khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Chính phủ và Phát triển Khoa học Công nghệ ở Việt Nam - Tác giả Minh Hải

 

Việt Nam (VN) chào đón thập kỷ mới 2020 với một thất bại: Giấc mơ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đã không thành hiện thực sau 20 năm ấp ủ.

Gần 45 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, chúng ta vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu với mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là nông sản, khoáng sản thô, và hàng gia công.

Chúng ta chưa có sản phẩm công nghệ cao, các công ty khởi nghiệp (start-up) đa phần chỉ làm dịch vụ.

Thiết nghĩ nếu chúng ta thực sự mong muốn phát triển một nền Khoa học - Công nghệ (KHCN) tiên tiến thì đây là lúc cần nghiêm túc cân nhắc và lựa chọn những giải pháp hữu hiệu, thay vì chỉ hô hào những sáo ngữ như khởi nghiệp hay sáng tạo.

Đây là một đề tài lớn, cần sự hợp tác của nhiều chuyên gia. Trong phạm vi loạt bài viết này tôi chỉ nhấn mạnh vai trò quyết định của chính phủ trong xây dựng KHCN thông qua việc tạo điều kiện để doanh nghiệp kỹ nghệ phát triển và cạnh tranh lành mạnh, và đầu tư nghiên cứu đúng cách để nâng cao hiệu quả.

Chim én và Mùa xuân

Câu hỏi thường gặp khi nhắc đến nguồn nhân lực của VN là "Vì sao VN luôn đứng hàng đầu các cuộc thi Toán, Lý, Hóa quốc tế, mà KHCN chậm phát triển như vậy?"

Theo thói quen, người ta đổ lỗi do các nhân tài ấy bỏ xứ ra đi, ăn cháo đá bát. Khi Giáo sư Ngô Bảo Châu đạt giải Field, người người ồn ào lẫn thầm lặng mong giáo sư trở về phục vụ đất nước. Một dịp khác, cả cộng đồng mạng tranh cãi "Du học sinh nên ở hay về?" suốt nhiều tháng.

Tôi cho rằng, việc họ đi đâu ở đâu là quyền mưu cầu hạnh phúc của họ (dù nước ta có công nhận quyền ấy hay không), và chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến sự phát triển KHCN ở tầm vĩ mô. Một con én không làm nên mùa Xuân.

Thực ra, một bầy én cũng không làm nên mùa Xuân, mà vì mùa Xuân đến nên én mới về. Nếu làng quê có nhiều công ăn việc làm và tiện nghi thì những người con xa xứ sẽ tự nguyện trở về sinh sống và phụng dưỡng cha mẹ già, chứ không phải các cụ dù muốn hay không vẫn phải khăn gói theo con cái lên thành thị như hiện nay. Dù các văn sĩ có luôn miệng ca ngợi cuộc sống ở làng quê bình yên chân chất nghĩa tình thế nào đi chăng nữa, sự nghèo khó và lạc hậu hàng ngày vẫn đẩy dòng người vào thành thị. Chim én có về mà mùa Xuân không đến thì én sẽ lại bay đi tìm nơi khác làm tổ.

Vậy làm sao để tạo nên mùa Xuân?

Vai trò của Chính phủ

Việc chính phủ can thiệp quá sâu vào nền kinh tế thông qua các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh rất dễ tạo nên tình trạng ì ạch, cạnh tranh kém công bằng, giết chết hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân tuy nhỏ nhưng nhạy bén hơn với thị trường.

Ngược lại, buông thả cho nền kinh tế tự vận hành bừa bãi sẽ dẫn đến tranh chấp, gian lận, vi phạm quyền lợi của người dân. Khoa học công nghệ (KHCN) cũng như tất cả khác khía cạnh khác của nền kinh tế cần sự điều tiết hợp lý và hiệu quả của chính phủ. Bằng những chính sách hợp lý, chính phủ có thể tạo nên một môi trường phát triển và cạnh tranh lành mạnh cho các công ty kỹ nghệ, đặc biệt các công ty mới và nhỏ; đầu tư nghiên cứu hiệu quả và có tính chiến lược giúp thúc đẩy nền kỹ nghệ chung, số lượng và trình độ của nhân công kỹ thuật cao. Đó là những tiền đề cần thiết để tạo nên một mùa Xuân về KHCN.

Tiêu chí cơ bản của chính phủ khi điều tiết kinh tế nói chung và KHCN nói riêng là đảm bảo tính công bằng.

Một sân chơi công bằng, cạnh tranh lành mạnh là nền tảng cơ bản để tận dụng khả năng của mọi người; bất công sẽ gây ra độc quyền và bóp nghẹt sự sáng tạo. Điều đó đòi hỏi sự minh bạch trong các chính sách của chính phủ, trong quy trình duyệt và cấp kinh phí cho các dự án công. Sau cùng, cần có những chiến lực đầu tư một số dự án trọng yếu giúp tạo đà cho sự phát triển KHCN của đất nước.

Luật Sở hữu trí tuệ

Mãi đến giữa thập kỷ đầu của thế kỷ 21, năm 2005, Việt Nam mới ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho phép cá nhân và doanh nghiệp đăng ký sản phẩm trí tuệ dưới hình thức bản quyền, thương hiệu và bằng sáng chế.

Tuy nhiên, một trí thức bình thường (chứ chưa nói đến luật sư) đọc lướt qua sẽ thấy ngay luật này sơ sài tới mức nào. Chuyện kiện tụng tranh chấp về sở hữu trí tuệ càng không xảy ra, không phải vì không hề có tranh chấp hay vi phạm mà vì hệ thống tòa án của chúng ta gần như vô dụng.

Hậu quả của sự yếu kém của Luật SHTT này như thế nào?

Luật SHTT lỏng lẻo dẫn đến nền kinh tế "mì ăn liền" dựa vào dịch vụ hơn là sản phẩm trí tuệ.

Khoảng 15 năm trước khi máy vi tính phổ biến nhanh đến chóng mặt ở VN, một anh bạn rủ tôi viết phần mềm.

Chúng tôi suy đi tính lại, thấy không khả thi. Ở VN không thể kiếm sống bằng viết phần mềm được, và điều đó đúng mãi đến ngày hôm nay.

Hãy nhìn Từ điển Lạc Việt. Ở một nước dân số đông và trẻ, đồng thời phong trào học tiếng Anh rất mạnh mẽ, thì một phần mềm từ điển phổ biến như Lạc Việt lẽ ra sẽ đủ biến công ty cổ phần Lạc Việt thành một tập đoàn phần mềm hùng mạnh như FPT, chứ không phải chỉ 500 nhân viên như hiện nay.

Nguyên nhân vì sao thì ai cũng rõ rồi: Phần mềm từ điển được bán rộng rãi ở các tiệm đĩa với giá 8000đ (giá năm 2005), và công ty Lạc Việt không nhận được xu nào cả. Công ty Lạc Việt, cũng như đa số các công ty phần mềm khác như BKAV hay cả FPT, đều sống sót dựa vào dịch vụ gia công phần mềm. Trong khi đó ở trời Tây, Microsoft bành trướng khắp thế giới nhờ bán phần mềm Windows và MS Office.

Đa số người dân VN, từ cấp quản lý đến dân thường, lề phải lẫn lề trái, đều né tránh vấn đề sở hữu trí tuệ. Họ lập luận rằng dân ta còn nghèo, tiền đâu mà cung phụng cho tụi tư bản (mà quên rằng ông bà ta dạy "Nghèo cho sạch, rách cho thơm"), thực ra là biện minh cho bàn tay lỡ nhúng chàm của họ.

Ít ai nhận thấy rằng chính sự thiếu thốn của luật SHTT đã dẫn tới sự nghèo nàn trong nền kỹ nghệ và cuộc sống của chúng ta hiện nay, dù được bù đắp phần lớn bởi sản phẩm nước ngoài. Vì chúng ta không mua phần mềm nên lập trình viên Việt chủ yếu gia công phần mềm cho công ty nước ngoài, hoặc thiết kế web. Làm sao chúng ta dám sáng tạo, đặc biệt ở lĩnh vực KHCN sự sáng tạo rất tốn kém, khi sản phẩm trí tuệ luôn có nguy cơ bị đánh cắp một cách ngang nhiên?

Sẽ là một thiếu sót to lớn nếu chúng ta nói đến việc xây dựng "Thung lũng Silicon" ở VN mà không nhắc đến việc cải thiện luật SHTT, vốn là nền tảng cho sự vận hành của thung lũng Silicon ở Hoa Kỳ. Có thể nói, luật SHTT chặt chẽ của Mỹ là một nhân tố lớn thu hút các chuyên gia KHCN trên thế giới. Điển hình là Giáo sư Shuji Nakamura người Nhật Bản, giải Nobel Vật Lý năm 2014, nhấn mạnh rằng một nguyên nhân lớn khiến ông rời bỏ Nhật sang Mỹ là ở luật SHTT còn thiếu chặt chẽ của Nhật (so với Mỹ).

Một thí dụ nữa minh họa cho tác dụng to lớn của luật SHTT chặt chẽ của Mỹ trong việc thúc đẩy nền kỹ nghệ của họ: Năm 1995, Apple đã thoát cảnh phá sản và "hóa rồng" như ngày nay nhờ vào vụ kiện với Intel và Microsoft về bằng sáng chế kỹ thuật xử lý video.

Ở Hoa Kỳ và các nước phát triển khác có một loại hình kinh doanh, có thể nói là nền tảng cho các công ty công nghệ mới, gọi là IP business (IP: Intellectual Properties, sở hữu trí tuệ).

Các công ty công nghệ mới, thường nhỏ và ít vốn, không thể tạo sản phẩm cạnh tranh nổi với các tập đoàn lớn. Cách làm của họ là sử dụng đội ngũ nhân viên trẻ và tài năng cùng phát triển một ý tưởng mới, và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Họ tồn tại, mở rộng kinh doanh, hoặc gia nhập vào các tập đoàn lớn, là nhờ vào số bằng sáng chế đó.

Những cá nhân và công ty có ý tưởng sản phẩm mới và chất lượng đều đổ dồn vào những quốc gia có luật pháp chặt chẽ để sản phẩm trí tuệ, và miếng cơm, của họ được bảo vệ. (Ngược lại, hàng hóa dịch vụ dỏm thường tìm sang các nền luật pháp yếu kém để tránh bị buộc phải bồi thường cho nạn nhân.)

Nếu không có luật sở hữu trí tuệ công bằng, minh bạch và thực thi hiệu quả thì sẽ không bao giờ có Thung lũng Silicon, dù ở Mỹ hay Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét