Bùi Văn Phú: Anh có thể cho biết anh đã quen với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong hoàn cảnh như thế nào?
Hoàng Thi Thao: Năm 1952 tôi sống với ông chú ruột là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ông chú họ là Cao Văn Nghi ở Sài Gòn. Hai ông muốn kiếm thêm tiền để ăn học bằng cách dạy kèm. Ông Thơ kèm cho Trịnh Quang Hà, em trai kế Trịnh Công Sơn. Ông Nghi là sinh viên dược khoa kèm cho Trịnh Công Sơn. Gia đình Sơn lúc đó khá giả, cư ngụ ở một vi-la trên đường Đặng Trần Côn là con đường nhỏ, rất ngắn, nối hai đường Gia Long và Nguyễn Du.
Tôi học cùng trường L’Aurore với hai em trai của Sơn là Trịnh Quang Hà và Trịnh Xuân Tịnh và một em gái là Trịnh Vĩnh Thúy. Anh Sơn lớn hơn đang học ở Chasseloup-Laubat. Anh Sơn thấy tôi hàng ngày tập violon, anh rất thương tôi và xem tôi như em. Chúng tôi thân thiết nhau từ lúc đó và sau này Tịnh và tôi là đôi bạn chí thân mãi cho đến bây giờ.
Tôi cũng muốn chia sẻ với anh lý do tôi nhận lời cho cuộc phỏng vấn này. Có hai người em của Trịnh Công Sơn từng nói với tôi là qua những bài viết về Trịnh Công Sơn thì Bùi Văn Phú là người viết trung thực nhất. Tôi cũng đồng ý như vậy. Những nhận định, nghiên cứu của anh về Trịnh Công Sơn khá chính xác. Nhưng chính anh đã xác nhận và tôi thấy một điều là anh chưa có dịp gần gũi Trịnh Công Sơn và có vài thông tin anh chưa biết rõ.
Ngoài chuyện Trịnh Công Sơn xem tôi như một người em, anh nghĩ tôi còn là một người có chút kiến thức âm nhạc để tâm sự. Thời trẻ tôi cũng đã hân hạnh gần gũi với Trịnh Công Sơn, đã từng ở chung một nhà, từng sống với nhau ở Đà Lạt, Huế, Sài Gòn. Chúng tôi có quá nhiều kỉ niệm để kể lể, nhưng tựu chung, ngắn gọn, tôi rất thương quý con người cũng như khâm phục tài năng nghệ thuật của Trịnh Công Sơn. Vì vậy tôi nhận trả lời những câu hỏi của anh.
Bùi Văn Phú: Cám ơn anh và người thân trong gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về những nhận xét và tình cảm dành cho tôi. Bây giờ xin hỏi, nhạc Trịnh đã đến với anh đầu tiên trong đời vào lúc nào? Bài hát đầu tiên nào của Trịnh Công Sơn mà anh còn nhớ?
Hoàng Thi Thao: Khoảng năm 1958, 59 tôi được nghe “Ướt mi” và “Thương một người” qua giọng ca Thanh Thuý ở phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện và vài nơi khác… Không riêng gì ở Anh Vũ, khách ở các dancing, phòng trà khi thấy Thanh Thuý xuất hiện, họ thường yêu cầu hai ca khúc này. Một bài nữa mà ít người biết, đó là “Những Giọt Sương Khuya” là bài Tango duy nhất của Trịnh Công Sơn. Hai bài trước Thanh Thuý giới thiệu Trịnh Công Sơn bán cho nhà xuất bản An Phú ở đường Lê Thánh Tôn. Còn bài “Những giọt sương khuya” thì được ấn hành bởi nhà xuất bản Ly Tao của Hoàng Thi Thơ năm 1959. Đây là ba ca khúc được xem như đầu tiên của giòng nhạc Trịnh và cũng là những bài hát đầu tiên tôi còn nhớ. Sau này ra Huế anh viết thêm “Phôi pha”, “Nhìn những mùa thu đi”.
Bùi Văn Phú: Thời Việt Nam Cộng hoà anh sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, anh có nhớ gì về những cuốn băng “Hát cho quê hương Việt Nam” của Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly?
Hoàng Thi Thao: Mùa đông năm 1965 Trịnh Công Sơn đang dạy học ở Bảo Lộc, về Huế mang theo hơn 30 ca khúc. Anh hát cho tôi nghe và giải thích cặn kẽ ý nghĩa, ca từ… và chúng tôi cũng hát với nhau vài lần. Sau đó tôi vận động với vài bạn hữu sinh viên trường Luật của Đại học Huế và thế là chúng tôi tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại giảng đường của viện đại học. Hơn 30 ca khúc, trong đó có gần 20 bài nằm trong tập Ca khúc Da vàng như “Gia tài của Mẹ”, “Người con gái Việt Nam”, “Giọt nước mắt cho quê hương”, “Người già em bé”… Hôm đó Trịnh Công Sơn hát solo đa số, tôi cùng cặp vợ chồng bạn học với anh Sơn ở Qui Nhơn là Lê Gia Phàm đã hát phụ vài bài. Lúc đó chỉ có anh và tôi đệm theo bằng ghi-ta. Đêm đó được xem là buổi nhạc rất thành công với chủ đề nhạc Trịnh đầu tiên và Trịnh Công Sơn đã được cả thành phố Huế yêu thích.
Về cuốn băng “Hát cho quê hương Việt Nam” thì tôi nhớ tới anh Trần Nam Hải, lúc đó đang phụ trách chương trình nhạc cho Phòng Thông tin Hoa Kỳ đã mời Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đến Phòng Thông tin để thu lại những “Ca khúc Da vàng” bằng tape reel-to-reel là loại băng nhựa lớn, đường kính chừng 20 centimét. Năm 1968, Trịnh Công Sơn, Trịnh Xuân Tịnh và tôi ở chung một phòng tại trụ sở CPS, góc Gia Long và Công Lý. Trịnh Công Sơn đặt tên cho cuốn băng là “Hát cho quê hương Việt Nam”. Nam Lộc và tôi đã đưa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đến và hình như vì mệt quá, Trịnh Công Sơn đã nhờ tôi đệm ghi-ta cho Khánh Ly vài bài. Không hiểu tại sao cuốn băng lọt ra ngoài và các tiệm băng nhạc bán rất đắt hàng. Có thể nói là lên đến hàng chục ngàn cuốn. Thời đó chưa có cát-sét hay CD. Thời gian từ 68 cho đến 75 tôi thấy gần như hầu hết các quán café, không riêng Saigon mà ở khắp nước đều phải có cuốn băng nhạc này cho khách nghe. Chủ quán và cả khách đều không hề biết đó là những ca khúc KHÔNG được cấp giấy phép. Trước hoặc sau 75 đều không có một lịnh cấm chính thức nào cả.
Bùi Văn Phú: Anh có thể nói rõ hơn băng này khác với “Hát cho quê hương Việt Nam 1”, do Hội quán Cây Tre phát hành khoảng năm 1969 ra sao? Băng sau này có lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Đình Toàn và tất cả 21 bài hát do Khánh Ly trình bày đều có ban nhạc đệm theo, không chỉ tiếng ghi-ta.
Hoàng Thi Thao: Băng nhạc “Hát cho quê hương Việt Nam” đầu tiên do Trần Nam Hải thực hiện với giọng hát Khánh Ly và chỉ tiếng đàn ghi-ta của Trịnh Công Sơn là chính thức. Sau này, khoảng năm 1969, 70 khi làm chủ Hội quán Cây Tre ở Đinh Tiên Hoàng Dakao, nằm trong một đường hẻm nhỏ cạnh sân Hoa Lư, Khánh Ly thực hiện khá nhiều băng nhạc trong số đó có vài cuốn “Hát cho quê hương Việt Nam” số 1, 2, 3… nhưng tất cả là về sau nầy.
Bùi Văn Phú: Còn băng nhạc với giọng hát Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ tự đệm ghi-ta với những ca khúc như Gia tài của mẹ, Người con gái Việt Nam là được thâu băng vào thời điểm nào? Có chủ đề gì không?
Hoàng Thi Thao: Băng nhạc này cũng do Trần Nam Hải thực hiện cùng một lần vào năm 1968. Có bài Khánh Ly hát, có bài chính Trịnh Công Sơn hát.
Bùi Văn Phú: Chuyện nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không đi lính, theo hiểu biết của anh là như thế nào?
Hoàng Thi Thao: Năm 1966 đang dạy học ở Bảo Lộc thì Bộ Giáo dục chỉ thị ngưng dạy và bắt trình diện tại Trung tâm Một Nhập ngũ ở Đà Nẵng để vào quân trường Thủ Đức. Sau 3 lần tái khám, mặc dù đã có gắng thức đêm, nhịn ăn chỉ uống cafe đen đặc, hút thuốc lá thật nhiều nhưng Trịnh Công Sơn vẫn không được miễn hay hoãn dịch. Thế là Trịnh Công Sơn dứt khoát quyết định trốn lính.
Vì ngại ở Huế, một thành phố quá nhỏ nên Trịnh Công Sơn lặn lội vào Sài Gòn đất rộng người đông, tá túc tại nhà một người bạn là hoạ sĩ Đinh Cường ở gần chợ Tân Định. Rồi nay đây mai đó, nơi nào cảm thấy an toàn thì anh ghé lại một thời gian. Thời gian nầy tên tuổi Trịnh Công Sơn đã bắt đầu nổi, khá nhiều viên chức trong quân đội, cảnh sát thường lui tới thăm viếng và mời mọc. Trịnh Công Sơn chẳng bao giờ từ chối ai, vừa được an toàn rong chơi, vừa ngầm báo cho “cớm chìm”, “cơm nổi” thấy mình quen lớn và vẫn là người quốc gia.
Ngoài những anh em thân thiết như Cò Công quận 2, Cò Dzu quận 9, Cò Ly ở Biên Hòa… là bên cảnh sát, còn có các sĩ quan như Quang “Dù” là tư lịnh Liên đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống; có Văn Quang, Trung tá giám đốc Đài Phát thanh Quân đội. Lá bùa hộ mạng lớn nhất là Lưu Kim Cương đang là Tư lịnh Không đoàn 33 trấn đóng ở Tân Sân Nhất. Hàng tuần Lưu Kim Cương đón Trịnh Công Sơn vào Tân Sơn Nhất ca hát, ăn nhậu và đối xử rất tử tế. Cũng vì vậy mà ngày 8 tháng 5 năm 68, khi Lưu Kim Cương vừa tử trận buổi sáng, đêm đó Trịnh Công Sơn đã viết xong ca khúc “Cho một người vừa nằm xuống”. Hôm sau tôi đích thân cầm bài hát chạy xuống nhà Khánh Lý tập hát. Ở Việt Nam ai cũng biết Trịnh Công Sơn trốn lính, nhưng chẳng bao giờ có lịnh trên nào bảo bắt Trịnh Công Sơn cả.
Khi Đại tá Lưu Kim Cương tử trận vào tháng 5 năm 68, vị sĩ quan chánh văn phòng ngại không bảo vệ nổi nữa nên đã cho quân cảnh đón Trịnh Công Sơn và tôi đi khám sức khỏe để nhập ngũ khóa 68-A Không Phi hành. Thế nhưng Trịnh Công Sơn cầm được tờ giấy tái khám, giấy ghi danh nhập ngũ để hợp lệ được vài tháng, rồi cũng lại “trốn lính”. Tôi bị Trịnh Công Sơn xí gạt, hứa là sẽ cùng vào Không quân, thế rồi tôi phải một mình nhập ngũ! Ngày tôi lên đường nhập ngũ, Trịnh Công Sơn an ủi: “Thôi kệ, chịu khổ cho anh em nhờ”.
Các ông trưởng ty cảnh sát ở Sài Gòn, Biên Hoà như Cò Dzu, Cò Ly, Cò Công… còn phát danh thiếp cho Trịnh Công Sơn và dặn dò: Hễ bị cảnh sát hỏi giấy thì báo gọi cho các vị đó ngay. Và nhớ cho họ biết là “người nhà” của họ.
Bùi Văn Phú: Anh có những hiểu biết về in ấn và phát hành sách, băng nhạc của Trịnh Công Sơn. Trả lời một câu hỏi ở trên anh có nói nhạc Trịnh không bị cấm, theo anh biết thì những tập nhạc như “Ca khúc Da vàng”, “Kinh Việt Nam” đã được ra đời như thế nào?
Hoàng Thi Thao: Vào thời Việt Nam Cộng hoà chẳng hề có một văn thư chính thức nào cấm nhạc Trịnh hay những tác giả khác. Thế nhưng muốn phát hành, muốn hát ở đài phát thanh, phát trên truyền hình, muốn in các ca khúc thì phải qua kiểm duyệt từ Bộ Thông tin. Nghĩa là phải có giấy phép do ai đó đứng tên xin phép, không nhất thiết phải là tác giả.
Trước 1968 Trịnh Công Sơn không bao giờ nghĩ đến viết nhạc để mưu sinh. Những bài của anh được bán rất chạy, nhưng do người khác khai thác, in thành tờ nhạc, như bài “Chiều một mình qua phố” mà Duy Khánh đã mua đứt bản quyền, để vừa khai thác vừa hát, mà sau này mỗi khi nghe Duy Khánh hát bài này Trịnh Công Sơn đau khổ ra mặt, chúng tôi đùa giỡn sửa tựa đề lại là “Chiều một mình quá phô!” (Quá phô = tres faux tiếng Pháp, nói lái chữ Qua Phố)
Hoặc nhạc Trịnh Công Sơn do những nhà xuất bản như An Phú, An Tiêm, Lá Bối, Minh Phát, Diên Hồng in ấn, phát hành. Số tiền chẳng là bao nhiêu và sau khi nhận tiền tác quyền, Trịnh Công Sơn đưa bạn bè, anh em đi ăn nhậu hoặc vào dancing vui chơi, nhiều lắm là được hai, ba buổi là hết!
Năm 1968 cũng là một khúc quanh quan trọng trong vấn đề mưu sinh của gia đình Trịnh. Trịnh Xuân Tịnh, người em thứ hai của anh Sơn quyết định tự đứng ra in ấn, xuất bản, phát hành toàn bộ tác phẩm của anh mình. Tôi là người đứng ra phụ giúp vì Trịnh Công Sơn và Tịnh đều không biết rõ cách thức, thủ tục để xuất bản. Trước tiên là phải xin giấy phép từ Phòng Kiểm duyệt Bộ Thông tin nằm trên đường Phan Đình Phùng. Cũng rất may chủ sự phòng này là nhạc sĩ Lan Đài, tác giả ca khúc “Chiều tưởng nhớ”, ông biết và thương tôi, tôi rất thân mật gọi ông bằng chú, nên tất cả những bài tình ca của Trịnh Công Sơn ông đều dễ dàng chấp thuận, ký cho tôi giấy phép. Cũng có vài chữ, ca từ, ông bảo tôi mang về cho Trịnh Công Sơn sửa lại nhưng tôi cũng chẳng bao giờ làm, vì đã nắm được giấy phép trong tay.
Đến đây tôi xin mở ngoặc để nói đôi chút về thái độ của khá đông các cấp chỉ huy, lãnh đạo tại miền Nam. Nhận xét riêng của tôi là đa số rất có lòng thương mến đối với anh em văn nghệ sĩ. Không những không gây khó khăn mà lại tận tâm giúp đỡ. Thái độ của nhạc sĩ Lan Đài là một thí dụ và sau này con rất nhiều cấp cao khác nữa.
Ngoài những bản tình ca, Trịnh Công Sơn vẫn song song viết nhạc phản chiến, quê hương và tôi đã khuyên Tịnh và Trịnh Công Sơn đừng mất công xin giấy phép kiểm duyệt, không ai dám cấp giấy phép đâu.
Tuy nhiên Tịnh vẫn in ấn toàn bộ những ca khúc này qua bốn, năm tập nhạc với tựa đề Ca khúc Da vàng 1, Ca khúc Da vàng 2, Kinh Việt Nam và lấy tên Nhà xuất bản “Nhân Bản”.
Phía trang cuối vẫn ghi số được cấp giấy phép và ngày giống như những tờ nhạc tình ca. Nhưng hoàn toàn là số, ngày cấp giả.
Những loại nhạc nầy mặc dù không được trình diễn công khai ở đài phát thanh, truyền hình, các buổi nhạc hội nhưng trong quần chúng thiên hạ và nhất là trong các trường đại học, trung học vẫn được phổ biến, lưu hành mạnh mẽ.
Số lượng sách và tờ nhạc rời do Tịnh xuất bản đã được bán ra ào ạt vượt qua tất cả những tác giả khác khá xa. Trịnh Công Sơn thấy em mình làm được việc, mang lại một nguồn lợi đáng kể, thế là để đóng góp cho gia đình, anh đã viết đã sáng tác không ngừng nghỉ và tập hát cho Khánh Ly. Cũng có vài ca khúc khác như “Hãy khóc đi em” hoặc “Ru ta ngậm ngùi” Trịnh Công Sơn nhờ tôi giao cho Carol Kim hoặc vài ca sĩ khác…
Nhạc Trịnh được rất nhiều người yêu thích, ngay cả Tổng thống Thiệu đã phát biểu: Mỗi khi cần năng lực để làm việc, tôi nghe nhạc Xây dựng Nông thôn, khi nào tôi cần thư giãn, nghỉ ngơi thì tôi nghe tình ca Trịnh Công Sơn.
Cho nên nói chung miền Nam tự do chẳng hề có lịnh cấm ai, bắt ai nhưng chẳng có giới chức nào chính thức cấp giấy phép cho những tác phẩm có tính cách phản chiến hay đối lập. Nhạc Trịnh Công Sơn cũng vậy. Tình ca thì cấp phép, được xuất bản rồi phát hành rộng rãi mà nhạc quê hương, nhạc phản chiến do người em Trịnh Xuân Tịnh in lậu rồi cũng phát hành rộng rãi một cách âm thầm! Nói rõ hơn toàn bộ những ca khúc phản chiến, về quê hương không chính thức bị cấm đoán ở miền Nam.
Bùi Văn Phú: Sau 1975 các ca khúc da vàng không còn được hát ở Việt Nam, theo anh hiểu thì hiện nay còn cấm không?
Hoàng Thi Thao: Bây giờ gia đình Trịnh đang vận động để xin chính quyền Việt Nam cấp phép cho giòng nhạc này, nhưng vẫn không được chấp thuận. Có một lần, vào năm 2004 ngồi với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Thanh Tùng, Bảo Phúc, tôi đã nghe họ bàn luận một buổi nhạc với chủ đề: “Những ca khúc Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép.” Có thể hôm đó là rượu vào lời ra, hay vì đang ngồi trong tiệm ăn của nhà họ Trịnh chăng?
Bùi Văn Phú: Trước khi Trịnh Công Sơn qua đời, lần sau cùng anh gặp nhạc sĩ ở đâu và có điều gì đáng nhớ còn đọng lại với anh?
Hoàng Thi Thao: Tháng 5 năm 2000 tôi cùng với gần 30 anh chị gốc Huế về Việt Nam du lịch. Chúng tôi cùng Trịnh Công Sơn tụ họp tại quán 3 Miền của em trai Trịnh Công Sơn. Hai lần gặp nhau ở quán TIB của em gái anh. Vài lần cùng anh đến Hội quán Âm nhạc của nhạc sĩ Từ Huy, gần hồ con rùa, để nghe nhạc. Đêm cuối ở TIB, Trịnh Công Sơn có hỏi tôi đã có bức tranh nào của anh chưa? Tôi nói chưa. Trịnh Công Sơn nói: “Moa vừa vẽ gần xong bức cuối, mệt mỏi quá, không vẽ nổi nữa. Chút nữa ghé nhà, moa ký tặng.” Nhưng rồi lu bu với vài người bạn, không ghé lại được để nhận tranh. Thật là đáng tiếc.
Cũng trong lần gặp gỡ này, chị Tôn Nữ Tâm Thường, vợ bác sĩ Võ Văn Tùng, hiện đang ở Huntington Beach, California có hỏi Trịnh Công Sơn một câu: Bài này Sơn viết cho ai, lúc nào? Trịnh Công Sơn trả lời: Chị sống gần Thao sao không hỏi? Sơn không nhớ nổi. Hỏi Thao là chắc ăn nhất.
Lần cuối nói chuyện với Trịnh Công Sơn qua điện thoại vào tháng Giêng 2001, sau khi anh nhận được 2 chai rượu Blue Label tôi nhờ Tịnh mang về để làm quà Tết. Tôi còn nhớ lời nói của anh: “Rượu rất ngon. Nhưng moa đang đau lắm!” Thế rồi ba tháng sau anh ra đi.
Bùi Văn Phú: Có nhận định cho rằng nhạc về quê hương, chiến tranh của Trịnh Công Sơn mang tính phản chiến, thân cộng, riêng anh nghĩ sao?
Hoàng Thi Thao: Tôi không thấy Trịnh Công Sơn thân cộng. Qua nhạc quê hương của anh tôi thấy mang tính phản chiến và dân tộc chủ nghĩa thì đúng hơn.
Thật ra ai thân cộng, ai chống cộng thì tự người đó biết. Làm sao người này mà hiểu rõ được cái đầu của người kia? Nhưng nếu cho rằng anh thân cộng thì làm sao có hai ca khúc liền sau Mậu Thân: “Bài ca dành cho những xác người” và “Hát trên những xác người”. Rồi đích thân Lưu Kim Cương đón hai anh em Sơn, Tịnh vào Sài Gòn.
Hoặc như bài “Ngụ ngôn mùa đông” có ca từ:
Một ngày mùa đông
Hai bên là rừng
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan…
Thân cộng thì phải là “tiêu diệt quân xâm lược”, chứ sao lại là “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”?
Bùi Văn Phú: Có bài hát nào về quê hương, chiến tranh hay thân phận của Trịnh Công Sơn mà anh thích nhất vào thời đó?
Hoàng Thi Thao: Khá nhiều bài tôi thích, như “Nước mắt cho quê hương”, “Xin mặt trời ngủ yên”, “Đại bác ru đêm”, “Xin cho tôi”, “Gia tài của Mẹ”. Phần đông các bài này nằm trong tập Ca khúc Da Vàng 1, tức là những bài đầu tiên viết về quê hương, chiến tranh, thân phận ở Bảo Lộc trước năm 1968. Những ca khúc nặng nề về sau thì tôi không thích và đã nói thẳng với Trịnh Công Sơn điều này.
Bùi Văn Phú: Những “ca khúc nặng nề” có ca từ như thế nào? Khi anh nói với Trịnh Công Sơn là anh không thích, phản ứng của nhạc sĩ ra sao?
Hoàng Thi Thao: Đại khái những ca từ như “gông cùm”, “xiềng xích”, “nô lệ”… trong “Kinh Việt Nam”. Miền Nam làm gì có gông cùm, xiềng xích, nô lệ nào đâu? Tôi không thích và thấy ca từ không thích hợp với thực trạng của miền Nam Việt Nam lúc đó. Trịnh Công Sơn kêu gào: “Ta phải thấy mặt trời!”, nào có ai ngăn cấm anh nhìn mặt trời đâu. Ngày nào ở Sài Gòn mà anh chẳng ra La Pagode, Givral, Continental… để nhìn thiên hạ và mặt trời cũng đang chờ anh kìa? Khi tôi góp ý và cho anh thấy loại nhạc này chỉ là nhất thời, giai đoạn và tình ca vẫn luôn là bất diệt. Anh trả lời: “Hoàn cảnh đất nước thôi thúc phải viết!”
Và sự thật đã phơi bày. Những ca khúc loại này, trước đây và ngay cả bây giờ là không thành công. Với tôi:
Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè,
Ngựa hồng mỏi vó chết trên đồi quê hương…
Phản chiến như vậy là quá đủ, đã hay lắm rồi.
Bùi Văn Phú: Nhạc Trịnh Công Sơn có ca từ:
Bao nhiêu năm còn nô lệ
Anh em ta nhận vũ khí
Quê ta bãi hoang chiến trường
Diệt nhau như thú
Trôi bao nhiêu dòng máu đỏ
Bao yêu thương lùi trong quá khứ
Ôi giấc mơ thanh bình còn quá xa…
[Hát cho quê hương Việt Nam 5]
Nhưng có người cho rằng cho rằng Trịnh Công Sơn bênh vực hay đứng về phiá cộng sản. Nhận xét của riêng ông ra sao?
Hoàng Thi Thao: Mặc dù tôi không thích bài này, nhưng tôi nghĩ Trịnh Công Sơn viết rất đúng với hoàn cảnh đất nước chúng ta. Có ai mong nhận vũ khí để giết nhau như bầy thú, để biến quê ta thành bãi chiến trường đâu. Tôi rất sợ chiến tranh, nhất là chiến tranh trên quê hương vốn đã nghèo nàn như nước Việt chúng ta. Tôi cám ơn Trịnh Công Sơn đã nói hộ cho thế hệ chúng tôi vào giai đoạn đó
Bùi Văn Phú: Nghe lại “Gia tài của mẹ”:
Một ngàn năm nô lệ giặc tàu
Một trăm năm đô hộ giặc tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn…
[Hát cho quê hương Việt Nam 1]
Thời chiến tranh anh nghĩ gì hay có lí giải gì về lời ca này? Bây giờ anh có suy nghĩ ra sao?
Hoàng Thi Thao: Lúc còn trẻ tôi tham gia các chương trình sinh hoạt sinh viên học sinh và đoàn Thanh niên Thiện chí. Tôi dùng bài này để tất cả cùng ca hát khi sinh hoạt. Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy nội dung trong “Gia tài của Mẹ” là đúng với hoàn cảnh đất nước.
Bùi Văn Phú: Trước năm 1975, Trịnh Công Sơn đã viết:
Ðêm nay hòa bình sao em nhỏ chưa vui
Hãy bước ra đây nhìn phố ngập người
Ðêm nay hòa bình không nụ cười trên môi
Nhìn quanh em không ai còn lại
Không ai còn lại
Ru đỡ tình người cho có đôi…
Ðêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui
Mẹ hãy ra xem đường phố ngập người
Ðêm nay hòa bình mắt mẹ buồn như kinh
Lời kinh đêm ru căn nhà lạnh
Ru me một mình
Ru mẹ một mình ôm bóng đêm…
Dường như nhạc sĩ đã biết về một ngày hoà bình đến trên quê hương buồn như thế. Nhìn lại, anh có những suy nghĩ gì, nhận xét gì?
Hoàng Thi Thao: Năm 1968 Trịnh Công Sơn nghe theo lời kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống, nay đang ở Pháp, viết khoảng 30 bài “phản chiến loại hạng nặng” rồi in thành một tập sách nhạc đặt tên là “Kinh Việt Nam”. Tôi không thấy hay và không muốn nghe những ca từ quá nặng nề này. Tôi cũng không đồng ý với tựa đề “Kinh Việt Nam” như lời xúi giục của ông kiến trúc sư đó. Lúc đó tôi đã tranh cãi khá nặng nề với Đống vài lần về chuyện “Kinh Việt Nam” này.
Bùi Văn Phú: Những ngày cuối tháng 4/1975 anh ở đâu và làm gì?
Hoàng Thi Thao: Tháng 4 năm 75, tôi là quân nhân làm việc tại căn cứ Không quân Tân Sân Nhất. Sau một đêm mệt mỏi, lo lắng cho Mẹ và ông anh. Trưa ngày 29 tháng 4, tôi rời căn cứ trở về nhà. Trước đó tôi đã có hai cơ hội để lên máy bay di tản khỏi Việt Nam. Nhưng chẳng hiểu vì lý do nào, tôi đều bỏ cuộc.
Bùi Văn Phú: Ngày 30/4/1975 Trịnh Công Sơn lên đài hát “Nối vòng tay lớn” kêu gọi mọi người ở lại xây dựng đất nước. Anh có nghe và biết gì về sự kiện này?
Hoàng Thi Thao: Sau gần 2 năm về Huế ở căn nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ, ngày 25 tháng 3 năm 75 Trịnh Công Sơn từ Đà Nẵng vào Sài Gòn bằng chuyến bay C-130 của Không quân Việt Nam Cộng hoà. Tôi có đến thăm và không thấy Trịnh Công Sơn và gia đình tính chuyện di tản.
Buổi trưa ngày 30 tháng 4, 75 tôi có nghe Trịnh Công Sơn hát “Nối vòng tay lớn”, nhưng không được nghe những gì Trịnh Công Sơn nói trước khi hát. Vì vậy tôi không dám quả quyết đó là giọng nói của Trịnh Công Sơn hoặc của ai khác.
Sau này, năm 89 lần đầu tiên trở lại Việt Nam, tôi hỏi thì được Trịnh Công Sơn trả lời: Ngày 30 tháng 4, ngày đất nước thống nhất mà không hát bài đó thì hát bài gì ? Moa viết bài đó để đón chào ngày đất nước thống nhất mà.
Chuyện lên đài hát, theo tôi đó là nhược điểm của Trịnh Công Sơn, là thường hay nghe lời xúi giục từ người quen, mặc dù chưa thân thiết. Trịnh Công Sơn lên đài hát “Nối vòng tay lớn” là cũng là nghe theo lời Nguyễn Hữu Thái? Nhưng trước ngày đó cũng đã nghe những lời đồn rất đáng sợ từ một vài văn nghệ sĩ, chẳng hạn như: Đã có một buổi họp trong rừng là khi chiếm được Sài Gòn thì Cách mạng sẽ chặt đầu Trịnh Công Sơn. Hoặc: Tại sao không ở lại Huế để chào đón cách mạng, giải phóng mà chạy theo đoàn người di tản…
Điều này cũng như vài “ca từ” trong nhạc “phản chiến” đã gây khốn khổ không ít cho Trịnh Công Sơn sau khi trở lại Huế tháng 5 năm 75. Viết mấy lần bản kiểm thảo ở Huế mà cũng không được yên thân. Đại loại như vậy khiến những ngày tháng 4, tháng 5 Trịnh Công Sơn không dấu được nỗi bất an, lo sợ.
Một ngày sau 30 tháng 4, tôi có trở lại nhà ở 47-C Duy Tân. Trịnh Công Sơn nhờ tới tập hát một số bài cho một nhóm các em học sinh vẫn hàng ngày đến nhà. Trong số những bài đó có cả “Tiến về Thủ đô” của Trọng Bằng, “Như có Bác Hồ…” của Phạm Tuyên, “Mặt trận Giải phóng…” của Lưu Hữu Phước. Nghe những bài nầy tôi bị dị ứng, rợn người và nổi da gà. Chán nản, tôi bỏ đi cho đến hai, ba tuần sau nghe tin Trịnh Công Sơn cùng thân mẫu lên đường trở lại Huế thì tôi có đến tiễn đưa.
Bùi Văn Phú: Những năm khoảng từ 1975 đến 80 dư luận về Trịnh Công Sơn mà anh biết được ra sao?
Hoàng Thi Thao: Thời gian từ tháng 5/1975 cho đến 78 Trịnh Công Sơn làm việc với Hội Văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên ở Huế. Tôi chỉ gặp mỗi khi Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn vài ngày phép. Ở Sài Gòn Trịnh Công Sơn và chúng tôi hằng đêm uống rượu với Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi… Những bữa tiệc rượu này là do một người bạn rất thân với tôi, thi sĩ Phạm Nhuận, hiện đang sống tại Maryland, khoản đãi.
Được ngồi trong tiệm Tài Nam ở chợ cũ Saigon, tôi thấy đó là niềm hạnh phúc rất lớn đối với anh. Hình như thời gian ở Huế Trịnh Công Sơn rất khổ sở và rất mong được thoát khỏi Huế, nhưng tôi không rõ chi tiết. Năm 1978 hay 79 anh xin được biên chế làm việc cho Hội Nhạc sĩ Thành phố Hồ Chí Minh với sự trợ giúp đặc biệt của ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Thành phố HCM và nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Thời gian 1975 đến 1980 dư luận cũng chẳng có gì đặc biệt vì người dân lúc đó quá chật vật với miếng cơm manh áo, ai ai cũng in sẵn trong đầu một chiếc ghe để sẵn sàng ra đi.
Lúc mới từ Huế vào lại Saigon, Trịnh Công Sơn hằng ngày cưỡi chiếc Honda PC đến Hội Nhạc sĩ ngồi tán dóc và gắng gượng tự an ủi với ca khúc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Niềm vui chẳng hề có trong quãng thời gian này, cho nên Trịnh Công Sơn phải thắp đuốc đi tìm. Một ca khúc khác cũng được yêu thích là “Em còn nhớ hay em đã quên” là do cảm hứng rất thật đến với Trịnh Công Sơn là ba người em gái vượt biên năm 1978, Vĩnh Thuý – Vĩnh Tâm cùng chồng Hoàng Tá Thích và Vĩnh Trinh.
Có người cho rằng Võ Văn Kiệt đặt hàng bài này để khuyên đồng bào bớt vượt biên, điều này hoàn toàn không đúng. Nhờ hai ca khúc nầy Khánh Lý đã thực hiện trong một cuốn băng và đã rất thành công tại Mỹ.
Bùi Văn Phú: Thời Trịnh Công Sơn mới trở lại Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng gần như vào sống chung với nhạc sĩ và căn nhà ở 47-C Phạm Ngọc Thạch, đường Duy Tân cũ, được canh chừng, anh thấy có đúng không?
Hoàng Thi Thao: Theo tôi biết thì Nguyễn Quang Sáng có một căn nhà nhỏ trong một hẻm trên đường Công Lý, gần Dinh Độc Lập. Đã có vài lần Trịnh Công Sơn đưa tôi đến uống rượu tại căn phong đó. Có lẽ nhà Trịnh Công Sơn là nơi chốn thích hợp, thoải mái cho nên không riêng gì Nguyễn Quang Sáng mà rất nhiều bạn hữu lui tới căn nhà đó, trong đó có tôi. Và tôi cũng không thấy căn nhà ở đường Duy Tân bị canh chừng gì cả!
Bùi Văn Phú: Anh đã xem phim “Đất khổ”, trong đó Trịnh Công Sơn đóng vai chính chưa? Xin anh cho biết ý kiến.
Hoàng Thi Thao: “Đất khổ” là một phim “phản chiến”, có lẽ vì vậy bị cấm chiếu ở Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh? Vì ham vui và muốn yểm trợ tinh thần cho Trịnh Công Sơn đã có nhiều anh em bạn hữu tham gia đóng vai phụ, trong đó có Hoàng Xuân Sơn, Giang, Hoàng Ngọc Tuấn, Ngô Vương Toại, Trịnh Xuân Tịnh… và tôi.
Bùi Văn Phú: Năm nay nhân giỗ 10 năm Trịnh Công Sơn có vài tác phẩm đã được phát hành trong nước. Đáng chú ý là “Thư tình gửi một người” với những bức thư Trịnh Công Sơn gửi cho Ngô Vũ Dao Ánh từ 1964 đến 1969. Anh có biết về mối tình này?
Hoàng Thi Thao: So với vài chục giai nhân mà Trịnh Công Sơn quen biết và yêu mến thì Ngô Vũ Dao Ánh được xem là mối tình lớn của anh. Quen biết với Ngô Vũ Bích Diễm, con gái một giáo sư Pháp văn khả kính qua hai người bạn dạy cùng trường Đồng Khánh, Huế. Trịnh Công Sơn và Bích Diễm chỉ xem nhau như bạn.
Một ngày đẹp trời cô em gái kế Dao Ánh, cô em gái thường mở, đóng cửa cho các bạn trai của chị mình phải lòng Trịnh Công Sơn và Trịnh Công Sơn cũng đáp trả không ngần ngại, thế là chớm nở tình yêu. Hai người yêu nhau say đắm, nồng nàn. Từ Bảo Lộc, được nghỉ hè, nghỉ Tết, Trịnh Công Sơn tức tốc bay về Huế để hàng ngày được Dao Ánh đến tận nhà cận kề chăm sóc, thủ thỉ. Và thế là hàng chục tình ca bất hủ qua hình ảnh, cảm hứng từ Dao Ánh lần lượt ra đời: “Hạ trắng”, “Nắng thuỷ tinh”, “Mưa hồng”, “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Tuổi đá buồn”, “Còn tuổi nào cho em”.
Song song với các ca khúc là những bức thư tình nặng trịch, thậm chí cái bao thư không đủ chứa những lá thư tình đã bị rách góc, theo lời kể của Dao Ánh với tôi. Thế rồi chẳng hiểu vì lý do nào đó, Dao Ánh tuyên bố lấy chồng, hôn phu là một sinh viên thuộc giòng Hoàng tộc Nguyễn Phước du học Pháp trở về với tấm bằng HEC từ Pháp. Chàng đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi. Đúng là mẫu đàn ông lý tưởng cho các cô gái kén chồng. Sau này làm giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương tín.
Trịnh Công Sơn đang ở trong tình trạng bi đát nhất của cuộc đời. Mặc dù rất đau khổ, phải chấp nhận chức giáo viên trường làng mà cũng không được yên thân. Bộ Giáo dục đã cắt lương, trốn lính, một mẹ già, 7 người em chưa trưởng thành, người anh yêu thương nhất lại chuẩn bị lấy chồng. Trong cơn đau khổ, Trịnh Công Sơn trút tất cả tâm sự vào những bức thư tình gởi Dao Ánh.
Trong những tâm tình qua những giòng chữ đó, tôi tin là ngoài chuyện tình yêu tuyệt vọng, Trịnh Công Sơn còn nhiều, rất nhiều khổ đau khác đang vây hãm anh. Ngồi tại nhà bạn hoạ sĩ ở Sài Gòn, anh vẫn dùng địa chỉ ở Bảo Lộc, có lẽ Trịnh Công Sơn không dám cho Dao Ánh biết sự thật về mình. Một thanh niên trốn lính, một nhạc sĩ nghèo, lang bạt.
Về việc in ấn và phát hành “Thư tình gởi một người”, thì đây không phải là lần đầu. Năm 2005 Dao Ánh đã tự thực hiện một CD, đặt tên là “Lời của giòng sông”, với hai tiếng hát Trần Thu Hà và Thu Phương, không có ban nhạc mà chỉ có vài tiếng ghi-ta rời rạc… trong đó Dao Ánh đã cho in vài bức thư vào CD rồi. Tôi được mời tham dự buổi ra mắt CD và bữa tiệc nhỏ tại Little Saigon. Lúc đó vài người em của Trịnh Công Sơn đã không vui vẻ tiếp nhận điều này. Tôi cho rằng những ca khúc viết về tình yêu mới chính là những bức thư tình tuyệt vời, đó mới là một sản phẩm văn hóa đáng phổ biến. Còn chuyện riêng tư, thư từ qua lại giữa hai người cần nên cất giữ, ấp ủ cho riêng mình thì hay hơn là đưa ra công chúng. Mà làm gì có đến 300 bức thư, 300 trang giấy học trò thì đúng hơn.
Bùi Văn Phú: Ngoài Bích Diễm, Dao Ánh, Bích Khê, Thanh Thúy (vũ nữ) theo anh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có những mối tình nào khác? Liệu có những bức thư tình khác nữa của Trịnh Công Sơn không?
Hoàng Thi Thao: Nhiều người bị nhầm lẫn giữa hai Thanh Thúy, một Thanh Thúy ca sĩ mà Trịnh Công Sơn gần gũi và quý mến và một Thanh Thúy “Tàu” là vũ nữ ở vũ trường Tự Do. Thanh Thuý “Tàu” này là thân mẫu của một giai nhân tên Annie Nga, Annie đã là vợ của nam ca sĩ Tuấn Ngọc và có với nhau hai người con gái. Hiện nay Thanh Thuý “Tàu” đang định cư ở Paris.
Thời trai trẻ, cuối thập niên 50, Trịnh Công Sơn rất thích khiêu vũ, thường lui tới dancing Mỹ Phụng, Tự Do. Cái đám cưới nào đó chỉ là một chuyện “rất đùa giỡn” giữa bạn bè với nhau mà thôi.
Về lại Huế, Trịnh Công Sơn giao du gần gũi, sinh hoạt với ca sĩ Hà Thanh, giải nhất đài phát thanh Huế, và quen biết rồi ngấm nghé cô em Trần Kiêm Phương Thảo. Cuộc tình cũng nhẹ nhàng như mây khói với ca khúc “Nhìn những mùa thu đi”.
Từ phố Phan Bội Châu, Trịnh Công Sơn nhìn lên Ga Huế với câu:
Nhìn những mùa thu đi
Anh nghe buồn lên TRÊN ấy
Bài này khi xin giấy phép liền bị Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hoà thắc mắc: TRÊN ấy là trên bưng phải không?
Năm 1970-72 với một giai nhân họ Phùng là Sylvie Lan ở Đà Lạt, là cháu ngoại của cụ Thượng Thư họ Phạm. Qua cuộc tình này Trịnh Công Sơn đã viết hơn 30 ca khúc tình yêu cho người yêu, tại căn nhà 33 Thi Sách, Đà Lạt của chị Thanh Sâm, sau này được in và phát hành là hai tập nhạc “Như cánh vạc bay” và “Cỏ xót xa đưa”.
Thế rồi nàng cũng lấy chồng, giống như Dao Ánh, Trịnh Công Sơn viết:
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.
(Đêm thấy ta là thác đổ)
Còn nhớ, sau khi chép lại 26 bài, Trịnh Công Sơn giao bản thảo, không có bản sao, cho người em là Trịnh Quang Hà mang vào Sài Gòn. Đêm đó chúng tôi kéo nhau đi chơi, về nhà ở căn gác 44B Bùi Chu, thấy trộm viếng thăm và lấy mất 26 bản thảo những ca khúc đó. Hà và Tịnh sợ quá gọi xin Trịnh Công Sơn lại bản thảo khác, Trịnh Công Sơn bảo quá mệt, dứt khoát không chịu chép lại. Sau tôi đành phải thức nhiều đêm, nghe qua một máy cát-sét rồi hì hục ghi chép lại 26 ca khúc đó.
Sau 75, cô gái họ Phạm tên Hoàng Lan với “Hoa vàng mấy độ”, “Như một lời chia tay” năm 1982 khi nàng rời Việt Nam.
Năm 1995 ra Hà Nội, ở lại nhà danh hoạ Bùi Xuân Phái, Trịnh Công Sơn viết “Nhớ mùa thu Hà Nội”, ca khúc này đã đánh thức thi nhạc sĩ Bắc Hà tỉnh giấc. Có một cô gái tên Dương Thị Nhan [ghi chú: bản trả lời không có dấu: Duong Thi Nhan] trong thời gian này nữa.
Đến thời kỳ “Bống” tức ca sĩ Hồng Nhung, tôi nghe nói là khá mặn mà nhưng không rõ lắm, tôi chỉ gặp đôi lần mỗi khi về Việt Nam.
Nhưng mặc dù lấy cảm hứng qua một giai nhân nào đó, khi viết nhạc Trịnh Công Sơn vẫn bị ám ảnh bởi giọng ca Khánh Ly. Có lần Trịnh Công Sơn khen Khánh Ly rất giỏi khi hát ca từ có dấu “hỏi” ở cuối câu, như trong “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Từ đó anh thường cố ý xử dụng cái dấu hỏi đó ở cuối câu cho Khánh Ly biểu diễn.
Trịnh Công Sơn cũng có cái tài ghép tên các người đẹp vào lời ca của mình nữa. Đến chơi nhà bạn là hoạ sĩ Tôn Thất Văn, thấy cô hàng xóm tên Lộc xinh xinh, thế là nhét chữ “Lộc” vào ca khúc: “Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa…”
Khánh Ly tên thật là Lệ Mai, thế là “Mai” có dài dài trong nhiều bài hát : Em theo đời cơm áo. Mai ra cùng phố xôn xao (Yêu dấu tàn theo)
Ở Qui Nhơn có cô bạn học tên Khê thế là có “Trời cao níu bước Sơn-Khê” trong “Biển nhớ”.
Bùi Văn Phú: Anh quen thân với gia đình Trịnh Công Sơn, theo anh nguyên do nào đã đưa đến những chuyện dự tính lập gia đình nhưng không thành của Trịnh Công Sơn?
Hoàng Thi Thao: Dù là anh cả nhưng trong gia đình, nhưng bảy người em đã xem Trịnh Công Sơn như một người cha thứ hai.
Muốn làm dâu trưởng của hai người em trai, năm cô em gái là chuyện không dễ dàng, chắc chắn phải chịu nhiều áp lực, nhiều “chăm sóc”. Với riêng suy nghĩ của tôi thì thấy chẳng ai yêu Trịnh Công Sơn thật lòng, có chăng là một phụ nữ mà không phải người Việt, cô ấy là một người Nhật.
Cô Yoshi Michiko, sinh viên Nhật du học tại Pháp, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn. Cô yêu Trịnh Công Sơn thật lòng và suýt nữa đã làm vợ Trịnh Công Sơn.
Một phụ nữ khác cũng chuẩn bị lên xe hoa với Trịnh Công Sơn là một á hậu, tên Vân Anh. Nhưng đây cũng là bi kịch tình ái của Trịnh Công Sơn, để rồi chúng ta có hai ca khúc “Con mắt còn lại” và “Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng”. Sau sự việc này Trịnh Công Sơn đã phải bay qua Montreal với các em đến 6 tháng cho nguôi ngoai nỗi buồn.
Bùi Văn Phú: Nhận xét của riêng anh về con người Trịnh Công Sơn?
Hoàng Thi Thao: Ngắn gọn, Trịnh Công Sơn là một thiên tài. Đã có quá nhiều bài viết, nhiều lời ca tụng lâu nay, thiết nghĩ không cần phải lập lại. Tôi hân hạnh gần gũi Trịnh Công Sơn vì quý mến anh, khâm phục trình độ, những hiểu biết của anh và anh đã xem tôi như một thằng em, thoải mái, dễ chịu, không xúi bậy, lại có phần đắc lực giúp anh trong những công việc mà anh cần thực hiện.
Bùi Văn Phú: Quận Cam, nơi có đông người Việt nơi ông sinh sống, những năm trước còn có các chương trình ca hát nhạc Trịnh vào dịp kỉ niệm ngày Trịnh Công Sơn mất. Năm nay dường như không có nơi nào tổ chức tưởng niệm. Là người sinh hoạt văn nghệ, anh có biết vì sao?
Hoàng Thi Thao: Trước đây Khánh Ly vẫn là người thực hiện những buổi nhạc Trịnh cho đến tháng 7 năm 2001, sau khi Trịnh Công Sơn qua đời 3 tháng cũng đã có một buổi hát khá lớn tại quận Cam. Hôm đó tôi đón Trịnh Vĩnh Trinh từ Việt Nam qua biểu diễn. Buổi trình diễn bị vài chục người biểu tình, lên án. Những năm sau này chị em Vương Hương và Luân Vũ tổ chức hát nhạc Trịnh hằng năm nhân ngày giỗ và thân phụ là hoạ sĩ Trịnh Cung được mời qua tham dự trong vai trò cố vấn và em-xi. Đến năm 2009, sau bài viết của Trịnh Cung “Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị” được phổ biến thì các chương trình hát nhạc Trịnh cũng đã thưa dần. Tuy nhiên, rất âm thầm tôi đã được mời tham dự khá nhiều buổi nhạc được tổ chức ở những địa điểm nhỏ, hoặc tại tư gia có chủ đề về Trịnh Công Sơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét