Nếu nói về ‘chuyện lạ’ trong đời sống hàng ngày thì xứ Mỹ có lẽ là nơi phong phú nhất trên thế giới. Chẳng hạn như dù giàu có cỡ nào khi đi mua hàng người Mỹ vẫn sẵn lòng đứng chờ để lấy lại tiền thối, dù chỉ 1 cent. Vâng, 1 cent mà thôi, ngay cả không biết dùng 1 cent ấy vào việc gì. Lập luận chung của người Mỹ là: dù 1 cent cũng lấy vì hàng trăm lần như vậy sẽ tích cóp một số tiền… 1 cent chờ lấy cho bằng được nhưng khi trợ giúp thiện nguyện thì người Mỹ sẵn sàng ký một tờ check lên đến cả ngàn đô la.
Đó không phải là thái cực, đó là triết lý sống của người Mỹ.
Hoặc câu chuyện Bill Gates xếp hàng chiếc Hamburger tại cửa hàng Dick’s Drive-In ở TP Seattle, nơi tôi ở, đối với người Việt chúng ta là một chuyện quá lạ lùng. Có người còn cho rằng ông tỷ phú này chơi nổi. Bill Gates không hề muốn chơi nổi vì ông ta vốn đã nổi tiếng lắm rồi. Việc ông ấy xếp hàng như tất cả mọi người là điều bình thường vì ở Mỹ không có chuyện ưu tiên cho đại gia hay quan quyền, người ta chỉ ưu tiên cho người tàn tật. Bill Gates là người khỏe mạnh thì ông ấy phải xếp hàng thôi. Một câu hỏi nữa lại đặt ra: tại sao ông tỷ phú ấy không chọn một nhà hàng sang trọng mà lại chọn món hamburger bình dân như vậy?
Trả lời: ông Gates không phải là robot được lập trình và ông ấy cũng thèm hamburger như chúng ta thèm nước mắm vậy!
Không lẽ khi giàu lên như Bill Gates thì dân Việt không được ăn nước mắm nữa hay sao? Có thể có những đại gia Việt khi ‘lên đời’ thì từ chối món nước mắm vì cho rằng nó không sạch sẽ và có thể vấy bẩn hình ảnh của họ, nhưng với người Mỹ? Có lẽ chính cách cư xử, thích ứng, ứng phó của người Mỹ trong mọi hoàn cảnh khác với người Việt, mà nhờ vậy đất nước này đã giàu có và vững mạnh đến thế chăng?
Nói về ứng phó, mới đây tôi được chứng kiến một việc khá kỳ lạ, về nhà cứ suy nghĩ hoài tại sao người Mỹ lại vượt lên được cái tâm lý bình thường của con người để có cách ứng phó trong kinh doanh vừa hiệu quả lại vừa thu hút khách hàng một cách rõ ràng như thế.
Số là, như mọi buổi sáng tôi có thói quen trước 11 giờ là phải ghé McDonald’s để mua một ly cà phê và một cái bánh muffin. Hai món này có giá 5 đồng 9 cent. Khi tôi đưa thẻ để tính tiền thì cô bán hàng cho biết máy credit card bị hư nên món ăn được miễn phí. Tôi bảo, vậy thì tôi trả tiền mặt, cô thu ngân cười và trả lời nếu thế là không công bằng cho ông vì những người khách khác đều được miễn phí cả rồi!
Tôi ngẩn ngơ không biết mình có nghe nhầm hay không, nhưng rõ ràng là không có bất cứ khách hàng nào phải trả tiền trong buối sáng hôm ấy.
Câu chuyện khiến tôi nghĩ tới những nhà hàng Việt Nam ở xứ người. Chắc chắn nếu có xảy ra vụ máy hư như vậy thì người chủ Việt Nam sẽ vẫn bán hàng và chọn giải pháp chỉ thu tiền mặt, từ chối bán cho người sử dụng thẻ. Điều này không hề phạm pháp nhưng so với cái cách ứng phó của người Mỹ ở tiệm McDonald’s, chúng ta sẽ giật mình. Nếu tính toán, chỉ thu tiền mặt, cả buổi sáng hôm ấy McDonald’s có thể sẽ được 3.000 USD cho hơn 300 khách hàng, nhưng với sự hoan nghênh của hơn 300 con người được đối xử rất đẹp hôm ấy chắc chắn đó sẽ là một sự quảng cáo giá trị nhất mà không một hãng quảng cáo tên tuổi nào thực hiện được.
Còn chúng ta, bất chấp sự bực mình của những khách hàng khi họ không có tiền mặt để trả cho một bữa ăn, thậm chí chúng ta còn tự cho mình đã may mắn hôm đó vì nhờ sự cố mà tránh được một mớ thuế. Chiếc máy tính credit card có thể sẽ có cớ để ‘nằm yên’ ít nhất là 1 tuần lễ nữa, hòng lấy thêm mớ tiền mặt và tiếp tục tránh thêm mớ thuế…
Đồng tiền nào cũng có hai mặt, những mánh khóe nhỏ không thể giúp cho một business giàu lên, nó chỉ giúp người bản xứ nhìn thấy cái láu cá khôn vặt của chúng ta trên xứ sở của họ mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét