khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

60 năm ngày Tây Tạng bị Bắc Kinh xâm chiếm và đàn áp đẫm máu



Cung điện Potala, trụ sở của chính quyền Tây Tạng tại Lhassa, trước khi Trung Quốc sát nhập Tây Tạng.                    

Hôm nay 10/03/2019 là tròn 60 năm ngày người dân Tây Tạng vùng lên ở Lhassa chống Trung Quốc chiếm đóng rồi bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp đẫm máu, khiến hàng ngàn người chết và nhiều người phải sống lưu vong, trong đó có đức Đạt Lai Lạt Ma.

Hiện giờ, Tây Tạng bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của công an Trung Quốc. Bắc Kinh mạnh tay thúc đẩy Hán hóa Tây Tạng. Việc giảng dạy bằng ngôn ngữ Tây Tạng bị hạn chế. Vào dịp này, khách du lịch nước ngoài còn không được chính quyền Trung Quốc cho phép đến thăm Tây Tạng. Lệnh cấm này kéo dài cho đến ngày 01/04.

Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget cho biết thêm chi tiết :

« Thường thì du khách nước ngoài muốn đến thăm Tây Tạng buộc phải xin giấy phép đặc biệt từ nhà chức trách Trung Quốc. Nhưng hiện giờ tất cả đều bị từ chối.
 
Trong tuần qua, lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Tây Tạng khẳng định việc hạn chế du khách nước ngoài đến Tây Tạng là để « bảo vệ » họ, vì độ cao, việc thiếu oxy và các điều kiện khí hậu khắc nghiệt có thể gây nguy hiểm cho du khách. Lhassa, thủ phủ của Tây Tạng, nằm ở độ cao 3.650m so với mực nước biển.

Đây không phải lần đầu tiên Tây Tạng bị đóng cửa với người nước ngoài. Hồi năm 2009, nhân dịp 50 năm cuộc nổi dậy ở Lhassa, du khách quốc tế không được phép đến Tây Tạng. Sau những cuộc nổi dậy hồi năm 2008, Tây Tạng cũng bị đóng cửa suốt gần một năm.

Hiện giờ, các phóng viên nước ngoài và các nhà ngoại giao muốn đến Tây Tạng đều phải xin phép, nhưng hầu như đều không được chính quyền đồng ý.

Việc cản trở các nhà quan sát độc lập đến Tây Tạng cho phép Bắc Kinh duy trì chính sách kiểm soát chặt chẽ vùng này, nhưng tránh được sự chỉ trích của thế giới bên ngoài ».

Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã làm được điều gì tốt đẹp cho Tây Tạng ?

Bên lề khóa họp thường niên của Quốc Hội, tuyên bố trước báo giới tại Bắc Kinh, lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Tây Tạng, Ngô Anh Kiệt, tuyên bố là đức « Đạt Lai Lạt Ma không làm được gì cho người dân Tây Tạng, người Tây Tạng biết ơn đảng Cộng Sản Trung Quốc vì đã mang lại cho họ một cuộc sống hạnh phúc ».

Bình luận về phát ngôn trên, ông LobSang Nyima, thành viên chính phủ lưu vong Tây Tạng, đặc trách về truyền thông với cộng đồng người Hoa ở châu Âu, phát biểu với đài RFI tiếng Trung:

« Để đáp lời ông ấy, tôi chỉ muốn hỏi lại ông ấy một câu đơn giản là đảng Cộng Sản Trung Quốc đã làm được điều gì tốt đẹp cho người dân Tây Tạng sau khi xâm chiếm Tây Tạng ?

Dưới góc nhìn lịch sử, sau khi xâm nhập Tây Tạng, trong suốt 50 năm gần đây, họ đã giết hại toàn bộ giới tinh hoa Tây Tạng. Hồi năm 1959, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đàn áp cuộc đấu tranh đòi quyền tự do của dân tộc Tây Tạng. Từ năm 1966 đến năm 1976 (giai đoạn Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Quốc), chính quyền Bắc Kinh đàn áp người Tây Tạng cả về thể xác và trí tuệ, để tiêu diệt toàn bộ nền văn hóa Tây Tạng.

Sau này, người Tây Tạng phản kháng. Thế nhưng, Trung Quốc tiếp tục đàn áp và biến Tây Tạng thành một nhà tù khổng lồ. Mặc dù tên đầy đủ của Tây Tạng là vùng tự trị Tây Tạng, nhưng Tây Tạng hoàn toàn không có quyền tự trị.

Ngô Anh Kiệt, người có những phát ngôn nói trên, vừa là lãnh đạo vùng, vừa là đại diện của đảng Cộng Sản Trung Quốc tại vùng tự trị này, thế nhưng ông ta lại là người Trung Quốc chứ không phải người Tây Tạng.

Đó là chưa kể đến chuyện chưa từng có lãnh đạo chính nào của vùng tự trị Tây Tạng là người Tây Tạng ».


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét