Buổi sáng, nghe ông cán bộ Nghệ An thuyết pháp về: 3 dòng thác Cách Mạng và đạo đức Bác Hồ; buổi trưa, nghe cậu sinh viên Lê văn Nuôi đăng đàn về: phong trào sinh viên học sinh đấu tranh dưới thời Mỹ-Ngụy xâm lược.
Nó đạp xe từ trường Ðại Học vùng Ngã Bảy về Gia Ðịnh – Bà Chiểu, lòng bức xúc, bụng đói cồn cào. Về nhà, mẹ nó khẽ: phường khóm hôm nay bắc loa kêu gọi đem nộp sách vở miền Nam đó, con tự mà liệu. Nó thức suốt đêm, sờ mó ngắm nhìn những cuốn sách kề cận đã bao năm, tần ngần tuyển lựa một mớ bỏ vào trong bị. Sớm mai , nó đạp xe vào thành phố. Từ ấy, nó từ giã nhà trường XHCN, trở thành tên lái sách.
*
Bố thí đáo-bỉ-ngạn .
Giữa một mùa đói rách thương khó, ông đến, móc trong bị ra mươi cái chả giò, một khoanh giò lụa, bảo nó: mày đem cho vợ con mày ăn, vợ chồng thằng Thanh Tuệ cho tao. Nó thẹn thùng lễ nhượng: sao ông không giữ lại mà ăn. Ông cáu kỉnh chơn tâm: tao không ăn, ăn đồ ăn ngon chóng chết!
*
Dưỡng Chất trần gian .
Nó chở ông về nhà, nhìn mẹ và vợ con nó ngồi quây quần trên tấm phản đợi nó về, bên bữa cơm chiều: bát canh rau muống vắt chanh, dĩa rau luộc, chén vừng, nồi cơm độn khoai; ông ngao ngán bảo: cơm nhà chú mày xoàng xỉnh quá, hôm nay chú mày bán buôn được quyển sách cho tao (quyển sách tiếng Ðức, bên trong chằng chịt những ghi chú của ông; ni cô Trí Hải – Phùng Khánh chiều hôm ấy giả dạng nữ sinh đi bát phố Lê Lợi, tình cờ thấy nằm trên lề đường khu passage Eden, mua thỉnh về; mà khi Bắt Trẻ Ðồng Xanh đến: không thèm phí lời cò kè với cái thằng tiểu tử con buôn, mà khi Câu Chuyện Dòng Sông đi: trôi về biển, có nhớ nước thương nguồn? để lại sau lưng thằng tục tử đứng ngẩn trông vời) thì tụi mình được quyền thưởng thức yến tiệc đêm nay, chú mày đi theo tao về Già Lam.
Căn phòng trang trọng nơi chùa Già Lam dành cho ông ở trên lầu, nhìn xuống là toàn thể sân chùa rợp cây cảnh, thì lại chẳng mấy khi ông ở, chỉ dùng làm cái kho chứa đầy báu vật: một bảo tàng ve chai muôn vàn màu sắc, đủ mọi hình thù, mà ông rất nâng niu tâm đắc (chắc là vì thầm thì nhắc nhở cái triết lý chân không mà diệu hữu); một rừng lá chuối phủ xấp lên nhau: là nơi ông ấp ủ giữ gìn những dưỡng chất cơm thừa canh cặn của trần gian cúng dường. Ông loay hoay tìm kiếm trong cái kho linh đan ấy (mà từ lâu Sàigòn văn nghệ đã đồn nhau là độc nhất vô nhị, đã mỉm cười bảo nhau là danh bất hư truyền), rồi trân trọng hoan hỉ lấy ra một gói trân châu mời qúy khách. Phải thấy tận mắt ông trịnh trọng nhẹ nhàng khe khẽ bóc ra từng mảnh lá chuối khô, mới cảm động làm sao cái con người có tâm hồn lễ nghi ăn uống; phải nhìn tận chỗ ông cúi mặt tận hưởng như sợ hoang phí đi cái mùi dưỡng chất trần gian dần dà hé lộ, mới cảm khái cách gì cái kẻ dân chơi điệu nghệ có trình độ văn hóa ẩm thực. Trước khi té ngữa đê mê trong năm canh thế giới Hồ Ðiệp, vì mùi hương xuân sắc dị kì bốc lên từ nắm cơm đã thay đổi sắc màu, đã lên men lên mẻ, hình như nó còn nghe được tiếng ông cười: Món ăn này, cổ kim may ra chỉ có thằng Trang Tử mới dám độ, bần tăng xin kính mời thí chủ!
*
Biện Chứng đơm bông .
Khi xưa, Kim Ðịnh mời tao đến thuyết giảng về đề tài: Tương quan giữa Thánh Kinh và Dịch Kinh; vừa bước vào lớp thấy toàn các ông linh mục, tao phẩn nộ, đòi cho bằng được phải có sự tham dự của các Ma Soeur; Triết Lý Cái Ðình mới hốt hoảng xin lỗi vì sơ ý, rồi chạy lật đật đi gặp Mẹ Bề Trên để thỉnh cầu, kết cục yêu sách của tao được kính mừng... Ông ngưng kể, chậm rãi vo vo miếng thuốc trên căn gác nhỏ của vợ chồng nó (phủ rợp đầy bóng mát của tàng cây phượng xum xuê trước sân chùa); thằng tiểu tốt hớp ngụm trà, ngựa non khích tướng: dạy cho tầm cỡ linh mục, thì tệ lắm cũng phải mặc áo Hồng Y hay áo vàng cà sa Tăng Thống thì mới xứng tầm, ông Giáng? Ông phá lên cười, sắc mặt tuyệt đẹp, hài nhi tuyệt vời (như tan biến đi hết mọi khổ đau trần thế, không phải là gây ra bởi một nơi chốn hồng trần, mà là cái “thế giới tro đen“ vô cảm liệt kháng - le monde des cendres noires - như là đã linh cảm tự xa xưa, trong một bài viết bằng Pháp ngữ, năm 65) .
Biết nhà nó đạo Thiên Chúa, ông lại thường hay đến với mảnh khăn vàng che thân, kèm theo nụ cười rất hóm hỉnh Gandhi. Đôi khi lại kéo thêm vài ông sư trẻ vào nhà nó tịnh độ. Mẹ nó điên tiết, nhưng vì thằng con trai cưng, đành nhịn nhục đóng đanh theo gương Chúa Ki-Tô lòng lành (tội nghiệp mẹ nó, chết đã hơn 10 năm rồi, sáng sớm nào cũng lại phải nghe tiếng chuông Tây Tạng của thằng qúy tử thỉnh, hân hoan niềm siêu độ, báo hiếu!).
*
Biện Chứng điêu tàn .
Phải đợi cái ông Trung Niên Thi Sĩ ra thiên cổ, thì cái ông Quốc Sư Bát Nhã mới dám về: cái dòng 8 chữ thâm độc yêu nghiệt thêm thắt kia, “ biên tập “vào Avant-Propos trong Dialogue 1965 xưa, sẽ không còn để lại ngấn tích! Ôi, thiền sư Bụt! Ôi, “par la mort héroïque…“! Chín Suối đang cầu khẩn ngài về Giải Oan!
Vóc dáng nhỏ bé, áo quần rách rưới cái bang, vào một buổi sáng trước con hẻm trên đường Lê Quang Định – Gò Vấp, dẫn vào chùa Già Lam, Trung Niên Tỳ Kheo chỉ tay vào mặt nhà sư cao lớn đẫy đà (thượng tọa Thích Thiện Minh), bộ đồ lam lụa là thẳng thớm, vừa đến cư trú trong chùa, mà pháp về Ðệ Nhất Khổ Ðế: khi xưa chúng mày tranh đấu, kèn cựa quyết tử với đám Công Giáo; thì bây giờ Cộng Sản vô đây, cho tụi bay chết chùm! Từ ấy, khi có Ấn Quang lại, Tỳ Kheo Trung Niên sẽ mãi mãi không còn trở về cư ngụ nơi Quảng Hương - Già Lam nữa. Vài lời trẫm triệu nói ra vào đầu 1977 ấy, rồi sẽ mau chóng trở thành hiện thực. Như là, đã dự cảm vài chục năm trước vào thập niên 50, bằng một sắc mặt đìu hiu xa vắng, khi cậu học trò (Sa Giang) Trần Tuấn Kiệt ướm hỏi vị thầy Việt văn của mình, về một câu thơ của Vũ Anh Khanh (rồi sẽ trôi thây trên dòng Bến Hải, mũi tên tẩm độc cắm vào tấm lưng kẻ tập kết trong lần vượt tuyến trở về, đã được bắn đi từ bắc ngạn, đôi cánh tay thi sĩ Tha La Xóm Đạo còn gắng đưa lên lần cuối như một lời di chúc, thu tàn lực cố sải về bờ nam trong giờ tử biệt): Ai điểm trang mà em phấn son?
*
Tiếng Việt trong sáng.
Xác thân phải bị vùi dập nơi sơn lam chướng khí, mồ vô chủ phải xanh, thì mới hiểu thế nào là “học tập”, thế nào là “lương thực 10 ngày”; phải dáo dác bơ vơ mất nhà, mất đất, mất thuyền, mất biển… thì mới hiểu thế nào là “làm chủ“, thế nào là “đầy tớ“, thế nào là “độc lập”, thế nào là “anh em“; nam thanh từ Bắc chí Nam muốn sống phải đái ngồi; nữ tú từ Nam chí Bắc muốn mưu sinh thì phải làm đĩ cho mười phương thập khách; nam phụ lão ấu toàn quốc phải dật dờ kiếp sống cô hồn; sông nước núi non cẩm tú phải trở thành ống cống vĩ đại, bốc thúi cả bầu trời Châu Á… thì may ra dân Việt mới thực sự nghe rõ, nghe thấu, nghe nư cái câu […]
*
Nó nhờ người bạn trông hàng, đi kiếm mua ổ bánh mì ăn trưa. Quay trở lại thì đã thấy vài chục công an văn hóa mặc thường phục, đang khởi động chiến dịch hốt sách báo tàn dư Mỹ Ngụy, chỉ tiêu là trọn ổ khu passage Eden. Trên đường đạp xe về nhà, trắng tay, tình cờ gặp Bùi thi sĩ ở Lăng Ông, nó than trời. Sa Mạc Trường Ca phì cười: sách mày mất thì thấm thía gì so với rừng sách vở qúy René Char tặng tao, Heidegger tặng tao, đã bị tụi nó phóng hỏa; bao nhiêu nghìn trang bản thảo tao dịch Homère để ở Vạn Hạnh đã bị tịch biên; phù du lắm là cái cuộc đời, qúy nhất là cái thân xác mà cái thân xác này rồi cũng sẽ mất thôi, có giữ được mãi đâu, tiếc làm gì; mất-còn, sống-chết, chuyện quan trọng nhưng cũng không quan trọng; hãy sống làm sao cho mai sau gặp ông Phật ông Chúa mà không hổ thẹn với các Ngài...
*
Mà cái thân xác này rồi cũng sẽ mất thôi, có giữ được mãi đâu, tiếc làm gì... Nó không ngờ câu nói ấy dẫn đưa đến một đêm Ðịnh Mệnh làm thay đổi đời nó: nhìn thằng con 6 tháng tuổi mắt nhắm nghiền ngậm mút mê man đầu vú mẹ, bàn tay nó mơn man xoa nhẹ bầu vú căng tròn kia của vợ, thì bất ngờ nghe thanh âm sư tử hống của ông vang lên từ đầu ngõ trong đêm khuya khoắc: toàn thể đồng bào nhân dân cả nước hãy lắng nghe ra tiếng gầm của Ðiện Biên Phủ… tức thì là âm thanh phương thảo lục của những viên gạch sỏi, chẳng biết ông đã tiếp nhận ngoại viện từ đâu, lăn rào rào nhịp ba nhịp ba trên mái ngói những căn nhà lao động vùng Ðồng Ông Cộ, như muốn phá tan đi cái âm u hắc ám trường dạ thiên đường. Nó vội chớp lấy ống điếu lao xuống thang gác chạy ra: ông Giáng ông Giáng, đừng có đứng đó tụi nó bắt, đừng có làm thế tụi nó giam, vô trong sân đi ông Giáng, ngồi xuống làm miếng thuốc lào đi ông Giáng, làm miếng thuốc lào đi ông Giáng, đợi tôi pha trà. Mẹ nó đã thức dậy, đang đọc kinh lạy Chúa tôi tôi là kẻ có tội, vợ nó chắc là vẫn đang còn trên gác ôm con; nó loay hoay trong bếp kiếm phích nước sôi pha bình trà vối. Bước ra đã thấy toán công an khu vực chực sẵn trước nhà; một tên chỉ nó: anh bảo ông kia im ngay để đồng bào được yên giấc ngủ. Vừa nghe xong, thi nhân vụt đứng lên: […] và rồi ông thao thao không dứt, ngôn từ cực kỳ lưu loát phản động (mà nó thì lại nghe ra rất thơ phú): tao nghe nói […] hãy bảo chúng nó vô Nam tìm gặp Bùi Hoa Ðà này thì mới có cơ may chữa trị cho chúng… […] anh và ông kia theo ngay chúng tôi về trụ sở. Ông liền đáp: trước khi tao được về đầu thai nơi trụ sở, hãy để tao hút hơi thuốc này nơi đây từ giã; miền Bắc vô Nam chỉ có mang đến món thuốc lào là vĩ đại. Nghìn xưa tiên ông ngồi đánh cờ chắc cũng chỉ ung dung nhàn hạ đến như phong thái Bùi tiên sinh ngồi hút thuốc: rất chậm rãi khi ve thuốc, rất nhẩn nha khi đóm lửa, rất mất thì giờ chờ ông rít vào phế phủ nỗi hân hoan phụng hiến mùi thảo mộc; rồi lại phải mất vài trống canh thù thắng của con mắt Hoa Nghiêm thiền định, ông mới vươn vai đứng dậy, sảng khoái mà nhập Ta Bà, cười cười bước chậm rãi ra khỏi xóm, nó theo sau. Mọi người trong khu xóm đã mở cửa dòm ngó xầm xì lúc nào, nó cũng chẳng ý thức. Ra đến con đường cái tráng nhựa, ông ngước mặt nhìn trời, cảm hứng vừa đi vừa khẽ ngâm thơ: con là sáo Mẹ là ngàn vạn gió, Mẹ là Trời con là hạt sương rung… rồi nhẩn nha đi 2 bước về phía trước, lại thối lùi 3 bước rưỡi phía sau, thoắt bước ngang 5, chợt bước dọc 4, rất nhuần nhuyễn bài bản Ðoàn Dự lăng ba. […] cái đòn gánh và dây nhợ dây thừng chẳng biết giấu ở đâu , bây giờ mới xuất hiện: cả 4 tên rượt theo ông túm lại, trói chặt chân tay ông vào đòn, rồi gánh đi như người ta gánh heo vào lò thọc tiết. Ông lại cứ vô nhập nhi bất tự đắc yên, chắc coi mình như vị Trạng Nguyên được nằm võng đưa về bái tổ vinh qui, nên lại cứ tiếp tục Lý Bạch liên hoàn: Bà mẹ đời du dương tay mở rộng Tôi nằm tròn làm một giọt sương hoa Hỏi cỏ cây: mình có nhớ thương ta? Ta rất nhớ thương mình nên trở lại… Cứ thế cứ thế mà con đường vác thập giá lên đỉnh Golgotha được nhuốm sắc màu diễm ảo thi ca . Trụ sở là một biệt thự sang trọng, chủ nhân chắc đã bỏ đi hồi 75, nhìn hơi xéo qua bên kia con hương lộ là tư gia khang trang cổ kính của nhà khảo cổ Vương Hồng Sển. Vào bên trong, là nền nhà lát gạch mát rượi: tủ lạnh, bếp gaz, tivi, chùm đèn chúc xuống tỏa sắc màu vương giả. Họ thả ông xuống cởi trói; tội nhân khe khẽ kín đáo liếc mắt nhìn chung quanh, rồi từ tốn thốt giọng nhỏ nhẹ: Cách Mạng cho tui xin gáo nước. Trưởng đồn ra hiệu, một chú công an non choẹt, tiến lại cái tủ lạnh rót ly nước đưa ông. Vừa cầm cái ly thủy tinh nước lạnh trong tay, tên tử tù phẩn nộ thét vang: tao xin gáo nước là gáo nước mưa múc từ trong lu múc ra, tụi bay chống Mỹ mà dám xài đồ Mỹ!… và liền tức thì là thanh âm nổ tung như sấm sét của chiếc ly thủy tinh giáng mạnh xuống cái nền đá hoa vỡ ra nghìn mảnh. Mọi người chết điếng không kịp có phản ứng, thân xác nó rung lên bần bật. Một phút im bặt trôi qua như lằn ranh mấp mé giữa chốn dương thế và cõi âm ty, chỉ huy công an, sau phút mất bình tĩnh, lấy lại điệu bộ, chỉ vào mặt nó: anh kia đi về, sáng mai trở lại đây trình diện chính quyền nhân dân cách mạng… Trên bước đường dài như thăm thẳm trở về nhà , gương mặt nó đẫm lệ ngước nhìn màn đêm dõi tìm trăng sao (nó nào đã linh cảm hết được: cái âm vang kim thanh ngọc chấn đêm khuya ấy, rồi sẽ đẩy số phận nó được trúng tuyển nghĩa vụ Cam Bốt, rồi sẽ sớm trở thành kẻ đào binh mất cửa mất nhà, đêm đêm nằm co rúm bơ vơ nơi chốn vỉa hè kinh tế mới; rồi sẽ còn vô số mệnh kẻ thư sinh mặt trắng chốn kinh kỳ trôi dạt về lao động điếu đồ miền Kiên Giang - Lục Tỉnh; rồi sẽ còn bắn hình hài thằng Hà Nội cắt rốn chôn nhau – Sàigòn nghĩa ân đùm bọc, lọt tõm vào chiếc ghe trình độ đi rạch đi sông của Rạch Giá - Miệt Vườn; trùng dương ba đào đưa đẩy, trùng khơi sóng gió đưa duyên, lưu vong tận miền Bắc Cực tuyết băng này…).
*
Hãy ngước nhìn lên bầu trời Việt Nam, bạn hãy nói cho hắn biết: trăng sao có còn đó hay không; hắn sẽ nói cho bạn hay: bạn là người thế nào.
*
Thằng tiểu tốt đầu chưa ráo máu năm xưa, nay đã bạc đầu. Nhưng, làm như nó khắc sâu trong tâm khảm mãi mãi, cái buổi chiều đầu tiên, đèo Ngày Tháng Ngao Du ngồi đằng trước, trên chiếc xe đạp ngoại của nó về nhà. Khi xe sắp quẹo vô ngõ, chợt Kim Kiếm Ðiêu Linh nhảy thoắt xuống, với thân pháp nhanh nhẹn dị thường, hai chân lui vài bước, rồi hai tay vung lên quyền cước chém gạt như đang tỉ thí quyết liệt với bóng quế hồn ma nào đó nơi cõi vô hình. Nó xuống xe lơ đãng quan sát cơn điên của Sa Mạc Phát Tiết, rồi trong một lúc vô tình dõi mắt nhìn theo cái hướng chỉ của nhất dương, cái giáng long phóng tới của chưởng lực mà Con Người Phản Kháng đang tụ công lực nhắm vào, nó kinh hoàng đốn ngộ: nơi cái cổng đầu ngõ ngất ngưỡng trên cao kia, cái đích nhắm còn gì khác hơn. Chưa hết kinh hoàng thì lại chợt bàng hoàng thấy Lễ Hội Tháng Ba thay đổi bộ pháp: đầu chổng ngược, hai chân sánh đôi trỏ trời, đi bằng hai tay bám đất, dõng dạc tiến về cái bức chân dung kia; giữa cái làn ranh trong – ngoài của con ngõ, hai tay dừng lại, hai chân thoắt banh ra: thình lình phô bày ra cái hồng hoang trần trụi, bất ngờ thị hiện ra cái nguyên thủy đất trời. Hồ như, cái giây phút ấy, nó nghĩ, không phải là khởi đi từ hận thù đơn lẻ cá biệt, không phải là phát xuất từ sự tranh giành bổng lộc ngôi thứ, mà chỉ thuần là niềm xót thương mênh mông vô hạn sinh linh rồi ra sẽ vô cùng lầm than điêu tàn sa mạc trên chính mảnh đất cha ông tiên tổ này; mà chỉ thuần là muốn chỉ ra cái nguồn cái gốc cái ách cái hang của thiên nhưỡng phân kỳ, của tang hải lưu ly, của thống khổ phù trầm, của khăn sô nước Việt. Nên bao nhiêu sở đắc về Héraclite Parménide Sophocle Homère, sở kiến về Cưu Ma La Thập Shakespeare Zarathoustra Nerval Gide Weil St- Ex Camus, bao nhiêu tri ngộ về Phật Kinh, tiệm ngộ về Thánh Kinh , bao nhiêu tấc lòng cảo thơm kính Khổng cợt Lão bỡn Trang, bao nhiêu tuế nguyệt chăn gối thi ca hồi khan với Ðường Tống, bao nhiêu tinh sương ăn nằm trống canh lần giở với Kiều Truyện, bao nhiêu tác phẩm mà tâm bút phiêu bồng đã viết ra giữa bình sinh trần gian hồng lệ, sát na tam muội này Bùi Giáng Trung Niên xin được cô đọng tất cả sở học tinh hoa của các bậc chân nhân hằng thủy, của trần thổ huynh đệ ngữ ngôn; để tinh lực được góp nhặt vào lời quê bốn chữ, rặt Nôm thuần Việt, hướng về cái… điêu ngoa nhị trùng kia, mà gửi lời thề nhập môn: … ... TAO NÈ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét