khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Cà-phê Của Phố

Không nhớ người Sài Gòn – Nói rộng ra, người Việt Nam - biết uống cà-phê từ bao giờ. Chắc cũng phải cả hơn thế kỷ từ khi người Pháp đặt chân tới đây, họ đã đem cái thứ nước mầu nâu đen, đắng mồm nhưng quyến rũ lạ kỳ ấy đến.

... Rồi là những đồn điền, những giọt mồ hôi và cả máu của bao người phu Việt rơi dưới luống cây. Là bao đêm họ thức trắng dã mắt để thu hoạch, và bao nhiêu là công lao, bước này bước nọ để từng hạt cây công nghiệp đó được tán nhuyễn đi, cho ném từng thìa vào phin nước sôi, rồi đi vào dạ dày người thưởng thức.

Nhưng bài viết này không nói về những chuyện ấy, mà về một trong những điểm đỗ cuối cùng, là những tiệm cà-phê của phố.

Trước ngày thay cờ, trong chúng ta hẳn đã có nhiều người kịp lớn để nhấm nháp thứ nước đầy ma lực đó, chắc còn lưu giữ bao kỷ niệm. Họ chắc nhớ quán cà-phê Hầm Gió của anh Nam Lộc ngoài khu trung tâm, gần Ngã Sáu Phù Đổng. Họ nhớ quán cà-phê La Pagode nơi góc Tự Do - Lê Thánh Tôn mà nếu họ có chút tự tin, bước vào, sẽ nhìn thấy các bậc đàn anh như Mai Thảo, Duyên Anh, Hoàng Hải Thủy ngồi đó. Họ nhớ cái quán cà-phê cóc có tên do người ta tự đặt là "cà-phê Cái Chùa" nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, mà cũng vẫn Mai Thảo, bây giờ thêm Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Phong Giao, Huỳnh Phan Anh và thi thoảng Ngọc Thứ Lang "Bố Già" vẫn tán chuyện ngày ngày. Bà chủ quán cho các cây bút nghèo thiếu tiền ăn sáng và cà-phê tới cả tháng, khi nào họ có nhuận bút hay lương còm lĩnh từ tòa soạn tạp chí Văn nằm gần đó thì mới nhắc nhẹ, mà trả bao nhiêu cũng được. Nhưng thường thì ông chủ tờ Văn và cũng là ông chủ nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng - Một "bố già" Vượng đúng nghĩa - chậc lưỡi xóa nợ thay.

Còn những quán cà-phê khác nữa, vỉa hè dạng thượng lưu như của Continental, của "magasin" Courtinat góc Tự Do - Thái Lập Thành, của Sài Gòn Đại Lữ Quán góc Nguyễn Văn Thinh. Rồi vỉa hè bình dân như tại quán "Um Sùm" kiểu người Hoa tại đầu ngõ 287 Phan Đình Phùng mà các ông lười cứ thế mặc pyjama ra ngồi kiểu cò đỗ trên các ghế đẩu tròn mặt gỗ. Họ không chịu uống cà-phê trong tách hay ly mà phải đổ nó vào đĩa, rồi kê mồm húp đánh soạt. Rồi cà-phê cháo quẩy, cà-phê vợt, cà-phê "rão" mà mỗi tạng người nghiện sẽ tự thấy nó ngon theo cách quen của mình.

... Không chỗ nào kỳ lạ như các quán cà-phê Sài Gòn. Dòng đời bên ngoài đang trôi trong giông bão hay trôi bình lặng, người ta cứ uống cà-phê đã. Người Pháp khi đầu những năm 1950 trôi dần về thất bại Điện Biên Phủ, vẫn nhắc đến tướng De Tassigny trên sân thượng Continental, nơi nhà hàng Perroquet không lúc nào ngớt khách. Súng nổ ầm ầm ngoài mặt trận, người ta vẫn leo mấy tầng lầu, mặt mũi ai trông cũng nhăn nhúm vì lo âu, để gặp nhau, cập nhật tin tức theo từng cuộc thoái quân cách chỗ họ ngồi cả nghìn cây số. Cứ bàn bên tách cà-phê trước, kế sách ra đi sẽ tính sau. Tôi nhớ, ngày xưa ở khu chợ Nguyễn Tri Phương mà gia đình tôi ở đó bao năm, ngày 30/4 chỉ cách có mấy chục tiếng đồng hồ, bao đàn ông xóm tôi vẫn tìm đến tiệm bà Chín mắt lác nằm trên đường Bà Hạt để ngóng đợi gió thời cuộc xoay chiều. Thật!

Dường như, thói quen uống cà-phê buổi sáng, dù tiếng súng xa nghe rền rĩ đâu đó, vẫn không thể làm người ta rời bỏ nó khi cầm theo từ nhà mình từng gói Ruby hay Bastos hút dở nhầu nát. Thời thế đổi thay, thì trước sau, nhàn tản hay âu lo, có lẽ đã không có thứ thuốc an thần nào mạnh bằng, hiệu quả bằng, trấn an lòng người bằng cà-phê. Cứ nhìn ngay lúc này thì thấy, cô-vít cô-viết có nghĩa lý gì, mãi cho đến khi nhà chức trách phải bung mạnh lệnh giới nghiêm. Mà là chuyện ở Hà Nội, nói gì Sài Gòn.

Ông già tôi cho tới ngày 28/4 mới chịu ở nhà, khi bác Thoan hàng xóm là người hay uống cà-phê với ông nhất, đã âm thầm ra đi vào tảng sáng 27 cùng gia đình mà sáng hôm 26, vẫn ra tiệm ngồi cùng ông và không hề hé răng nói một lời về nước đi mình đã tính. Tiệm bà Chín chỉ đóng cửa có một tuần, đúng ngày 5/5 mở cửa lại cho đến khi chính bà ấy cũng ra đi sau đó mấy năm. Mà bây giờ, ông già tôi, ông Thoan hay bà Chín, không một ai còn trên cõi đời này.

Cà-phê thật kỳ lạ. Nó của phố nhưng nó cũng là của lòng người và của cái không khí người ta đã nghiện. Bà Tư bán cháo cá trong xóm tôi, khi sang chào bố mẹ tôi để đi, ngay sau đó trước khi về nhà, đã phải tất tả tìm ra quán ông Tỷ cà-phê vợt để lôi ông Tư lúc đó còn mải chào tạm biệt các chiến hữu trong xóm. Ông Tư thế mà vẫn còn nằn nì ông Tỷ bán cho mình cái vợt đen xì, không biết đã ngấm bao nhiêu lớp cà-phê qua bao năm tháng như thế, để mang theo cho đỡ nhớ vì ông biết chắc, nơi ông đến, sẽ chả bao giờ có cà-phê vợt hay cà-phê bít-tất.

Cà-phê quyến rũ kinh người. Mẹ anh TAK hơn 60 năm bán vải ở chợ Vườn Chuối, là ngần ấy năm mỗi ngày cứ đều đặn kêu 2 ly cà-phê đá pha ngọt sáng chiều của sạp hàng cô Sáu Nhỏ, rồi về sau là sạp hàng bà Huê và mãi tới bây giờ, ở tuổi 92, bà mới chỉ bỏ nó có 2 năm nay, tự nguyện, khi thấy sức khỏe mình không còn như trước nữa. Bố anh TAK, kỹ tính, không lê la đâu cả, nhưng gần 60 năm lấy mẹ anh ấy cũng là ngần ấy ngày tự pha cà-phê sữa cho chính mình ở nhà, rồi tự rửa ly tách, trước khi mặc áo, đi làm tô phở đuôi bò cuối đường Vườn Chuối. Ông cũng chỉ ngừng chuyện đó vào một năm cuối đời, khi bệnh tật nó không cho ông cái quyền nho nhỏ đó nữa, và ông cũng không còn sức cầm được điếu thuốc lá nào nữa.

Tôi biết bà Mai, lãnh đạo một nhà máy lớn quốc doanh, trong nhà có bà Út giúp việc, ngày nào không đủ 3 ly cà-phê đá mua trong xóm là ngày ấy chân tay cứ bắt chuồn chuồn, ngồi đờ đẫn, chẳng nhấc chân nhấc tay được gì. Bà ấy có thể không ăn cơm, nhưng bà ấy không thể thiếu cà-phê. Người thường còn thế, chả trách nhà văn Graham Greene, ông ấy đã hoàn thành phần lớn bản thảo quyển A Quiet American của mình khi vác máy đánh chữ vào khuôn viên Perroquet chứ không phải trong căn phòng số 57 của mình. Hút thuốc lá rất nhiều, uống không biết bao nhiêu cốc, thì nhân vật nhà báo Thomas Fowler từ những dòng chữ ấy mới bước ra, đi cùng những ngày cuối cùng của người Pháp tại Sài Gòn theo ý ông muốn.

Phillip Noyce, đạo diễn phim ấy, cũng là người nghiện cà-phê nặng. Khi ông cùng hai diễn viên Michael Caine và Brendan Fraser tới Sài Gòn, ngày ngày, đã băng sang đường, vào Givral lúc đó còn mở cửa, để xem cà-phê Sài Gòn đắng tới mức nào dù chưa chắc, nó là thứ cà-phê tiêu biểu của thành phố này.

Những ô kính cửa La Pagode, những mặt bàn nho nhỏ của Brodard, những thứ cà-phê xem ra “không đúng chỗ” trong mắt người Sài Gòn nơi những tiệm bánh mì Pháp mà họ không cần biết, bánh Tây là phải bồ bịch với cà-phê ở nơi xa ấy thế nào. Những ly cà-phê “chợ” mà người ta thấy bạt ngàn ngày ngày nơi khắp các khu nhà lồng, người bán bỏ nó vào trong những cái khay bằng nhôm sứt sẹo hay móp méo, cả mấy chục ly đủ thứ. Bạn hàng, bất kể đàn ông hay phụ nữ, sáng sáng, dài theo bao nhiêu năm, đã cầm lên.

Những người lái taxi sáng sáng từ tinh mơ đã ngồi cùng nhau từ 5 giờ, nơi các cây xăng đầu đường Nguyễn Huỳnh Đức hay Bến Vân Đồn. Họ phải uống cái đã, tán gẫu đủ thứ chuyện Tư Trời Biển, rồi rong ruổi hay giao ca, tính sau.

Tôi chợt nhớ đến ông Tuân, làm trưởng phòng công chứng của một quận kia, cả đời mình không biết cầm bất cứ một ly cà-phê nào, suy thận nặng và phải đi ghép. Của đáng tội, quả thận mới đó là của một phụ nữ nghiện cà-phê khủng khiếp và sau khi về nhà, ông Tuân bỗng dưng biến thành người nghiện cà-phê theo. Một ngày ông phải uống 4 ly, là chuyện chưa bao giờ đến với chính ông trước kia.

Tôi lại nhớ không ít bác sĩ đã khuyên, bệnh nhân mình nên bỏ hay giảm bớt cà-phê và thuốc lá, mà nào khuyên có được? Tôi nhớ những giọt sánh, đặc tận cùng, chắt chiu rơi từ phin nghe thánh thót xuống cốc. Tôi nhớ những “variation” của cà-phê, trong đó có món bạc xỉu của người Tàu. Tôi nhớ từng chai Rhum loại “échantillon” mà một người bạn tôi, là họa sĩ thiết kế báo chí, uống rượu tuy rất kém nhưng mỗi lần đi uống cà-phê cùng tôi nơi đường Tú Xương, cậu ấy lại tỉ mẩn mở nắp cái chai bé tí ấy ra, nhỏ vài giọt vào tách cà-phê của mình. Tôi nhớ những cái ghế nhựa, người ta cứ lấy nó làm bàn, vừa để đặt 2 ly cà-phê đá lên đó, nơi đường số 6 Cư xá Đô Thành mà mỗi lần tôi sang chơi, TAK hay dẫn tôi ra đó.

Đã bao nhiêu cuộc cãi nhau, cuộc tỉ tê chuyện này chuyện khác, cuộc bàn bạc việc làm ăn, cuộc cho vay nợ và trả nợ, đã diễn ra quanh những bàn cà-phê nhiều tầng bậc? Đã bao nhiêu người đốt cháy đời mình hay hối hả uống lấy uống để từng ngụm đặc hay loãng đó, trước khi vào sở? Đã ai từ chối nó, và đã ai uống “chay” nó, không một chút khói thuốc nào?
Giọt đắng. Ban chiều. Nhớ. Cao nguyên. Nâu. Mộc. Bao cái tên tiếng Việt hay tiếng Anh đã ra đời vì nó. Người ta ngồi ngay trên hè, giữa phố xá ồn ã hay leo thang máy lên tầng thứ mấy mươi của một buyn-đinh nào đó. Bảy nghìn đồng cho tới sáu bảy chục nghìn. Nhìn dòng đời ngang tầm mắt mình hay nhìn dòng xe cộ trôi đúng nghĩa dưới chân mình – Có gì khác? Nếu thấy thế là đã vui, cần gì phải sang Montparnasse hay Saint Germain Des Prés?

Phải, cần gì phải uống hạng cà-phê không dành cho mình, khi phố phường đã cho mình ngày ngày, và mãi mãi về sau, những ly cà-phê rất bình thường và vừa túi tiền mà chính mình thấy thích? Phải, nghe dòng sống trôi đi lặng lẽ, hay náo nhiệt, là nghe một phần trong nó, có tiếng tí tách rơi của cà-phê ngày thường mà không Cappuccino hay không Espresso cũng không sao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét