Bài báo làm cho độc giả giật mình. Một tuần sau, lại xuất hiện một bài viết tiếp, lần này thì tác giả Vũ Linh không nêu câu hỏi nữa mà đòi hỏi: “Không nên cắt bỏ bất cứ câu nào trong “Bình Ngô Đại Cáo”.
Cả bài báo nêu câu hỏi có hay không có cái sự kiểm duyệt bỏ cũng như bài bảo vệ quyền tự do ngôn luận của cụ Nguyễn Trãi làm ta phải toát mồ hôi hột. Chẳng lẽ mà lại có chuyện giật gân đến thế sao?
Hoá ra là chuyện thật.
Thì ra cụ Nguyễn Trãi trong bài thiên cổ hùng văn được con cháu ca tụng gần 6 thế kỷ liên tiếp đã … mất lập trường nghiêm trọng. Vì vậy mà những đấng bậc cầm cân nẩy mực cho cách suy nghĩ của cả dân tộc phải cắt béng một câu mà không thèm nói cho ai biết, nếu không bị mấy tác giả kia nêu ra. Rành rành không phải lỗi của nhà in. Cái câu bị kiểm duyệt bỏ ấy nằm trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 (năm 1971), và cuốn “Khởi nghĩa Lam Sơn” (năm 1977), cùng một nhà xuất bản Khoa học xã hội (của Nhà nước) ấn hành.
Vậy cụ Nguyễn Trãi đã mất lập trường như thế nào mà bị các nhà cầm quyền văn hoá đối xử như với một anh tập tọng nghề cầm bút vậy?
Cái câu bị cắt đi là:
“Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tướng âm hựu, nhi trí nhiên dã”. Câu này được cụ Trần Trọng Kim dịch nghĩa như sau: “Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.”
Hoặc
“Là bởi anh linh của trời đất tổ tông có ngầm giúp đỡ mà được thế vậy.”
Theo lời dịch của Cao Huy Giu, được Đào Duy Anh hiệu đính, trong cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư (in ở miền Bắc năm 1977.
May cho cụ Nguyễn Trãi. Cụ không bị kiểm duyệt bỏ tràn lan, ở bất cứ nơi nào. Cụ chỉ bị kiểm duyệt bỏ bởi những nhà văn hoá mác-xít mà thôi! Và cũng chỉ ở những nơi mà bọn bồi bút dốc lòng nghe theo lời vàng chữ ngọc của các vị mà thôi. Cũng vẫn còn những người cứng đầu cứng cổ không chịu bỏ dù chỉ một chữ của tiền nhân. Cũng vẫn còn những người dám vạch cái tội phỉ báng của các vị ra, tuy bằng những lời lẽ cực kỳ nhã nhặn. Mà cũng chỉ tới năm nay họ mới dám khui ra. Âu cũng là một dấu hiệu của thời mới, khi các nhà cầm quyền văn hoá không còn được trang bị các thứ không mấy văn hoá như còng tay và dùi cui như trong thời cực thịnh của chế độ toàn trị. Vào thời ấy mà mất lập trường thì ôi thôi, không thể biết hậu quả sẽ là cái gì?
Một câu hỏi tất yếu được đặt ra: vì lẽ gì những vị cầm quyền văn hoá lại dám ngang nhiên làm tàng như vậy? Hai ông Nguyễn Trương Đàn và Trần Danh Lân, theo tác giả Vũ Linh, “đã phán đoán ý của các tác giả biên soạn cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 và cuốn Khởi nghĩa Lam Sơn (in tới lần thứ ba) nên ngại đưa ra câu văn (và quan điểm thể hiện trong đó) của Nguyễn Trãi sẽ làm mất giá trị của Bình Ngô Đại Cáo.” Ông Vũ Linh nhấn mạnh rằng dù các soạn giả có quan điểm đúng đắn đến thế nào đi nữa thì cũng không nên tự tiện cắt bỏ như vậy. Cùng lắm thì chỉ nên uốn nắn tư tưởng của tiền nhân bằng một lời bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét