Lịch sử tinh thần và tâm hồn của một cộng đồng sẽ trở nên khuyết tật nếu né tránh mãi những chiều kích của sự bi thương, chặn đứng mãi những khả năng thấu đáo về quá khứ.
Cơm Siu Siu ở chợ An Đông nức tiếng Sài Gòn một thuở. Nhiều minh tinh điện ảnh, văn nhân, kể cả những nhân vật chính trị miền Nam... đã chết mê chết mệt với món cơm gà vỉa hè nơi đây. Riêng ông chủ Siu Siu, “cơ đồ kinh doanh” cơm vỉa hè của ông chắc hẳn nhiều người Sài Gòn thời ấy thèm muốn.
Năm 1978, thương gia vùng Chợ Lớn hùn hạp tổ chức chuyến vượt biển, trong số đó có ông chủ Siu Siu. Ra khơi thì tàu chìm. Gần trăm người đã chết trên biển, trừ ông chủ cơm gà Siu Siu là sống sót. Ông dạt vào bờ biển Bến Tre nhờ bám được vào một miếng ván. Người ta điều tra hồ sơ lai lịch và giải ông về chốn cũ, chợ An Đông.
Chủ tiệm cơm nức tiếng một thời giờ trở thành kẻ trắng tay, mất trí và sống lây lất dưới mái hiên ngôi quán cũ của mình ở đường Nguyễn Duy Dương. Ông phải ngửa tay xin cơm thừa canh cặn của chính những thực khách hôm qua, kể cả những người mà trước đây ông từng rộng tay làm phước để sống qua ngày đoạn tháng.
Câu chuyện trên được ông Nguyễn Tường Thiết, con trai út nhà văn Nhất Linh thuật lại trong tùy bút Căn nhà An Đông của mẹ tôi (Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2021). Một tùy bút đậm màu Sài Gòn sau một phen gió bụi.
Là thị dân miền Nam, ta hiểu rằng đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện khốc liệt về đời người sấp ngửa giữa vùng xoáy của lịch sử.
Một Sài Gòn thanh tao và hoa lệ với những giá trị bản sắc không mai một theo thời gian, hẳn đã có nhiều người chăm chút và điểm tô trên trang viết. Nhưng một Sài Gòn mà sự kiện lịch sử của người này nhưng lại là biến cố của người kia xem ra vẫn còn nằm giấu kín trong những vùng tối ký ức. Có những vùng tối mãi mãi là vùng tối, vì có lúc người ta khó nhọc quên đi để tồn tại, nhưng cũng có những vùng tối lặng câm vĩnh viễn, bởi sự bôi xóa của thời gian.
Sống để kể lại, cách nói của Gabriel García Márquez (Firstnews & NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2005) hàm chứa một thông điệp về sự quan trọng của ký ức, nhưng cũng đồng thời đưa ra một thách đố cho người kể (viết/ nói, trong tư cách nhân chứng của chính cuộc đời và thời thế của mình), đặc biệt trong những bối cảnh văn hóa thiết lập trên những làn ranh, những điều cấm kị và những vùng phong tỏa.
Biến cố đã được nhìn suốt gần nửa thế kỷ, được kể bằng tiếng mẹ đẻ và các thứ ngôn ngữ quốc tế hóa, từ những đoàn người ra đi và cháu con họ. Nhưng biến cố cũng cần được thuật lại bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ, với các cung bậc đau thương lẫn tủi sầu ngay trên chính cái nơi mà tư duy ngôn ngữ đã thấm đẫm máu và nước mắt. Những chọn lựa đi, ở của một thời cần được nhìn nhận thấu đáo không bởi con mắt định kiến mà bằng một nhãn quan bao dung, thấu hiểu. Sống để kể lại là cách thế bảo tồn, phục chế một bức tranh tâm hồn với đầy đủ các đường nét, chất liệu đang có nguy cơ phai nhạt, mai một theo ngày tháng.
Trong thời gian Đức tạm chiếm Paris vào đầu thập niên 1940, có lẽ ít ai ngờ rằng, bên phía sau sự khốc liệt của những trại diệt chủng, của quản chế sắt thép tàn bạo mà văn học, biên khảo, báo chí sau đó đã soi tỏ trong một kho văn khố tang thương lớn bậc nhất lịch sử nhân loại. Nhưng sự kiện đó đã lập tức trở thành một biến cố thật sự khi có người chỉ ra rằng, cái không khí mật vụ của mạng lưới Gestapo mới là thứ đáng sợ nhất. Mạng lưới ấy xóa dấu sự hiện hữu của con người ngay khi anh ta đang sống trong thành phố của mình. Điều này ta thấy lặp đi lặp lại trong các tác phẩm tiểu thuyết mỏng của Patrick Modiano. Các nhân vật đa danh tánh, lý lịch kép, vay mượn lý lịch và cuối cùng là không còn sống trong chính cuộc đời của mình. Hủy diệt căn tính, vô hình con người - đó mới là chiều kích diệt chủng tàn độc nhất.
Sự kiện của người này là biến cố của người kia. Một nền văn hóa thường xuyên bị chao đảo bởi chiến tranh, phản ứng sợ hãi vết thương là có thể hiểu được. Và đành rằng, việc khơi lại những vết thương chắc cũng không có gì thú vị trong một đời sống trùng trùng tiếp diễn và liên tục lật sang trang mới. Nhưng lịch sử tinh thần và tâm hồn của một cộng đồng sẽ trở nên khuyết tật nếu né tránh mãi những chiều kích của sự bi thương, chặn đứng mãi những khả năng thấu đáo về quá khứ.
Sống để kể lại, liệu có phải hướng đến một bài học kinh nghiệm lịch sử nào đấy theo tư duy thông thường về các sự kiện trong sách giáo khoa lịch sử chính thống?
Có lẽ không. Ý nghĩa của sống để kể lại, trước hết, là vì sự sòng phẳng và minh bạch với đời sống của chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét