Liên Hiệp Âu Châu, cả Anh Quốc, Huê Kỳ và Canada đều đồng loạt lên tiếng cực lực lên án Xi và đảng cộng sản bắc kinh là tội phạm chống nhơn loại. Các nước văn minh trên đây đã quyết định trừng phạt Trung Quốc vì tội diệt chủng nhằm vào dân tộc thiểu số Duy-Ngô-Nhĩ ở Tân Cương, miền Tây-Bắc nước Tàu.
Mỹ trừng phạt hai viên chức trách nhiệm trực tiếp ở Tân Cương là Wang Junzheng và Chen Mingguo vi phạm nhơn quyền nghiêm trọng vì đã cưởng bức giam giữ người duy-ngô-nhĩ và còn hành hạ dã man nạn nhơn. Dĩ nhiên Bắc Kinh phản ứng mạnh.
Ăn miếng trả miếng
Để trả đũa, Bắc Kinh trừng phạt lại Dân biểu Âu châu gồm có Dân biểu Hòa Lan Sjoerd Sjoerdsma, Dân biểu Pháp Raphalaël Glucksmann và Dân biểu Đức Reinhard Bunkofer, cấm họ tới lãnh thổ tàu như Hồng Kông, Ma Cao, Bắc Kinh.
Các Ngoại trưởng Âu Châu liền ghi tên 4 cán bộ bắc kinh vào danh sách tội phạm nhơn quyền. Paris phản ứng mạnh mẽ trước thái độ du côn của Bắc Kinh cho rằng việc Bắc Kinh trừng phạt các Dân biểu Âu Châu là không thể chấp nhận được. Paris liền cho triệu tập Đại sứ Bắc Kinh tới. Ngoài ra, Bộ Ngoại Giao Pháp còn tố cáo những lời thiếu lễ độ của tên Lu Shaye, Đại sứ Bắc Kinh ở Paris, khi công kích ông Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu chiến lược am hiểu Trung quốc của Pháp là « không thể chấp nhận được » vì những lời hỗn láo quen thuộc của văn hóa công sản tàu như nói ông Antoine Bondaz là thứ « tiểu tốt », « lưu manh », « linh cẩu điên », « gây rối về ý thức hệ ». Lập tức, hôm 22/03/21, Bộ Ngoại Giao Pháp cho triệu tập tên Lu Shaye nhưng tên này lấy cớ không thu xếp được lịch làm việc nên sẽ tới sau, trong lúc đó hắn « nói phét» trên Twitter « Ngày mai ông ấy sẽ đến để có những ‘động thái’ với phía Pháp về việc Liên Hiệp Âu Châu (EU) trừng phạt, và các vấn đề liên quan đến Đài Loan ».
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Âu Châu loan báo trừng phạt, Đại sứ Âu Châu ở Bắc Kinh, ông Nicolas Chapuis, bị bộ Ngoại Giao Trung Quốc triệu mời vào lúc nửa đêm để phản đối !
Tại Châu Âu, ngoài Pháp, các đại sứ Trung Quốc tại Bỉ, Đức, Hòa Lan cũng đã bị triệu tập.
Điều hiếm thấy xảy ra trong quan hệ ngoại giao vì Pháp vốn tế nhị nhưng nay Paris đã đưa ra thông cáo công khai tố cáo tên Lu Shaye đã « vượt qua lằn ranh đỏ ». Sáng thứ Ba, khi Lu Shaye đến Bộ Ngoại Giao, ông Bertrand Lortholary, Giám đốc phụ trách Á Châu đã cảnh báo rằng cung cách, giọng điệu của hắn ta « hoàn toàn không thể chấp nhận được, đã vượt quá tất cả những giới hạn của một đại sứ ». Những lời hỗn láo« đặt ra một vấn đề cơ bản, cho thấy phương pháp đe dọa ».
Cuộc đối thoại kéo dài 20 phút, và khi Đại sứ Trung Quốc toan nêu ra vấn đề Đài Loan, Bộ Ngoại Giao Pháp bảo hãy lấy một cái hẹn khác.
Không biết qua việc này, Xi Jinping đã thấy thái độ du côn trong ngoại giao của mình đáng xấu hổ với nước văn minh hay chưa ?
Xi với Tân Cương
Các nước văn minh đều đồng loạt tố cáo Xi chủ trương tiêu diệt dân Duy Ngô Nhĩ về mặt nhân xã có hệ thống. Bắc Kinh phản đối, nhắc lại thời đế quốc trung hoa để chứng minh chánh sách đàn áp của mình đối với sắc dân Duy-Ngô-Nhĩ là đúng.
Chủ trương tiêu diệt dân Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh bắt đầu từ năm 2017. Nhưng quan hệ giữa Bắc Kinh với Tân Cương đã căng thẳng từ khá lâu. Bắc Kinh vẫn không ngớt nhắc lại lịch sử để dựa theo đó biện mình cho hành động diệt chủng của mình rằng « Tân cương (Xinjiang) là vùng đất thuộc về Trung quốc từ thái cổ ». Lập luận này gắn liền với miệng lưỡi của những nhà lãnh đạo bắc kinh để trả lời mỗi khi bị buộc tội tiêu diệt dân Duy-Ngô-Nhĩ. Nhưng trả lời như vậy có xác đáng không ? Có thuyết phục được ai không ?
Khi bảo « vùng đất đó là của tôi đấy », tôi muốn làm gì trên đó, tôi làm, thì có khác gì hơn một ông chồng du côn nói : « Đó là vợ của tôi, tôi có quyền đánh nó khi tôi muốn ». Ý niệm về quyền sở hũu, dù có vững chãi đi nữa, vẫn không thể biên minh cho những hành động dã man được.
Nói về mối quan hệ lịch sử, xưa nay, Tàu thường đem ra làm trò lập luận «Ai là kẻ tới trước vùng đất đó, người đó là chủ».
Tàu tới trước thật ! Nhưng không liên tục và dài hạn. Không đặt cơ sở chánh quyền. Cụ thể người ta đã tìm thấy ở lưu vực sông Tarim những xác ướp người Âu Châu hoặc người Caucase (cũng Âu Châu) có niên đại từ thiên niên kỷ II và I trước Tây lịch. Những xác ướp này có nguồn gốc ở miền Tây Âu-Á thuộc văn hóa Ấn-Âu thời cổ đông phương, pha trộn với dòng văn hóa tây-bá- lợi-á và trung-á (Wikipédia). Thế mà Xi Jinping muốn bỏ túi sự thật này để khi móc ra nói là của mình. Có thảm hại không ?
Hơn nữa, đó là chủ trương của Xi ; nhưng Xi là con đẻ của Cộng hòa Nhơn dân Trung quốc ra đời năm 1949 mà lại có thể làm chủ đất đai đã có từ hơn hai ngàn năm trước ? Cứ theo cách lập luận này, Việt Nam phải bảo Xi trả lại vùng đất từ động Đình Hồ cho Việt Nam vì nơi đó là quê hương của Viêt tộc. Chẳng những thế, Hoàng Đế Quang Trung đã từng đòi lại Lưỡng Quảng về cho Việt Nam !
Xi có diệt chủng không ?
Một báo cáo xác định Xi chủ trương tiêu diệt hệ thống nhân xã của dân Duy-Ngô-Nhĩ. Giáo sư người Đức, ông Adrian Zenz, cũng là người vừa bị Xi trừng phạt không cho tới xứ Tàu, dựa theo tài liệu chánh thức của Bắc Kinh, vạch ra chi tiết những người Duy-Ngô-Nhĩ bị cưỡng bách tách rời khỏi sinh quán, khỏi gia đình, nhứt là những thanh niên nông thôn. Chỉ hành động này, theo các luật gia, đã đủ tố cáo Xi vi phạm tội chống nhơn loại.
Từ năm 2017, ông Adrian Zenz đã bắt đầu lên tiếng cho thế giới biết Xi đang phát động chiến dịch tiêu diệt dân Duy-Ngô-Nhĩ nhưng được Xi giữ kín. Nhờ những công trình điều tra của ông mà những thông tin đầu tiên về những trại tập trung ở Tân Cương tới được với thế giới văn minh. Những tài liệu chánh thức mà ông khai thác là những bản văn gọi thầu, ngân sách địa phương, thông cáo tuyển dụng công nhơn, … của nhà cầm quyền cộng sản. Cũng nhờ những tài liệu này, ông Adrian Zenz mô tả được tầm vóc vĩ đại của những trang trại tập trung và qua đó, ước tính được số dân Duy Ngô Nhĩ bị giam trong đó từ là 1,6 tới 1,8 triệu người. Và cũng nhờ báo cáo của ông Adrian Zenz mà thế giới biết được phương pháp của Xi « cải tạo », Xi tách trẻ con ra khỏi cha mẹ chúng nhằm cắt đứt gốc rễ của chúng, dùng thông minh nhơn tạo nhận diện trong xã hội duy- ngô- nhĩ ai là những thành phần đáng nghi ngờ để kịp tống giam. Ông Adrian Zenz vạch trần những phương pháp Xi áp dụng từ năm 2017 nhằm giới hạn mức sanh sản của dân Duy-Ngô-Nhĩ là triệt sản và cưỡng bách phá thai … Và cũng nhờ ông mà thế giới biết được dân Duy-Ngô-Nhĩ bị cưỡng bức lao động hái bông vải. Tân Cương là nơi sản xuất cho thế giới bông vải.
Tháng 12/20, ông phổ biến một bài viết nói rõ lao động cưỡng bách của Xi dành cho dân Duy-Ngô-Nhĩ có hai loại. Loại dành cho những tù cải tạo trong các trại tập trung. Một khi có tay nghề, những người này sẽ được chuyển đi làm việc nơi khác tăng gia sản xuất. Loại thứ hai gồm phần đông là thanh thiếu niên thôn quê sẽ được « đào tạo » tay nghề và gởi tới nhà máy làm việc.
Học nghề, làm việc, di chuyển, ...tất cả đều không do đương sự chọn lựa hay quyết định mà do quyết định của cán bộ cộng sản trung quốc.
Việc đào tạo tay nghề, phân phối việc làm cho thanh niên Duy-Ngô-Nhĩ do Xi chủ trương hoàn toàn không nhằm đáp ứng yêu cầu kinh tế, mà thật sự chỉ nhằm làm loãng dân Duy- Ngô-Nhĩ nơi quê hương, phá tan cơ cấu gia đình và xã thôn nơi họ sống gắn bó với nhau. Ngoài ra cái nhìn dài hạn của Xi còn nhằm bần cùng hóa dân Duy-Ngô-Nhĩ bằng cách đưa họ vào làm việc trong các xí nghiệp để vừa làm thay đổi tận gốc rễ xã hội duy-ngô-nhĩ, làm mờ nhạt và mất gốc nếp văn hóa truyền thống của họ. Để sau cùng họ sẽ không còn là Duy-Ngô- Nhĩ nữa !
Xi, tên tội chống nhơn loại
Trên ‘cơ sở’ báo cáo của Giáo sư Adrian Zenz, nhiều luật gia chuyên về luật hình sự quốc tế đều đồng ý cho rằng có lý do đáng tin cậy để kết luận hệ thống chuyển tải công nhơn của Tân Cương đáp ứng 2 tiêu chuẩn mà Tòa án Quốc tế về tội chống nhơn loại có thể xét xử.
Trung Quốc có ký Công ước LHQ về tội diệt chủng. Điều II nói rõ diệt chủng là « một ý muốn vi phạm hành động nhằm tiêu diệt tất cả hay một phần một nhóm dân trong nước, một chủng tộc thiểu số hay tôn giáo ».
Chánh sách và những hành động thực tế của Xi đối với dân Duy-Ngô-Nhĩ ở Tân Cương xét trong tổng thể, đúng là ý đồ nhằm tiêu diệt chủng tộc Duy-Ngô-Nhĩ, toàn bộ hay một phần.
Nhưng quái gở là không có một điều khoản nào dự trù trừng phạt quốc gia hay chánh phủ nào vi phạm tội diệt chủng. Nên tội diệt chủng chỉ được tòa hình sự quốc tế xét xử hoặc tòa án quốc gia. Tổ chức phiên tòa hình sự quốc tế phải được sự chấp thuận của Hội Đồng Bảo An LHQ mà Trung Quốc là thành viên thường trực, có đầy đủ quyền biểu quyết và phú quyết nên tội diệt chủng, tội chống nhơn loại của Xi và Trung Quốc không thể bị xét xử.
Đời có khốn nạn không ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét