khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Giấc mơ kỳ lạ của người lính Mỹ và câu chuyện cô gái lai tìm cha trong 20 năm






Nếu 20 năm trước, người mẹ đã nuôi dưỡng cô từ lúc vài tháng tuổi không qua đời, thì có lẽ cô sẽ không bao giờ biết về nguồn gốc thật sự của mình. Hơn thế nữa, bà ra đi mang theo tất cả sự thật của câu chuyện.

Bây giờ là câu chuyện cô gái con lai tìm  cha ruột trong suốt 20 năm. Cô là Jenny Hằng Nguyễn Ashley, 47 tuổi, sống ở thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ.

Má Xuân

Thật vậy, cô không biết vì chưa bao giờ cô có cảm giác  “xa cách vì không có cùng máu mủ, dù chỉ thoáng qua.”

Tôi chưa bao giờ có cảm giác xa cách và cũng không hề nghĩ mình là con nuôi. Cho dù đôi khi, có những đứa bạn hàng xóm chơi với mình nói “mẹ tao nói mày là con nuôi.” Tôi về hỏi má Xuân là tụi nó nói con là con nuôi có đúng không? Thì má tôi trả lời một câu là ‘Ơ không nuôi thì làm sao lớn?
Thường thường tôi nghe nói một người con nuôi hay bị hất hủi, bị đánh đập, không cho ăn, không cho đi học…nhưng tôi thì không có chuyện đó. Tôi muốn đi học tiếng Anh, bà cho đi học tiếng Anh. Tôi muốn đi học đàn, bà cho đi học đàn.

Cô chia sẻ khi được hỏi liệu có một phút giây nào đó cô cảm nhận sự xa cách máu mủ với mẹ Xuân, là người mẹ nuôi đã khuất của cô hay không? Cả một gia đình, cả một dòng họ thương yêu tôi. Có lẽ tôi là người may mắn trong vạn người con lai.”

Cô chưa bao giờ nghĩ mình là con nuôi, và cô cũng chưa bao giờ có ý định sẽ đi tìm cha ruột khi hai mẹ con đặt chân đến Mỹ theo diện con lai. Đơn giản, cô nghĩ rằng: “Tôi nghĩ mình có mẹ là đủ rồi, nên không nghĩ đến.” Năm ấy cô 16 tuổi.

Chỉ một lần duy nhất, khi hai má con đi nhà thờ, má Xuân nói ba của cô cũng cao giống như cái ông đứng đằng trước mặt.
Tất cả cô biết về ba của mình chỉ biết như thế. Chưa bao giờ cô thấy tấm hình và cũng chưa bao giờ biết đến cái tên.

Thế rồi, đã là định mệnh thì phải diễn ra như nó phải là…

Sự that

Năm 1999, má Xuân của cô ngã bệnh. Nhớ lại lúc đó, cô kể:
Không biết là bệnh gì, nhưng khi vào bệnh viện thì má đã mê man rồi. Bác sĩ đẩy má vào máy scan để scan hết người. Sau đó bác sĩ nói là trong não của mẹ Xuân có một sợi dây thần kinh để dắt máu vô não thì nó bị mỏng một đoạn. Mỗi lần mẹ suy nghĩ, hay càng lớn tuổi thì sợi dây đó càng mỏng, đến một ngày nó sẽ đứt ra làm đôi. Khi đó máu sẽ tràn vào não, làm cho não bị ngộp thở và má sẽ chết.

Khi chụp hình đầu xong thì bác sĩ nói với tôi là phải giải phẫu cho má từ 10 đến 18 tiếng. Khả năng cứu là 50/50, còn lại là do ý trời với bản thân của bà chứ bác sĩ không thể làm gì hơn.”

Quyết định không đơn giản cho cô.

Nếu không làm gì cả, là chấp nhận để má Xuân của cô nằm im như vậy cho đến ngày bà mất và mất trong hình hài của người thực vật. Máu đã ngập trong não.

Nếu đồng ý mổ, cô phải đánh cược với chính số phận của bà.

Cuối cùng, cô đồng ý ký vào tờ giấy mổ và thực hiện yêu cầu của bệnh viện:

Cái này có liên quan đến di truyền trong gia đình. Tôi là con gái của bà (trong giấy khai sinh là như thế) thì bệnh viện yêu cầu tôi phải đi chụp não của tôi.

Khi chụp hình não của tôi ra thì người ta nói tôi không phải con ruột của bà, vì hộp sọ của tôi không có tương quan gì với bà hết. Cho nên bác sĩ bảo đảm là tôi không dính líu gì với bà hết, chắc chắn 100% tôi không phải là con ruột.

Năm đó là năm 1999.

Nén đau khổ, cô vượt qua hai nỗi đau xảy ra cùng lúc để đưa xác má về quê nhà, cho bà nằm cạnh bà ngoại của cô, đúng theo ý nguyên bà đã dặn dò khi còn sống.

Về đến quê nhà, tôi cắn răng im lặng để lo cho má trọn vẹn đến ngày cuối cùng. Tôi cũng muốn hỏi lắm, nhưng mẹ mình vừa mất, mình hỏi thì…”

Cô bỏ lửng câu nói. Không khó để nhìn thấy rõ và hiểu rõ tấm lòng của cô gái vừa mất mẹ, vừa biết được mình không phải là con ruột của bà, vừa nóng lòng muốn biết nguồn cội của mình.

Chữ hiếu và chữ nghĩa không cho phép cô đặt ra bất kỳ câu hỏi nào với gia đình trong thời gian đó. Cô dự tính sau ba năm, khi mãn tang má xong thì cô sẽ hỏi ông ngoại.

Thế nhưng một lần nữa, trớ trêu là định mệnh lặp lại. Khi chỉ còn ba tuần nữa đến ngày mãn tang má, ông ngoại của cô cũng ra đi. Nhớ lại lúc đó, cô nói:

Tôi dự định sẽ hỏi những ông bác trong nhà. Nhưng lại sợ mọi người cho rằng ông ngoại mới mất, má mới mất mà tôi đã đào bới chuyện cũ ra. Tôi cắn răng lần nữa chờ đợi thêm thời gian. Nhưng rồi các ông bác lần lượt qua đời, chẳng ai nói được với tôi điều gì.”

Mẹ Hạnh và dì Hát

Không thể bỏ cuộc và không cho mình bỏ cuộc, cô quay về Việt Nam lần nữa. Lúc này, cô quyết định hỏi thẳng dì Hát, một người dì trong gia đình, về mẹ ruột của mình. Bà cho biết: “Mẹ của con tên là Hạnh.”

Những gì dì Nguyễn Thị Hát, người phụ nữ hơn 60 tuổi (em của bà Xuân đã qua đời), tai đã lãng, trí nhớ đã dần phai, nhưng may mắn thay những gì cô muốn biết vẫn còn nằm trong tâm trí của bà. Cô kể lại câu chuyện qua lời dì Hát:

Mẹ sinh ra Hằng tên là Hạnh. Mẹ Hạnh làm trong quán bar của mẹ Xuân. Khi sanh ra Hạnh, vì phải vừa đi học vừa đi làm, mẹ Hạnh gửi Hằng cho một người bạn, được thời gian ngắn thì người bạn này không nhận nữa. Lúc đó, má Xuân mới lên tiếng nhận nuôi Hằng. Má Xuân thương và chăm sóc Hằng hơn ai hết.”

Những gì dì Hát còn nhớ là quán bar đó tên Mộng, trên đường Nguyễn Văn Thoại, Sài Gòn.

Cũng qua ký ức ít ỏi dì Hát còn giữ lại, cô biết mẹ Hạnh đã từng đến xin lại cô để đưa cô cùng đi Mỹ. Nhưng theo lời kể của dì Hát thì:

“Mẹ Xuân mới rửa tội cho Hằng. Mẹ Xuân chăm sóc Hằng cả linh hồn lẫn thể xác, mà mẹ Hạnh thì không cùng tôn giáo, không phải Thiên Chúa Giáo nên không thể cho mang đi được.”

Từ đó, mẹ Hạnh của cô không quay trở lại nữa. Cũng theo ký ức của dì Hát, cái ngày mà bà gặp mẹ Hạnh của cô đến xin lại con, bà nói:

“Hằng giống mẹ Hạnh như đúc.”

Và đặc biệt, theo lời dì Hát kể, mẹ Hạnh đến xin lại cô để rời khỏi Việt Nam cùng một người đàn ông ngoại quốc, người Mỹ.

Khi đó, cô nghĩ rằng: “Nếu mẹ Hạnh đi về Mỹ thì chắc phải đi với ba tôi. Cho nên tôi quay về Mỹ, tôi lao vào lấy DNA để tìm ba. Trong đầu tôi nghĩ rằng khi tìm được ba thì sẽ tìm được mẹ, vì mẹ đã đến xin tôi để đưa đi cùng với ba.

Mang trong mình nỗi khắc khoải nhưng cô nói chưa bao giờ cô trách mẹ Hạnh hay giận mẹ Xuân đã không nói ra sự thật. Cô tự trách mình sao quá đỗi hời hợt trong những tháng năm mẹ Xuân còn sống. Cô tự trách phải chi khi đó cô đề cập đến ba của mình, tìm hiểu về DNA thì đã có hy vọng…

2007, Jenny Hằng Nguyễn lần đầu tiên tham dự Hội Con Lai tổ chức ở Chicago. Cô kể lại:

Tôi hoàn toàn không có dấu tích gì của ba mình. Biển trời bao la. Lính Mỹ thì ngàn vạn người biết tìm từ đâu đây? Khi đó, một người bạn trong hội nói với tôi là Hằng ơi, máu trong người mày chính là nguồn gốc đi tìm ba, đâu cần hình ảnh gì…

Thế nhưng lúc đó, cô không đủ niềm tin về cuộc tìm kiếm với hai bàn tay trắng. Thêm vào đó là cái kết buồn của những câu chuyện về con lai đi tìm cha hoặc mẹ ruột làm cho cô băn khoăn. Mãi cho đến năm 2016, qua nhiều lời khuyên từ bạn bè, cô quyết định chấm dứt sự lo sợ của mình, bắt đầu con đường đi tìm cha.

Tôi bắt đầu tìm hiểu, dò hỏi rồi ghi danh với Family Tree để có một bộ thử máu. Tôi thực hiện đúng hướng dẫn cách lấy máu rồi gửi đi và chờ đợi.”

Sau khoảng 6, 7 tuần theo dõi đường đi của DNA (mỗi cá nhân khi ghi danh sẽ có một tài khoản riêng để theo dõi trên máy điện toán) một ngày kia, cô thấy DNA của mình dừng lại ở một dòng họ có tên Ashley.

Sau này tôi biết đó là bà cô của tôi. Và có thêm hai người nữa là ông nội và bà nội, đã mất rồi.” Cô nói.

Ngày 28 Tháng Bảy, 2016, tôi có gửi cho bà một lá thư, qua tin nhắn trên Facebook của bà. Bà tên là Jackie Ashley Pace, sống ở The Woodlands, Texas. Nhưng suốt một năm bà không hồi âm.

Năm 2017, tôi gửi một lá thư nữa cũng không thấy hồi âm.
Năm 2018, tôi gửi một lần nữa, cũng biệt tăm.”

Không thể bỏ cuộc khi cánh cửa bí mật đã hé mở một ít, qua những người bạn lai đã tìm được cha, cô được giới thiệu đến ông Paul Wickman, người từng đi lính ở Việt Nam và đã từng giúp nhiều người con lai tìm được nguồn gốc thật của họ.

Nghe xong câu chuyện, ông đồng ý giúp cô, và quá trình tìm cha của cô Jenny Hằng Nguyễn được bắt đầu lại từ đầu. Với kinh nghiệm từng giúp rất nhiều người con lai, lần này nơi mà ông Paul gửi DNA của cô đến, chính là ngân hàng DNA của lính.

Sau khoảng bốn tuần chờ đợi, hy vọng có, lo lắng cũng có, cô nhận được cuộc điện thoại của ông Paul. Ông nói:
Tôi đã tìm được ba của cô rồi. Đó chính là dòng họ Ashley mà cô thấy trên máy điện toán. Ba cô còn sống.”

Ngay sau đó, một lá thư do ông Paul soạn thảo và do chính cô ký vào được gửi đến ngân hàng DNA của lính.

Bốn tuần sau, một thời gian dài nhất đối với cô cho đến lúc này, cô nhận được lá thư hồi âm. Nhớ lại đêm hôm đó, 25 Tháng Hai, 2019, cô kể:

Đó là ngày Chủ Nhật, trời mưa, tôi ra thùng thư để lấy thư. Vì mưa, lá thư lấy ra bị ướt. Tôi rất sợ nó bị lem, mất chữ, tôi không đọc được. Lúc đó tôi cầu xin Chúa ơi đừng cho ướt bên trong, nếu ướt bên trong là con không nhìn thấy gì cả. Và tôi cũng cầu xin Chúa ơi con cầu xin dòng chữ đầu tiên con nhìn thấy là ba con còn sống.

Mở thư ra, tôi nhìn thấy tên, ngày tháng năm sinh nhưng không có ngày tử. Tôi biết ba tôi còn sống. Ông tên là Frederick Ray Ashley.

Tôi xem tiếp phần thông tin cá nhân, thấy ông còn gia đình, nhưng tên người vợ là một cái tên Mỹ, không phải người Việt Nam.

Tôi biết mình đã tìm ra ba. Nhưng cùng với niềm vui sướng, là sự chới với…

Khi ấy tôi thấy ngay một hành trình đầy khó khăn nữa trước mắt.

Tương phùng

“Bây giờ không ai nói mình là không cha nữa??? Mình có cha rồi!”

Đó là ý nghĩ đầu tiên trong tâm trí của người phụ nữ 47 tuổi, tìm được cha sau 20 năm biết được thân phận thật của mình.

Nhớ lại những ngày thưở nhỏ, cô nói:

Hồi xưa còn nhỏ, người ta cứ nói ui, mày không có cha. Mấy đứa bạn kỳ thị không chơi với mình khi đi học. Thậm chí đến bây giờ, ở Mỹ đây vẫn có nhiều người còn lối suy nghĩ những đứa lai là không có cha nên thất học…Bây giờ ai mà nói mình không cha mình sẵn sàng nói với họ là mình có cha rồi mà.”

Từ Illinois, Chicago, cô chạy xe đến gặp ba của mình ở North Carolina. Ngày cha con gặp lại, trời cũng mưa tầm tã.

Tôi chạy xe vào cổng nhà của ông. Ông ở trong chạy ra. Tôi chưa thể nói được câu nào thì đã nghe ông thốt lên: ‘She is my daughter.’ Ông ôm chặt tôi, hôn lên tóc của tôi. Ông vừa nói vừa khóc: ‘Trời ơi con gái của tôi mà tôi đã không biết.’
Tôi hoàn toàn không nói được câu nào, tôi chỉ biết khóc.”

Vui có. Khóc cũng có. Cười cũng có. Cô như đứa con nít 5 tuổi được ba ôm trong lòng.

Ông luôn miệng nói ba xin lỗi con. Ba không bỏ con, vì ba không biết…

Câu chuyện giữa hai cha con cứ thế trải dài như không muốn dứt. Ông Buddy (tên gọi thân mật của ông) khi đó kể lại cho cô nghe một giấc mơ kỳ lạ ông đã thấy một lần sau khi ông cùng với đồng đội được lệnh rút về Mỹ.

“Ba tôi có một giấc mơ, thấy một người con gái mặc áo dài trắng, nhìn theo ông, tay của người đó xoa bụng. Ông thấy phần bụng của người phụ nữ đó nhú lên một chút, và ông thấy hành động lấy tay xoa bụng ấy như một người đang mang thai mà lấy tay xoa bụng của mình.”

Giấc mơ ấy đã theo đuổi ông Buddy suốt mấy mươi năm.
Gặp được cha của mình, cô cũng được biết thêm về người mẹ tên Hạnh của mình. Đúng như lời dì Hát kể, mẹ của cô năm đó là việc trong quán bar của bà Xuân, người mẹ nuôi của cô. Mẹ Hạnh của cô vừa đi học vừa đi làm. Ông Buddy khi đó nghiễm nhiên trở thành người thầy dạy tiếng Anh cho bà.

Khi được hỏi nếu bây giờ nhắc lại một chi tiết hay một kỷ niệm nào đó để mẹ Hạnh của cô có thể nhận ra cô và ông Buddy, thì sẽ là chi tiết nào? Ông Buddy nói:

Lúc đó bà đi học. Bà hỏi tôi nước Ai Cập tiếng Anh là gì. Khi đó không có Google nên tôi không hiểu Ai Cập là gì, nên tôi không dạy cho bà được. Tôi không thể trả lời được. Cho nên lần đó bài làm của bà bị ‘failed’

Với ông Buddy cũng như với Jenny Hằng Nguyễn, đây là chi tiết duy nhất họ mong sẽ tìm được mẹ Hạnh nếu bà đọc được những điều này.

Thật sự đối với cô, việc tìm được cha ruột giữa biển người bao la, trong tay không có một hiện vật gì trừ dòng máu trong người mình là một định mệnh kỳ diệu. Cô nói mình đã tin trái đất hình tròn, tin rằng máu thịt với nhau sẽ trở về với nhau.

“Đối với gia đình mẹ Xuân, tôi đã báo hiếu đầy đủ, đã trả hết tất cả đạo làm con. Giờ đây, tôi phải tìm và trả hiếu cho mẹ ruột của mình. Dù là bà còn sống một ngày, tôi cũng phải trả ơn một lần. Ai cản tôi, tôi cũng không nghe. Tôi phải tìm cho ra bà.

Ba tôi với mẹ (người vợ hiện tại của ông) luôn nói với tôi là không được bỏ cuộc. Không ‘give up’. Cứ phải đi tìm mẹ. Những ai muốn cản trở hay nói về nhiều những chuyện xấu ví dụ như mẹ tôi sẽ bỏ tôi, không nhìn tôi…thì không nghe những lời đó. Không nghe những người đó nói, đó là câu của Ba tôi luôn nói với tôi.”

Hơn nữa, cô có một niềm tin, đó là mẹ Hạnh của cô đang ở Mỹ. Lý giải cho điều này, cô nói:

“Tôi đoán bà đã đi Mỹ. Vì thời buổi đó, đa số những người làm ở quán bar đã đi Mỹ hết rồi. Không ai ở Việt Nam. Tôi không nghĩ bà còn sót ở Việt Nam.”

Cô tin rằng, điều màu nhiệm thứ nhất đã đến với, thì chắc chắn điều thứ hai cũng sẽ đến.

Cho dù ngày tìm được mẹ là tìm thấy ngôi mộ đã xanh cỏ, tôi cũng phải tìm cho ra và đến thắp cho bà nén nhang.

Điều kỳ diệu vẫn luôn xảy ra trong cuộc sống, nhất là với những người có niềm tin và không bao giờ bỏ cuộc. Câu chuyện của Jenny Hằng Nguyễn, cô gái Việt lai Mỹ đi tìm cha với hành trang chỉ có tình yêu và hy vọng là một ví dụ. Mong rằng một ngày nào đó, có thể cũng là một ngày mưa tầm tã, cô sẽ lại nhận được một cuộc điện thoại, hay một lá thư từ người phụ nữ có tên Hạnh.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét