Sau vài lần, tôi biết ông từ một thị trấn nhỏ ở phía nam lái xe gần bốn tiếng để chỉ ăn một tô phở, chạy loăng quăng một hồi rồi lái về. Đều đều cứ khoảng một tháng lại thấy ông, lần nào cũng một tô chín gầu và một ly cà phê đen không đường. Ngày một ngày hai, câu chuyện thành hình dần dần, một câu chuyện rất bình thường:
Tôi bị đi tù cải tạo như bất cứ sĩ quan VNCH nào. Ngày tan tác, tôi đeo trung úy, đi bộ thất thểu từ Cầu Xa Lộ về nhà, vai vẫn khoác khẩu M16, khẩu Colt nhét phía trong tay áo. Lính Bắc Việt đi xe GMC nhìn tôi chả thèm nói năng. Tôi nhìn họ ngỡ ngàng. Về đến nhà, vợ tôi sợ xanh mặt, lôi tôi vào trong bắt thay ngay bộ đồ nhà binh, hai khẩu súng thì đem ra quăng đại bên đường. Đời binh nghiệp của tôi kết thúc đột ngột và giản dị như vậy.
Cuộc sống tù đầy cũng chả có gì khác những anh em đồng cảnh ngộ. Tôi đi trình diện ở trường Gia Long tưởng chỉ đi học tập cải tạo dăm bữa nửa tháng nhưng đến tận đầu 1981 tôi mới được thả. Vâng, có gì để nói đâu. Anh em đã nói ra cả, sách vở viết về tù cải tạo dễ có đến trăm quyển, ông cứ mở quyển nào cũng được, đọc sẽ rõ.
Cái may mắn là vừa đi tù về, tôi được ông bạn thân đang tổ chức vượt biên cho đi chùa. Cái ơn này rất lớn chả cần phải nói nhiều.
Tôi ở trại tỵ nạn hơn một năm thì được một nhà thờ Lutheran nhận bảo trợ.
Tôi đến Mỹ, hai ngày sau bắt đầu đi làm. Tôi không biết gì về Welfare, và nhà thờ không đề cập gì đến trợ cấp xã hội. Họ giúp tôi đủ thứ, nhất là cố thu xếp để tôi và nhà tôi có việc làm. Ông cũng biết, thôi thì đủ thứ việc.
Việc đầu tiên là đi sơn bánh xe. Cái bánh xe Mỹ dựng lên dễ cao đến gần ngang ngực. Tôi sơn trắng hai cái vành, công việc xem ra dễ. Phải cái nó to quá nặng quá, tôi vần chưa nổi, làm sao được như ông đồng nghiệp Mỹ đen hai tay nhẹ nhàng bê cả cái bánh quăng vào một xó? Tối về tôi đau như dần, các bắp thịt cứng lại.
Tôi đổi hết việc này đến việc khác cho đến khi thi đậu vào Sở Bưu điện. Tôi làm bưu điện nay là hơn mười tám năm rồi.
Vợ tôi đi làm ở siêu thị Food Lions từ ngày đầu, bắt đầu bằng việc lựa rau hư, rau thối vứt sang một bên. Ấy vậy mà bây giờ bà ấy là supervisor, công việc nhàn ra phết.
Tôi kể ông nghe về Noel đầu ở Mỹ. Tôi không đi chùa nhưng trên nguyên tắc, tôi tự coi là Phật tử. Mẹ tôi là Phật tử thuần thành, giờ này bà vẫn ở Việt Nam, làm công quả cho một ngôi chùa nhỏ ở Phú Bình. Tôi bảo trợ nhưng bà không đi, nói ở đâu cũng thế. Bà quen chay tịnh ở chùa, ở Việt Nam phải hơn. Vốn tự coi là Phật tử, tôi không có thói quen ăn lễ Giáng Sinh. Năm đầu tiên ở Mỹ, vợ chồng con cái tôi vẫn còn hoang mang trước cuộc sống mới. Hai đứa nhỏ học tiểu học có xe buýt đưa đi đón về, đã bập bẹ nói được tiếng Anh.
Buổi chiều 24 năm đó, tôi được về sớm, đang tính kho một ít cá thì có tiếng gõ cửa. Mở ra thì thật ngạc nhiên. Hai cô giáo và cỡ gần ba chục đứa nhỏ đứng đó với gói lớn gói nhỏ.
Vợ chồng tôi ngạc nhiên. Mọi người cười nói tiến vào căn apartment dựng cây thông lên, chăng đèn, bày quà tùm lum. Vâng thưa ông, chả là khi cô giáo hỏi, các con tôi nói nhà tôi không có quà, không có cây Giáng Sinh, không nấu gì để mừng sinh nhật Chúa.
Có nghĩa là rất nghèo.
Hai cô giáo từ tâm bèn gọi điện thoại tới các phụ huynh và tổ chức “ủy lạo” gia đình tôi.
Sau cái kinh nghiệm đó, dù là Phật tử - vâng, nay tôi đã quy y, pháp danh Thiện Tâm - hễ cứ đến Giáng Sinh là tôi đi tậu một cây thông về, bày giữa nhà, lôi mấy cái hộp không ra, gói giấy xanh xanh đỏ đỏ bày ở góc. Lại còn cẩn thận dặn hai đứa nhỏ phải trình với cô giáo rằng nhà mình có cây thông đẹp lắm. Tôi cũng quyết định sống sao cho hội nhập với dòng sống mới, ráng trở thành một người như mọi người chung quanh.
Ông bảo là Mỹ hóa? Vâng, thì cứ gọi thế đi. Tôi thì chỉ nghĩ sống sao cho giống họ. Thế thôi.
Tôi bắt đầu cuộc cách mạng bằng ngôn ngữ. Tôi và nhà tôi bắt đầu nói với con cái bằng tiếng Anh vì sợ con mình cứ nói tiếng Việt mãi thì đến bao giờ mới giỏi tiếng Anh? Ông có biết sao không? Tôi chợt nhận ra rằng vợ tôi giỏi tiếng Anh hơn tôi.
Tôi tuyệt giao với người Việt. Có nhiều lý do lắm, ông ạ. Nơi đây hồi nào có hơn chục gia đình người Việt. Mới đầu thì thân nhau nhưng dần dần có xích mích, có kèn cựa, lời ong tiếng ve. Lại như họ không thích chúng tôi nên tôi lờ luôn.
Tôi bắt đầu không ăn cơm đều nữa. Món Mỹ tiện, dễ nấu và bổ dưỡng hơn. Thỉnh thoảng xót ruột lắm tôi ăn mì gói và cả tháng nhà tôi mới nấu cơm một lần. Các con tôi lần nào về đúng hôm có cơm Việt Nam, nó kêu hôi ầm ĩ.
Tôi xem Tivi rất chăm chỉ, và nghe nhạc Rock nhạc Jazz... Vâng ông nói cũng phải. Jazz khó nghe, không phải ai cũng thích. Tôi cũng đâu có thích nhưng vẫn phải nghe.
Rồi tôi để ý đến football. Cái khoản thể thao dễ nên tôi theo dõi kỹ để có thể nói chuyện với hàng xóm, với người đồng sở. Câu chuyện thời tiết xong thì biết gì để nói ngoài chuyện football, baseball...? Nó cho mình cái cảm tưởng gần gũi người chung quanh, nói cái tiếng nói của họ, vui cái vui của họ, cảm cái cảm của họ.
Tôi thi được vào sở bưu điện và cuộc sống mỗi lúc một thăng hoa. Các con tôi mỗi ngày một lớn và tôi hãnh diện thấy chúng hoàn toàn là người Mỹ, từ cách ăn uống đến cách suy nghĩ.
Căn nhà chúng tôi mua ở khu khá, toàn Mỹ trắng, không rào dậu, cỏ xanh mát. Tôi đang hoàn thành giấc mơ ấp ủ từ lâu. Tôi ngửng cao mặt, hãnh tiến. Tôi thấy sao Việt Nam mình nhiều thói xấu thế. Ông hỏi, tôi không tiện trả lời nhưng ông cứ kiếm Người Trung Quốc Xấu Xí hay Tổ Quốc Ăn Năn đọc thì biết hết. Hồi đó tôi suy nghĩ như hai tác giả của những cuốn sách đó.
Cảm ơn ông hỏi về mấy đứa nhỏ. Chúng là Mỹ, là con Mỹ, sống đời sống của chúng. Đứa lớn có vợ Mễ sống ở Dallas, đứa con gái ở tận Chicago có hai con với đời chồng trước, nay đang ở với boyfriend.
Như ông đã rõ, vì cái Noel đầu tiên được ủy lạo, tôi đã nguyện đổi đời, cho đến một hôm mùa hè mấy năm trước. Trời hôm đó thật đẹp, tôi sắp xếp lại mấy cái thùng gỗ và một gói giấy lòi ra. Trong đó, tôi còn giữ được cái thẻ Quân Nhân.
Tôi bắc ghế ra cửa ngồi, cầm chai Bud với cái thẻ. Trông tôi hồi đó trẻ quá. Người hàng xóm lui cui cắt cỏ dơ tay hello. Tôi nhìn ông ta. Chúng tôi là hàng xóm nhưng chưa bước chân vào nhà nhau, chưa bao giờ vay mượn nhau cái gì. Có nói chuyện cũng là đứng ở đất nhà mình nói chõ sang.
Tôi chợt thấy mình xa lạ. Tôi chợt thấy mình không thể giống cái ông Mỹ to dềnh dàng lúc nào cũng “Isn’t it good.” Tôi chợt nhớ đến ông Đồng hàng xóm Việt Nam, khi nào tôi đi hành quân về phép cũng lôi tôi sang nhậu cho bằng được.
Tôi nhìn cái Thẻ Quân Nhân có ba sọc đỏ và nhớ ra lúc này đi đâu tôi phải dùng driver license. Hai cái đều là căn cước nhưng cái nào mới thực sự là căn cước của tôi?
Cuối tuần đó tôi lái xe lên đây, vào tiệm này ăn phở. Có dễ đến hơn chục năm tôi mới lại vừa ăn phở vừa nghe Lệ Thu hát Đêm Đông. Tôi nghe tiếng Việt lao xao quanh mình. Tôi thấy một ông ngồi bàn bên kia cầm cái tăm xỉa răng tỉnh queo. Tôi thấy một ông khác đứng lên không đẩy cái ghế lại chỗ cũ. Tôi nhìn thấy cái vệt nước mắm đọng muối trắng nơi cái vòi. Tôi không thấy chướng ông ạ. Thế mới lạ. Lúc về tôi lượm một lô báo biếu. Tôi đọc hết, kể cả những tin hội đoàn chia hai phe bôi tro trát trấu nhau, hoặc tin đang có một chính phủ lưu vong được thành lập ở Cali. Tôi đọc tuốt và tối đó tôi ngủ ngon.
Vâng. Nay tôi không uống được cà phê tan ngay mà phải cà phê phin đen nóng giống như ngày xưa uống cà phê của bà Thái Chi. Ồ, ông cũng uống ở đó à? Bà ấy vẫn còn sống? Ước gì giờ này được ngồi ở cái đẩu trong quán bé tí tẹo của bà Chi; nhâm nhi ly cà phê đen đặc quánh. Vâng, năm nay trời ấm quá, gần Noel rồi mà cứ như mùa Xuân. Ồ, tôi không dựng cây Noel từ mấy năm rồi. Ừ nhỉ, tại sao năm nay tôi lại không đi kiếm một cây thông về cho ấm cúng, cho nhớ lại cây thông đầu tiên trên đất Mỹ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét