh vào Đại học Pháp. Muốn có cử nhân khoa học thời đó phải đậu 3 chứng chỉ khác nữa trong đó có 1 chứng chỉ MPC (toán, lý hóa), 1 chứng chỉ Vật lý đại cương, 1 chứng chỉ Hóa đại cương. Điều suy luận của anh Đặng Tiến được chính thức xác nhận bởi mấy sắc lệnh đề cập trong bài “Trường Y Hà Nội: Khởi đầu một nền y học hiện đại của Việt Nam” của Lê Xuân Phán, viết về chứng chỉ PCB như sau: Tại Pháp, đào tạo để cấp chứng chỉ khoa học tại các trường Đại học Khoa học đã được xác nhận trong sắc lệnh ngày 32/7/1893. Để được quyền học lấy chứng chỉ này thí sinh phải đủ 17 tuổi trở lên và phải có bằng trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở) hoặc tương đương.31
Tại Đông Dương, vào lúc chưa có Trường Khoa học, Toàn quyền Sarraut đã quyết định tổ chức giảng dạy chứng chỉ này tại Trường Y. Lớp học đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 01/10/1917. Sau đó có một Sắc lệnh ngày 7/01/1919 chính thức thiết lập tại Đông Dương việc giảng dạy chứng chỉ này. Để được đăng ký vào học, cũng như bên Pháp, các ứng viên phải có bằng cấp trung học đệ nhất cấp hoặc tương đương.
Người Đông Dương sau khi được nhận chứng chỉ này, khi cần có thể đề nghị chuyển đổi sang chứng chỉ tương đương bên Pháp theo quy định”
Rõ ràng là vì ông Nhất Linh đã đỗ PCB tại trường Y Sĩ Đông Dương nên ông đương nhiên đủ điều kiện ghi tên vào học Đại Học Khoa Học Pháp. Mặc dù vậy, đến đây câu hỏi mới được giải quyết một nửa.
Cũng ở trang 21 sách của Nguien Ngu Í, Nhất Linh cho biết “Tường Lân (tức Thạch Lam) cũng xin đi du học nhưng vì trong đơn nói đi học …chữ, nên bị bác còn ông xin đi học…nghề, nghề chụp ảnh, nên được phép “tếch sang nước Mẹ”, năm 1927” do đó tôi nêu câu hỏi, như vậy có bằng chứng gì cho biết Nhất Linh sang Pháp học Đại học chứ không phải học nghề theo đơn xin? Một lần nữa, với hiểu biết của một giảng viên Đại học Pháp, đồng thời cũng là người đọc Nhất Linh rất kỹ, anh Đặng Tiến lại cho biết, trong cuốn Đi Tây Nhất Linh cho biết ông học Đại học. Tôi nói rằng không tìm thấy chi tiết đó trong cuốn Đi Tây thì anh Đặng Tiến hồi âm “ông Nhất Linh đã đóng 50 quan Pháp vào Hội sinh viên Việt Nam tại Paris”; xem lại trong cuốn Đi Tây thì thấy ông Nhất Linh viết điều đó ở trang 67 và 68. Ta cũng thấy ở trang 21 sách Nguien Ngu Í ông Nhất Linh cho biết ông Đậu Cử nhân Khoa học và là “bạn học với Nguyễn Mạnh Tường và Ngô Sách Vinh)”.
Đến đây thì câu hỏi đã được giải đáp hoàn toàn: Mặc dù chưa đỗ Tú Tài nhưng đã đỗ chứng chỉ PCB tại trường Y Sĩ Đông Dương nên ông Nhất Linh đã ghi tên học Đại Học Khoa Học Pháp trong hai năm và đã đỗ bằng Cử Nhân Giáo Khoa Khoa học.
II-Câu hỏi phụ
1-Tại sao ông Nhất Linh không học lấy Tú Tài mà ngừng ở bằng Thành Chung? Cho tới năm ông Nhất Linh đỗ Thành Chung (1924) Việt Nam chưa tổ chức thi Tú Tài. Trong bài Vài nét về Trường Chu Văn An (1908-1956) “Đến niên khoá 1924-1925, Trường được phép mở thêm cấp Trung học đệ nhị cấp, cho học trò đã có bằng Cao đẳng tiểu học, để thi bằng Trung học bản xứ(Brevet de l’enseignement secondaire local), thường gọi là Tú tài bản xứ.” như vậy phải 1927 mới có khóa thi Tú Tài Việt đầu tiên.
Vả lại, vào thời đó bằng Thành Chung là bằng cao nhất, đủ để vào học Cao đẳng; sau 3 năm học (ngoại trừ Y sĩ Đông Dương phải học 4 năm) ra trường sẽ có nghề và địa vị cao nhất trong xã hội (Phi Cao Đẳng Bất Thành Phu Phụ: Nhà giầu chỉ gả con gái cho những chàng trai đã tốt nghiệp Cao Đẳng) cho nên sẽ không cần thi tú tài Tây nếu gia đình không đủ điều kiện du học tự túc.
2-Cơ quan nào quyết định không cho Thạch Lam đi Pháp để học chữ và chấp thuận cho Nguyễn Tường Tam đi Pháp để học nghề ảnh? Mới đọc tới chi tiết này, người ta có thể nghĩ là chính quyền Pháp chỉ cho sinh viên Việt Nam đi du học nghề, nhưng thực sự không phải vậy. Đọc kỹ Hồi Ký của bà Thế thấy ghi việc cho Nhất Linh đi Pháp học nghề mà không cho Thạch Lam đi học chữ là quyết định của cơ quan cấp học bổng, tức Hội các quan trong triều đình Việt nam. Hồi ký bà Thế trang 105 ghi, “Họ rất khôn khéo, mời hẳn mẹ tôi ra (ra Huế) khuyên là em Sáu còn ít tuổi, qua đó sợ không chịu học lại chơi bời làm khổ cha mẹ.” Bởi vì chỉ một mình ông Nhất Linh được cấp học bổng cho nên chỉ một mình ông nạp đơn với Sở Toàn Quyền Hà Nội xin du học tự túc và Sở này không quan tâm tới việc xin đi học chữ hay học nghề.
3- Ông Nhất Linh về Việt nam lúc nào?
Sách Nguien Ngu Í trang 21, Nhất Linh cho biết ông về nước năm 1930. Hồi Ký của bà Thế, trang 105-106 ghi “Chưa đầy ba năm đã xong cái bằng Cử nhân…anh trở về…Mẹ tôi, anh Tam và tôi làm một chuyến về quê thăm nhà (Hội An), vào Huế tạ ơn mấy ông quan lớn trong Hội, rồi vào Saigon thăm anh Hai (Cẩm) và anh Tư (Hoàng Đạo)…Chẳng may đi đêm đường rừng xe đâm vào cây, phải quá giang xe của mấy người Pháp…Thế là anh Tam lại phải ăn một cái Tết tha phương nữa…về tới nhà vừa đúng mùng bốn tết”, (mùng bốn tết chuyển đổi sang Dương Lịch bằng google là mùng 2/2/1930). Như vậy sau hai niên khóa du học Pháp 1927-1929, Nhất Linh đã về nước vào tháng 1/1930.
4-Có sách viết khi du học về Nhất Linh xin ra báo nhưng không được phép (Hồi ký của bà Thế trang 116; Hồi Ký của Nguyễn Tường Bách trang 47). Thực sự không phải vậy. Trang 21 sách của Nguien Ngu Í viết theo lời thuật của Nhất Linh, “Về nước năm 1930, cùng Hoàng Đạo, Thạch Lam xin ra tờ báo trào phúng “Tiếng Cười”, nhưng vì gặp cảnh không tiền nên “tráng sĩ đành nằm co”. Quá hạn, bị rút giấy phép. Dạy trường tư Thăng Long, Gia Long trong hai năm…Quen với Trần Khánh Giư (Khái Hưng)…Đã có vốn ít nhiều, lại có thêm đồng chí, nên dầu làm báo lúc bấy giờ có khổ như cái gì, cũng quyết không lui. Sẵn có tờ “Phong Hóa” ra tới số 13, lối văn cổ không được hoan nghênh, và người bỏ tiền ra muốn giao lại, anh bèn lấy, có Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí phụ lực (1932). Sau đó vài tháng thêm Thế Lữ…Dựng nhà xuất bản “Đời Nay” và văn đoàn “Tự Lực” (1933).”
Như vậy, cho đến đây, với câu hỏi chính đã được giải đáp, chúng ta có thể vạch ra diễn tiến cuộc đời (time life) của ông Nhất Linh từ khi chào đời cho tới khi ra báo Phong Hóa như sau:
–Sinh 25/7/1906/ tháng 5-1924 đậu Thành Chung/vào làm sở Tài Chánh (vì thiếu tuổi vào Cao đẳng)/tháng 9-1924 đủ tuổi vào học trường Y sĩ Đông Dương; đỗ chứng chỉ dự bị Y khoa PCB/tháng 11-1925 bỏ Y khoa, học Cao đẳng Mỹ Thuật/ Trước ngày 4 tháng 4 năm 1926 (đám tang cụ Phan Chu Trinh), bỏ Mỹ Thuật vào Nam, sau đó sang Cao Miên/đầu năm 1927 về nhà xin đi Pháp du học/1929 đỗ Cử nhân khoa học/ Tháng 1/1930 về nước/dậy học trường Thăng Long và Gia Long hai năm/ Ngày 22/9/1932 mua lại báo Phong Hóa từ số 14, mở nhà xuất bản Đời Nay, dựng TLVĐ 1933–
III-Những chuyện bên lề.
1-Ông Nhất Linh có cái đam mê làm báo ghê gớm. Trang 21 sách của Nguien Ngu Í ghi “Tuy học chữ, nhưng vì thích báo, nên chú ý và nghiên cứu nghề báo và xuất bản…dầu làm báo lúc bấy giờ có khổ như cái gì, cũng quyết không lui.” Đồng thời khi có cơ hội ông đã bỏ nghề dậy học tại Trường Thăng Long lương tháng bạc trăm để ra báo Phong Hóa, vừa phải bỏ tiền túi mà lương cũng chỉ lãnh như mọi thành viên khác, có $30 đồng một tháng. Hồi Ký Nguyễn Tường Bách trang 48 “Không có cái lửa về muốn viết, về cải cách xã hội, về giúp ích cho dân chúng, thì không có Phong Hóa, Ngày Nay hay Tự lực văn đoàn.”
2-Gia đình ông Nhất Linh rất nghèo. Nghèo tới độ hai người anh của ông đi học trên Hà Nội không có tiền ăn sáng (Hồi ký bà Thế trang 55). Cũng trang 55 ghi tiếp “Những năm túng thiếu, tết nhiều người đến đòi nợ, mẹ tôi phải ngồi trốn trong buồng”. Sau khi thân phụ qua đời, nhà nghèo nên ông phải nghỉ học 3 năm (sách của Nhật Thịnh) và em gái ông (bà Thế) phải nghỉ học khi mới chỉ học xong lớp nhì (lớp 4 bây giờ) để ở nhà phụ mẹ nuôi mấy anh (Hồi ký bà Thế trang 59).
3-Chính vì nhà quá nghèo cho nên tất cả mấy anh em ông đều phải quyết tâm học nhẩy lớp để mau kiếm tiền giúp mẹ.
31-Hai anh là Tường Thụy và Tường Cẩm học ba năm đỗ bằng Cao Tiểu (Nguiên Ngu Í trang 20) Hồi ký của bà Thế trang 62 viết “Anh Cả, anh Hai đỗ xong Thành Chung nhưng vì kém tuổi nên không được vào Cao đẳng. Sở sĩ kém tuổi là vì ở năm thứ Hai trường Bưởi, bà tôi thấy các anh ấy gầy yếu mới mua cao ban-long cho ăn. Ăn xong bổ quá các anh bị phá lở mụn đầy người. Trường cho nghỉ về nhà chữa, hẹn khi nào khỏi hẳn lên học lại. Bất đồ về chữa đến hai tháng mới khỏi, lên trường họ xóa tên không cho học nữa…Các anh tức lắm về bàn với mẹ tôi gửi mua bên Pháp đủ các thứ sách đem về học gấp. Năm sau đổi tuổi đi thi đậu thành ra đỡ được hai năm, đỡ tốn bao nhiêu công lao và tiền bạc. Anh Cả, anh Hai bắt đầu đi dậy học.”
Sau thời gian dậy học, gia đình tương đối ổn định, Nguyễn Tường Cẩm vào học Cao Đẳng Canh Nông. Rồi sau vài năm nữa, Nguyễn Tường Thụy thi đỗ Tú Tài Tây để vào làm Tham Tá Bưu Điện, ngạch khá cao; để rồi trước 1954 trở thành Phó Tổng Giám Đốc Bưu Điện Việt Nam.
32-Hoàng Đạo chỉ học hai năm đã đỗ Cao Tiểu
Trang 38 Hồi Ký của bà Thế ghi, “Vì anh Tư tôi (Hoàng Đạo) không đủ tuổi đi thi anh mới đổi là Long.” Nếu đúng tuổi đỗ Thành Chung là 16 tuổi thì Hoàng Đạo sinh 1907 phải đỗ Thành Chung vào năm 1923 là sớm. Nhưng ở trang 20 Nguien Ngu Í, Nhất Linh cho biết Hoàng Đạo thi nhẩy 2 lớp. Như vậy Hoàng Đạo đỗ Thành Chung năm 1921; khi đó tuổi thật của Hoàng Đạo mới 14. Vì chưa đủ tuổi vào Cao Đẳng nên Hoàng Đạo phải đi làm tại Kho Bạc (Hồi Ký bà Thế trang 197) trước khi vào học Cao Đẳng Luật ba năm, tốt nghiệp ra không muốn đi làm quan (Tri huyện) nên làm Tham Tá Tòa Án.
33-Thạch Lam bắt chước 3 anh, phá kỷ lục chỉ học một năm đã đỗ Cao Tiểu (Nguiên Ngu Í trang 20)
Trang 39 Hồi Ký của bà Thế ghi, “Riêng em Sáu tôi (Thạch Lam) phải đổi tuổi tới hai lần. Lần thứ nhất đổi là Vinh, cũng vì lý do để đủ tuổi đi thi bằng Thành Chung.” Thạch Lam sinh 1910, nếu bình thường Thạch Lam phải đỗ Thành Chung năm 1926 là sớm nhất. Nhưng ở trang 20 Nguien Ngu Í, Nhất Linh cho biết Thạch Lam thi nhẩy ba lớp, do đó Thạch Lam đỗ Thành Chung vào năm 1923, trước Nhất Linh; và cũng không đủ tuổi vào Cao Đẳng (Hồi Ký bà Thế trang 198)
Không thấy Nhất Linh, bà Thế hay BS Nguyễn Tường Bách đề cập chuyện Thạch Lam có thi vào học trường Bưởi. Vả lại, một khi đã quyết thi nhẩy ngay sau khi đỗ Tiểu học thì cũng chẳng cần vào trường Bưởi làm gì, để thì giờ ở nhà tự học.
Việc một “cậu bé” 12 tuổi, mới học xong bậc tiểu học mà đã quyết định năm sau thi Thành Chung, chương trình phải mất 4 năm, kể ra là một sự lạ khó tin. Không biết sự hiểu biết ra sao ở tuổi 12 đã khiến Thạch Lam tự tin làm một điều có thể nói là “không tưởng” như vậy? Nhưng ông đã thành công một cách ngoạn mục vào năm 1923, khiến năm sau 1924, khi Tú Mỡ quen Nhất Linh ở sở Tài Chánh, nghe chuyện, Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) đã có thơ mừng Thạch Lam như sau:
Gửi lời mừng bác Nguyễn Tường Vinh
Đáng bậc thần đồng bọn học sinh
Năm trước vừa ăn kỳ tốt nghiệp
Năm sau liền đỗ bậc Chung Thành
Văn hay phúc ấm nhờ tiên tổ
Cũng bởi công phu gắng học hành
(Hồi Ký Nguyễn Thị Thế trang 40)
Nhưng sau đó không thấy Thạch Lam học Cao Đẳng mà cũng không đi làm gì cho tới 1932 tham gia viết báo Phong Hóa với Nhất Linh, Hoàng Đạo…
34-Nguyễn Tường Bách là em út, thứ bẩy, sinh 1916 nên đã thi Tú Tài Tây năm 1937 và vào học Đại Học Y Khoa Hà Nội, 7 năm (Không phải Y Sĩ Đông Dương). Ông Bách thông minh, học giỏi nhưng thi Tú Tài 2 muộn hai năm vì thi trượt hai lần: lần đầu bị trượt bằng Sơ Học Yếu Lược (trang 14 Hồi Ký, ông viết, sau hai năm tiểu học, ông đã thi trượt bằng “Sơ học Yếu Lược”; đây là mảnh bằng duy nhất ở Việt Nam thời Pháp thuộc mới có.”May mắn năm sau ông đỗ bằng này); và lần thứ hai, thi trượt Tú Tài 1 (Trang 41 Hồi Ký cuốn một, ông Bách ghi, năm 1931, lúc mới học năm thứ hai ông đã lấy một quyết định mạo hiểm bỏ trường Bưởi để về nhà mua sách tự học kể cả tiếng Anh. Thi tú tài I trượt Vấn đáp (Oral) môn Tiếng Anh, năm đó ông đã viết cho báo Phong Hóa. Năm sau mới đỗ bằng Tú tài Pháp phần I rồi xin vào học trường Pháp Albert Sarraut. Tại trường Albert Sarraut ông đứng nhất lớp và cuối niên khóa 1937 thi đỗ Tú Tài 2 một cách dễ dàng.)
4-Cũng may là thời thực dân Pháp tất cả các cấp học từ mẫu giáo tới đại học đều không phải đóng tiền cho nên giai cấp nghèo như gia đình ông Nhất Linh mới có cơ hội thăng tiến. Chứ như thời trường học tự chủ và trường học xã hội hóa như hiện nay (2021) thì sẽ không có Tự Lực Văn Đoàn.
5-Lần thứ hai Thạch Lam sửa giấy khai sinh để đổi tên là Lân vào năm nào và lý do gì thì không thấy ai trong gia đình đề cập tới. Cũng như ở sách của Nguien Ngu Í, Nhất Linh cho biết trên giấy tờ ông sinh ngày 4/2/1905 (khác năm sinh thật) (tôi có phóng ảnh thẻ căn cước của ông Nhất Linh cấp năm 1950 với ngày sinh này) nhưng không giải thích tại sao và từ bao giờ ông đã sửa ngày sinh của ông.
6-Cái triện của ông Lý trưởng Ấp Phiên Đình đã giúp anh em ông Nhất Linh sửa tuổi đi thi.
Hồi ký của bà Thế trang 72 ghi “Thỉnh thoảng chúng tôi lại sang chơi bên ấp Phiên Đình là ấp có ông Lý Trưởng đã đưa cả triện lý trưởng cho mẹ tôi muốn đóng vào đâu thì đóng. Chắc hẳn ông không thể ngờ được cái triện đó đã giúp cho mấy nhà văn nổi tiếng trong văn học sau này.”
7-Đến đây ta thấy mặc dù Nhất Linh là con thứ ba nhưng ngay lúc mới 12 tuổi, sau khi thân phụ mất (1918) ông đã là người con duy nhất gánh trách nhiệm đỡ đần gia đình bằng cách nghỉ học ba năm. Rồi năm 1922 khi mới 16 tuổi (sinh 1906) ông đã chủ động sửa khai sinh cho ba người em là Thạch Lam, bà Thế và người em trai út tên Bẩy thành Nguyễn Tường Bách để tất cả bẩy anh chị em có tên theo câu “sấm”: Thụy, Cẩm, Tam, Long, Vinh, Bách, Thế (Ba con rồng bằng gấm vinh hiển muôn đời). Đây có lẽ là biểu hiện của khả năng tổ chức và lãnh đạo mà sau này đã giúp ông thành công trong những đề án quan trọng. Trong Hồi ký cuốn I của mình, ông Nguyễn Tường Bách cũng xác nhận khả năng tổ chức của ông Nhất Linh…..
8- Thời đó nếu đã đỗ Thành Chung muốn vào Cao Đẳng bắt buộc phải đủ 18 tuổi không thiếu một ngày; nhưng xin đi làm công chức hay dậy tiểu học thì trẻ tuổi bao nhiêu cũng được. (Nhất Linh thiếu 2 tháng đầy 18 tuổi nên không được vào Cao Đẳng, nhưng lại được nhận vào làm sở Tài Chính.) Tất cả các an hem ông Nhất Linh, trừ em út Nguyễn Tường Bách, khi đỗ Thành Chung đều chưa đủ tuổi vào Cao Đẳng.
9-Nhà cực nghèo mà sao anh em ông Nhất Linh đều biết chơi hơn một loại nhạc cụ?
Ngoài năng khiếu thơ, văn, họa anh em ông Nhất Linh cũng có khiếu về âm nhạc và thể thao. Một điều tôi rất ngạc nhiên là tại sao nhà quá nghèo, dĩ nhiên không có tiền cho đi học nhạc, tại sao anh em ông lại giỏi nhạc tới độ ngang với các nhạc sĩ trình diễn. Một lần tôi hỏi ông Bách được ông cho biết mấy anh em ông tự học. Hồi ký cuốn I của ông Bách trang 85 ghi, “Cùng với văn chương, hội họa, nền âm nhạc mới cũng bắt đầu nẩy nở. Chúng tôi đều ưa thích nhạc tây phương…Chúng tôi đều là nhạc sĩ “tài tử” cả. Mỗi người đều chơi theo lối mình thích…Âm nhạc tây phương lúc đó rất thịnh hành với Mozart, Schubert,Schumann, Toselli hay điệu valse của Strauss. Tay nghề nhất lại là Nhất Linh, với hắc quản (Clarinette), không biết học thổi từ bao giờ. Nhưng xem ra cũng khá thành thạo. Ngay đến 15 năm sau, khi phải lánh sang Quảng Châu, anh bắc ghế trước cửa nhà, chiều tới hấp dẫn không ít người đến ngồi nghe…Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo cũng đều chơi mandoline hay banjo. Cao hứng lên chúng tôi vác đàn hòa với nhau.” Trang 31, viết về Thạch Lam ông Bách ghi, “… về âm nhạc, thể dục anh rất có khiếu, đánh quần vợt giỏi, bóng bàn cũng giỏi, và chơi cờ tướng cũng cao. Người thông minh, học giỏi…”
Ngoài ra ai cũng biết ông Thế Lữ là người đầu tiên lập ban kịch nói nổi tiếng. Cần nói thêm chính BS Bách cũng là một tay chơi đàn có hạng và toàn thể gia đình ông Bách cũng tập hợp thành ban nhạc để chơi trong xóm thời lưu vong bên Tầu. Hồi ký “Nguyễn Tường Bách và Tôi” của Hứa Bảo Liên, vợ ông, trang 189 viết, đại khái, anh Bách thích âm nhạc, thường nghe âm nhạc tây phương…Anh thường chơi đàn violon réo rắt…Nhưng lúc anh chơi đàn mandolin với những bài cổ điển du dương thì tôi lại mải nghe mà quên cả những việc đang làm. Khiếu thích nghe âm nhạc của anh đã trực tiếp ảnh hưởng đến các con…Các con quyết tâm tự học, tìm thầy giúp thêm…Sau này anh Bách không phải chơi đàn một mình nữa, đã có các con họa theo…Mỗi cuối tuần thường có nhiều bạn tới chơi. Có khi trong phòng khách bé nhỏ, mà đầy đủ mọi thứ đàn. Trong đó không ít là những tay chơi đàn cự phách và ca sĩ có tiếng của thành phố…Chúng tôi thường chơi những bài cổ điển thế giới như của Schumann, Toselli…hay mấy bản nhạc Việt như “Biệt Ly”, “Con Thuyền Không Bến”, “Làng Tôi”…hầu như thành một dàn nhạc hiếm có ở thành phố…Sau giờ làm việc, hay những ngày cuối tuần…nhiều khách qua đường dừng lại lắng nghe.
10-Và cuối cùng, cũng may mắn thời nay có internet, facebook, google…nên công việc thảo luận, tìm kiếm, trao đổi, phối hợp giữa những cá nhân không cần quen biết nhau và ở khác lục địa vẫn có thể hoàn tất một cách mau chóng một việc nghiên cứu mà trước đó cả mấy chục năm không giải quyết được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét