Người phục vụ da trắng
Nếu Campuchia có Brett Sciaroni thì Việt Nam có Andre Sauvageot. Cả hai ông đều là dân Mỹ, có gốc tình báo, nhưng Brett không biết tiếng Campuchia, còn Andre nói nói tiếng Việt giọng Bắc cực chuẩn; và trong khi Brett được Phnom Penh cho một chức tương đương bộ trưởng thì Andre chẳng có chức vụ gì, ngoài chuyện làm cây kiểng cho Hà Nội.
Báo chí lề phải của Việt Nam có những bài tung hô Andre lên tận mây xanh. Trong chiến tranh, phục vụ trong binh chủng Biệt động quân, phiên dịch cho Ủy ban Liên hợp Quân sự 4 bên; sau chiến tranh, sống nhiều thời gian tại Việt Nam, có nhiều đóng góp cho việc bình thường hoá hoàn toàn quan hệ Việt-Mỹ.
Andre lấy vợ Việt Nam, xem Việt Nam là quê hương thứ hai, xa lâu ngày thì rất nhớ… Andre gặp người Việt Nam nào cũng gọi họ là “đồng chí” và thường đội chiếc mũ có hình sao vàng 5 cánh in chữ Việt Nam và thường mặc chiếc áo cờ đỏ búa liềm…
Andre công khai nói Hà Nội có chính nghĩa, còn Mỹ là kẻ xâm lược, lính Mỹ bị chính phủ Mỹ lừa dối đưa sang Việt Nam. Andre thích nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, có cảm tình đặc biệt với những phát thanh viên có giọng Bắc rất hay như Kim Cúc, Việt Khoa, Kiên Cường… đã từng được tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Vũ Khoan tiếp…
Andre có thể kể vanh vách những khẩu hiệu như “ta nhất định thắng, địch nhất định thua” hoặc ngâm những câu thơ như “Xuân này khác hẳn mấy Xuân qua”; có hôm, do công việc, tôi gặp Andre trong một hội thảo thương mại đầu tư ở Washington. Ông ta mặc com-lê, ve áo có huy hiệu cờ đỏ sao vàng bằng kim khí và đầu thì đội mũ bóng chày đỏ. Trong giờ giải lao, tôi thoáng thấy ông ta trong Rest Room nhưng tìm cách làm lơ coi như không biết, sợ ông ta vỗ vai gọi mình là “đồng chí” hoặc hát cho mình nghe “như có bác Hồ trong ngày vui đại náo…” thì lại rách việc.
Muốn biết thêm về ông này thì cứ hỏi bác Gúc, còn tôi khỉ nêu tên ông ra chỉ muốn nhận xét rằng trong khi Thủ tướng Hun Sen của Campuchia không ngại dùng người Mỹ, kết quả mang lại nhiều lợi ích cho xứ Chùa Tháp; thì đảng Cộng sản Việt Nam tới giờ này vẫn còn ớn, chỉ sử dụng những người như Andre vào mục tiêu tuyên truyền, đánh bóng cho chế độ. Thà không dùng còn hơn là dùng rồi sau này hối không kịp, theo đúng kinh nhật tụng “Theo Mỹ thì mất Đảng”.
Người phục vụ da vàng
Trước năm 75, các gia đình nào ở miền Nam có điều kiện đều cho con mình du học sau khi đậu Tú tài, lý do quan trọng nhất, là để con mình khỏi phải đi lính. Éo le ở chỗ, sau khi ra nước ngoài, trong khi một số vẫn nối gót cha anh trên bước đường chống Cộng, như Trần Văn Bá, con trai của chính khách Trân Văn Văn; thì một số lại đi theo Mặt trận.
Sau 75, các sinh viên miền Nam phản chiến được du học khỏi phải cầm súng có nhiều người mon men về lại Việt Nam với mong muốn tiếp tục phục vụ để kiếm chút danh gì với núi sông, tất cả đều ngỡ ngàng vì họ chẳng được đảng ta tin dùng.
Có người từng làm thông dịch cho phái đoàn Cộng sản ở Hòa đàm Paris, có người tùng làm chuyên viên kinh tế tài chính cho Liên Hiệp Quốc… nhưng chẳng ai được nhà nước giao một chức vụ gì chính thức hoặc một vị trí nào có thể đưa ra quyết định mang tính chiến lược.
Kết quả là có người thuộc thành phần này lại cắn răng âm thầm vượt biên, có người quay sang chửi Cộng sản, có người trả lời trên báo chí lề phải kể lại những gì mình đã làm, trong đó có những chuyện như đã từng hiến kế cho Võ Văn Kiệt; nhưng đọc xong bài phỏng vấn, tôi có cảm tưởng như đó là một lời trách móc, tớ đã có công như vậy như vậy mà các cậu chẳng cho tớ một chức gì coi được.
Nửa mếu nửa cười là Tiến sĩ vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận. Người cựu học sinh JJR này là một trong những ví dụ điển hình để đảng ta rêu rao Nghị quyết 36 đã thành công. Đấy, thấy chưa, đảng ta đã thu hút được cả khoa học gia thứ xịn và nhà khoa học này đã khắc phục mặc cảm là con trai rượu của một thẩm phán tối cao có uy tín của Ngụy.
Thời gian đầu ông Thuận còn đó đây để rao giảng về kiến thức của mình, nhưng dân dần ông cũng hiểu cái ngành vật lý thiên văn của ông quá xa lạ với Việt Nam, người ta muốn xài ông cũng không biết cho ông chức gì. Và ông cũng hiểu chế độ này chỉ dùng con cháu các cụ và các sân sau; và mặc dù có đầy bằng cấp, một người với lý lịch con Ngụy, lại còn anh em con chú con bác với Trịnh Xuân Thanh thì ông khó lòng trụ được lâu.
Bất chấp những tấm gương sờ sờ trước mắt, nhiều Việt kiều vẫn tiếp tục đi tìm chút danh giống như những con thiêu thân lao vào ánh đèn, không hiểu vì yêu quê hương thực sự hay vì quyền lực có sức hút quá mạnh? Ví dụ gần đây nhất là Luật sư Hoàng Duy Hùng.
Khép lại câu chuyện
Câu chuyện này bắt đầu bằng Andre Sauvageot và chấm dứt bằng Hoàng Duy Hùng. Hai ông yêu chế độ Cộng sản Việt Nam thực sự hay chỉ là diễn tuồng thì chỉ có hai ông mới biết được.
Tôi chỉ nghĩ đến những bà vợ mà tôi gọi là những phụ nữ bị văng miểng. Andre và bà vợ Quỳnh Hương từng sống ở Annandale và Reston, hai thành phố dễ thương của miền Bắc tiểu bang Virginia, khu vực ngoại ô của thủ đô. Hùng và bà vợ mà tôi quên tên từng sống ở khu Bellaire có nhiều người Việt ở thành phố Houston của Texas,
Tiếng Mỹ có “collateral damage” để chỉ những thường dân bị lãnh đạn oan uổng chỉ vì phải sống trong vùng có chiến tranh, hoặc “second-hand smoking” để chỉ những người bị bệnh phổi chỉ vì phải sống chung với người hút thuốc lá.
Cả hai gia đình Andre và Hùng đều có gốc Công giáo, đạo này với Cộng sản thì như nước với lửa, thế mà…
Con đường mà hai ông đeo đuổi chắc thế nào cũng để lại ít nhiều phiền muộn đắng cay cho hai bà vợ hơn là hạnh phúc, tiền bạc và công danh.
Sự nghiệp của Andre chấm dứt bằng vai trò đại diện một thời gian cho tập đoàn GE, một liên lạc viên giữa người mua và người bán. Sự nghiệp của Hùng tới giờ này chưa chấm dứt nhưng tôi không hiểu Hùng đang sống bằng nghề gì.
Trước những lời chê trách, móc méo, tiếng bấc tiếng chì của những người bà con, những người Việt sống quanh Annandale, Reston và Bellaire; không hiểu tâm trạng của hai người phụ nữ đó sẽ như thế nào, giả sử hai bà muốn ly dị mà giáo luật cấm thì sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét