Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết rất nhiều ca khúc, trong số đó có những bài rất hay, và tôi vẫn thích hát những bài ấy.
Nhưng tôi muốn phát bệnh khi thấy một số người loay hoay tìm cách tô vẽ, thổi phồng Trịnh Công Sơn thành một cái gì to lớn quá cỡ so với con người thật của ông ta, đặc biệt trong những chiến dịch rầm rộ diễn ra ở Việt Nam kể từ ngày ông ta qua đời.
Trong số những người ưa thổi phồng Trịnh Công Sơn, hiển nhiên có những kẻ mang ý đồ chính trị, có những kẻ mang ý đồ thương mại, và cũng có những kẻ suốt đời vẫn chưa thoát khỏi cái tâm lý của những đứa trẻ vị thành niên.
Nhiều công trình nghiên cứu tâm lý thiếu niên cho thấy rằng phần lớn trẻ vị thành niên cần có một thần tượng để tôn sùng, để gán tất cả những thứ phẩm tính tuyệt vời cho thần tượng đó. Thông thường, thần tượng của giới trẻ là những ngôi sao âm nhạc, ngôi sao điện ảnh... Ở phương Tây, “thần tượng” của giới trẻ là những Elvis Presley, The Beatles, Michael Jackson, v.v.
Khi bắt đầu trưởng thành, người ta không còn có thần tượng nữa, mà bắt đầu biết nhận định và đánh giá một cách tỉnh táo. Nhưng, rất tiếc, dường như vì một nguyên nhân, một điều kiện văn hoá xã hội nào đó, rất nhiều người Việt Nam ngoài ba mươi tuổi vẫn tiếp tục mang cái tâm lý của tuổi thiếu niên, vẫn khao khát bám theo một thần tượng nào đó để tìm chỗ dựa.
Bên cạnh những kẻ có ý đồ chính trị hoặc/và thương mại, thì những kẻ mang tâm lý thiếu niên luôn luôn ra sức thổi phồng “thần tượng”. Họ sẵn sàng liều mạng bênh vực, bào chữa, cho “thần tượng” của họ bất cứ khi nào có ai lên tiếng phê phán hay chê trách “thần tượng” của họ.
Trong trường hợp “thần tượng” Trịnh Công Sơn, ngay sau khi ông ta qua đời, các tín đồ của ông ta đã đem hết những mỹ từ trong sách vở ra, rồi còn bịa thêm vô số huyền thoại để thổi phồng ông ta đến mức tối đa.
Cho đến khi gặp phải những lời phê phán thẳng thắn có chứng cứ, có sức thuyết phục, thì các tín đồ loay hoay chống chế và tìm cách đánh lạc hướng vấn đề. Chẳng hạn, khi Trịnh Công Sơn bị chê trách về thái độ a dua chính trị, thì các tín đồ của ông ta kêu rêu lên rằng “Xin đừng đòi hỏi Trịnh Công Sơn làm anh hùng!”
Kỳ thực, trong số những người phê phán Trịnh Công Sơn, chẳng có ai đòi hỏi Trịnh Công Sơn phải làm anh hùng. Người ta chỉ muốn thấy Trịnh Công Sơn sống như một nhạc sĩ, và hậu thế nên xem ông ta như một nhạc sĩ, chứ đừng ráng thổi phồng ông ta thành một cái gì to hơn là một nhạc sĩ.
Chẳng có ai đòi hỏi Trịnh Công Sơn phải đứng lên chống lại cái chế độ đó. Người ta chỉ mong ông giữ im lặng như bao nhiêu văn nghệ sĩ miền Nam đã giữ im lặng và đồng thời giữ phẩm giá của họ.
Trịnh Công Sơn có thể ngây thơ tin vào chế độ, nhưng ông ta phải biết giữ phẩm giá. Rất nhiều người đã suốt đời sống và làm việc trong lòng một chế độ tồi tệ, nhưng họ vẫn giữ được phẩm giá của họ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng tự hạ phẩm giá của mình để nói giống y như cái miệng lưỡi ghê tởm của chế độ. Ví dụ: trưa ngày 30/4/1975, ông ta đã nói “Những kẻ đã ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước.” [1] Một lời tuyên bố như thế thì hoàn toàn ăn ý với chiến dịch tuyên truyền chống vượt biên của chế độ Cộng Sản Việt Nam từ sau 30/4/1975 cho đến cuối những năm 1980, với thành quả là hàng trăm ngàn người đã bị bắt giam và bị kết tội “vượt biên trốn ra nước ngoài, phản bội tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, trong số đó có rất nhiều người đã chết trong các trại “cải tạo”.
Tôi không thể tưởng tượng nổi một con người nghệ sĩ “có tâm hồn lớn” mà, ngay trong ngày miền Nam sụp đổ, lại có thể công khai kết án hàng triệu đồng bào khốn khổ của chính mình bằng những lời như vậy[2] — những lời mà chính các loa sắt của chế độ, từ cuối những năm 80 cho đến nay, cũng không còn dám thốt ra nữa.
Petr Jarchovsky, nhà viết kịch bản điện ảnh ở nước Tiệp, người đã từng sống và làm việc dưới chế độ Cộng Sản Tiệp, đã nói một câu đầy ý nghĩa, có thể áp dụng cho trường hợp Trịnh Công Sơn:
“We all knew how evil the system was, but we all had to make our pact with it. In a sense it wasn’t about being part of the system or not. Most were. It was about not becoming an asshole. It was, ‘Can I still bear seeing myself in the mirror?’”
[Chúng ta đều biết cái chế độ ấy tàn ác xấu xa như thế nào, nhưng tất cả chúng ta đã phải dính dấp với nó. Trong một ý nghĩa nào đó, vấn đề không phải là có trở thành một phần tử của chế độ hay là không. Hầu hết đã là thế rồi. Vấn đề ở đây là đừng trở thành một cái lỗ đít. Nghĩa là phải tự hỏi, “Tôi có còn chịu đựng nổi khi nhìn mặt mình trong gương hay không?”][3]
_____________
[1]Xin nghe băng ghi âm “Lời phát biểu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên đài Sài Gòn trưa ngày 30.4.1975”, Bùi Văn Phú, Da Màu (01.04.2011).
[2]Trong bài phỏng vấn “Trịnh Vĩnh Trinh: người trông coi di sản Trịnh Công Sơn”, Trịnh Vĩnh Trinh xác nhận rằng các em của Trịnh Công Sơn cũng đã bỏ nước ra đi sau 30/4/1975, nhưng Trịnh Công Sơn không hề phê phán họ.
Trịnh Vĩnh Trinh cho biết: “Mỗi người em anh Sơn đều có gia đình và hoàn cảnh riêng. Anh tôn trọng quyết định riêng của mỗi gia đình các em anh.” Trịnh Công Sơn tôn trọng quyết định riêng của mỗi gia đình các em của ông ta, nhưng hàng triệu người Việt Nam đã ra đi cũng đều có gia đình và hoàn cảnh riêng của họ, vậy TẠI SAO TRỊNH CÔNG SƠN CHỈ TÔN TRỌNG QUYẾT ĐỊNH RIÊNG CỦA MỖI GIA ĐÌNH CÁC EM CỦA ÔNG TA, MÀ KHÔNG TÔN TRỌNG QUYẾT ĐỊNH RIÊNG CỦA HÀNG TRIỆU NGƯỜI VIỆT NAM KHÁC? Tại sao các em của Trịnh Công Sơn ra đi thì vẫn “yêu nước”, nhưng hàng triệu người Việt Nam khác ra đi thì đều là những kẻ “phản bội đất nước?”
[3]Xem bài “Staring Into the Past” của Jan Stojaspal, Time (18.05.2003).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét