khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Nước Mỹ, Chicago Và Tôi - Tác giả Bs Trần Xuân Ninh

Lần đầu tiên tôi biết đến nước Mỹ là do tên thành phố “Trăm quan tiền sáu cô”( San Francisco) đọc được trong một chuyện diễu trên một tờ báo mà tôi không thấy gì là buồn cười lắm, lúc học đệ thất ở Hà nội. Sau đó thì cũng trên báo tôi được biết đến thành phố Chicago có hai điều nổi tiếng. Một là tay trùm mafia Al Capone tung hoành không coi cảnh sát ra gì. Hai là Chicago có những nhà máy sản xuất thịt hộp, máy chạy không ngừng. Con bò được lùa vào cửa ở một đầu nhà máy. Phía cửa kia là những hộp thịt ngon lành sạch sẽ được chất lên xe chở ra thị trường. Trong cái giây chuyền sản xuất to lớn phức tạp này, có những công nhân luôn tay làm việc. Thỉnh thoảng tai nạn xẩy ra làm người thì bị đứt ngón tay, người thì bị đứt bàn tay, cánh tay hay hơn nữa. Trong những trường hợp đó, máy vẫn tiếp tục chạy vì ngừng lại thi làm trở ngại sản xuất, sinh nhiều tốn kém. Cho nên người ta chỉ đánh dấu cái loạt thịt hộp nào có tai nạn xẩy ra để vất đi. Có khi cả người bị tai nạn mà chết thì người ta lấy cả một lô thịt hộp đó trả về cho thân nhân để đưa vào trong nghĩa địa. Là một thằng bé mới lớn tôi lấy làm lạ lùng lắm, nửa tin nửa ngờ và tưởng tượng rằng giá có một ngày sang Mỹ, và tới Chicago thì thế nào cũng đi thăm cái nghĩa trang hộp thịt người đó để rõ thực hư. Nghĩ là nghĩ như vậy thôi, chứ tôi biết chuyện đi thăm này không thể nào xẩy ra. Vì lúc đó máy bay đường xa hiếm và tốn kém. Phương tiện di chuyển sang Tây là tầu thủy mất nhiều tuần lễ cũng tốn kém quá sức nhà rồi, làm gì dám nghĩ đến chuyện đi đâu xa. Bởi viễn tượng tương lai thì cá nhân tôi sẽ là một chân ký ga, một thầy tham hay phán đâu đó, hay một thầy giáo, lương tháng đủ sống dưa muối như thầy Quỳnh dậy tôi lớp nhất trường Hàng Vôi (sau đổi là trường Nguyễn Du), mà tôi lâu lâu có vinh dự được ôm chồng thông tín bạ thầy phải mang về nhà để ký ở đường Bà Triệu gần nhà tôi.

Bẵng đi đến sau năm 1954 di cư vào Sài gòn, vài người bạn cùng lớp với tôi học xong tú tài một, bỏ đi sang Mỹ học kiểm soát không lưu là một nghề mới. Lúc về kể chuyện nước Mỹ thật hấp dẫn. Thức ăn thì nhiều phần có vị ngọt, và đặc biệt là món “chó nóng” (hot dog) kẹp trong một loại bánh mì mềm mại ngọt dịu hết chê. Muốn đi xa không nhất thiết phải có tiền. Chỉ phải đứng ở vệ đường “hitchhike”. Tức là thấy xe hơi chạy ngang, lấy ngón tay cái làm hiệu là thế nào cũng có người cho đi. Nước Mỹ qua chuyện kể của người bạn học đi xa về thật dễ thương. Nhưng cũng vẫn thấy quá xa vời, sau khi nộp đơn cho hội Việt Mỹ xin đi Mỹ du học bị bác bỏ mặc dầu tôi là loại học trò khá trong lớp và tiếng Anh kể là loại giỏi bấy giờ. Sự bác bỏ này tôi chẳng hiểu lý do. Khi được vào phỏng vấn, được hỏi sang Mỹ muốn học gì, tôi trả lời muốn học nghề sửa xe hơi để về nhà mở xưởng sửa xe hơi kiếm sống. Bây giờ thì tôi đã hiểu rằng người ta cho mình đi là để sau đó làm những thứ người ta muốn mình làm, chứ không phải làm theo cái điều mình muốn. Tuy rằng trong danh sách các ngành du học có ngành máy móc xe hơi. Nước Mỹ với tôi lúc đó là qua hình ảnh của tướng Eisenhower anh hùng thế chiến thứ hai làm tổng thống, tiếp đón long trọng tổng thống Ngô đình Diệm; qua chuyện đạo diễn Mỹ Mankiewicz làm phim “Một người Mỹ ở Sàigon” ngay trước chợ Bến Thành. Tôi có đến xem vào một buổi tối thì chẳng thấy gì hấp dẫn, chỉ thấy nhiều máy quay phim to tướng để rải rác và những đèn rọi, lâu lâu mới bật rồi tắt… Trong đám đông vây quanh tôi chờ mãi không thấy cảnh đấm đá hay ngựa phi hay hôn hít như trên màn ảnh cho nên chán bỏ về. Những năm sau này, khi con gái lớn của tôi có giai đoạn làm sản xuất phim ở Hollywood tôi mới biết quay phim thật sự là một diễn trình dài lâu, dàn dựng, máy móc, khung cảnh, người ngựa mãi rồi mới quay một vài cảnh rồi lại ngưng. Không phải là quay cái vù như quay thi xe đạp hay chạy bộ hay đấu quyền Anh. Đến năm 1963 thì tôi lại có cảm tình với nước Mỹ hơn nữa vì thấy đại sứ Henry Cabot Lodge mặc quốc phục Việt Nam, sang để giúp người Việt Nam lật đổ chế độ gọi là “độc tài công giáo trị gia đình trị Diệm Nhu” vào ngày mà người Mỹ gọi là lễ những Con Ma Halloween.(!). Sau đó là những lộn xộn lùng tùng xòe chính trị dẫn đến biến cố Mậu thân khiến một thanh niên năng động nhiệt tình là tôi thất vọng đến độ tìm đọc Phật Lão Trang để thoát khỏi cơn trầm cảm thì, đột nhiên do một cơ duyên cho tới bây giờ cũng không giải thích được, tôi có giấy sang Mỹ học giải phẫu tiểu nhi, thay vì đi Paris như chương trình ban đầu của trường Y khoa đã bị hủy bỏ vì lệnh tổng động viên sau Mậu Thân. Kể chi tiết tại sao ra ở đây chẳng có gì đáng nghe. Tuy rằng đối với tôi thì chuyện đi Mỹ du học đến là do tiểu hạn năm thân 1968 có một cái thời điểm thay đổi lớn đột ngột vì các sao tụ lại ở trong lá số tử vi của tôi theo một cái cách ví như “tiếng sấm động giữa trời xanh”.

Children's Memorial Hospital (1970)-2b.PNG

Thế là tôi đến Chicago, cái thành phố Mỹ mà hồi niên thiếu tôi đã có vài ấn tượng mơ hồ hấp dẫn đã nói. Tuy thực tế chỉ sống trong cái không gian nhà thương, thư viện, đường hầm nối với khu nội trú, nhưng tôi vẫn có thì giờ lâu lâu cuối tuần ra phố để mà thấy vài ba thanh niên phản chiến đứng ở trung tâm thương mại thành phố phát truyền đơn chống chiến tranh. Và qua truyền hình mầu hàng ngày xem những hình ảnh chiến tranh tàn phá mà tôi không biết là được chọn lọc có dụng ý. Có những người Mỹ đen tự do mắng “Nixon the pig” trên truyền hình. Tôi làm việc với những nhân viên y tá bác sĩ Mỹ. Tôi được mời dự cái party thân mật tối ngày giáng sinh đầu tiên ở nhà hai cô y tá Mỹ sinh đôi xinh đẹp nhỏ nhắn. Và được hỏi rằng ở VN đúng lúc giao thừa trai gái có tục lệ hôn nhau dưới cành mistletoe không. Tôi thật thà và (vô duyên) trả lời không.

Trong khuôn khổ đào tạo nhân viên giảng huấn trường y khoa đại học Sàigon, tôi được hội Y khoa Mỹ (AMA) gửi sang Hoa kỳ theo một chương trình tu nghiệp đặc biệt tùy theo khả năng của tôi (tailored program) vì tôi đã là bác sĩ giải phẫu tiểu nhi ở Sàigòn. Cứ ba tháng một lần, tôi sẽ thảo luận lượng giá kết quả cùng giáo sư hướng dẫn để sẽ tiếp tục ở lại học thêm hay đổi sang một bệnh viện khác. Tôi đã bắt đầu với giáo sư Orvar Swenson ở Children’s Memorial Hospital , Chicago, do khuyến cáo của giáo sư Trần Ngọc Ninh. Giáo sư Orvar Swenson là một chuyên gia giải phẫu tiểu nhi tiên phong trên thế giới. Ông là người Thụy điển đến Mỹ năm 8 tuổi, thân phụ là thợ làm bánh xe bò. Vài năm sau cả bố mẹ đều từ trần, ông phải cùng với người anh làm que đánh lửa bán cho hướng đạo kiếm sống, rồi chuyển sang nghề sản xuất cung tên. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 24 tuổi thì theo học Y khoa tại đại học Harvard. Trong khi là bác sĩ tập sự, ông đã nghiên cứu bệnh bẩm sinh Hirschsprung (Phình đại tràng) khiến cho đứa bé sơ sinh không đại tiện được và chết sau một thời gian ngắn. Không có cách chữa nào ngoài cách bơm rửa ruột hàng ngày. Số hiếm hoi những trẻ sống sót thì không lớn được và gầy còm. Ông Swenson - vốn là dân nhập cư - là bác sĩ thực tập (resident) được giao cho công việc kể là hôi hám không hấp dẫn này, trong khi bác sĩ đàn anh là Robert Gross chiếm làm những bệnh “ngon lành” hơn. Không than phiền, ông kiên nhẫn thi hành nhiệm vụ và nghiên cứu nghiền ngẫm căn bệnh. Sau cùng, ông đã tìm ra nguyên tắc giải phẫu chữa bệnh này và trở thành nổi tiếng thế giới. Và ông là một trong vài người tiên phong đặt nền tảng cho sự khai sinh ra chuyên khoa Giải phẫu tiểu nhi ở Mỹ và thế giới. Cuốn sách của ông và cuốn sách của bác sĩ Gross (Surgery of Infancy and Childhood) là hai cuốn mà UNICEF viện trợ cho khu Giải phẫu Tiểu nhi bệnh viện Nhi đồng Sài gòn tôi đã đọc để theo đó mà mổ xẻ chạy chữa cho con nít.

Children’s Memorial Hospital (1970)

Children’s Memorial Hospital (1970)

Trong cuộc họp với ông để lượng giá ba tháng tu nghiệp của tôi trước lễ giáng sinh năm 1968, ông đã quyết định đưa tôi vào vị trí chính thức, nghĩa là làm việc như một bác sĩ được huấn luyện ở Mỹ - nếu tôi đồng ý. Và nói với tôi rằng “tôi biết anh có kinh nghiệm ở Việt Nam rồi. Nhưng trong thời gian ở đây thì nên để ý theo học hỏi các phương cách ở đây rồi lúc về anh tha hồ chọn lựa cách mà anh cho là tốt nhất để làm ở Việt Nam”. Thật là một bậc thầy đáng nể và khiêm nhường, ngay cả đối với một bác sĩ nhỏ bé từ một nước nghèo nàn lạc hậu, khả năng tiếng Anh tạm đủ nghe và nói, là tôi. Dĩ nhiên là tôi đồng ý.

Tôi xin ông cho ở trong một cái phòng trong khu dành cho các nội trú trực nối với bệnh viện bằng một đường hầm băng ngang mặt đường Fullerton, và nối với thư viện, với giá 30 đô la một tháng. Tôi sống như một con chuột chũi dưới hầm. Sáng 5.30 dậy sửa soạn vội vã rồi sang cafeteria bệnh viện ăn sáng, khám bệnh nằm cho xong để có thể đẩy bệnh mổ tới phòng mổ lúc 7 giờ, cho nhân viên phòng mổ xếp đặt sửa soạn kịp cho bác sĩ giải phẫu có thể đặt dao rạch da đúng 7.30 am. Tùy hôm, tùy bệnh mổ lâu mau, mà sẽ ăn trưa lúc một giờ hay hai giờ rồi đi khám bệnh buổi chiều, cho đến thường là 5 giờ trở về phòng. Coi nửa giờ truyền hình thời sự CBS trong phòng hội khu nội trú tôi ở, với xướng ngôn viên Walter Cronkite nổi tiếng với câu kết luận khinh khỉnh ta đây “and that’s the way it is” (Ấy chuyện là như thế đó!). Lâu lâu cuối tuần rảnh rỗi đi xuống trung tâm thành phố, đường Michigan và đường State ngắm các cửa hàng. Thấy lèo tèo vài thanh niên nam nữ đứng phát truyền đơn phản chiến chẳng ai để ý. Và một số mặt non choẹt là tín đồ của giáo phái Ấn Độ Hare Krishna đứng loanh quanh múa may nhún nhẩy tụng đi tụng lại mấy chữ Hare Krishna. Qua những chuyến dạo phố đó, tôi học được hai điều. 1/Là thanh niên Mỹ tỉnh bơ làm những điều họ thích. Vài thanh niên phát truyền đơn chống chiến tranh mà dần dần đã trở thành phong trào phản chiến đủ lớn để làm Mỹ rút khỏi VN. So với giới trẻ Việt Nam thì suy nghĩ trước sau kỹ lưỡng ý kiến mà rút cuộc có khi là yên lặng luôn 2/Tốc độ nhanh chóng tiêu thụ của hàng hóa. Bởi vì tôi nhìn thấy một cái kinh dâm đẹp mắt đề giá trên một trăm đô la định mua cho cô em nhưng ngần ngại vì là số tiền lớn đối với suy nghĩ của tôi và cũng vì trong túi không đủ tiền. Nên bỏ qua để về nhà nghĩ lại. Lần sau trở lại thì thấy cái kính đó đã có người mua rồi. Chẳng bù với Sài gòn, mấy thứ hàng đẹp để cả năm ở các cửa hàng khu buôn bán sang trọng đường Nguyễn Huệ với Lê Lợi cũng chưa chắc bán được.

Giờ rảnh thì vào thư viện đọc sách. Đến độ trở thành bạn của người coi thư viện là một bà người Serbian và hỏi chuyện về nước Nam Tư và dân Serbian. Nhờ thế tôi biết rằng ở Chicago có một tiệm ăn Serbian do một ông đầu bếp già trước kia từng nấu cơm cho vua Serbian. Khi vương quốc Serbian chấm dứt sau thế chiến hai với sự thành lập nước trung lập Nam Tư dưới quyền Tito (không cộng sản không tư bản), ông đầu bếp này nhập cư sang Mỹ. Tôi liền rủ bà đi ăn để nếm mùi món ăn vua Serbian từng ăn (dĩ nhiên tôi trả tiền). Quán ăn ở trên đường Lawrence gần đường Lincoln. Cũng lạ miệng. Đặc biệt là được nghe một nữ ca sĩ nổi danh hạng nhất của Nam Tư cũng là dân nhập cư. Khi vượt biển sống sót và định cư ở Chicago năm 1980, tìm đến quán ăn Serbian nọ thì không còn dấu vết.

Nhân nghe người ca sĩ nổi danh Serbian, tôi chợt tới Thái Thanh và trạnh nghĩ không hiểu rồi miền Nam có sẽ đến chỗ mà Thái Thanh sẽ phải sang Mỹ hay không! Trong tiềm thức tôi không khỏi cho rằng đó là một nghĩ gở. Chỉ năm năm sau, 1975, miền Nam sụp đổ, Thái Thanh bị tắt giọng 10 năm dưới chế độ mới. Khi sang được Mỹ năm 1985 thì đã yếu. Tiếng hát chỉ còn là vang vọng một thời xa xưa.

Tôi trạnh nghĩ như thế vì đã chứng kiến những cảnh lộn xộn lùng tùng xòe chính trị sau vụ đảo chính ông Diệm ngày 1 tháng 11/1963 do Mỹ thúc đẩy mấy viên tướng tham vọng, mà tôi là một thanh niên 27 tuổi “có lòng” (nghĩa là quan tâm đến đất nước cho nên ngây thơ - nếu không muốn nói là ngu xuẩn) sung sướng nghĩ là “cách mạng 1 tháng 11”. Để rồi đã nhanh chóng thất vọng với cuộc “cách mạng”. Vì khi ra trường bị trưng tập làm y sĩ trung úy, tôi được cho đi làm việc ở đại đội 22 quân y trung đoàn 40 ở Kontum, thay vì là đi làm việc ở các bệnh viện theo như sắc lệnh của tổng thống Diệm là các nội trú giải phẫu sẽ phục vụ ở các bệnh viện giải phẫu. Lên Kontum tôi lại một lần nữa thất vọng khi thấy các tân nữ quân nhân vốn là học sinh Trưng vương yêu mầu tím và yêu đời lính, của sư đoàn và bệnh viện 2 dã chiến gồm tổng số 3 người được các sĩ quan tâm lý chiến chăm chút hướng dẫn tập nhẩy đầm cho kịp lễ giáng sinh. Bởi lẽ “hội đồng tướng lãnh cách mạng 1/11/63” ngay sau khi thành công đã cho phép quân đội nhẩy đầm là thứ mà bà Ngô đình Nhu ngăn cấm.

Gần hết chương trình huấn luyện, giáo sư Swenson đề nghị với tôi rằng nếu chịu khó ở lại để học thêm cơ thể bệnh lý về các bệnh tiểu nhi, như ông khi làm bác sĩ thực tập ở Harvard, thì ông sẽ nói với giáo sư W. Boggs là trưởng khoa bệnh lý cơ thể học của nhà thương Children’s Memorial Hospital ở Chicago. Tôi không cần cù như ông, cho nên từ chối mà nói với ông rằng tôi muốn về giúp các trẻ bệnh Việt Nam và phát triển khu giải phẫu tiểu nhi bệnh viện Nhi đồng Sàigòn thành một trung tâm giải phẫu tiểu nhi tầm cỡ thế giới, với những điều học hỏi được ở Children’s Memorial Hospital Chicago. Ông vui vẻ thông cảm và đã giới thiệu tôi tu nghiệp quan sát thêm ở nhiều trung tâm danh tiếng Mỹ, Anh, Pháp và Ý để có cái nhìn toàn cầu về ngành giải phẫu tiểu nhi lúc bấy giờ. Chuyến đi này, bác sĩ Ira Singer hội AMA trách nhiệm chương trình cải thiện giáo dục y khoa cho trường Y khoa đại học Sàigòn tán thành. Ông gửi thư hỏi ý khoa trưởng lúc đó là bác sĩ Phạm Tấn Tước . Sau ít ngày, ông Singer cho biết ông Tước từ chối mà không cho biết lý do. Tôi không nói gì, nhưng tự nhủ nhất định dùng tiền để dành thực hiện cho kỳ được. Vấn đề chiếu khán sang các nước Âu châu là một cản trở lớn vì tôi không có cổ cánh lớn và cũng không quen bíết ai trong giới quyền chức. Nhưng tôi đã vượt qua, vì máu liều và thích thách đố, và cũng vì có số (!). Rồi sau đó về đến Sàigòn làm việc ngày đêm ở khu giải phẫu tiểu nhi Bệnh viện Nhi đồng từ tháng 10/1972 cho tới khi VC chiếm Sài gòn 30 tháng 4/1975. Sau đó, vào trung tuần tháng 5, đi tập trung học tập cải tạo.

Khi vượt biển sống sót sang Mỹ, tôi xấu hổ không dám liên lạc với các đồng nghiệp ở Children’s Memorial Hospital Chicago và với giáo sư Swenson, vì nghĩ lại cái hăng say trở về xây dựng khu giải phẫu tiểu nhi bệnh viện Nhi đồng Sàigòn theo mô thức Children’s Memorial Hospital mà tôi đã nói với ông và mọi người hồi tháng 7/1970 khi học xong. Bây giờ trở lại hốc hác, tay không! Tôi chỉ liên lạc với một bác sĩ bạn người Ấn độ, học trước tôi hai năm với giáo sư Swenson. Khi tôi bắt đầu học ở Chicago thì anh này đang làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chờ để có nhà thương ở Ấn độ nhận. Nhưng anh chỉ về vài nước vài tháng vì điều kiện làm việc không thích hợp anh phải trở lại Mỹ. Xin làm bác sĩ giải phẫu ở Thomas Jefferson University Hospitals Philadelphia, một cách không sung sướng vì đó không phải là ước vọng của anh. Trước khi về nước, tôi được anh mời đến nhà, nấu cơm chay Ấn độ cho ăn rất ngon (và anh ăn bốc). Trong nhà có một bàn thờ đạo Hindu anh tụng niệm đều đặn hàng ngày. Vì hoàn cảnh anh như thế, nên tôi mới không ngại viết cho anh khi còn là một thuyền nhân ở trại tị nạn Phi luật Tân. Không ngờ anh đã báo cho một người bạn Mỹ thân với tôi là Joe Sherman và cũng là học trò của ông Swenson trước tôi một năm. Thế là Joe liên lạc với thượng nghị sĩ tiểu bang Illinois là Charles Percy nhờ ông này viết thư cho cao ủy phụ trách di cư tị nạn Liên hiệp quốc ở Phi luật Tân cho tôi đi sớm! Viên cao ủy này là William (tôi nhớ không chắc) Blatter người Thụy sĩ cho là tôi qua mặt ông ta và hành tôi. Đẩy tôi cho phái đoàn Úc phỏng vấn. Quy luật lúc bấy giờ là Mỹ chỉ nhận những thuyền nhân không có nước nào nhận. Nếu tôi được đi Úc mà từ chối thì sẽ ở trại “mút chỉ”. Nguyên do là vào giai đoạn đó chẳng nước nào trên thế giới muốn nhận thuyền nhân. Nếu có, thì chỉ là vì lý do nhân đạo, đã được cứu vớt trên biển hay sống lay lắt dài ngày trong các trại tị nạn. Một phần là vì không coi Việt Nam Cộng hòa ra gì (thua trận vì tham nhũng thối nát…), và vì thế rẻ rúng người VN vượt biển. Phần khác thì vì chịu ảnh hưởng của lời thủ tướng VC Phạm Văn Đồng đại diện phe thắng cuộc miệt thị nói những kẻ vượt biển là thành phần lười biếng, lưu manh, không chịu cố gắng làm việc xây dựng VN bị tàn phá vì chiến tranh vân vân…

Nhưng tôi đã đi Mỹ ngon lành, chỉ hơn một tuần sau khi Úc phỏng vấn! Tại sao, thì chỉ vì tôi nói tuột ra hết những điều trong bụng. Đầu tiên là phái đoàn phỏng vấn hỏi tôi về lý lịch, trình độ, thì dễ dàng tóm tắt nhanh chóng ở Việt Nam ra sao, du học Mỹ ra sao. Kết thúc, người phỏng vấn hỏi anh muốn đi đâu định cư? Tôi nói đi đâu cũng được. Sau khi sống với VC, 4 năm làm việc và cải tạo tập trung thì tôi đã chọn thái độ là bỏ nước ra đi ngay mùa bão, và vợ tôi cũng đồng ý như thế, nếu chết thì thôi, sống thì chỗ nào cũng hơn là dưới chế độ VC. Nếu Phi luật Tân có chính sách cho tị nạn thì tôi đã ở ngay Phi Luật Tân (và thực là như thế). Tôi kể chuyện tính bỏ nước ra đi sang Úc làm nghề nông thất bại vào cuối tháng 4/1975 (nhưng không nói tại sao không tính đi Mỹ). Người phỏng vấn tôi đã rất tử tế nói rằng “anh có đủ điều kiện để Úc nhận. Sang Úc anh cũng có thể hành nghề y khoa, nếu muốn và cố gắng. Nhưng với “background” của anh và vì họ hàng gia đình vợ anh ở Mỹ thì sang Mỹ tốt cho vợ chồng anh hơn. Cho nên tôi không nhận anh mà để cho Mỹ phỏng vấn. Nếu anh bị họ từ chối thì quay lại tôi sẽ nhận!”

Khi biết tin tôi vượt biển sống sót sang Mỹ giáo sư Swenson đã hồi hưu rồi, nhưng gửi cho tôi ngân phiếu 100 đô la, với giòng viết tay ngắn ngủi “tôi nghĩ rằng sẽ giúp anh chút đỉnh trong những ngày đầu tiên rời nước”. Đây là một hành động hiếm có. Thường thì người Mỹ hỏi thăm kèm theo câu “nếu cần tôi giúp gì thì cho biết” là đã bầy tỏ sự quan tâm giúp đỡ rồi. Tôi có lái xe đến thăm ông tại nhà ở Rockport tiểu bang Maine nhân dịp con gái lớn tôi tốt nghiệp đại học Brown University ở Providence, tiểu bang Rhode Island. Và tiếp tục liên lạc với ông đều đều, cho tới khi ông mất, ở tuổi 103.

**

Trở lại với những ngày đầu tiên tới Chicago năm 1970. Tôi hỏi thăm bè bạn mà không ai biết chuyện những nghĩa địa thịt hộp ở Chicago như đã đọc trên báo Việt Nam thập niên 1950. Tìm đến vùng các hãng sản xuất thịt hộp ngày xưa thì cũng không còn dấu tích hoạt động

Đường xá trong thành phố phẳng lì, nhẵn thín. Một cái ổ gà nhỏ cũng có một cái đèn vàng nhấp nháy báo động. Nghỉ hè, thuê xe hơi đi chơi tôi mới khám phá ra được là không thể thuê xe nếu không có thẻ tín dụng (credit card), dù rằng tôi là một bác sĩ làm ở nhà thương Nhi đồng lớn ở Chicago. Tôi đã có thể thuê xe được nhờ có người bạn đi cùng có thẻ tín dụng vì làm việc và định cư Monterey, California. Chúng tôi thuê một cái xe Buick to để mà hưởng thú “đi xe Hoa kỳ”. Chương trình là đi về miền Đông, lái xe dọc theo dẫy Smokey Mountain, rồi ra bờ biển đi xuống Miami. Chuyến đi thật thích thú. Xa lộ thẳng băng. Đường vắng. Chạy nhanh đến độ như xe muốn bốc lên khỏi mặt đường mới sợ mà chậm lại. Sông núi cây cỏ thành phố gì gì cũng đẹp, cũng sạch sẽ. Những cánh đồng cỏ xanh mướt với hoa vàng dandelion trải dài vô tận. Làm tôi không khỏi nghĩ đến câu Kiều “Cỏ non xanh tận chân trời…” dù rằng không có “cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, vì lúc đó không phải là tiết tháng ba, mà là mùa hạ.

Chesapeakebay bridge-tunnel

Chesapeakebay bridge-tunnel

Nhưng bờ biển miền đông không có gì hấp dẫn cho nên tôi không tiếp tục tới Miami. Sau khi đi qua cây cầu và hầm ngầm dưới cửa vịnh tiểu bang Virgina là Chesapeake Bay Bridge Tunnel thì vào đất liền xuống tới South Carolina bẻ theo hướng tây qua Tennessee, Kentucky rồi về Chicago. Cái ngạc nhiên là khi vào một quán ăn chuyên về steak để thử cho biết thì người bồi đẩy ra nguyên một xe từng tảng thịt bò thượng hảo đủ loại, muốn ăn bao nhiêu chỉ từng đó. Tôi vốn không ăn thịt bao nhiêu, nhất là thịt bò, chỉ lấy một miếng nhỏ kể là vừa sức. Ăn rồi mới tiếc là tại sao không gọi miếng to hơn vì thịt mềm, ngon ngọt vô tả. Về sau này, khi đã định cư ở Chicago, rủ bạn bè đồng nghiệp đi ăn steakhouse chỉ thấy ồn ào và sặc mùi thịt nướng. Lời nhà văn triết gia Ấn độ hiện đại nổi tiếng tôi không nhớ tên nói rằng người ta không mấy ai trong đời uống nước cùng một giòng sông xem ra có vẻ đúng.

Uptown Chicago thập niễn 1970, Thư giãn (góc Wilson Broadway)

Uptown Chicago thập niễn 1970, Thư giãn (góc Wilson Broadway)

Thập niên 1970, Chicago số người Việt có lẽ không tới 20 chục người, trong đó có một linh mục đạo Công giáo giáo đẹp trai họ Trần, một bác sĩ Việt nam du học lớn hơn tôi năm sáu tuổi họ Trương, vài sinh viên, ở tản mạn, thường tụ họp nhau ăn uống các món Việt nam làm lấy vào ngày lễ tết. Phía bắc cách nhà thương tôi làm chừng 3 dặm, là khu Uptown bình dân không mấy an toàn có một anh bạn nha sĩ du học ở. Bây giờ đã thành khu chợ Việt Hoa đông đúc, mà đường Argyle ngay chỗ ga xe điện mới được sửa sang để cho người bộ hành có thể tà tà đi lại cùng với xe hơi dưới mặt đường. Ngay rìa phía Nam của khu Uptown hiện nay có một quán đồng tính luyến ái và quán nhạc jazz và blue đặc biệt của Chicago. Những địa điểm này vốn là một sào huyệt của Al Capone một thương nhân kiêm thủ lãnh băng đảng nổi tiếng Chicago thời thập niên 1930. Có đường rầy trong hầm ngầm dưới mặt đất dài chừng nửa dặm ra tới bờ hồ Michigan để Al Capone chuyển rượu lậu từ hồ vào sào huyệt rồi phân phối đi. Khu chợ Tầu nho nhỏ phần lớn là dân Quảng Đông và Đài Loan ở phía Nam thành phố trước kia chỉ giới hạn vào vài bloc đường Wentworth với dăm bảy tiệm ăn, một số nhà hàng bán tạp hóa và đồ kỷ niệm nay đã mở rộng ra cả chục bloc đường với dân Tầu lục địa. Đường xá Chicago không còn nhẵn nhụi như xưa. Lái xe không để ý có thể bất cứ lúc nào đụng ổ gà nổ bánh xe. Chính tôi đã bị một lần như thế khi ngồi trên xe hơi do một tài xế Phi luật Tân lái chở đi khám bệnh ở khu phía Nam Chicago. Còn bây giờ ban ngày đường phố trở nên vắng vẻ vì Covid19. Mấy chữ giới nghiêm (curfew) từ lâu không nghe sau khi chiến tranh chấm dứt lại được đưa ra để bắt mọi người về nhà sớm. FBI bắt được một bọn trắng 13 tên quá khích tính bắt cóc thống đốc tiểu bang Michigan Gretchen Whitmer thuộc đảng Dân Chủ là người ra lệnh ngưng hoạt động thương mại và giãn cách xã hội để chặn Covid19. Trong một vận động tranh cử trước đám đông ở Muskegon Michigan, tổng thống Trump nói “Phải nói với thống đốc mở tiểu bang ra, nghe chưa? Mở trường học ra, Trường học phải mở cửa, đúng không?” Loáng thoáng có tiếng hô “Giam mụ đó lại”. Lát sau khi vẫn còn lai rai tiếng hô tiếp tục, Trump trả lời “Giam tất cả chúng lại”. Lara Trump, con dâu của tổng thống nói trên truyền hình rằng đó không phải là dọa nạt, mà chỉ là tổng thống “vui” với đám đông. Rất có thể những chuyện vui này sẽ còn tiếp diễn thêm 4 năm nữa.

Uptown, đường chinh Argyle khu buôn bán, mùa Covid19 2020

Uptown, đường chinh Argyle khu buôn bán, mùa Covid19 2020

Những người quen biết cũ hồi tôi du học đã tản mạn đi hết, trừ một nhóm mấy chị em người Việt gốc Hoa làm ăn buôn bán đủ sống phong lưu quanh quẩn trong khu chợ Việt Nam. Có người đã từ trần. Còn một bà có chồng là một thương gia Hồng Kông khá giả. Có thì giờ và phương tiện du lịch khắp miền Trung quốc khi có hứng. Lâu lâu nhức đầu sổ mũi đến tôi khám bệnh. Thời giờ nhiều phần là để nói chuyện ngày xưa. Nhưng thời gian đi có bao giờ trở lại!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét