khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

NHÂN QUYẾT ĐỊNH XÂY MỘT NHÀ HÁT- Tác giả Ngô Thảo




Theo dõi dư luận báo chí và cả mạng xã hội những ngày qua sôi động quanh một quyết định cụ thể là xây mới một Nhà hát ở TP Hồ Chí Minh, những người có trách nhiệm có thể đọc thấy rất nhiều vấn đề thuộc về tâm lý số đông,nhận thức và ý kiến rất khác nhau không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, mối liên quan của hoạt động văn hóa với các vấn đề xã hội, kinh tế khác… xuất phát từ những chỗ đứng, cách nhìn nhận, thói quen,tập quán và nếp sống,lý tưởng về mô hình xã hội tương lai chênh, khác nhau khá xa. Nhân đây, chúng tôi muốn lưu ý đến một khoảng trống có tính pháp lý, tạo nên độ chênh trong các lập luận, đó là chúng ta đang thiếu một chiến lược văn hóa cho đất nước trong quá trình xây dựng và phát triển. Một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mới chỉ là một định hướng còn khá mơ hồ vì thiếu định lượng.

Những năm qua, nước ta phát triển vượt bậc về kinh tế. Hình ảnh một nước nông nghiệp lạc hậu từ mấy nghìn năm đã thay da, đổi thịt, không chỉ thành phố, đồng bằng, mà cả nhiều vùng miến núi, biên giới, hải đảo.Nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, nhưng thực chất vận hành theo theo phương thức Tư bản. Xã hội không phân chia giai cấp theo kiểu cũ, nhưng lại có nhiều đẳng cấp khác nhau.( Khá nhiều khu vực xây dựng được quảng cáo công khai là giành cho Đẳng cấp thượng lưu,nhiều Khách sạn cao cấp ở các Khu nghỉ dưỡng được định hứơng là phục vụ nhà giàu và Tỉ phú nước ngoài ). Hàng chục triệu công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp, đều là những người làm công ăn lương, không còn ý thức Làm chủ tập thể ngày nào. Như câu thơ Đời thợ của nhà thơ Cách mạng Tố Hữu : Anh lại trở về đeo kiếp thợ/ Với quanh năm đôi bộ áo quần xanh /Hai bàn tay ,ấy đó cả gia tài/ Anh lại sẽ lần hồi đi bán dạo.Các xí ngiệp Quốc doanh cũng đang đẩy nhanh việc Cổ phần hóa, cũng không thể điều hành khác hơn. Khái niệm, Thời kỳ quá độXây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho CNXH cũng đã biến mất trong mọi Nghị quyết. Trên một hạ tầng Xã hội như vậy, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh : Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi, nên hiểu là nền văn hóa nào, và hình dung khuôn mặt nó thế nào cho phù hợp, hình như chưa được làm rõ. 
 
Từ thực tiễn phát triển của kinh tế và thể chế  đất nước hiện nay làm cho nhiều mô hình, thiết chế và cả quan niệm về vai trò, vị trí của văn hóa, trong đó có Văn học Nghệ thuật trong thời kỳ trước đây bộc lộ nhiều bất cập , nếu không kịp có thay đổi từ tầm CHIẾN LƯỢC thì tự thân văn hóa đã phải biến dạng nếu muốn tồn tại, nói chi giử Vị trí soi đường.Hiện tình văn hóa nước ta, có sự xuống cấp trên nhiều phương diện, từ đạo đức xã hội của cả cán bộ , Đảng viên,sự khủng hoảng trong hoạt động của các đơn vị nghệ thuật của cả Nhà nước Trung ương và địa phương,( Cả Sân khấu, Điện ảnh, Ca múa nhạc, các đơn vị nghệ thuật Truyền thống của cả người Kinh và các dân tộc thiểu số.Những rắc rôi trong việc Cổ phần hóa Hãng phim Truyện, một đơn vị nghệ thuất quan trọng, từng có quá khứ lừng lẫy đang diễn ra là một thí dụ …).Trong đà phát triển mạnh mẽ của xây dựng kinh tế Công nghiệp,dân cư bị dịch chuyển ồ ạt, nhiều vùng miền vốn có bản sắc văn hóa rõ nét và đa dạng đã và đang bị xóa sổ, hay nhạt nhòa. Nhiều thành phố và đô thị lớn thiếu một bàn tay quy hoạch để tạo nên sự độc đáo, bản sắc riêng. Ý tưởng đồng phục hóa xây dựng trụ sở cấp phường ở Thủ đô mới đây là thể hiện cụ thể nhất lối tư duy hành chính thiếu sự soi đường của văn hóa trong nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua.Tư duy nhiệm kỳ, tạo những dự án mới để có nhiều thứ (thành tích, công việc, lợi ích kinh tế từ 0/0 các công trình...), làm người ta không có ý thức xây dựng những công trình bền vững. Đến con đường cao tốc xuyên quốc gia,là nơi ngày đêm ngày hàng triệu người và phương tiện đi qua, nơi cấp trên trông xuống, toàn dân trông vào, với vốn vay nước ngoài cho mấy mươi năm, mà chưa kịp nghiệm thu đã hư hỏng,khiến dư luận sững sốt mấy ngày qua, thì quả thật đã phơi bày quá rõ không chỉ trình độ, ý thức về trách nhiệm, sự liêm chính tối thiểu, mà cả liêm sĩ tối thiểu của đội ngũ viên chức Nhà nước ở đây  cũng không có nốt. Thật ra, đây không phải trường hợp cá biệt, Nhiều năm qua, hình như ở địa phương nào cũng có tình trạng ăn xổi, ở thì , làm dối, làm ẩu, vừa làm vừa bớt xén, ăn cắp trong nhiều công đoạn trong xây dựng những công trình bền vững, kể cả về thể thao và văn hóa.
        
Xu hướng đó cũng thể hiện khá rõ trong việc xây dựng các chương trình,  tiết mục nghệ thuật, các bộ phim, vở kịch nhân dịp các dịp lễ hội. Mốt dựng các chương trình đại lễ hội, với những kịch bản hoành tráng, huy động hàng trăm, hàng ngàn diễn viên, trang phục,đạo cụ nhiều màu sắc nhằm tái hiện lịch sử các vùng miền, na ná nhau, tiêu một khoản tiền lớn, với khá nhiều công sức, chỉ để diễn một lần, gọi là văn hóa pháo hoa, chắc cũng không sai. Những bộ phim Nhà nước đặt hàng, nhiều vở kịch được cấp tiền dựng trong chỉ tiêu, coi như dựng xong là hoàn thành nhiệm vụ, còn chiếu được mấy người xem, diễn được mấy buổi thì hình như không nằm trong tiêu chí để tính toán. Không biết có bao nhiêu vở diễn sân khấu thuộc các kịch chủng trong hàng trăm vở được dàn dựng mỗi năm có số buổi diễn đạt con số 50?Thế mà số lượng NSND, NSUT được phong vẫn tăng đều đều, vì tiêu chuẩn đo được là số Huy chương vàng bạc trong các đợt Hội diễn, chứ việc có được công chúng biết đến và công nhận hay không là một đại lượng quá mơ hồ, không có thước đo.Các đơn vị sân khấu, cũng như các hãng phim tư nhân,do tồn tại bang chính các tấm vé bán của khán giả, nên việc đưa tác phẩm đến với công chúng, chọn dựng những tác phẩm được công chúng đón nhận là định hướng sáng tác và sản xuất.Không có khoảng hở cho tham nhũng, lãng phí và tắc trách trong khu vực làm nghệ thuật- dù nghiêng về giải trí của khối tư nhân. Trong khi thu nhập và mức sống của các nghệ sĩ khối quốc doanh thấp đến mức đáng báo động từ lâu rồi.Nêu một vài nhận xét như vậy, để thấy vị trí, vai trò,và hệ thống tổ chức các đơn vị nghệ thuật Nhà nước đang cần được quy hoạch lại . Một số địa phương tinh giản bằng cách gom thành các đoàn nghệ thuật tổng hợp nên coi là một bước lùi . Nghệ thuật truyền thống bao nhiêu năm được khai thác, nuôi dưỡng và phát triển cả trong những năm cả nước có chiến tranh đang có nguy cơ bị tàn lụi cả về tổ chức, và nghệ sĩ.Hiện cả nước không tìm đâu ra một vài tác giả trẻ có khả năng sáng tác Tuồng, Chèo, Kịch Dân ca, và cả Cải lương. Sẽ nguy hại hơn, nếu biết rằng, vốn truyền thống quý báu đó là nguồn cội cho mọi sáng tạo nghệ thuật tương lai, tạo nên bản sắc dân tộc riêng, khi chúng ta muốn hòa hợp với nghệ thuật Thế giới. Không phải vô cớ, thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở nước ngoài đang rất chú ý trong việc học và tiếp nhận những tinh hoa văn học nghệ thuật truyền thống các dân tộc VN. Bởi vì đó là nguồn Gen gốc cho họ khi muốn có sáng tạo nghệ thuật hòa nhập mà không bị hòa tan. Gìn giử, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của một đất nước nhiều dân tộc chính là bảo vệ nguồn tài nguyên tinh thần vô giá mà Tiền nhân đã truyền lại cho thế hệ hiên nay, và đến lượt chúng ta phải truyền cho các thế hệ tương lai, không phải chỉ là những xác ướp trong bảo tàng.
           
Nói đúng ra, nhiều năm qua, chúng ta đã xây dựng được một số cơ sở hạ tầng cho hoạt độngvăn hóa. Rất nhiều vốn cổ của dân tộc đã được sưu tầm, bảo tồn. Nhưng cùng với sự mở cửa của kinh tế, sự xâm nhập của văn hóa nhiều nước, đã làm cho văn hóa Việt đang chịu lép vế trên nhiều phương diện. Thiếu một chiến lược căn cơ, thiếu một quy hoạch tổng thể ở quy mô quốc gia, làm cho những quyết định cụ thể rơi vào tình trạng bất nhất, chắp vá, và nhiều khi đối phó. Dự án xây 5-60 Nhà hát hay rạp chiếu bóng trên cả nước hô lên rồi biến mất. Các Thành phố lớn, xây dựng rất nhiều cao ốc, nhưng một hệ thống các cơ sở đaò tạo, sản xuất, trình diễn nghệ thuật cả truyền thống và hiện đại còn nằm ngoài sự quan tâm từ phương diện Nhà nước. Nhiều cơ sở văn hóa cũ chuyển đổi làm dịch vụ. Dự án bỏ bao nhiêu tỉ để mua và cất giử những tác phẩm chưa thể công bố rộ lên một thời rồi biến mất, vô tăm tích. Bảo tàng Hà Nội xây xong không hoạt động hiệu quả. Hàng loạt Nhà văn hóa khắp huyện thị xây lên mà không  tìm ra hình thức sử dụng hửu ích. Chẳng khác gì sự hoang vắng của hệ thống nhà thi đấu thể thao và cả Nhà Rông, Nhà Dài ở vùng các Dân tộc thiểu số.Hình như không một địa phương nào có quy hoạch chung dài lâu cho các cơ sở văn hóa.  Cũng dễ hiểu là ở một trung tâm kinh tế lớn, cũng là trung tâm văn hóa lớn  ở phía Nam , nơi có bao nhiêu đơn vị, và bao nhiêu loại hình nghệ thuật đã và đang hoạt động trong những cơ sở cũ, hầu hết đang xuống cấp, thì việc đột nhiên quyết định xây một Nhà hát hiện đại, cho một loại nghệ thuật hàn lâm bỗng làm dậy sóng dư luận. Thật ra, thì xưa nay, ở nhiều quốc gia, việc xây dựng những công trình vượt trước thời gian, vẫn thường gặp sự phản ứng gay gắt của dư luận. Ngay ở trung tâm văn hóa Ánh sáng thế giới là Thủ đô Paris, thì Tháp Effel trước sau khi xây lên cũng đã chịu muôn vàn tai tiếng, trong đó có cả ý kiến những nhà khoa học và văn hóa lớn. Nhưng lần này, thì ngay thời điểm quyết định  và địa điểm xây dựng quá nhạy cảm, làm cho một việc vốn nằm trong quy hoạch lâu dài ( Hình như chưa được công bố), bị liên lụy bới nhiều dữ liệu liên quan khác. Mà hiệu qủa sử dụng của các cơ sở văn hóa đã và đang có là một chỉ dấu không tích cực  Sự lãng phí ghê gớm đó là hậu quả của tư duy làm văn hóa mà không chú ý khâu quan trọng và quyết định là Nhân lực, tức nhưng con người tham gia hoạt động văn hóa.Số người tham gia quản lý văn hóa, có thể đào tạo được, và hiện nay số đó là đông dảo, có mặt ở nhiều cấp. Nhưng còn đội ngũ những người sáng tác, biểu diễn, những người làm ra các sản phẩm văn hóa thuộc nhiều chủng loại lại không được quan tâm. Vẫn biết không ai đào tạo ra được những tài năng. Thiên tài lại càng không. Nhưng với những người có tài, sớm bộc lộ năng khiếu thì cần được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng , và tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho họ được thể hiện và phát huy tài năng sáng tạo của mình. Nhiều năm qua, xã hội chứng kiến nhiều tài năng xuất hiện khá ấn tượng. Nhưng rồi hình như họ nhanh chóng già đi mà không thấy lớn lên trong sáng tạo. Những Bảo Ninh (Nổi buồn chiến tranh), Dương Hướng (Bến không chồng), Nguyễn Khắc Trường (Mãnh đất lắm người nhiều ma), rồi đến cả Nguyễn Huy Thiệp,  hình như không vượt lên khỏi điểm xuất phát nhiều hứa hẹn. Một dẫn chứng cụ thể như thế để thấy cái khó của con đường sáng tạo, nhưng cũng thấy trách nhiệm của những cá nhân và đơn vị tổ chức về văn hóa nước nhà.
     
Một chiến lược văn hóa cho đất nước trong thời kỳ phát triển mới đang là yêu cầu bức thiết.
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét