khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Gặp gỡ nhà văn Nguyễn văn Xuân - Tác giả Lại Nguyên Ân







Bạn bè ở Đà Nẵng bảo việc gặp “cụ Xuân” thì dễ thôi. Vậy mà với hai kẻ tạt ngang như chúng tôi, việc ấy hóa ra lại khó. Rốt cuộc thì cũng gặp được, vào lúc chúng tôi đang sửa soạn khăn gói về Bắc. Và ông già ngoại thất tuần đã để lại nơi tôi một ấn tượng khá đậm. Ông gây cho người mới gặp lần đầu cái cảm giác thân mật, dễ gần. Trông ông bình dân, nhưng không quá dân dã, càng không có vẻ gì của nhà văn bàn giấy hay học giả thư phòng.
         
Chúng tôi biết ông là cây bút vào nghề từ những năm 1940s. Tổng tập văn học Việt Nam (tập 30 B) tuyển 2 truyện ngắn ông sáng tác trước 1945. Có điều lạ là từ văn sáng tác (văn hư cấu) thời đầu, ông lại chuyển sang văn nghiên cứu và dường như cái đáng kể hơn ở ngòi bút ông lại là mảng này. Hai cuốn Khi những lưu dân trở lại Phong trào duy tân ông viết những năm 1960s, vừa được in lại; ông ký tặng bọn tôi mỗi người một cuốn Phong trào duy tân.
         
“Tôi là một người địa phương học, - Nguyễn Văn Xuân nói - nhưng không phải địa phương học theo nghĩa cũ, mà là theo nghĩa mới. Việc nghiên cứu xã hội, theo tôi, không phải là chép chỗ này một ít chỗ kia một ít, mà phải nghiên cứu thực tế sự việc, phong tục, văn hóa… Hồi trước, khi đọc một tác giả Pháp, tôi sững sờ vì cái nhận xét mang tính phương châm này: sự nghiên cứu về cả thế giới nên bớt đi, sự nghiên cứu về địa phương nên tăng lên. Tôi yên tâm khi tập trung tối đa vào nghiên cứu địa phương, thấy việc nghiên cứu từng địa phương là quan trọng. Nghĩ như lịch sử nước mình, trong cả chiều dài chiều rộng, sức mấy mà người nghiên cứu nêu được những nhận định khái quát mới. Thôi thì hẵng tạm bằng lòng là đã có mấy bộ sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục. Rồi tập trung nghiên cứu các địa phương. Ngay bây giờ, tôi cho là cần đào tạo thật đông những nhà địa phương học có trình độ ngang mức quốc tế, để có thể tiến hành nghiên cứu so sánh rộng…”
         
Ông nêu tên một loại dép người Việt xưa đã dùng, có những người Nhật bảo giống một thứ dép của họ.

“Đó, nếu đặt vấn đề nghiên cứu so sánh, có thể tìm ra những điều thú vị: biết đâu người ta đã chẳng mang kiểu từ Việt về Nhật?”

Ông nêu tên mấy thứ bánh miền Trung có: chưng, tét, tổ, nổ, ích; trong số này, theo ông, bánh tổ có gốc từ Trung Hoa. Thế là trên một loại bánh đã đọc thấy những giao lưu văn hóa.

“Việc nghiên cứu không nên dừng lại ở văn bản. Ví như về phong trào duy tân. Không nên dừng ở các văn bản còn lại. Phong trào này không chỉ có một hướng mở tư thục, dạy tân thư. Nó còn có hướng thực nghiệp. Công ty nước mắm Liên Thành ở miền Trung được lập cùng lúc với trường Đông Kinh nghĩa thục ngoài Bắc. Không phải ngẫu nhiên bác sĩ Hồ Tá Khanh ở Pháp đã viết một cuốn sách về công ty này. Tổ chức sản xuất kinh doanh kiểu công ty là nội dung quan trọng thứ hai của duy tân. Thứ ba, phong trào duy tân là khởi nguồn của phong trào lãng mạn trong văn hóa, văn học.”
Duy tân đưa tới phong trào văn nghệ lãng mạn - như ông nhận định - là điều chúng tôi hầu như mới nghe lần đầu, nhưng có thể tán thành bởi tính chất chung của hai phong trào: đó là việc Âu hóa, đô thị hóa, đưa xứ mình thoát ra khỏi nhịp sống trung đại để đi vào thời hiện đại cả về kinh tế, xã hội, văn hóa. (Tôi nhớ, ở một ghi chép, Thế Lữ cho biết ông từng “sống” với phong trào tẩy chay hàng của Khách, hô hào dùng nội hóa, trước khi sống với phong trào văn học lãng mạn). Ông Nguyễn Văn Xuân chỉ cho chúng tôi mấy việc cụ thể: “Phong trào duy tân cung cấp cho phong trào lãng mạn về sau những người hoạt động, những lối sáng tác. Ví dụ quyển Hãn mạn du ký (1920) của Nguyễn Bá Trác. Hoặc những người như Lê Dư, và nhất là Phan Khôi - người cho đăng bài thơ “Tình già” châm ngòi cho việc đăng tải hàng loạt sáng tác thơ mới lãng mạn…”

Luôn thể, chúng tôi hỏi ý kiến ông về một số học giả trong Nam ngoài Bắc từ đầu thế kỷ XX đến gần đây. Về từng người, ông nêu nhận xét trong mấy câu ngắn gọn, ý sắc. Những ai ông không nắm được, ông từ chối: “Anh ấy thuộc lớp trẻ hơn, tôi không biết.”

Chúng tôi muốn được biết rõ hơn về ông. Ví dụ, ông có nhớ rõ ngày tháng năm sinh? Câu trả lời của ông vừa bỏ ngỏ, vừa… đầy tư liệu:

“Hồi ở tiểu học, ngày sinh ghi là 10.5.1920. Con số này chắc là sai, vì tôi tuổi Dậu, tức là năm 1921; còn ngày tháng, thì 10.5, chắc là theo âm lịch” [quy đổi thì ngày 10 tháng 5 năm Kỷ Dậu nhằm ngày thứ Tư 15.6.1921]

Chúng tôi hỏi ông đang viết gì, nhất là ông viết cái gì “để đời”? Ông trả lời trong giọng hào hứng, vừa đệm theo những tiếng thở dài:

“Ôi chao, muốn lắm chớ. Tôi muốn viết một bộ sách về văn học trình diễn, tức là văn học để nói. Mà tôi cũng đã viết được ra thành đến mấy xếp giấy, không biết để lạc đâu đó, ngay trong nhà mình cũng nên. Tôi cũng đi thuyết trình cho các lớp sau đại học ở TP. HCM. Nhưng để làm được thì phải có thời gian, thật nhiều thời gian. Mà thời gian bây giờ tôi phải giành để kiếm sống nuôi đặng ba bốn người lớn trong nhà… Không chắc đã viết được.

Tôi nghiệm rằng ở miền Nam, văn học trình diễn rất quan trọng. Ngoài Bắc, “văn” là cái để đọc. Trong Nam, “văn” là để nói. Thơ lục bát Nguyễn Đình Chiểu là để nói. Người ta nói thơLục Vân Tiên, thơ Thông Tằm, thơ Mụ Đội, vè Chàng Lía… Nói là một phong cách lớn của văn học miền Nam góp vào văn học người Việt. Kết tinh của phong cách này là văn học trình diễn.

Dân Việt trong Nam từ mấy thế kỷ nay là dân đi khai phá, kiểu như dân Âu sang đất Mỹ. Thường thì kẻ đi khai phá đành chịu dốt, không được học. Tiếp nhận bằng nghe nói thuận lợi hơn bằng đọc. Người được học không nhiều; họ có phần giống các samurai bên Nhật: mức học thường là đến tú tài, dưới cử nhân, nhưng ra đời cầm cuốc cầm gươm nhiều hơn cầm bút, di chuyển nhiều hơn là ngồi một nơi. So thử hai thứ bánh đồng chất: bánh chưng ngoài Bắc thích hợp với sự cố định, để nguyên một chỗ; bánh tét trong Nam là thứ thích hợp cho di chuyển, xách mang… Miền Bắc nền nếp, cố định. Miền Nam có khác…”

Chúng tôi hiểu ý ông. Tính năng động, trẻ trung - là đặc tính thấy rõ hơn ở miền Nam. “Văn để nói” của miền Nam, nhất là ở thế kỷ XIX, ít tính uyên thâm, tao nhã, chọn lọc như “văn học để đọc” ở Bắc. Nhưng bù lại, “phong cách nói” của lối văn trong Nam không phải là không đem lại điều gì cho văn học tiếng Việt, nhất là từ thế kỷ XX, khi phong trào văn học và báo chí quốc ngữ chảy ngược từ Nam ra Bắc.

Chúng tôi muốn hỏi chuyện ông về ngôn ngữ, nhân cái ý vừa được khơi ra. Nhưng đã đến giờ ông phải đi vì công việc. Như là để kết thúc, ông trở lại cái ý về sự cần thiết đào tạo các nhà địa phương học, xã hội học. Ông lo lắng: phải dạy thế nào cho sinh viên, nếu không, rồi sẽ không có người viết sử, không có người nghiên cứu địa phương học, xã hội học. Mà phải lo từ nhà trường phổ thông. Phải làm sao có được những trường chính quy, có trường sở tốt, thày giỏi, có đủ thư viện, phòng thí nghiệm, vườn trường, xưởng trường, sân thể thao. Phải có những trường chính quy rồi mới có nhiều chuyên gia giỏi…

Tạm biệt một người có thể xem là một pho sách sống lý thú như ông Nguyễn Văn Xuân, chúng tôi rất mong có dịp gặp lại.

Liệu chúng tôi còn dịp may gặp lại ông không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét