Hôm kia đi tìm thơ của nhà thơ La Thị Sinh và đọc được một bài trên tạp chí Viên Giác. Chị ghi chú ở cuối bài “đây là bài thơ cuối cùng” và ký bút hiệu “Hải Yến”. “Hải Yến” không phải là bút hiệu chính thức vì chị để trong dấu ngoặc kép mà hẳn là kỷ niệm chị thương nhớ nhất. “Chim biển” trở về trong tháng cuối của cuộc đời chị. Dù chỉ đọc một bài, hình ảnh “người con gái khóc một mình” trong Cơn Mưa Phùn vẫn hiện ra:
Nghe chừng nước mắt rưng rưng
Bỗng dưng muốn khóc chẳng dừng nhớ thương.
Và “cánh chim bé nhỏ” trong Cơn Mưa Phùn như vẫn còn đâu đó:
Võ đường trống vắng đìu hiu
Những đàn chim biển, ít nhiều đi xa.
“Chim biển” 2009 có thể cũng là chim biển chị từng mơ ước được “làm cánh chim bé nhỏ, chiều nay nhiều mây xám, bay theo những cơn mưa phùn lạnh lùng” của 40 năm trước.
Dù chưa có bài thơ gốc nhưng nếu chị là tác giả của Cơn Mưa Phùn những nét chính trong bài thơ có thể không khác nhiều với lời nhạc. Linh hồn của bài thơ dù chuyển qua thể nào, dạng nào cũng không thể mất đi. Hoàng Hạc Lâu chuyển dịch qua bao nhiêu thể loại nhưng hạc trong thơ vẫn phải là hạc vàng, mây trong thơ vẫn phải là mây trắng, cỏ trong thơ vẫn phải thơm và người trong thơ vẫn còn đang còn tự hỏi đâu là quê nhà khi nhìn khói sóng gợn trên sông.
Hôm qua Boston mưa suốt buổi chiều. Tôi xách máy ra hồ, ngồi trong xe thu một đoạn phim để làm nền cho bản nhạc Cơn Mưa Phùn cho ca sĩ Thanh Tuyền và nhạc sĩ Đức Huy hát năm 1970. Xin lưu ý, ca sĩ Thanh Tuyền là Đoàn Thanh Tuyền, ái nữ của Đạo Diễn Đoàn Châu Mậu chứ không phải ca sĩ Thanh Tuyền thường hát nhạc Bolero với ca sĩ Chế Linh.
Tôi nghĩ nhà thơ La Thị Sinh là tác giả bài thơ nên ghi vào video clip này nhưng có thể là tôi sai. Tôi sẽ xóa nếu ngày nào đó Ns Đức Huy phản đối.
Nhưng đúng hay sai, nói cho cùng, cũng chỉ thỏa mãn thắc mắc của chúng ta, những người còn sống chứ không phải của nhà thơ La Thị Sinh. Chị không khóc nữa mà đang mỉm cười nơi cõi bình an miên viễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét