Tôi và Khang An Nguyen chọn một góc lặng để lắng nghe các bạn hát Karaoke trong buổi picnic của VTT 1971 ở Cần Giờ. Giọng sâu lắng của Oanh Bamboo Bamboo đã đưa hai đứa tôi trở về ký ức thời sinh viên gian khổ:
“Hà nội ơi những ngày thơ ấu trôi qua,
Mái trường phượng vĩ dâng hoa
… những ngày xa vắng bên sông…”
Hết thảy bạn bè tôi ai cũng có một thời hàn vi chông gai với những kỷ niệm giấu kín cùng những kỷ niệm có thể chia sẻ được. Nếu không ngồi với Khang hôm nay, có thể những câu chuyện này sẽ dần quên lãng theo thời gian.
Thời đó sinh viên ngoại trú của trường BK ăn trưa ở nhà ăn B10 trong trường. Giao Truong, Khang An Nguyen và Khoa cũng vậy. Ngày thứ Sáu cuối tuần là ngày được ăn ngon với thịt hoặc cá nên gương mặt của mọi người thấy hân hoan. Không khí nhà ăn nhộn nhịp khác thường. Tới giờ ăn 5 đứa không quen biết gom đủ 5 phiếu để nhận phần ăn chung. Mỗi người mỗi việc, đứa lấy chén bát đũa muỗng, đứa lấy cơm, đứa lấy canh. Còn tôi thì lấy phần thịt. Trên đường từ quầy ra bàn ăn tôi đã sơ ý làm rơi đĩa thịt xuống sàn nhà. Tan nát và vỡ vụn! Trời ơi! Tôi thấy tối sầm mặt mũi như trời đất sập dưới chân tôi. Liếc nhìn gương mặt thất vọng của 4 thằng cùng mâm, tôi hiểu rằng mình vừa gây ra một lỗi lầm tày trời. Tôi dọn sạch sàn rồi đi cửa sau lặng lẽ rời khỏi nhà ăn trong niềm ân hận tột cùng. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm được để chuộc lỗi với 4 đứa sinh viên nghèo khổ kia. Chờ mãi không thấy tôi trở lại, chắc tụi nó áy náy và khó nuốt trôi miếng cơm? Lúc đó tôi thấy thương tụi nó quá!
Nhiều năm sau ngồi nghĩ lại, tôi thấy tôi thương tôi hơn vì ngày hôm đó học 2 buổi, tôi ra khỏi nhà từ sớm với bụng trống rỗng, không có bữa sáng, không có bữa trưa như mọi ngày và rồi phải đạp hơn 20 cây số đi-về trong cơn đói và khát đến quắt người.
Cũng vào thời gian đó, năm 1980, Trinh Doan rời giảng đường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật để hòa vào làn sóng người đi tìm tự do. Sau nhiều chuyến thử thách, cuối cùng nó bị bắt, thành án 1 năm và bị giam trong trại tù ở Cà Mau. Nó đã tự thay tên đổi họ, Hùng là tên mới, nên không có ai thăm nuôi, gia đình cũng không biết nó sống chết nơi nào. Nó sống nhờ hoàn toàn vào cơm tù nên bị cơn đói hành hạ mỗi ngày. Một ngày trong đội lao động nặng mới thành lập, bỗng nó và Chuan le Phuoc nhận ra nhau giữa một rừng áo tù.
Cuộc hội ngộ của hai thằng bạn trung học VTT nơi chốn lao tù này thật hy hữu và cảm động. Không biết lúc đó tụi nó đã khóc hay cười? Hiểu hoàn cảnh khó khăn của bạn, Chuẩn mua cho Trinh một ly chè. Trinh nói ly chè trong lúc đói của thằng bạn tù đặc biệt này đã theo nó đến tận Hoa Kỳ. Hằng đêm nó vẫn ao ước có ngày tìm lại được Chuẩn.
Hôm nay là 27 Tết, lẽ ra xe từ Sài Gòn đã lên rước cả đội chúng tôi từ hôm 25 Tết rồi. Ở công trường nơi xứ rừng âm u này không ai bán thiếu cho ai. Không có gì trong bụng từ bữa trưa hôm trước, trưa nay chưa biết xoay sở ra sao? Cái khó nó ló ra cái khôn. Bỗng dưng đầu tôi lóe lên một ý hay: sang rủ lò bánh mì đá banh ăn… bánh mì! Cả team cùng hội ý một quyết định sống-còn. Nếu thua lấy tiền đâu mà chung? Đang đói sức đâu mà đá? Đá xong vừa đói vừa mệt làm sao chịu cho thấu? Lò bánh thằng nào cũng to khỏe, chịu nổi không? Tôi nói rằng đây là kế đưa lưng về sông của Khổng Minh, Ổng chưa thua trận nào!
Hai đối thủ không cân sức như đã biết trước. Trận đấu chỉ diễn ra trên phần sân của những thằng ốm đói trong 10 phút đầu. Một cú đá phá cầu âu đã đưa trái banh đến chân tôi, đang đứng thở ở bên... lò bánh mì. Tôi dồn hết sức tàn sút vào gôn. Trái bóng méo nên bay theo quỹ đạo lắc léo. Vào! Cả đội đổ gục xuống sân. Không ai trong bên thắng trận còn sức để mừng. Bữa ăn trưa này chắc ngon nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi!
Sài Gòn, tháng Tư đen vẫn đen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét