“Par l’ home la mort viens à l ‘être et par l' homme sens repose sur le néant" Maurice Blanchot
Ai cũng biết rằng ngôn ngữ có vai trò nói lên một cách thế , một thái độ sống của con người . Ngôn ngữ không tự nó tách rời khỏi đối tượng ám chỉ của nó .Người ta không thể nói mà không biết mình nói gì , không chỉ định điều mình muốn nói. Cũng như dấu hiệu không thể ly khai với thực tại chỉ định của nó .Ngay trong khi người ta không nói ,sự im lặng không là hình thức hư vô hoàn toàn. Với tôi, với con người, im lặng bao hàm một thái độ.Im lặng không là khoảng trống trống rổng trong đó con người không bám víu vào đâu .Tôi chỉ có thể im lặng trước một lời buộc tội, một biến cố hay một hoàn cảnh nào đó. Hiểu thế thì im lặng chính là chờ đợi để phát biểu hay tự nó là một phát biểu. Im lặng là từ chối lên tiếng nói ,đó cũng là một cách nói, một hình thức nói .Nhận định trên đây đưa đến xác nhận thân phận con người là nói, là phát biểu, nghĩa là nó không thể có lựa chọn nào khác hơn. Mọi chọn lựa bao hàm một cách-thế, một lập trường, ngay khi người ta chọn im lặng. Vở kịch En Attendant Godot của Samuel Beckett đưa ra hai nhân vật cùng chung một hoàn cảnh: chờ đợi. Hai nhân vật đó cảm thấy sự cần thiết phải nói với nhau. Nói vì không thể không nói, vì không thể cạn được lời nói. Nói để khỏi phải suy nghĩ .Nói để khỏi phải nghe. Sự chờ đợi ở đây chỉ là cái cớ để tác giả cho nhân vật mình gắn liền trong một cảnh giới. Sự gắn liền đó phải chăng là động lực thút đẩy họ phải nói. Thực ra mỗi người chúng ta không cùng chung một thân phận, đó là gì ? Thân phận làm người đó không cho phép ta mỗi người lui về cái vỏ ốc của mình. Chúng ta nói không phải để thông cảm. Vì chúng ta có thể bằng lời nói, trốn chạy cảm thông .Chúng ta nói vì đó là định mệnh ta. Con người chỉ có thể định nghĩa bằng sự sống và sự chết, nó còn là nói.
Trong viễn tượng trên, con người là sinh vật từ đó ngôn ngữ phát hiện trong đời, thiết tưởng không quá đáng. Và trong viễn tượng đó nhà văn trước hết là người xử dụng tiếng nói, ngôn ngữ. Như Sartre đã viết “ Văn xuôi có tính cách thực nghiệm từ bản chất, và tôi định nghĩa người làm vốn là kẻ sử dụng tiếng nói (Sitnation I, p70) Văn chương gắn liền vào ngôn ngữ và người ta không ngần ngại khi nói. Nếu văn chương biến thành vấn đề cho nhà văn, vấn đề đó trực hệ vào chính ngôn ngữ của nó. Chỉ khi nào nhà văn tuyên bố tôi không viết nữa, khi đó vấn đề của văn chương không còn, và chính vấn đề ngôn ngữ cũng mất. Khi nhà văn tự nhận mình viết để lãnh đạo để diễn tả một thế giới, mối bận tâm diển tả, lãnh đạo đó đã gói trọn vẹn vào số lượng những ngôn ngữ trải lên giấy trắng và đã biến thành văn chương, biến thành tác phẩm
Nhưng ngôn ngữ là một thực tại hàm hồ của con người.
Ngôn ngữ xác định một sự kiện đồng thời phủ nhận chính sự kiện đó. Ngôn ngữ lá mối xao xuyến đặt trước con người hay đúng hơn, trước công việc của người làm văn nghệ .Ngôn ngữ không là thực tại bằng xương bằng thịt đang tiếp nhận khí trời để sống. Nó chỉ là biểu tượng của thực tại. Khi tôi nói với anh: “ cái bàn ở góc phòng “ tự nhiên qua số tiếng nói đó, anh lĩnh hội được điều tôi muốn nói. Có thể qua “ Cái bàn ở góc phòng “anh ngĩ đến hình ảnh của những miếng ghép lại do tay người thợ mộc, với hộc bàn, mặt bàn, chân bàn … Nhưng tự nó tiếng “bàn” không là thực tại bàn ta đang đứng trước mặt chúng ta, ở góc phòng. Khi tôi gọi tên một đồ vật, một người nào đó ,tôi đã giãn lược đồ vật, con người nào đó thành ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ định đối tượng đó. Ngay khi người đàn bà bằng xương bằng thịt được diễn đạt lên thành ngôn ngữ, nàng không còn nữa. Ngôn ngữ trình diện, nói lên sự hiện hữu của thực tại đàn bà, nhưng ngay trong tác động đó, người đàn bà đã là một vắng mặt. Vai trò ngôn ngữ là kêu gọi, báo hiệu một hiện diện. Vai trò ngôn ngữ cũng là hư vô hóa. Chúng ta nói điều đó có nghĩa là thực tại đời sống này chết từng giây từng phút quanh ta. Thực tại bước chân vào hư vô ngay khi chúng ta chiếm hữu chúng, thâu tóm chúng bằng ngôn ngữ của ta. Hegel đã viết “ Tác động đầu tiên nhờ đó Adam làm chủ muôn vật chính là đặt để chúng dưới một tên tuổi ,nghĩa là hư vô hóa chúng từ hiện sinh của chúng “. Nhận định rằng nói tức là hư vô hóa, điều đó có nghĩa là qua cuộc sống mà sinh hoạt thể hiện bằng ngôn ngữ của ta, đã có mặt cái chết. Chết ở đây không có nghĩa là một chấm dứt thông thường sau một quá trình một nhiệm kỳ của sự sống. Cái chết của thực tại đã tách rời sự sống của nó ,dấn thân vào vùng hư vô. Chết ở đây chính là điều kiện thiết yếu ngôn ngữ tôi thể hiện sự có mặt, sự sống của thực tại. Giữa ngôn ngữ và thưc tại, có một khoảng trống, một hư vô. Hư vô đó, khoảng trống đó chính là điều kiện sống của ngôn ngữ. Công tác của ngôn ngữ là tách rời hiện hữu có thực của đối tượng ra khỏi chính nó. Tôi gọi một nhân vật, có nghĩa là nhờ ngôn ngữ tôi lãnh hội được thân phận của chính nhân vật đó như có thể từ hiện hữu có thực của nó rơi vào hư vô. Nghĩa là hiện hữu có thực của nó không là thực tại vĩnh cửu, không là hoàn cảnh bất di bất dịch mà yếu tính đi về cái chết đó, ngôn ngữ tôi chỉ còn là mối bất lực, không còn là một thâu tóm thực tại trong ý nghĩa xác thực của nó, tức là thâu tóm như một khả năng hư vô hóa. Người ta thường nói một tình yêu lý tưởng không bao giờ diễn tả nên lời, bởi vì nếu không có tình yêu ấy đã tự trần tục hóa, không còn tính cách lý tưởng cao đẹp nữa. Đối với Kierkegaard hay G.Marcel. Thượng đế là một thực thể không thể đối tượng hóa hay ngoài khả năng lĩnh hội ,tóm thâu của con người. Chính trong những hoàn cảnh tương tự. Ngôn ngữ chỉ hé mở cho thấy nỗi bất lực của con người hay chính ngôn ngữ đã trở thành bất lực, thừa thãi phi lý vì kinh nghiệm cái chết đã thoát khỏi tầm tay con người. Ngôn ngữ không là thực tại từng phút từng giây sống động mà là nghĩa địa của nó. Chính vì vậy khi tôi nói, hư vô là nội dung đích thực của lời tôi nói, đó cũng là cách báo hiệu cho chính định mệnh của tôi. Bóng hư vô hiện giữa ngôn ngữ và chính tôi: với ngôn ngữ tôi tự ly khai với chính tôi , cái tôi sống động. Tôi gọi tên tôi ,ngôn ngữ đó là sự phủ nhận cái tôi thực. Tôi chỉ còn là sự có mặt khách quan, vô bản vị, thể hiện trên một ý niệm về tôi.
Khi tôi nói “ cái bàn ở góc phòng “tôi tự bôi xóa tôi như một cá vị thủ quan để chỉ còn thực tại bàn ở góc phòng .Ngôn ngữ tôi gợi lên thực tại “bàn ở góc phòng “bằng cách hư vô hóa cái bàn thực sự và ngôn ngữ tôi thực hiện công việc đó bằng khả năng của chính tôi là tự tách ra khỏi mình ,tự trở thành cái khác với chính mình ( pouvoir de s eloigner de soi, d etre autreque son être ).Khi tôi nói ,định mệnh tôi hầu như gói trọn ,hóa thân vào chính điều tôi nói .Tôi không còn là một sự hiện diện thực sự ,mà là một hiện diện trong một lời nói .Theo ngôn ngữ Blanchot,ngôn ngữ tôi chính là bài điếu văn cho tôi .Nói là tự phủ nhận .Chủ thể của lời nói không là tôi hay anh đang nói mà là hư vô ,cái chết lên tiếng nói trong tôi hay trong anh .Ngôn ngữ trở thành phương tiện hư vô hóa thực tại chỉ định của nó ,đồng thời bôi xóa chính chủ thể đang phát biểu lời nói .Vậy chúng ta nói để làm gì nếu không để hủy phá thực tại và phủ nhận chính ta như một chủ thể đang nói ? .Nói để làm gì nếu không để biến ngôn ngữ thành nới trú đậu của hư vô ? Nếu không để nói lên hư vô hay phóng thể của con người ? Nói theo ý Sartre, con người là hữu thể từ đó hư vô bước vào đời .ở đây ngôn ngữ chính là con đường mòn, lối hành trình hư vô. Như thế không có nghĩa là thực tại này, nhân loại này vũ trụ này tự chúng là hư vô, là không có, là không. Hư vô chỉ có thể lộ chân tướng từ hữu thể, từ cái gì đã có, hay theo ý niệm của Sartre, nó chính là con sâu hệ tại ngay trong lòng hữu thể. Nói là hư vô hóa. Diều đó chỉ có nghĩa bằng ngôn ngữ, hư vô đi vào đời vào thực tại vào hữu thể.
Nếu ngôn ngữ là một dịp may từ đó ta hoàn thành thận phận làm người của ta, hư vô chính là điều kiện để ngôn ngữ còn là ngôn ngữ. Nhận định này không làm giàu thêm một thứ hư vô chủ nghĩa (nihilisme) nào hay để đưa ra một thái độ bi quan hay lạc quan nào không gì lố bịch hơn. Nói tới hư vô vì lẽ duy nhất: hư vô là một kinh nghiệm, một khám phá xảy ra trong một sự hiện diện của ta trong cuộc sống này. Nói tới hư vô vì lẽ duy nhất là hư vô có và kinh nghiệm hư vô chính là kinh nghiệm của con người. Nhận thức hư vô không là khởi điểm cho một chủ trương phi lý. Trái lại nếu không có hư vô, thực tại cuộc đời sẽ tự nhiên rơi vào cõi phi lý. Lúc đó hư vô không còn là thực tại nhờ đó con người còn mang ý nghĩa cũng như nhờ đó ngôn ngữ con người còn lẽ sống. Lúc đó hư vô chính là tất cả
Ngôn ngữ là kinh nghiệm của hư vô. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày chúng ta gần như mặc nhiên khẳng định sự đồng hóa giữa thực tại và lời nói. Sự khẳng định này có thể phát khởi từ một ngụy tín nào đó (mauvaise foi). Khi tôi nói cái bàn, anh không được hiểu đó là cái ghế. Có thể ý niệm cái bàn có từ sự sụp đổ của chính thực tại bàn nhưng anh không thể lĩnh hội ý niệm bàn bằng một thực tại nào khác hơn chính nó. Điều kiện thiết yếu để chúng ta thông cảm nhau là phải thỏa thuận về sự đứng vững của ý niệm mặc cho sự thay đổi nếu có của thực tại mà ý niệm đó chỉ định. Trong khi đó , ngôn ngữ mệnh danh văn chương là ngôn ngữ đã thể hiện lên giấy trắng, lên sách vở. Nó không chỉ là phủ nhận thực tại (điều kiện ngôn ngữ) nhưng là sự phủ nhận trở thành tiếng nói, thực tại, đồ vật. Ngôn ngữ văn chương là cái được viết ra. Chính vì vậy mà người ta nói tới vật chất tình cảm của ngôn ngữ : ngôn ngữ như thực tại xuất hiện mà ta có thể nhìn vào. Trong ý nghĩ đó ,nếu gọi nhà văn là kẻ xử dụng ngôn ngữ, ngôn ngữ ở đây mặc nhiên phải được hiểu như một sự thật dưới mắt, trong tầm tay. Ngôn ngữ văn chương đòi hỏi được ngắm nhìn như một toàn thể, một đối tượng. Cũng vậy, tác phẩm văn chương hình thành trên nền tảng ngôn ngữ, trước hết là sự hoàn tất của nhiều yếu tố.
Cuốn sách đang nằm sau lớp kính của hiệu sách. Chúng ta có thể cầm nó lên tay như cầm muôn ngàn đồ vật khác trong cuộc sống hằng nhật. Nó không là một mớ ý niệm, hình ảnh trừu tượng như khi nhà văn còn thai nghén nó trong đầu .Tác phẩm văn chương thể hiện như một quá trình cần lao của con người đúng hơn của tác giả nhưng để đưa tới một nhận định. Là tác phẩm chỉ có thể mang đầy đủ ý nghĩa của nó khi trở thành một thực tại trước mắt công chúng. Tác phẩm không là thực tại tàng ẩn bên trong tác giả. Trái lại, nó chỉ có thể bắt đầu bằng định mệnh nó khi thoát đi từ bóng tối ra ánh sáng, khi đã trở thành đối tượng , cuốn sách như một đồ vật (le livre comme objet) theo cách nói của Michel Butor. Thiên tài tác giả là cuốn sách nó viết ra ,ném giữa công luận. Viết một cuốn sách, dù muốn dù không tác giả đã tự đồng nhất với món đồ mình tạo ra. Đó cũng là cách phủ nhận chính mình, tự mình bôi xóa trước tác phẩm. Người ta thường tìm mối tương quan giữa tác giả và tác phẩm .Thực ra tác phẩm chính là tác giả trong định mệnh mới. Maurice Blanchot viết: “Nhà văn chỉ hiện diện và tự hoàn thành trong tác phẩm hắn, trước khi tác phẩm hắn ra đời ,hắn không biết nó là ai và hơn thế nữa hắn không là gì cả“. Nhưng tác giả tự hòa đồng vào tác phẩm để làm gì? dĩ nhiên để được đón nhận. Nói tác phẩm là đất gặp gỡ, giữa người viết và người đọc chỉ là cách nói thông thường. vì gặp gỡ ở đây không thiết yếu là điều kiện của hợp điệu cảm thông. Gọi người đọc là kẻ đáp ứng một tiếng gọi. Điều đó đúng. Nhưng người đọc không không chỉ là một cái máy với tổng số những tình cảm, khuynh hướng , khát vọng ,tự do có thể điều hòa với nhịp nhàng với những tình tự hay tâm thức người đã cất lên tiếng gọi. Điều này phải chăng giải thích tại sao một tác phẩm được đón nhận, lãnh hội, tóm thâu bằng nhiều cách thế, dị biệt theo từng người thưởng ngoạn. Khi tôi cầm một cuốn sách trên tay tôi không chỉ làm công việc bình yên giản dị là đáp ứng hoài vọng của người viết là viết để được đọc. Đọc đối với tôi không chỉ là có ý nghĩa là tìm hiểu tác giả. Đi vào tác giả cũng không nhất thiết có nghĩa là tìm tới những trùng hợp giữa kinh nghiệm tác giả và kinh nghiệm của tôi, vũ trụ quan tác giả và vũ trụ quan của tôi. Vì tôi biết rằng thâm ý của tác giả khi viết cuốn sách cũng như thâm ý của tôi khi đọc cuốn sách đó không hẳn đã trùng khít nhau, giao hòa nhau như một mối đồng cảm tuyệt hảo.Thưởng ngoạn là đồng hóa tác phẩm vào chính mình. Thưởng ngoạn là biến đổi tác phẩm ngay trong ý tưởng của nó theo mình. Thưởng ngoạn là cướp giựt trong tay của tác giả và phủ lên bộ mặt tự do của người thưởng ngoạn.Tác phẩm văn chương là đứa con đi hoang trong cuộc đời và một ngày nào đó có thể người cha sẽ không nhìn ra ở nó những đường nét sáng tạo nguyên thủy của chính mình .Thưởng ngoạn không còn là một hành vi thụ động của ý thức trà dư tửu hậu, nó còn là hành động chiếm hữu đối tượng thưởng ngoạn. Tác phẩm đã trở thành cơ hội cho người đọc không chỉ để đón nhậnmà thực hiện công việc sáng tạo cho chính nó. Thưởng ngoạn là sáng tạo. Và trong viễn tưởng đó tác phẩm không còn là một hoàn cảnh chờ đợi, dang dỡ .Nó trở thành môi trường chiếm hữu vì đã trở thành tác phẩm của chính người đọc nó. Tác phẩm không còn là sở hữu của tác giả hay nói cách khác, nói theo Blanchot nhà văn cáo chung ngay khi tác phẩm mình ra đời. Tác giả sẽ tự hỏi: Tại sao viết ? Tại sao sáng tạo để sau cùng tự hòa đồng vào tự do kẻ khác . Nó có thể viết một cuốn sách để ném vào ngăn kéo đời đời .Nhưng nói thế tức là rơi vào một mâu thuẫn trầm trọng. Tại sao viết ? Do đâu người ta trở thành nhà văn ? Với Sartre ‘” Tôi viết văn trước hết lả dự phóng tự do của tôi “ với nhiều người khác, tôi viết trước, vì tôi phải viết, vì tôi đã viết hay nói theo Goetan Picon “ sáng tạo là cái đà bất khả kháng, nó không thể là một hoạt động minh giải bằng cứu cánh và phương tiện nhưng dù viết từ một động lực nào, dù muốn dù không, tôi đã mang hoài vọng rằng tác phẩm tôi sẽ được hiện hữu. Sự hiện hữu của tác phẩm chỉ có thể quan niệm minh chứng khi tác phẩm đó biến thànhđối tượng , đồ vật nơi đó hàm chứa trọn vẹn dự phóng đời tôi. Đối tượng đó, đồ vật đó ném ra ý thức tha nhân, ý nghĩa đầu tiên của việc đọc chính là mặc nhiên xác nhận tác phẩm như một hoàn thành, tác phẩm cần đọc tới trước hết để tự khẳng định như một đồ vật “ (S’affirmer comme chose ) G.Picon cho thí dụ: nếu có một đôi nhân tình sau cùng sống sót sau ngày tận thế, có thể họ sẽ sinh con đẻ cháu. Trái lại người nghệ sỹ sau cùng của vũ trụ này có lẽ sẽ không cần sáng tạo nữa .Trong hoàn cảnh đó, tác phẩm cũng như sự sáng tạo nên tác phẩm trở thành thừa thãi vô ích nếu ta đồng ý rằng điều kiện của tác phẩm trước hết là hiện diện của chính nó trước cái nhìn, trước ý thức kẻ khác. Sự có mặt của nhiều tác phẩm khám phá về sau (Kafka, Joyce… ) không có nghĩa là tác giả chúng hoàn toàn bỏ rơi độc giả. Trường hợp tương tự chỉ có thể giải thích rằng chính tác giả trong phạm vi nào đó, đã tự tạo ra kẻ sẽ lĩnh hội ra mình. Sự kiện này nói lên cái mà tính cách độc lập của tác phẩm. Dù được sáng tạo để gởi gắm một quần chúng đang có hay sẽ có , định mệnh tác phẩm nghệ thuật trở thành một đối tượng trong lĩnh nhận, một món đồ sử dụng của ký ức hay ý thức tha nhân, một dâng hiến cho lịch sử. Viễn tượng trên dây dẫn dắt nhà văn tới mối lo âu day dứt. Nó không thể chạy quanh, trốn tránh sự lo âu khi nó còn là nhà văn. Hành vi viết bao hàm sự mặc nhiên chấp nhận rằng tác phẩm dù muốn dù không thực tại dưới mắt kẻ khác, trong tay kẻ khác. Nghĩa là nhìn nhận nỗi bất lực trước vật sáng tạo của mình. Nhà văn đã sáng tạo nên tác phẩm cũng như Thượng Đế đã sáng tạo nên con người, nhưng nhà văn không có quyền hạn nào trên tác phẩm của mình. Câu nói của Niezsche “ Thượng đế đã chết “, có thể áp dụng vào chính thân phận nhà văn ở đây. Viết là tự mình biến thành sự vắng mặt, lui về hư vô. Nói theo Levinas, viết là chết.
Tác phẩm biểu hiện một trạng thái, một tác động hư vô hóa . Kinh nghiệm tác phẩm là kinh nghiệm hư vô của chính tác giả. Đó là định mệnh bám chặt lấy người làm văn chương. Nhưng tác phẩm tự nó là gì ? Tác phẩm là tổng hợp những vật liệu có thực dùng thể hiện một vũ trụ, nhưng vũ trụ ở đây không là vũ trụ thực mà là vũ trụ phóng thể, hư vô hóa. Vũ trụ dưới ngòi bút tác giả, trong quan niệm tác giả. Nhà văn được trọn quyền tạo dựng cho mình những cảnh giới, những nhân vật theo ý muốn. Nhưng ngay khi thực hiện công cuộc tạo dựng nó, họ đã mặc nhiên quay lưng đi trước vũ trụ họ đang sống , vũ trụ có thực .Vũ trụ sáng tạo của nhà văn, vũ trụ thực hiên lên những trang giấy trắng, bắt buộc phải là vũ trụ không thực, tưởng tượng (imaginaire).Trí tưởng tượng của nhà văn hoạt động ngay trong cuộc sống này, tái tạo nên thế giới ngay trong thế giới này. Trong ý nghĩ đó, dù muốn dù không tác phẩm văn chương là một phủ nhận. Phủ nhận thực tại của thế giới, con người, đồ vật. Nói cách khác, ngay trong tác phẩm văn chương, thế giới, con người, đồ vật hoàn toàn bị hư vô hóa. Vũ trụ của tác phẩm, của người làm văn chương được dựng lên từ khoảng trống, từ sự vắng mặt. Tác phẩm văn chương là khoảng trống, là sự vắng mặt biến thành thực tại ngôn ngữ, thực tại đồ vật. Nhà văn gói ghém vũ trụ của họ ( được hiểu như một vũ trụ siêu thực , một phi vũ trụ ) vào món đồ văn nghệ ném ra cuộc sống .Sự kiện này nói lên hành vi tham dự , tham dự vào thế giới hiện hữu thật sự của không gian và thời gian , của thực tại và lịch sử .Như vậy tác phẩm tự nó là một phủ nhận vũ trụ đồng thời tham dự vào vũ trụ .Hành vi tham dự này có tính cách nhân bản không ?Nếu ta quan niệm nhân bản là tất cả những công trình cần lao thực sự của con người thực hiện trong không gian và thời gian ;góp mặt và hoàn thành vũ trụ này ( như một ngôi đền , một cái lọ ) , nếu thế , tác phẩm văn chương tự nó chưa có một giá trị nhân bản xác thực mặc dù nó là sáng tạo của con người .Chưa có một giá trị nhân bản xác thực vì nó thiếu sự hiện hữu sống động ( như tôi có thể sờ vào mặt bàn này ) nó chỉ là một siêu thực mang dự phóng gây tác dụng vào chính thực tại .Tác phẩm xuất hiện dưới mắt ta như một món đồ. Nhưng đúng ra bên trong món đồ có thực đó, đàng sau những ngôn ngữ trải lên giấy trắng là vũ trụ là nhân vật đang sống, sự sống mà yếu tính là cái gì không thể chấp nhận được đối với sự sống thực sự. Bởi vì sự sống đó chỉ hoang đường (fiction). Vũ trụ, con người trong tác phẩm văn chương vượt ngoài vũ trụ ta, sự sống ta. Chúng bất tử vì mâu thuẩn với sự sống, vì không có sự sống. Sự sống là gì nếu không là mặc nhiên khẳng định yếu tính của mình như một khả hữu của cái chết. Sự sống có ý nghĩa vì có sự chết ở cuối đường định mệnh nó. Hình ảnh một cái gì bất tử sẽ đặt con người trước một phi lý : con người không thể chết , không thể hoàn thành định mệnh, không thể thực hiện bản tính của mình. Bất tử là sự kiện phi nhân bản. Trong viễn tượng đó, dự phóng của nhà văn phải chăng không xa lạ gì với hoài bão một nhà tôn giáo khi họ mặc nhiên vĩnh cửu hóa cuộc sống của họ bằng tác phẩm. Viết là một cách thể chối từ vũ trụ mà tác giả đang sống, chối từ chính thân phận tác giả. Tác giả ném sự chối từ, phủ nhận vào cuộc đời để dù muốn dù không góp phần văn minh con người, vào việc hình thành thế giới. Rất có thể đó là niềm tin quá lạc quan hay một ngụy tin. Cũng rất có thể người đọc khi lĩnh hội tác phẩm như một quá trình cần lao gây tác động lên con người và vũ trụ, cũng đã chỉ rơi vào ngụy tin đó. Thực ra, lý do tồn tại của tác phẩm của công việc sáng tạo cũng như công việc thưởng ngoạn văn nghệ do đâu nếu không nương tựa một phần trên niềm tin đã nói. Giá trị tác phẩm bao gồm tính cách hàm hồ. Nó vừa là hình thức của tác động hư vô, vừa hiện hữu ngay trong thực tại và nhằm tác dụng lên nó. Nó là sự quay lung trước vũ trụ những để sau cùng trở về vũ trụ. Nó là mối xao xuyến, niềm mâu thuẩn đặt trước con người. Cũng như ngôn ngữ, tác phẩm trước hết là kinh nghiệm của hư vô. Nhưng hư vô ở đây không ném ra cuốc đời để hoàn thành công tác hủy hoại, mà để gia nhập, khám phá, tìm tới thực tại và hoàn thành thực tại. Thiết tưởng chúng ta không cần phí bỏ thì giờ để thắc mắc về cái giá trị đó của tác phẩm Balzac hay Dostoievski . Với tác phẩm con người bắt đầu lĩnh nhận một thân phận mới. Một thân phận xao xuyến sau cuộc lột xác. Thân phận của một Gre’goire trong La Me’tamorphose của Kafka, đi vào đêm tối để trở về ánh sáng ban ngày dưới lớp dạng một loài sâu bọ, một sự sống khác. Tác phẩm là kinh nghiệm cái chết. Chết ở đây không là chấm dứt, mà là khởi điểm của sự sống khác. Nghĩa là sự sống vẫn còn trong sứ mạng hoàn thành, sáng tạo của nó. Trong ý nghĩa đó, văn chương không còn là một cái gì thừa thãi. Đó cũng là niềm tin, là một thứ khẳng định gần như đã biến thành một chân lý không chối cãi .
Từ kinh nghiệm hư vô của ngôn ngữ, của văn chương rất có thể con người sẽ đi tới mối lo âu là định mệnh văn chương đi về đâu? Câu hỏi đó sẽ mãi mãi là mối lo âu không giải đáp của con người. Nói như Blanchot văn chương sẽ đạt tới mục tiêu sau cùng là sự hủy diệt của chính nó. Hay nói theo Robbe – Grillet, nhà văn là kẻ không có gì để nói. Thực ra, định mệnh văn chương tùy thuộc ở con người có chấp nhận nó hay không. Nếu văn chương còn hiện hữu trong đời sống này, phải chăng vì mặc nhiên con người chấp nhận hư vô như góp phần thực hiện một vũ trụ nhân bản. Bởi vậy, mối lo âu thực sự của con người đặt ra bằng một cách khác. Nếu con người phủ nhận văn chương ? Sau văn chương còn lại gì ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét