khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

Rằm tháng Bảy trong văn hóa Việt Nam

 

Theo tín ngưỡng dân gian, vào tháng Bảy âm lịch hàng năm, Diêm Vương sẽ mở cửa địa ngục để ma quỷ có thể trở về dương gian.

Đây cũng là lúc các vong hồn có cơ hội được xá tội để thoát sanh về cảnh giới an lành. 

Chính vì thế nên tháng này còn được gọi là tháng cô hồn.

Người Việt tin rằng tháng cô hồn là tháng xui xẻo, vì vậy mọi người được khuyên nên ăn chay, hành thiện tích đức, và tuân theo một số điều kiêng kỵ như:

  • Không đi chơi đêm, nếu không sẽ dễ gặp điều không may. Nếu đi chơi đêm thì không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi.
  • Không nhổ lông chân, vì có câu “Một sợi lông chân quản ba con quỷ”, người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.
  • Không nên bơi lội, vì ma quỷ có thể đùa giỡn kéo chân bạn.
  • Không phơi quần áo vào ban đêm, vì ma quỷ trông thấy sẽ “mượn” và để lại “quỷ khí”.
  • Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng cho ma quỷ.
  • Khi đến nơi vắng vẻ, không ngoái cổ nhìn về phía sau, dù có cảm giác ai đó đang đi theo mình hoặc gọi tên mình.
  • Không cắm đũa vào bát cơm vì nhìn giống như lư hương, dễ khiến ma quỷ vào nhà ăn chung.
  • Và còn nhiều điều kiêng kỵ khác tuỳ theo vùng miền...

Vào ngày rằm tháng Bảy, người dân thường cúng thí thực hay cúng cô hồn ở trước nhà hoặc trên vỉa hè vào buổi chiều. 

Một mâm cúng cô hồn thường có cháo, gạo, muối và nước lã, kèm theo một số món khác. Đặc biệt, mâm cúng cô hồn thường có món cháo loãng, vì người ta tin rằng những vong hồn bị đày đoạ có thực quản nhỏ hẹp, không thể nuốt được thức ăn thông thường.

Sau khi cúng xong, người dân sẽ vãi gạo, muối ra đường và đốt vàng mã. Ở một vài nơi, người ta còn cho phép trẻ con được cướp (giựt) cô hồn.

Vu Lan báo hiếu 

Rằm tháng Bảy cũng trùng với thời điểm diễn ra lễ Vu Lan (Ullambana), một trong những ngày lễ chính của Phật giáo Đại thừa (Mahayama).

Tương truyền Bồ tát Mục Kiền Liên, một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Sau khi mẫu thân qua đời và bị đoạ làm ngạ quỷ, ông đã tìm Phật hỏi cách cứu mẹ.

Phật khuyên ông nên sắm sửa lễ cúng vào ngày rằm tháng Bảy và nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được mẹ mình. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Theo truyền thống của người Việt, ngày lễ Vu Lan chính là dịp để nhắc nhở con cháu về công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ và tổ tiên.

Vào ngày này, một số chùa Việt Nam còn tổ chức nghi thức Bông hồng cài áo. Nghi thức này xuất phát từ một đoản văn viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 1962.

Trong một chuyến đi Nhật, Thiền sư đã thấy lạ khi thấy người Nhật gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. 

Sau khi tìm hiểu ý nghĩa của hành động này, ông đã chọn hoa hồng đỏ để cài trên áo những ai đang còn mẹ, và hoa hồng trắng dành cho những ai đã mất mẹ.

Chính vì thế nên Vu Lan cũng là dịp để con cái báo hiếu cho cha mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét