khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Hòa Giải - Tác giả Ngô Nhật Đăng

 

Khi trả lời phỏng vấn của một nhà báo phương Tây về những người cộng sản, ông Ngô Đình Nhu nói : “Tôi không coi họ là kẻ thù, mà là những người anh em lầm đường lạc lối”.
Câu nói của ông Nhu tóm tắt một cách ngắn gọn nhất chính sách hòa giải của Đệ nhất VNCH mà ông là người thiết kế.
Những tư liệu dần được bạch hóa sau này đã cho người ta cái nhìn công bằn hơn về nền Đệ nhất Cộng hòa. Những giai thoại “gia đình trị họ Ngô” về mưu sâu kế hiểm của ông cố vấn, sự lộng quyền của bà Trần Lệ Xuân, sự độc ác của “Hung thần miền Trung” Ngô Đình Cẩn…. đều là sự thổi phồng quá sự thật. Tất nhiên, cũng có những trường hợp vài bài báo bị kiểm duyệt, dăm ba tờ báo bị đóng cửa, có trường hợp tù nhân bị đánh đập , tra tấn do sự thừa hành vượt kiểm soát của một vài nhân viên công lực nhưng chỉ là đơn lẻ, hành động cá nhân, không phải là chủ trương của chế độ.
Chính sách hòa giải hay còn gọi là “chiêu hồi” của ông Nhu đã đạt được kết quả không ngờ, hàng chục ngàn cán bộ, quân nhân phía bên kia “hồi chánh”, cơ sở của đảng cộng sản miền Nam bị phá vỡ, trong một báo cáo mật gửi ra miền Bắc cho biết toàn miền Nam lúc đó chỉ còn 802 đảng viên, chỉ có 3 chi bộ là hoạt động thật sự. Sau này lịch sử đảng cộng sản gọi đây là thời kỳ “khủng bố trắng”.
Đó chính là chính sách hòa hợp, hòa giải hay nói một cách khác đó là sự thuyết phục về tính ưu việt của một chế độ. Người ta cũng ghi nhận đây là thời mà miền Nam yên bình nhất, những vụ khủng bố, ám sát, đặt mìn cũng có nhưng hiếm hoi. Ngay cách mà chế độ hành xử với những tội phạm kiểu này cũng nhân bản, điển hình như cách mà Tổng thống Ngô Đình Diệm đối với người ám sát hụt ông ở Ban Mê Thuột.
Ông Dương Văn Minh sau này bị công kích dữ dội vì mệnh lệnh cho quân đội hạ vũ khí nhưng lúc đó cũng được coi là một quyết định đầy khó khăn và dũng cảm (những thông tin ông là cộng sản nằm vùng thực sự không có bằng chứng nào cả), nó cứu được hàng vạn sinh mệnh thanh niên cả hai phía.
Những trận đánh cuối cùng đầy bi tráng của quân lực VNCH cũng chỉ là hào quang còn lại của một đội quân kiêu hùng một thuở, không làm thay đổi được cục diện chiến tranh. Người ta sẽ thấy khủng khiếp và thông cảm cho ông Minh hơn khi được biết những dàn tên lửa Kachiusa, những lữ đoàn pháo lớn 175 ly...đã được bố trí quanh Sài Gòn, sẵn sàng oanh kích nếu “Sài Gòn tử thủ”- Dân chúng và thành phố liệu còn nguyên vẹn hay cũng hoang tàn đổ nát như những thành phố của Đức trước bước tiến tàn bạo của Hồng quân?
Không khí những ngày đầu của SG sau 30/4 cũng phản ánh tâm lý này, ai cũng nghĩ hòa bình rồi, mọi chém giết, hận thù sẽ hết. Một người làm điện ảnh của SG cũ kể, đoàn điện ảnh từ Hà nội vào hợp tác cùng đi làm phim về SG những ngày đầu “thống nhất” vì Hà Nội không có những máy móc hiện đại làm phim màu. Khi quay cảnh những quân, dân, cán, chính VNCH đi trình diện, có những ông tướng ngồi xe hơi đến, cả nhà đưa đi, ăn mặc đẹp đẽ, cười nói rổn rảng. Một người trong đoàn làm phim từ Hà Nội nói với đồng nghiệp Sài Gòn : “Nếu xem những thước phim này người ta sẽ hỏi : 'Ai mới là người giải phóng?'”
Chao ôi, ai đã cướp mất giấc mơ đẹp đẽ nhất của cả dân tộc : Hòa bình rồi, dẹp hết oán thù, cùng chung tay dựng ngôi nhà mới- “Rồi anh sẽ dựng ngôi nhà xưa. Rồi anh sẽ đón cha mẹ về. Rồi anh sẽ sang thăm nhà em, với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu”- Bài ca bình dị làm lòng người xót xa.
Tại sao sau nửa thế kỷ, VNCH lại trở thành một niềm nuối tiếc khôn nguôi? Không chỉ trong lòng những người được sống với nó, mà cả trong lòng những người trẻ miền Bắc, hãnh diện đeo lên người biểu tượng của VNCH đi giữa Hà Nội, dù điều đó phải trả giá bằng những năm tù. Đó là sự nhân bản.
Phải chăng dân tộc này không có lòng vị tha ? Quân Minh bại trận vẫn được cấp ngựa xe cho về nước. Trần Thái Tông sau khi chiến thắng đốt hết những bức thư thu được của quan quân hàng giặc Nguyên khi thấy thế giặc quá mạnh. Lê Chiêu Thống cũng được hoàn thành tâm nguyện muốn được chôn đống xương tàn trên đất Việt….
Gần nhất, thời chính phủ Trần Trọng Kim, không có cuộc trả thù nào, Pháp kiều vẫn được yên ổn, chỉ có một vài vụ lẻ tẻ như đập phá cửa hàng của một người Pháp ở Hải Phòng, trong khi suốt gần trăm năm đô hộ, trang sử của hai dân tộc không thiếu những trang viết bằng máu và nước mắt, mà lúc đó lực lượng gìn giữ trật tự của chính phủ chưa tới ngàn tay súng dưới sự chỉ huy của ông Phan Kế Toại làm sao ngăn chặn nổi nếu có cướp bóc hay trả thù, điều thường xảy ra khi có khoảng trống quyền lực. Lại phải so sánh, cũng dân tộc đó thời Việt Minh cướp chính quyền thì thế nào ?
Vì sao ? Nguyên nhân của nó thì ai cũng biết, nhưng làm gì, làm thế nào. Câu hỏi và trách nhiệm đó đè nặng trên vai thế hệ dưới 40 tuổi. Chúng tôi đã già rồi, gắng gượng hết sức cũng chỉ là “lực bất tòng tâm”. Trao lại mớ vốn sống và kinh nghiệm, cái nhìn đã được từng trải, người trẻ thấy nó có ích một chút nào cũng đã là mãn nguyện lắm rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét