khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Cái Tôi Của Người Việt - Tác giả Từ Thức

 

Tại sao cái tôi, cái “égo” của người Việt lớn thế? Tôi gặp không biết bao nhiêu người vỗ ngực, tự cho mình là vĩ nhân. Không phải chỉ vỗ ngực, còn trèo lên nóc nhà gào khản cổ: tôi giỏi quá, tôi phục tôi quá, tại sao tôi tài ba đến thế?
Một lần ngồi nhậu với năm ông, có cảm tưởng ngồi với năm giải Nobel Văn Chương. Những ông như vậy, nhan nhản. Nói “ông,” vì hầu như đó là một cái bệnh độc quyền của đàn ông. Như ung thư vú là bệnh của đàn bà.
In một hai cuốn sách tào lao tặng bố vợ, nghĩ mình ngồi chung một chiếu với Marcel Proust, Victor Hugo. Làm vài bài thơ, câu trên vần (hay không) với câu dưới, nghĩ mình là Beaudelaire, Nguyễn Du tái sinh. Lập một cái đảng có ba đảng viên, kể cả em gái và mẹ vợ, nghĩ mình là lãnh tụ, ăn nói như lãnh tụ, đi đứng, tắm rửa như lãnh tụ. Viết vài bài lăng nhăng, đầu Ngô mình Sở, nghĩ mình là triết gia, trí thức, sẵn sàng dẫn dân tộc đi lên (hay đi xuống). Học gạo được cái bằng (chưa nói tới chuyện mua được cái bằng), nghĩ mình đã kiếm ra điện và nước nóng.
Tôi, tôi, tôi
Một ông bạn in một tấm danh thiếp khổ lớn, dầy đặc những chức tước, trong đó có “nhà nghiên cứu.” Những người quen không biết ông nghiên cứu cái gì, lúc nào. Tôi đáng nhận là nhà nghiên cứu hơn, vì thỉnh thoảng vẫn vào Google tìm mẹo trị mắc xương cá, hay cách nấu canh hẹ tầu hũ.
Nghĩ cũng lạ, cái TÔI to tổ bố ở một xứ như Việt Nam. Việt Nam, xứ của văn hóa Phật Giáo, một tôn giáo coi cái ngã là hư cấu, cái tôi không có thực. Nơi chịu ảnh hưởng Lão Giáo, những người đã ra suối rửa tai khi nghe thiên hạ nhắc tới tên mình. Nơi người Công Giáo thực hành đạo nhiệt thành, và Công Giáo coi vị tha, nghĩ tới người khác, là đức tính hàng đầu.
Không lẽ người Việt không hiểu tôn giáo mình đang theo?
Có ai đã gặp một người Nhật vỗ ngực: tôi, tôi, tôi. Nói chuyện với người Nhật, trong những cơ hội hơi chính thức, chưa gì họ đã mang giấy bút ra ghi chép. Làm như những điều bạn nói là khuôn vàng, thước ngọc.
Tôi là chân lý
Nước Việt nghèo, chậm tiến, lạc hậu. Đáng lẽ người Việt phải khiêm nhượng, biết người, biết mình. Nhưng không, trong tự điển cá nhân của người Việt không có chữ khiêm tốn. Nhiều lần tôi gân cổ cãi với bạn bè, về nhà nghĩ: không chừng nó có lý. Tại sao không nhìn nhận ngay? Bởi vì cái tôi nó lớn quá.
Ở đâu cũng có những cái tôi, nhưng ở người Việt, nó đạt một tỷ số đáng ngại. Mỗi lần, hiếm hoi, gặp một người đồng hương có khả năng nhưng khiêm tốn, tôi nghĩ bụng: ông nội này mất gốc rồi.
Thảo luận với người Việt rất khó, vì ai cũng nghĩ là mình nắm chân lý trong tay. Nghĩ khác là xúc phạm ông ấy, xúc phạm chân lý, bôi nhọ sự thật. Phải căm thù, phải tiêu diệt, phải triệt hạ, phải tố cáo, chụp mũ.
Cái tôi lớn, phải chăng đó là nét đặc thù của một dân tộc đầy tự ti mặc cảm? Trong cái kiêu hãnh lố bịch của người “mang dép râu mà đi vào vũ trụ” có cái tự ti của những người vẫn mang dép râu ở thế kỷ 20, 21.
Trong y học, égocentrisme là một cái bệnh, pathologie. Và trong chín trên 10 trường hợp, những người có mặc cảm tự cao, tự đại (complexe de supériorité) là để che đậy tự ti mặc cảm (complexe d’infériorité).
Những người có thực tài rất khiêm nhượng, vì họ không so sánh với người khác. Họ so sánh mình với mình, so sánh mình hôm nay với mình hôm qua, so sánh tác phẩm mới với tác phẩm cũ của chính mình. Và thường thường thất vọng.
Khi một nghệ sĩ thoả mãn với tác phẩm của mình, anh ta hết là nghệ sĩ. Anh ta không tìm tòi nữa, anh ta về hưu. Như một công chức, một tài xế xe đò về hưu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét