Luật sư Trần Thái Văn, cựu dân biểu tiểu bang California, thì nói rằng về khía cạnh tuyên truyền, sự lựa chọn Hà Nội cho biến cố lịch sử này sẽ đem lại một vài cơ hội tốt cho Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, nhất là về lãnh vực ngoại giao, an ninh, và kể cả du lịch.
"Tuy nhiên, vấn đề chính yếu và tối quan trọng mà toàn thế giới đang chờ đợi vẫn là kết quả của cuộc họp thượng đỉnh giữa hai ông Trump, Kim về chương trình từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn cũng như an ninh của vùng Bắc châu Á, nếu không muốn nói đến toàn cầu. Hà Nội chỉ được dùng làm sân khấu cho một cuộc trình diễn chính trị quốc tế cho hai nhân vật chính, đó là ông Trump và Kim về một đề tài cả thế giới đều quan tâm đến."
"Chính sách Hoa Kỳ về tranh chấp Biển Đông đã được thông báo rất rõ ràng từ thời Tổng thống Obama và vẫn được duy trì đến ngày hôm nay, chứ không phải mới bây giờ. Còn về phía Việt Nam, Hà Nội vẫn tiếp tục trò chơi 'đu dây' giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong nhiều năm nay, dù nhà cầm quyền Việt Nam hiểu rõ sự bành trướng và đe dọa quân sự của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông."
"Vậy câu hỏi nên được đặt ra là, liệu Việt Nam có dám gửi một thông điệp, trực tiếp hoặc gián tiếp cho Bắc Kinh trong kỳ họp này không? Tiếc thay, qua hành xử từ nhà cầm quyền Hà Nội về nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc trong quá khứ cũng như hiện tại, người dân Việt Nam đã biết khá rõ câu trả lời." Ông Văn nói.
"Từ khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với 11 quốc gia liên hệ trong vùng châu Á (TPP), chính phủ Hoa Kỳ có ý định sẽ điều đình trực tiếp, song phương với từng quốc gia về vấn đề trao đổi mậu dịch kinh tế, thay vì bị ràng buộc vào một quy lệ tổng quát liên hệ đến nhiều quốc gia tham dự vào TPP."
"Chuyến đến Việt Nam lần thứ nhì chỉ trong vòng 15 tháng của Tổng thống Trump sẽ tạo thêm một cơ hội tốt cho Hà Nội trực tiếp bàn thảo với các viên chức Hoa Kỳ. Không riêng với ông Trump, phía Việt Nam sẽ có các buổi làm việc với các viên chức ngoại giao và an ninh cao cấp tháp tùng. Hai phía sẽ có cơ hội làm việc trong nhiều lãnh vực khác nhau như an ninh vùng Biển Đông, giao thương quốc tế, di trú, giáo dục, và hy vọng nhân quyền, v.v.."
"Trong chuyến Tổng thống Trump đi Việt Nam kỳ này, sự mong muốn và yêu cầu của nhiều vì dân cử Hoa Kỳ, kể cả các vị dân cử Mỹ gốc Việt, là muốn thấy chính quyền Trump đặt vấn đề mạnh hơn với Việt Nam về vi phạm nhân quyền và những chiến dịch bắt bớ rất nhiều các nhà hoạt động bất bạo động trong những năm qua. Đối với Hoa Kỳ, sự quan tâm về nhân quyền và dân quyền với một quốc gia đối tác, kể cả Việt Nam, vẫn là một yếu tố thuần tuý, căn bản, để xây lên một nên tảng bang giao tốt và vững chắc."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét