khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Loại trừ chủ nghĩa Cộng Sản ra khỏi cơ thể của cộng đồng quốc gia - Tác giả Ngô Đình Nhu

 

Loại trừ chủ nghĩa Cộng Sản ra khỏi cơ thể của cộng đồng quốc gia, có nghĩa là loại trừ tư tưởng Cộng Sản, phương pháp Cộng Sản, và hình thức Cộng Sản ra ngoài mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống quốc gia. Đối với tư tưởng Cộng Sản, sự ngộ nhận khó có dịp xảy ra, bởi vì, chẳng những tư tưởng đó có đặc tính rất riêng biệt, mà lại ngôn ngữ dùng để diễn tả các tư tưởng cũng rất đặc biệt, cũng như lối biện luận rất đặc biệt của biện chứng pháp duy vật. Nhưng sự ngộ nhận thường xảy ra đối vớ các phương pháp Cộng Sản và hình thức Cộng Sản, vì những nguyên nhân sau đây.
Lý do sâu xa đã làm cho nước Nga thâu nhận thuyết Cộng Sản làm lợi khí tranh đấu như chúng ta đã biết, là ý chí thực hiện công cuộc phát triển dân tộc Nga bằng cách Tây phương hóa. Vì vậy cho nên tất cả kỹ thuật của Tây phương đều được Nga thâu nhận làm của mình. Khoa học của Tây phương là khoa học của Nga, phương pháp khoa học của Tây phương, trong mọi lĩnh vực là phương pháp khoa học của Nga, trong mọi lĩnh vực. Nhiều lần, vì tự ty mặc cảm đối với sự lệ thuộc kỹ thuật đó, Nga Sô, muốn biểu lộ sự độc lập của duy vật biện chứng pháp đối với lối suy luận “tư bản” của Tây phương, đã đưa ra những thuyết khoa học ly kỳ như thuyết Lissenko trong ngành sinh học. Mặc dù đã cẩn thận, thay vì một ngành như toán học trong đó sự sưu tầm đã bao quát, lựa chọn một ngành như sinh học trong đó sự khảo cứu còn thiếu sót, sự không thành thật của Lissenko lâu ngày cũng bộc lộ. Và sau khi mục đích phát triển kỹ thuật đã đạt, sau khi Nga Sô đã chứng minh khả năng thật sự của mình về khoa học, tự ty mặc cảm không còn nữa, thì chính các nhà bác học Nga Sô đã bác bỏ thuyết Liseenko. Khi còn ở trong một giai đoạn ấu trĩ của công cuộc Tây phương hóa, người Nhật cũng lầm những lỗi tương tự như Nga. Các sự kiện trên lại chứng minh tính cách quốc tế và nhân loại của khoa học.
Nhưng cũng vì các sự kiện đó mà có sự lầm lẫn giữa phương pháp Cộng Sản và phương pháp Tây phương, hình thức tổ chức Cộng Sản và hình thức tổ chức Tây phương. Ở Việt Nam, sự lầm lẫn còn trầm trọng hơn nữa, vì một lý do lịch sử.
Sau tám mươi năm bị loại ra khỏi các trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều người Việt Nam đã làm quen trở lại với các vấn đề lãnh đạo, nhưng dưới sự chi phối của Đảng Cộng Sản. Vì vậy cho nên, tất cả các kỹ thuật trong mọi lĩnh vực, mà Cộng Sản học được của Tây phương và mang ra thực hành ở Việt Nam, đều bị ngộ nhận là sáng kiến độc quyền của Cộng Sản. Ví dụ, ngày nay, nhiều người vẫn xem lối làm việc tập thể hay công cuộc tổ chức quần chúng là những sáng kiến của Cộng Sản, và không biết rằng, thật ra, chính lối làm việc tập thể và sự tổ chức tinh vi trong mọi lĩnh vực của đời sống là nguồn gốc sinh lực của Tây phương.
BỘ MÁY LÃNH ĐẠO
Bộ máy lãnh đạo của Cộng Sản tổ chức theo lối độc tài Đảng trị cũng là một bộ máy lãnh đạo do Tây phương tạo ra đồng thời với thuyết Cộng Sản. Chỉ có khác ở chỗ Tây phương đã loại bỏ thuyết Cộng Sản đồng thời với phương pháp lãnh đạo Cộng Sản.
Đối với các quốc gia Cộng Sản, thâu nhận phương pháp lãnh đạo Cộng Sản, là thực hiện một bộ phận, bộ phận của lĩnh vực lãnh đạo trong công cuộc Tây phương hóa toàn diện, theo đường lối Cộng Sản.
Nếu chúng ta loại trừ lý thuyết Cộng Sản ra ngoài mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống quốc gia, đương nhiên chúng ta cũng loại trừ phương pháp lãnh đạo Cộng Sản.
Nhưng công cuộc Tây phương hóa bộ máy lãnh đạo của chúng ta vẫn là một phần thiết yếu trong công cuộc Tây phương hóa toàn diện mà chúng ta chủ trương.
Như thế, bộ máy lãnh đạo của quốc gia sẽ được chúng ta quan niệm như thế nào? Có phải chúng ta chỉ cần thâu nhận bộ máy lãnh đạo của một quốc gia Tây phương là đủ không?
Và, trong trường hợp đó, vì lâu nay chúng ta rất quen thuộc với các kỹ thuật của người Pháp, thì sự tiện lợi cho chúng ta trong lĩnh vực lãnh đạo không phải là thâu nhận bộ máy lãnh đạo của người Pháp sao? Nếu,vì một lý do nào, chúng ta không thể tổ chức bộ máy lãnh đạo của chúng ta theo kiểu bộ máy lãnh đạo của người Pháp, thì chúng ta có thể tổ chức bộ máy lãnh đạo của chúng ta theo kiểu quân chủ lập hiến của người Anh hoặc theo kiểu Tổng thống chế của người Mỹ không?
Thật ra vấn đề đặt ra cho chúng ta trong lĩnh vực lãnh đạo không phải như vậy, và trong thực tế rất phức tạp hơn nhiều.
Chúng ta còn nhớ, công cuộc Tây phương hóa, không đường hướng và không mục đích, dưới thời Pháp thuộc đã lưu lại cho dân tộc nhiều hậu quả tai hại. Trong công cuộc Tây phương hóa đó, không toàn diện và không đến mức độ đủ cao, chỉ có hình thức bề ngoài được chú trọng và các tinh túy đựng trong hình thức hoàn toàn không được biết đến.
Trái lại, trong công cuộc Tây phương hóa có đường hướng, có mục đích mà chúng ta chủ trương, tuy tính cách đáng chú ý của hình thức không bị phủ nhận, nhưng chỉ có cái tinh túy đựng bên trong hình thức mới là quan trọng.
Trong phạm vi của sự Tây phương hóa bộ máy lãnh đạo của quốc gia, chúng ta sẽ tìm nhận thức các nguyên tắc ngự trị quan niệm lãnh đạo của Tây phương. Sau đó chúng ta sẽ cụ thể hóa những nguyên tắc bằng một hình thức của bộ máy lãnh đạo. Nhưng hình thức này, chẳng những phải thỏa mãn các nguyên tắc căn bản nói trên, mà còn phải được kiến trúc bằng vật liệu địa phương và phải được thích nghi với hoàn cảnh địa phương.
Dưới đây, chúng ta sẽ không đi sâu vào chi tiết của một bản hiến pháp, thẩm quyền của các nhà soạn thảo hiến pháp.
Tuy nhiên chúng ta sẽ nhận thức các nguyên tắc mà một bộ máy lãnh đạo, vừa được Tây phương hóa, vừa được thích nghi hóa với hoàn cảnh địa phương của chúng ta, cần phải tôn trọng.
Trong nhiều đoạn, ở rải rác trong các trang trên, mặc dầu không liên quan trực tiếp đến vấn đề bộ máy lãnh đạo, nhưng vì sự sáng tỏ của vấn đề trình bày, chúng ta cũng đã đề cập đến những nguyên tắc mà một bộ máy lãnh đạo, theo quan niệm của Tây phương, cần phải tôn trọng. Thừa hưởng văn minh cổ Hy Lạp và La Mã, sau hơn một ngàn năm kinh nghiệm với các vấn đề lãnh đạo, đức tính chính xác về lý trí và minh bạch và ngăn nắp trong tổ chức của Tây phương, đã góp vào di sản văn minh nhân loại một hình thức của bộ máy lãnh đạo, hình thức dân chủ Pháp trị, có nhiều khả năng duy trì và phát triển trạng thái thăng bằng động tiến của cộng đồng.
Hình thức của bộ máy lãnh đạo, hiện nay của Tây phương, phải thỏa mãn những điều kiện nhắc lại dưới đây:
1. Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự liên tục lãnh đạo quốc gia.
2. Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự chuyển quyền một cách hòa bình từ lớp người lãnh đạo trước cho lớp người lãnh đạo sau.
3. Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự thay đổi người lãnh đạo.
4. Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự áp dụng nguyên tắc thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của tập thể.
5. Ngoài bốn điều kiện trên, bảo đảm tinh thần trường cửu của bộ máy lãnh đạo, ba điều kiện dưới đây bảo đảm sự điều hành thiết thực và ngắn hạn của bộ máy lãnh đạo.
6. Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm một sự lãnh đạo quốc gia mở rộng, mục đích đào tạo nhiều người lãnh đạo.
7. Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm sự kiểm soát người cầm quyền.
8. Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm sự hữu hiệu của chính quyền.
ÁP DỤNG VÀO VIỆT NAM
Chúng ta đã biết rằng nguồn gốc chính của sức mạnh của các cường quốc, như Anh hay Mỹ, là sự thành công của họ trong việc thực hiện sự liên tục lãnh đạo quốc gia trong nhiều thế kỷ. Tất cả các kinh nghiệm lãnh đạo, trong nhiều thế hệ, còn giữ nguyên vẹn, kỹ thuật lãnh đạo nhờ đó mà càng ngày càng tinh vi. Các bí mật quốc gia được truyền lại toàn vẹn, tất cả các kho tàng của dĩ vãng được xếp vào văn khố và có người biết sử dụng văn khố. Ngày nay một nhà lãnh đạo Anh đứng lên, đương nhiên sau lưng có một hậu thuẫn 400 năm dĩ vãng, một di sản vô cùng quý báu tạo ra cho họ một sức mạnh phi thường. Bởi vì, với hậu thuẫn hiếm có đó, một nhà lãnh đạo Anh có thể ứng phó và giải quyết những vấn đề vượt hẳn khả năng của những người, dầu tài ba đến đâu nhưng lại thiếu hậu thuẫn của dĩ vãng.
Muốn thực hiện được sự liên tục lãnh đạo quốc gia nói trên, một bộ máy lãnh đạo phải thỏa mãn ba điều kiện.
Trước hết phải chấp nhận nguyên tắc thay đổi người lãnh đạo lúc cần, và cả lúc bình thường miễn là những thay đổi không quá nhặt trong thời gian để cho sự thay đổi không có thể biến thành hỗn loạn. Điều thứ hai, bộ máy lãnh đạo phải được quan niệm như thế nào để cho sự chuyển quyền lúc nào cũng thực hiện được một cách bình thường trong êm ái và hòa bình, giữa người lãnh đạo mãn nhiệm và người lãnh đạo mới thọ nhiệm. Điều thứ ba, là bộ máy lãnh đạo phải có một hình thức tổ chức vừa tượng trưng cho sự liên tục lãnh đạo quốc gia, vừa thể hiện cho sự liên tục đó trong thực tế.
Để thỏa mãn điều kiện thứ ba, các chính thể trên thế giới áp dụng nhiều hình thức khác nhau nhưng chung qui thuộc về bốn loại. Ở Pháp, quốc trưởng là Tổng Thống tượng trưng cho sự liên tục lãnh đạo quốc gia; Ở Mỹ, tổ chức Tối cao Pháp đình; Ở Nga, Đảng Cộng Sản; Ở các nước quân chủ, có Vua và Hoàng Gia.
Chức vụ Tổng Thống ở Pháp không hoàn toàn thỏa mãn được sự tượng trưng cho sự liên tức lãnh đạo quốc gia, bởi vì óc sợ độc tài của người Pháp giới hạn nhiệm kỳ Tổng Thống là 5 năm hay 7 năm. Chẳng những thế, sự tranh chấp giữa các Đảng chính trị, mọc ra như nấm, thường tạo ra cho các cuộc bầu cử Tổng Thống một không khí trả giá, làm giảm uy nghiêm của người Quốc Trưởng.
Các giới lãnh đạo trong các lĩnh vực của đời sống quốc gia phải có một tinh thần trách nhiệm và tự giác rất cao và một kinh nghiệm lãnh đạo trưởng thành mới đưa một tổ chức như Tối Cao Pháp đình ở Mỹ lên bằng một tượng trưng sự liên tục lãnh đạo quốc gia.
Trong các hình thức nêu ra trên đây, hình thức Đảng Cộng Sản ở Nga là một hình thức kém hơn cả, bởi vì, trong thực tế, Đảng Cộng Sản hoàn toàn thất bại trong việc thực hiện sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Chế độ Cộng Sản không chấp nhận sự thay đổi lãnh đạo và khi lãnh đạo từ trần hay cần phải thay đổi sự tranh cướp chính quyền thường thường diễn ra một cách đẫm máu. Đây là một trong các nhược điểm của chế độ Cộng Sản.
Cho đến ngày nay, hình thức thỏa mãn nhất điều kiện bảo đảm sự liên tục lãnh đạo quốc gia là hình thức Hoàng gia của các chế độ có vua như ở Anh và ở Nhật. Vì thế cho nên, sau khi chiến bại, mặc dù áp lực mạnh bạo và hành vi người chiến thắng của quân đội Mỹ đối với Thiên Hoàng, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, một lần nữa đã tỏ ra vô cùng sáng suốt, khi mang hết nỗ lực để bảo vệ Hoàng Gia Nhật. Hoàng Gia là biểu hiện cho sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Nhà Vua thể hiện sự liên tục lãnh đạo quốc gia và đóng vai trò người thác thụ các bí mật quốc gia.
Nhân vấn đề này, một lần nữa, chúng ta lại nhận thức rằng sự lỡ cơ hội phát triển của chúng ta, thế kỷ vừa qua, đối với dân tộc chúng ta, là một tai hại vô cùng to tát. Nếu nhà Nguyễn đã thực hiện được công cuộc duy tân, như Vua Duy Tân đã có ý định thì ngày nay, có lẽ, ngoài sự phát triển dân tộc đã thực hiện được, chúng ta đã thừa hưởng một chính thể có những nền tảng vững chắc vào bậc nhất trong thế giới.
Trong bốn hình thức trên đây, không có hình thức nào áp đụng cho chúng ta được, vì những lý do mà mọi người đều đoán biết. Hình thức Đảng Cộng Sản không thể chấp nhận được vì chúng ta đã đặt vấn đề tiên quyết loại trừ chủ nghĩa Cộng Sản, và vì hình thức đó không có khả năng thỏa mãn điều kiện bảo đảm sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Hình thức chức vụ Tổng Thống ở Pháp cũng không hoàn toàn bảo đảm sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Nhà Nguyễn đã bỏ lỡ cơ hội áp dụng hình thức Hoàng Gia. Hình thức tối cao Pháp đình ở Mỹ không thể áp dụng được vì kinh nghiệm lãnh đạo của chúng ta còn ấu trĩ, trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc gia. Chúng ta phải tìm một hình thức tương tự như hình thức thứ tư trên đây, nhưng để được thích nghi hóa với hoàn cảnh địa phương của chúng ta, không đòi hỏi một kinh nghiệm lãnh đạo mà chúng ta còn thiếu, và một tinh thần trách nhiệm cao độ chỉ tìm được ở một số ít người.
Chúng ta có thể đặt ra một Thượng hội đồng quốc gia, gồm những người có công trạng với tổ quốc và thấu triệt các vấn đề lãnh đạo quốc gia, mà số lượng sẽ phù hợp với hoàn cảnh. Số người này sẽ được thay đổi một bách phân, trong một định kỳ, theo những thể thức thích nghi với điều kiện nội bộ của chính trường Việt Nam. Và trong một chu kỳ nhất định, Thượng hội đồng sẽ bầu một Quốc Trưởng, trong hay ở ngoài, hàng ngũ của mình.
Thượng hội đồng sẽ tượng trưng cho sự lãnh đạo liên tục quốc gia, riêng biệt với nhiệm vụ Quốc Trưởng. Quốc Trưởng thể hiện cho sự liên tục đó trong thực tế và đồng thời là người thụ thác các bí mật quốc gia.
Điều kiện thay đổi người lãnh đạo có thể thực hiện được bằng cách giao quyền hành pháp cho một người Thủ Tướng, chọn trong những người lãnh đạo của hai đảng chính trị sẽ nói đến dưới đây. Thủ Tướng sẽ do Quốc Trưởng bổ nhiệm với sự đồng ý của tổ chức tượng trưng cho sự lãnh đạo liên tục của quốc gia. Để tránh các sự lạm dụng có thể xảy ra, các nhà soạn hiến pháp có thể đặt ra những cơ thức kiểm soát giản dị và hữu hiệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét