khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Nhớ Bạn: Lê Thành Nhơn (1940-2002) - Tác giả Nguyễn Hưng Quốc

 


Điều tôi thích nhất ở Lê Thành Nhơn là sự say mê của anh đối với những cái lớn lao và hùng vĩ. Làm gì Lê Thành Nhơn cũng muốn làm thật lớn. Tranh, anh thích vẽ những bức mỗi bề hai thước. Vẫn chưa thoả mãn. Lâu lâu có chút tiền đủ để mua sơn và mua bố, anh tăng kích thước các bức tranh lên: chiều cao hai thước, còn chiều dài thì ba hay bốn thước, tuỳ. Cũng vẫn chưa thoả mãn. Khoảng giữa thập niên 1990, Lê Thành Nhơn dùng toàn bộ số tiền hưu trí mà anh dành dụm suốt mười mấy năm làm việc tận tuỵ, phần lớn là lao động chân tay, tại Úc để mua sơn và bố vẽ bộ Tứ Đại gồm bốn bức, “Gió”, “Nước”, “Lửa” và “Đất”, mỗi bức cao hai thước và dài sáu thước. Tổng cộng, cả bộ Tứ Đại dài 24 thước.
Tôi nhớ, lần ấy, tôi đã tìm cách ngăn Lê Thành Nhơn. Tôi lý luận là những bức tranh như thế không những không bán được mà còn không thể bày được ngay cả ở các galleries bình thường. Lê Thành Nhơn nghe tôi nói xong, trầm ngâm một chút, rồi đáp:
“Tôi biết. Nhưng nói thực là vẽ tranh nhỏ, tôi không thấy ‘đã’. Với lại, chơi với tôi mấy năm nay, ông thấy đó, vẽ nhỏ tôi bán cũng không được bao nhiêu... Nhỏ hay lớn đều không bán được. Thôi thì, cứ vẽ thật lớn cho nó... đã tay.”
Đầu năm 2002, khi bắt đầu ngã bệnh, Lê Thành Nhơn hay mơ ước một ngày nào đó, khoẻ lại, anh sẽ bắt tay thực hiện một khu vườn mỹ thuật, ở đó, anh sẽ dựng những tác phẩm điêu khắc thật lớn. Thú thực, bị ám ảnh bởi căn bệnh ung thư của anh, tôi không tin là sẽ có một ngày như thế. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng sự lạc quan ở anh, tôi cũng bàn vào, ra vẻ rất hào hứng. Tôi khuyên anh, sau cơn bệnh ngặt nghèo, còn yếu, nên tập trung vào việc vẽ tranh hơn là làm điêu khắc. Anh phản đối:
“Vẽ tranh thì tôi cũng thích nhưng thực bụng mà nói thì vẽ tranh không ‘đã’ bằng làm điêu khắc. Làm điêu khắc, mình có cảm giác như đụng được vào sự đồ sộ, sự to tát một cách cụ thể và trực tiếp hơn là vẽ tranh.”
Say mê điêu khắc là thế, nhưng sự nghiệp chính của Lê Thành Nhơn trong mấy chục năm định cư tại Úc, theo tôi, là hội hoạ chứ không phải là điêu khắc. Đã đành anh có một số tác phẩm điêu khắc được dựng và bày ở những nơi đầy uy tín như Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc, Viện Bảo Tàng Di Dân tiểu bang Victoria, trường đại học Monash ở thành phố Melbourne, trường đại học Tasmania ở tiểu bang Tasmania. Đành vậy. Nhưng rõ ràng là số lượng không nhiều so với thời gian anh định cư tại Úc: 27 năm. Nhớ, ngày xưa, ở Việt Nam, chỉ trong vòng năm năm, từ 1970, lúc anh giải ngũ đến năm 1975, lúc anh di tản, anh làm được biết bao nhiêu công trình. Mà công trình nào cũng đồ sộ. Ở Huế và ở Sài Gòn. Điều này, thật ra, không có gì là khó hiểu: để làm điêu khắc, người ta cần nhiều điều kiện vật chất hơn là hội hoạ. Những điều kiện ấy hầu như vượt ra ngoài khả năng của một cá nhân: không phải chỉ cần có đủ tiền để đúc (chất liệu thường là đồng) mà còn cần một không gian rộng rãi và thích hợp để dựng. Đáp ứng được các điều kiện đó thường là các cơ quan chính phủ, các tổ chức tôn giáo hay cộng đồng. Tại Úc, tôi biết thỉnh thoảng có một số ngôi chùa hay các trung tâm sinh hoạt cộng đồng muốn dựng một công trình điêu khắc hay thiết kế của Lê Thành Nhơn. Nhưng ngân sách của họ thường có giới hạn, phần lớn được hình thành bằng con đường quyên góp từ năm này qua năm khác. Dường như chưa bao giờ Lê Thành Nhơn ý thức được những giới hạn này: các đồ án anh đưa ra bao giờ cũng nhiều gấp năm, gấp mười ngân sách mà người ta có thể có. Chùa phải thật mênh mông, ở đó, mỗi cái cột phải là một tác phẩm điêu khắc tuyệt hảo. Tượng Phật phải cao năm, bảy thước và phải đúc... đồng. Có dự án trong đó bức tượng Phật cao đến 25 thước. Những phác hoạ như thế, ai cũng khen đẹp. Nhưng ai cũng lắc đầu quầy quậy. Các giấc mộng lớn của Lê Thành Nhơn cứ nằm mãi trên trang giấy.
Ít khi có dịp làm điêu khắc được thì anh vẽ tranh. Số lượng tranh của Lê Thành Nhơn trong mấy chục năm ở Úc có lẽ lên đến hàng trăm bức. Bức nào cũng có vẻ như một công trình điêu khắc: sơn thật dày, quánh lại từng tảng, lởm chởm trên khung bố. Nhiều bức, nhìn nghiêng, trông như một bức phù điêu được đắp nổi bằng sơn dầu. Mà có lẽ Lê Thành Nhơn vẽ tranh trong tâm thức của một người đang đắp phù điêu: anh chỉ muốn tác phẩm của mình phủ đầy lên các bức tường. Phần lớn các tranh của anh có kích thước hai thước trên hai thước không chừng là vì thế. Khi anh vung tay vẽ các bức dài đến bốn, năm, hay sáu thước, tôi đoán, không chừng anh đang nghĩ đến các bức tường mênh mông trong các viện bảo tàng. Khi tôi đem điều đó hỏi anh, anh chỉ cười. Có hơi chút bẽn lẽn.
Sau năm 1975, hội hoạ của Lê Thành Nhơn không những phong phú mà còn, theo tôi, đa dạng hơn hẳn điêu khắc. Tượng của anh ít thay đổi. Trừ các bức tượng đá anh chạm trong nhà một người bà con ở Paris vào giữa thập niên 1990, các bức tượng khác của Lê Thành đều có hình thể khá rõ ràng và, nói chung, khá cổ điển. Đẹp. Nhưng đó là những cái đẹp khá cổ điển. Tranh của Lê Thành Nhơn thì khác. Anh đi từ hình thể đến phi hình thể. Càng về sau anh càng có khuynh hướng vẽ tranh phi hình thể. Và, hình như, vẽ đẹp. Tôi muốn nói, nếu đừng vì quá dè dặt: rất đẹp.
Mà thôi. Tôi không định phê bình tranh hay tượng của Lê Thành Nhơn. Tôi chỉ muốn dừng lại ở một ấn tượng nổi bật nhất mà Lê Thành Nhơn để lại trong tôi sau hơn mười năm chơi với nhau khá thân, gặp gỡ nhau thường xuyên hàng tháng, hay có thời gian, hàng tuần. Đó là ấn tượng về nỗi đam mê nồng nhiệt đối với những cái lớn lao và hùng vĩ. Kể cả trong những cơn đau đớn.
Vâng, ngay khi bị đau, Lê Thành Nhơn cũng thích những cơn đau lớn. Những cơn đau có thể cắt đứt sự sống của anh. Tôi nhớ lần cuối cùng tôi nói chuyện dông dài với Lê Thành Nhơn trước khi anh ngã bệnh nặng là vào chiều chủ nhật, ngày 27 tháng 10, 2002, tức hơn một tuần trước khi anh qua đời. Lúc ngồi nói chuyện với hai vợ chồng tôi, thỉnh thoảng Lê Thành Nhơn hơi hơi ưỡn mình ra đằng trước và lấy tay xoa xoa trên bụng. Tôi hỏi: “Đau hả?” Anh gật đầu. Tôi lại hỏi: “Đau sao?” Anh đáp: “Thường thì đau râm ran nhưng lâu lâu ‘ảnh’ chơi cho một cú điếng cả người.”
‘Ảnh’ mà Lê Thành Nhơn nói ở đây là cái khối ung thư đang nằm trong lá gan của anh. Nói xong, Lê Thành Nhơn cười. Tôi lúng túng không biết phản ứng làm sao trước tiếng cười của anh thì anh lại nói tiếp:
“Thấy ‘ảnh’ làm dữ như vậy, tôi mừng lắm, ông ạ.”
Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao vậy?” thì anh ung dung trả lời:
“Mỗi lần đau dữ như vậy thì tôi biết là tôi đi nhanh lắm.”
Nói xong, anh lại cười. Thú thực, lúc ấy, tôi ngồi lặng người, không biết phản ứng ra làm sao cả. Cười theo bạn thì thấy bất nhẫn, nhưng tìm cách an ủi bạn thì lại thấy là vô duyên. Tôi lúng túng quay sang nhìn vợ tôi: vợ tôi quay mặt ngó ra ngoài cửa sổ.
Ngoài ấy, chạy dọc theo bờ rào, mấy bóng cây đang lao xao nắng. Hình như gió rất to.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét