"..Niên khóa 1964-65 tại Văn Khoa Sàigòn, trong lớp chứng chỉ Triết Học Trung Hoa, linh mục Bửu Dưỡng chỉ giảng dạy có một sách Đại Học của Tứ Thư (Đại Học- Trung Dung-Luận Ngữ- Mạnh Tử) mà thôi.
"Trước đó, tôi đã nghe nói linh mục Bửu Dưỡng chỉ chuyên dạy Luận Lý - Đạo Đức Học cả chục năm nay rồi, nhiều người đã khen ông dạy hay. Khi trực tiếp được học ông thì ngay từ đầu khóa, tôi đã thấy hệ thống suy tưởng của cá nhân mình có phần trục trặc với ông rồi: Câu đầu tiên của sách Đại Học là ‘ Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện’, tóm tắt một cách đơn giản nội dung của câu này có nghĩa là ‘ diễn trình của cái học- tập lớn là ở chỗ làm sáng cái đức sáng, giúp người dân luôn đổi mới- phát triển- và chỉ dừng ở chỗ làm cái gì cũng toàn thiện được cả ’. Ông cho biết rằng trong việc giải nghĩa câu này, xưa nay toàn bộ các thuyết đều đồng ý với nhau hầu hết nội dung ý nghĩa, duy chỉ có chữ ‘tân’( của đoạn ‘tại tân dân’ ) thì đa số các học giả (đầu tiên là Tăng Tử ?) cho rằng chữ này chính xưa viết là chữ ‘thân’ mà chữ ‘thân’ cổ đồng âm với chữ ‘tân’, và được giải thích là ‘ làm mới lại người dân’; hơn nữa, họ còn lý luận liên hệ với ý nghĩa của một câu khác ở đoạn dưới nữa, vẫn trong sách Đại Học: ‘ Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân’: ngày mới, mỗi ngày một mới, ngày lại mới. Câu này , theo tôi nghĩ, là kết quả của người quan sát thấy được lẽ biến dịch ở lãnh vực thời gian. Nhưng cũng có một số học giả khác( đáng chú ý hơn cả là Vương Dương Minh, học giả triều đại Nhà Minh) cho rằng chữ đó phải là ‘ thân’ (của đoạn ‘ tại thân dân’); thân đây là ‘làm thân’, tức là phải biết làm sao để thân cận được với người dân, rồi sau đó mới có thể ‘làm mới’ được người dân.
"Và suốt khóa học ấy, hễ cứ có cơ hội là tôi lại mở cuộc tranh luận với ông .
"Đầu tiên, các học giả xưa nay vẫn mặc nhiên công nhận rằng Tứ Thư- Ngũ Kinh là học thuyết do người xưa để lại, những câu những chữ trong đó là những nguyên lý mẫu mực toàn bích, hậu sinh chỉ còn mỗi một việc là cứ đào sâu nghĩa lý vàng ngọc trong ấy để noi theo mà thôi. Nhưng tôi cho rằng những kinh sách đó do Khổng Tử viết ra . "Chính ông cũng bảo là ông ta gom góp những kinh nghiệm của người xưa, rồi hệ thống lại mà thành( rút ý nghĩa ra từ những câu của Khổng Tử viết như ‘thuật nhi bất tác’, ‘ngô đạo nhất dĩ quán chi’..). Và ngay chính trong đời sống của ông, Khổng Tử cũng có thành đạt được gì đâu, ngoài công trình viết các kinh sách ấy để lại cho hậu thế!. "Xem thế, Tứ Thư -Ngũ Kinh không hẳn là vạch những nguyên tắc tuyệt hảo, nghĩa là những nguyên tắc sẽ có thể áp dụng hoàn toàn tuyệt đối đúng cho bất cứ cá nhân nào, tại bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào. Đó là chưa nói đến vấn đề ngôn ngữ mỗi dân tộc mỗi khác, ngữ nghĩa mỗi thời đại mỗi khác biệt nhau nữa.
"Do đó, sách Đại Học gồm những câu tóm tắt tinh túy tư tưởng, cách sống từ con người (đúc kết lại trước hết từ nội dung quán sát, sau đó được sắp xếp cho có lớp lang lại - tức hệ thống hóa- thành những nhận định, và cuối cùng thì phải được kinh qua thực nghiệm đã) của người xưa. Vậy, Đại Học có nghĩa là cái học lớn. Cái học lớn ở đây nôm na có nghĩa là ‘vấn đề học-tập chính của con người sống trong xã hội’: Học để hiểu biết rồi mà chưa thực hành nổi thì vẫn chưa phải là cái học lớn được. Sách Luận Ngữ có câu ‘Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ ’: Học hỏi mà có thời gian thực nghiệm được nữa thì còn gì vui bằng!
"Sau đó, tôi lý luận rằng câu mở đầu sách Đại Học này muốn trình bày một diễn trình học-tập qua ba giai đoạn có tính cách hỗ tương ảnh hưởng với nhau khi thực hiện, nhằm áp dụng cả cho từng cá nhân một và cho cá nhân thi thố trong xã hội nữa, mà căn bản cốt yếu vẫn phải phát xuất từ cá nhân là trước hết. Nếu đồng ý với lý luận trên thì chữ ‘thân’ ( ở đoạn ‘tại thân dân’) hợp lý hơn... Và đầu tiên,‘Minh đức’ phải được hiểu là gì đã. ‘Minh đức’ là cái đức vốn trong sáng của con người, nôm na có nghĩa là con người khi mới được sinh ra( thụ thai do kết hợp tinh hoa của cả cha lẫn mẹ và qua hành động tình dục của cả cha lẫn mẹ- gồm cả tinh-thần-thể chất của cha lẫn mẹ -, được nuôi dưỡng trung bình chín tháng mười ngày trong bụng mẹ, nói chung lại là kết tinh từ ‘dòng cha giống mẹ’, dương+âm một cách nhuần nhuyễn mới tạo thành đứa bé ra đời được) thì đã mang sẵn trong người cái căn bản sống, có thể gọi cách khác là ‘đức hiếu sinh’. Do đó, câu văn trên có thể giải dịch thành: ‘ Diễn trình học-tập (của con người) là luôn luôn làm sáng rõ lên cái đức vốn trong sáng của mình, luôn luôn thân cận ( để thấu hiểu và giúp) dân (tức là chính mình và người khác mình, được tiến bộ), và chỉ dừng khi nào làm trọn vẹn được như vậy thôi.’
"Trong khi đó, linh mục Bửu Dưỡng lúc nào cũng bầy tỏ thẳng thắn: Ông xưa nay vẫn coi nội dung của Tứ Thư-Ngũ Kinh là kim chỉ nam, nên hơi ‘khựng lại’ trước lập luận của tôi. Nhưng mặt khác, ông lại rất hài lòng với sự hăng say học tập của tôi. Ông chịu cách tôi gọi ‘ Đại Học chi Đạo’ là ‘diễn trình học-tập’. Ông đã liên tưởng để giảng giải thêm cho chúng tôi cùng nghe bằng cách nhắc lại câu của Khổng Tử là ‘Tri Hành thị nhất’ và câu của Vương Dương Minh sau đó cả trên dưới 20 thế kỷ là ‘Tri Hành hợp nhất’: Hai câu này cho thấy xã hội con người có phát triển thì dĩ nhiên hoàn cảnh xã hội sau phải phức tạp hơn hoàn cảnh xã hội trước đó; do đó, công việc ‘làm sáng rõ ra cái đức sáng’ cũng phải công phu hơn nhiều ở xã hội hiện diện sau; và người trí thức ở thời đại nào bắt buộc cũng phải hiểu rõ thời đại của mình; và nguyên tắc sống mỗi thời đại cũng phải biến đổi luôn cả cách thức diễn đạt mới, sao cho thích ứng đúng với nhu cầu của thời đại.
"Tuy nhiên, thủy chung ông vẫn chọn chữ ‘tân’ cho đoạn văn ‘tại tân dân’. Và trong khi tranh luận, ông nhắc đi nhắc lại một ý nhấn mạnh đại khái rằng làm người trí thức phải có trách nhiệm là luôn luôn tích cực phục vụ đúng mức cho lợi ích xã hội, mà nhân tố quan trọng nhất vẫn là sống gương mẫu bằng đời sống của chính mình. ..
"Theo ký ức, tôi chỉ nhớ lại được có bấy nhiêu. Rõ rệt nhất là bầu không khí tranh luận giữa thầy- trò xẩy ra thường xuyên như vậy, đôi khi cũng đỏ mặt tía tai với nhau , giọng nói cũng có khi gay gắt ... nhưng đến lúc tôi xong cái cử nhân giáo khoa, gặp lại thì chính linh mục Bửu Dưỡng ngỏ lời: Tôi lúc nào cũng sẵn sàng là ‘patron’ cho anh làm cao học đấy nhá"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét