khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Hoàng Hôn Của Dĩ Vãng - Tác giả Đinh Phụng Tiến

Anh Năm bảo tôi: Ông hãy nên coi như chỉ mất một lần. Tôi cám ơn lời khuyên ấy, nhưng không hiểu sao, mỗi lần nhìn lại chân trời của dĩ vãng, tôi không thể nào thoát ra khỏi một buổi hoàng hôn mà mặt trời bê bết máu ở thinh không.

Buổi chiều hôm ấy, tôi nhét vội vàng vài bộ quần áo cũ, một ít cà phê, thuốc lá Bastoz xanh, ít muối mè... để lên đường. Lúc ấy con Du đang ngồi trong góc nhà mà ôm con búp bê tóc đỏ. Bên ngoài phố xá lao xao. Trong thoáng ấy, tôi thương nó và chỉ muốn bỏ chạy đi ngay để khỏi phải nhìn thấy nó.

Đó là đứa con gái đầu lòng và duy nhất của tôi. Ngày đầu tiên vào trường Régina Mundi nó không khóc. Tôi đưa đón nó mỗi ngày trong chiếc xe nhỏ, và nó hát nghêu ngao. Tiếng hát vụng dại ấy có khi đã át cả tiếng đại bác nổ xa, có khi đã làm mờ đi những hàng tít lớn trên các trang báo, và mặt trận thoắt bình yên. Để người lính trở lại quê nhà, nơi có vườn dâu xanh và mẹ già còm cõi. Nguồn an ủi duy nhất trong những ngày chinh chiến là tiếng hát trẻ thơ. Tiếng hát ấy về sau đã theo tôi trên khắp cả mọi nẻo đường. Những đêm dừng quân ở một đỉnh đồi. Những ngày lội qua những dòng suối trong ngập nước. Cơm sấy, xì dầu và tiếng hát trẻ thơ làm cho tôi quên đi hết những mệt mỏi, ưu phiền. Là những khung trời dĩ vãng trong những buổi hoàng hôn rực đỏ.

Con Du thấy tôi hấp tấp nhét hành lý vô túi xách, nó vội chạy lại và hỏi, bố đi trực hả? Tôi đáp ừ. Lúc ấy, hình như nó biết tôi không vui, nên cứ quanh quẩn mãi bên tôi. Nó hỏi, bố có đem mùng mền theo không? Tôi đáp, có. Nó tiếp, sao bố đem cả cà phê với thuốc lá? “Ừ”. Sao bố lại đem cả tăm xỉa răng? “Ừ”. Sao bố đem muối mè? “Ừ”. Sao bố ừ, cái gì bố cũng ừ? “Ừ”. Vậy bộ không có đồ ăn sao mà bố phải đem theo ? “Ừ”. Bố đi trực vậy hả... sao bố không đưa con đi học? Tôi hơi gắt, trường nghỉ. Thôi, đi chỗ khác chơi, đừng quấy rầy bố nữa...

Con bé không dám cãi, và nó trở ra góc nhà với con búp bê tóc đỏ. Những chiếc xe Molotova gầm rú ở góc phố. Tôi đi. Đó là lần tôi tự ý nộp mình mà không biết mình đang đi đâu. Dãy phố dài đìu hiu, những căn nhà cửa đóng kín. Căn nhà tôi ở cũng đã đóng kín cửa lại rồi, ngay sau khi tôi bước ra. Ở đó đã nhốt lại tiếng cười trẻ thơ, của con Du sáu tuổi...

Tuổi thơ nào cũng có những giấc mơ lộng lẫy. Tôi sinh ra trong một làng hẻo lánh, ở vùng nước mặn. Đó là những tháng đầu tiên mà thế chiến thứ hai bùng nổ. Những buổi trưa hè đi trên bờ đê, ngắm nhìn những chiếc phi cơ đồng minh bắn phá những đồn binh Nhật ở xa, trong một không gian bao la, có nơi đất dính với trời. Ở đó, tôi đã mơ ước có một ngày sẽ đi đến tận... chân trời, góc biển... niềm mơ ước về một cuộc hành trình ấy, sau này đã cho tôi nhiều điều cay đắng.

Những hàng quán đìu hiu, những hàng cây xơ xác, những khuôn mặt ngẩn ngơ và hè phố bẩn không người quét dọn. Tôi đi ngang chiếc phi cơ trực thăng rớt giữa lòng đường. Những mảnh sắt vụn nám đen cùng với vết máu lẫn trong đống giẻ rách còn trên hè phố. Bạn bè không thấy đâu. Những người lính thua trận đâu rồi. Những người lính thắng trận ở đâu...

Tuổi thơ của tôi là những ngày tháng loạn ly, chạy trốn cùng khắp. Như những đứa trẻ ở châu Âu đã chạy trốn khi Hitler đòi một không gian sinh tồn. Và cái không gian sinh tồn ấy đã dồn lấn những không gian khác...

Tôi là một người lính, tuân thủ mệnh lệnh tử thủ ở một cứ điểm đầu cầu. Nhiệm vụ của tôi đã hoàn tất cho đến khi không còn một ai ra lệnh cho tôi nữa, và cho đến khi tôi không còn nhận được bất cứ một sự yểm trợ nào. Nhiệm vụ của tôi đã xong. Và tôi lên đường đi lên núi sọ, tiếp tục cuộc hành trình. Thành phố ngơ ngác và không gian bao la...

Tôi đã để lại sau lưng tất cả. Cả tiếng cười trẻ thơ từng có thời kỳ che lấp cả tiếng đạn bom.

Và như một câu chuyện hoang đường. Mười năm sau, tôi lại trở về với mái nhà xưa. Tôi đi giữa phố, giữa một lòng đường xa lạ. Không một bóng người quen, giữa không gian bao la, trong một bầu không khí sợ hãi. Cuộc hành trình mệt nhọc, tôi đã qua đi một chặng. Căn nhà tôi đó, bây giờ không có tiếng cười.

Con Du vừa trở thành một thiếu nữ. Một thiếu nữ đang nhìn tôi với đôi mắt xa lạ. Nhà trường đã dạy nó những điều mà, sau này lịch sử sẽ phán xét đến cùng. “Bố, bố đây...”, tôi đã nói như thế khi vừa bước chân vào nhà. Nhưng hình như nó đã không nhận ra tôi. Và thật sự nó không biết tôi là ai, nếu không có ai đó, nhắc: “Bố, bố đấy. Chào bố đi...” và nó chào tôi như chào một người khách mới tới nhà lần đầu.

Chiều hôm ấy, tôi lại trở về trong lòng thành phố cũ, như một buổi chiều cách đó mười năm tôi đã ra đi. Hàng cây hai bên con đường cũ đã già thêm. Những dẫy nhà đã xuống cấp, tường vôi loang lổ, cửa đóng kín. Những khuôn mặt bơ phờ, những ánh mắt mệt mỏi nhìn tôi mà không có một nụ cười. Buổi chiều ấy, hoàng hôn mầu rực đỏ. Dĩ vãng chợt trở về trong giữa bầu không gian của một buổi chiều đầy máu ở không trung. Thoắt tôi trở thành một kẻ xa lạ ngay trên những hè phố cũ. Tôi trở thành một kẻ tha hương ngay trên chính quê hương. Những người tôi bắt gặp với đôi mắt khô, bước chân vội vã... Bè bạn tôi bây giờ ở đâu? Những người lính thắng trận hôm nào bây giờ ở đâu? Những người lính thua trận hôm nào bây giờ ở đâu? Khải hoàn môn cũng như một nấm mồ? Du đâu? Du đâu rồi?

Tôi gọi tên nó xa lạ như gọi lại tên mình. Con bé con ngày xưa không còn nữa. Những tiếng hát nghêu ngao, bây giờ đã chìm khuất trong một không gian phù thủy, trong một thời gian phù thủy. Mười năm. Ôi, mười năm đối với dòng sinh diệt có nghĩa gì đâu. Tôi chỉ biết rằng, tôi đã vĩnh viễn mất tiếng hát nghêu ngao ngày nào. Đứa bé ngày xưa đã lớn lên trong thời gian tôi vắng mặt. Tôi đã mất nó tợ hồ như tôi đã mất tuổi thơ trong những ngày tháng loạn ly. Tôi đã mất nó tợ hồ như tuổi trẻ của tôi đã chôn vùi trong những bức tường nhà giam tăm tối. Tôi gọi tên nó, nhưng tiếng vọng ấy lọt vào giữa thinh không. Tất cả đều bị xoáy vào một nơi tối tăm vô tận. Trong dòng xoáy ấy, con Du mất hút.

Tôi đã đi thêm một chặng đường nữa trong niềm cay đắng, trong nỗi buồn phiền. Cuộc sống bươn trải mệt nhọc. Đêm đêm, có tiếng gõ cửa nhà ai đó, như réo gọi tên mình. Rồi boong tầu đầy phân và nước tiểu, ngột ngạt vì mồ hôi. Lại chuyến xe lửa di chuyển trong đêm, dừng lại ở những ga xép trên con đường quê hương. Tiếng kim khí va chạm. Những chiếc còng và những khẩu súng. Những viên đạn đồng lạnh tanh. Trời Lào Cai rét cắt da. Gió lộng lùa đỏ mũi. Những cây giang nặng nề vác trên vai để đổi lấy hai củ khoai lang và một thìa nước muối. Ngồi đập đá bên bờ sông bến Ngọc, tôi tự vuốt ve mình bằng hình bóng con Du. Du ơi, Du ơi. Tôi gọi tên nó như gọi tên của một thời đã cũ. Và tiếng hát nghêu ngao của nó đã đi với tôi trong suốt chặng đường qúa khứ. Bây giờ tôi đã mất thật rồi. Nỗi lo sợ rình rập quanh tôi, nó không thể chia sẻ. Nó đã lớn. Và theo dòng chảy của xã hội bên ngoài, nó càng trở nên xa lạ hơn. Đứa bé con ngày xưa không còn nữa.

Chiều hôm nay lên đồi Hồng. Có phải bạn bè tôi đang ở quanh quẩn đâu đây. Hỡi những người may mắn đã nằm xuống ở đỉnh đồi Hồng của quận Cam. Hỡi những bạn bè tôi, những người bất hạnh đã nằm xuống trên những đỉnh đồi chè của Lào Cai. Chiều hôm nay có ai lên tiếng?

Lại một buổi hoàng hôn của đầu mùa hạ. Bầu trời đỏ rực ở thinh không. Tôi đã tới quê hương của tự do. Bầu trời đầy hương thơm nhưng bạn bè còn có những ai. Và chiều nay tôi lên đỉnh đồi Hồng, không có người thân, kể cả cháu Sophia.

Những ngày đầu tiên ở đây, tôi gần gũi với Sophia, đứa cháu gọi tôi bằng cậu. Nó ra đi vào lúc nó chưa đầy hai tháng, hình như vào chiều 28 tháng Tư, cùng với anh chị tôi. Người anh rể tôi là một quân nhân “sáng suốt”, một cấp chỉ huy “khôn ngoan”. Cho nên khi thấy tình hình không ổn là anh ấy đã cùng với gia đình dọt ngay. Mãi sau này tôi mới hiểu được rằng cái “cú” leo được lên phi cơ C.123 chiều 28 tháng Tư ấy không phải đơn giản.

Khi người anh rể của tôi và gia đình, tất nhiên trong đó có cháu Sophia, chuẩn bị kiếm một chỗ trên phi cơ thì tại dinh Độc Lập, ông Dương Văn Minh đọc bài diễn văn đầu tiên rất ngắn kêu gọi hai bên ngừng chiến đấu. Lời kêu gọi ấy giống như tiếng kêu lạc lõng của một loài chim trong đêm. Và chính sách hòa giải giống như lời tuyên bố hòa cả làng của một con bạc đã thua cháy túi vào lúc nửa đêm về sáng. Ngay đêm ấy, gia đình người anh rể của tôi đã ra đi, trước khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng sáu mươi tiếng đồng hồ.

Anh Tôn đã, ít nhất có một lần, tỏ ra khôn ngoan hơn Big Minh. Anh Tôn rất hãnh diện về điều này, cho nên khi gặp bất cứ ai, anh đều giới thiệu tôi với mọi người rằng... “đây là chú Nam, bị kẹt ở Việt Nam mới qua...” thì ra, điều ấy đã được khẳng định. Tôi chẳng may đã bị kẹt ở lại. Những người khôn ngoan, sáng suốt và may mắn đã ra đi.

Khi anh Tôn ra đi, tức là khi ông Dương Văn Minh công khai tung ra chính sách hòa giải thì tôi đang nằm “kẹt cứng” ở chân cầu xa lộ Biên Hòa cùng với tiểu đoàn của tôi. Tôi không hề nhận được lệnh trực tiếp, bởi vì thượng cấp của tôi, sau khi giao nhiệm vụ phòng thủ cho tôi, đã cùng với anh Tôn ra đi. Qua chiếc radio nhỏ, tôi có nghe vị tổng tư lệnh kêu gọi hai bên ngừng chiến đấu. Tôi muốn thi hành lời yêu cầu đó, nhưng dường như súng đạn từ bên kia được tăng cường nhiều hơn như một thách đố, buộc tôi phải tự vệ cho đến viên đạn cuối cùng. Sau đó, chúng tôi nghỉ, không chiến đấu nữa, không phải vì ông Dương Văn Minh đã đầu hàng mà vì chúng tôi không còn phương tiện gì để tiếp tục.

Cuộc chơi đã hết. Những người lính của tôi, trong đó có tôi, trở về nhà. Súng ống bó lại như que củi. Quần áo lột ra như giẻ rách. Mũ, giầy, phù hiệu bỏ trên đường như đồ chơi trẻ con. Cuộc chiến tranh trên một phần tư thế kỷ đã kết thúc như thế... Tôi nhìn những người bạn tôi, những chiến hữu bây giờ với quần đùi, áo thung, chân đất. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu rằng tôi phải khóc và vì sao tôi khóc. Quanh đó, ở một nơi đất trống, rải rác những nấm mồ đồng đội mà chúng tôi vừa vội vàng chôn cất hôm qua. Những nấm mồ tử sĩ của quê hương ngày hôm qua, hôm nay còn gì nữa...

Gần hai mươi năm sau, tôi gặp lại anh Tôn. Cháu Sophia đón tôi. Cháu nói tiếng Việt không rành lắm nhưng giọng rất dễ thương. Chúng tôi thường gặp nhau và đi chơi với nhau. Nhưng những ngày vui ấy không lâu vì cháu tử nạn. Tôi nhìn thấy mặt cháu lần cuối cùng ở bệnh viện. Người ta nói lại rằng, chiếc xe cháu lái đã bị bẹp dúm như một tờ giấy bị vò nát.

Tôi nhớ Sophia, vì hình như gặp Sophia bao giờ tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn. Có lẽ vì Sophia đã không gợi lại một qúa khứ nào như giữa tôi và anh Tôn.

Sau khi chôn cất Sophia, đã hai lần tôi vào thăm đứa cháu nhỏ trong nghĩa trang. Tôi nhớ từng chặng đường tôi đã đi. Từ Brookhurst ra hướng biển, quẹo phải đường Hazard gặp Beach, gần tới Bolsa, bên tay phải là nơi Sophia yên nghỉ. Ở đó, cỏ non và hoa say sưa với gió. Có nhiều con đường tôi rất quen. Từ Hà Nội lên miền trung du, qua bến Đoan Hùng, vượt qua sông Hồng tới bến Ngọc. Đường vào K1... K5... những vết chân trâu để lại lồi lõm. Và những con đường tôi rất quen. Đường đi Cái Tắc, Tầm Vu... đường đi Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku... những viên đạn đồng réo gọi, những tiếng sáo diều vu vơ của những buổi chiều. Những củ khoai mì nướng cháy và những hạt muối cất lén lút trong túi vải. Những cây giang vác trên vai, vượt qua những ngọn đồi thất thểu thân hình ma đói. Những chiếc còng lạnh ngắt hằn trên cổ tay những năm tháng không quên...

Sophia mất đi, bỗng đào ra giữa tôi và anh Tôn một chiếc hố ngăn cách tưởng chừng rất xa lạ. Anh Tôn đã đi trước Big Minh một bước vào ngày 28 tháng Tư nhưng anh đã đi sau Big Minh nhiều bước khác, khi đến bây giờ lại có những lời hòa giải vô điều kiện được tung ra. Chính sách hòa giải lại được nhắc tới lần này như tiếng reo hò hòa cả làng của những con bạc đã vét sạch tiền trên chiếu bạc của một cuộc chơi nửa đêm về sáng.

Tôi vẫn quay cuồng trong dòng đời tấp nập. Tôi đã lạc lối vào free way. Và cứ thế, bị kẹp vào giữa những đoàn xe.

Con Du đã lớn. Thật sự nó đã lớn và vuột ra khỏi tầm tay tôi. Nó thích nghi với cuộc sống nhanh hơn giấy thấm trên mực. Cùng ở trong căn nhà với tôi, nhưng sao xa lạ. Nó làm những điều gì tôi không biết. Nó đi và về giờ nào trong ngày, trong đêm tôi cũng không biết. Vì nó không muốn cho tôi biết những việc nó làm nên tôi nghĩ cũng không nên hỏi. Những suy nghĩ của nó hoàn toàn không giống tôi. Tôi có một qúa khứ. Qúa khứ cắt nghĩa nguồn cội của những ngày hôm nay. Nó không thể chia xẻ với tôi bất cứ điều gì. Tôi đã mất nó thêm một lần nữa. Đứa bé con vẫn nghêu ngao hát ngày xưa bây giờ ở đâu.

Tôi bị kẹp vào giữa hai dòng xe trên free-way, chưa tìm thấy lối ra. Và chiều nay tôi có mặt trên đỉnh đồi Hồng. Những thảm cỏ xanh và những bông hồng nở muộn. Những người đã nằm xuống dưới hương thơm. Những người đang ngủ say dưới một bầu trời quang đãng, có những cánh bướm bay về ngủ yên lười biếng. Tôi nhớ đến những đồi chè. Những đồi chè ở Lào Cai mà bạn bè tôi đã nằm ở đó. Tôi khiêng người đàn ông ấy trong một manh chiếu rách. Và một buổi chiều mùa đông rét cắt da, Long đã ra đi. Chúng tôi nhận cái xác của Long tại một lò vôi. Một viên đạn bắn từ hàm dưới trổ lên gần đỉnh sọ. Một nửa người Long ngập dưới lò vôi đang tôi. Sức nóng sôi sục của lò vôi làm cho da tuột ra, hình thể biến dạng. Cái chết ấy, đến bây giờ đối với tôi vẫn còn là một điều bí ẩn.

Tôi đã mất nhiều lần trong qúa khứ. Tôi lại nhớ tới lời anh Năm bảo tôi, ...ông hãy nên coi như chỉ mất một lần. Lời khuyên ấy, dường như không giúp ích được gì cho tôi, vì mỗi lần nhìn lại chân trời của dĩ vãng, tôi không thể thoát ra khỏi những buổi hoàng hôn mà mặt trời bê bết máu ở thinh không. Tôi đã mất con Du một lần, và tôi đã mất thêm một lần nữa. Tôi đã mất anh Tôn, người anh em, người chỉ huy mà tôi hằng kính trọng, vào đêm 28 tháng Tư. Tôi lại mất anh một lần nữa sau khi cháu Sophia qua đời, và khi anh lại một lần nữa tỏ ra khôn ngoan đối với thời cuộc. Tôi đã mất Long một lần ở đồi chè, và tôi lại mất Long khi tôi ở trên đỉnh đồi Hồng, với niềm tiếc nuối là phải chi Long được nằm xuống ở đây. Tôi đã mất. Tôi đã mất những Du, những Tôn, những Long. Hay định mệnh đã muốn Long phải nằm xuống ở nơi đồi chè hoang vắng ấy, để làm chứng cho quê hương.

Chiều nay, một buổi chiều của dĩ vãng. Hoàng hôn rực đỏ ở thinh không. Những bông hoa nở muộn trên đồi Hồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét